An toàn của trẻ nhỏ là trách nhiệm người lớn

Bài bình luận của Đinh Yên Thảo
2021.12.29
An toàn của trẻ nhỏ là trách nhiệm người lớn Hình minh hoạ không liên quan đến nhân vật trong bài: trẻ em chơi đùa trên đường phố Hà Nội hôm 14/4/2021
AFP

Vụ một bé gái tám tuổi bị dì kế ngược đãi và hành hạ đến chết tại Sài Gòn là một câu chuyện buồn cuối năm. Dù vô số người bày tỏ sự phẫn nộ và quy trách nhiệm cho những người liên can trực tiếp hay gián tiếp rồi thì câu chuyện cũng đã xảy ra và sẽ bị quên lãng. Rồi lại xảy ra. Và lại bị quên lãng. Cái vòng luẩn quẩn và bế tắc như vô số vụ bạo hành trẻ em đã từng xảy ra tại Việt Nam trước đây. Nó không còn là tiếng chuông báo động vì cái chuông đã hỏng sau quá nhiều lần báo động như vậy.

Đọc lại 50 điều trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em của Việt Nam, mang số 25/2004/QH11 do Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An ký ngày 15 tháng 6 năm 2004, Bộ luật quả là "những quy định chung", khi hầu hết các quyền trẻ em, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ nhỏ dường như chỉ là một bản hướng dẫn thay là những điều luật cụ thể, rõ ràng. Chưa có hay chưa cụ thể thì hãy cải đổi hay học hỏi vì hầu hết các nước phát triển đều có những bộ luật rất chi tiết nêu rõ những điều cần làm, trách nhiệm và cả liên đới pháp luật với những người thực hiện, đồng lõa hay dung túng, không tường trình. 

Không chỉ cha mẹ hay người giám hộ mới có trách nhiệm bảo vệ con cái mà bất cứ ai trong xã hội cần có trách nhiệm này, bởi trong nhiều trường hợp thì thủ phạm chính là cha mẹ hay người thân trong gia đình. Nó cần những người chung quanh có trách nhiệm bắt buộc phải tường trình những dấu hiệu nghi ngờ các em bị ngược đãi, bạo hành hay sách nhiễu.

Hoa Kỳ có các đạo luật liên bang, tiểu bang và địa phương nhằm bảo vệ trẻ em tránh bị mọi sự sách nhiễu từ tinh thần, tâm lý cho đến thể chất và tình dục. Đạo luật Những Nạn Nhân của Sự Ngược Đãi Trẻ Em (Victims of Child Abuse Act) được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua năm 1974 và tái chỉnh đổi năm 1990 là một đạo luật bảo vệ trẻ em chính yếu tại Mỹ, có những chi tiết về quyền lợi trẻ em cùng trách nhiệm của người lớn như thế nào. 

Một trong những luật đáng lưu tâm là trách nhiệm tường trình các vụ bạo hành thân thể hay lạm dụng tình dục với trẻ em, không chỉ nằm trong đạo luật này mà còn ở trong hầu hết các luật tiểu bang. Theo điều khoản 42 U.S.C. 13031 trong bộ luật này, các chuyên viên trong các ngành nghề liên quan và tiếp xúc trẻ em như người giữ trẻ, các thầy cô giáo hay những bác sĩ gia đình, nha sĩ..., phải tường trình đến các cơ quan bảo vệ trẻ em và công lực khi nhận thấy có những dấu hiệu nghi ngờ là các em bị ngược đãi.

Các luật tiểu bang nghiêm ngặt và chi tiết hơn khi buộc những người trên 18 tuổi trú ngụ chung trong nhà cho đến những người trưởng thành khác phải tường trình các vụ bạo hành trẻ nhỏ nếu nghi ngờ hay thấy dấu hiệu. Các hình phạt có thể hoặc bị phạt tiền hay tù giam hoặc cả hai cho những ai biết mà không tường trình. Việc báo cáo này không cần chứng cứ hay sự thật, cũng như ai đã gây ra bởi vì đó sẽ là trách nhiệm của những cơ quan công lực liên quan. Tuy nhiên họ cũng sẽ chịu trách nhiệm pháp luật nếu bịa đặt hay khai gian. Như luật tại Florida (Failure to Report - Citation 39.205(1)-(4)), những người không báo cáo việc trẻ em bị bạo hành dẫn đến thương tật hay chết người có thể đến 5,000 đô la và năm năm tù. Hay có thể đến một triệu đô la nếu các trường học, đại học hay ban giám hiệu che giấu những vụ sách nhiễu mà thầy cô, nhân viên, sinh viên học sinh đã báo cáo lên.

Nếu chiếu theo các điều luật này với vụ bé gái bị hành hạ đến chết tại Việt Nam thì trách nhiệm pháp luật không chỉ với người dì kế trực tiếp gây ra cho em mà còn cả với người cha, với các thầy cô giáo trong trường học, những người láng giềng nếu từng nghe hay biết về vụ hành hạ cho đến các nhân viên, ban quản lý khu chung cư đã được các cư dân báo cáo nhưng làm ngơ.  

Nếu Việt Nam có một Quốc Hội trách nhiệm, xin hãy sửa luật cho rõ ràng. Nếu chính quyền thật sự quan tâm đến trẻ nhỏ, xin hãy giám sát, thành lập các cơ quan, tổ chức chuyên biệt nhằm bảo vệ trẻ em. Và nếu người dân là những công dân trách nhiệm, xin hãy góp tay để bảo vệ trẻ em thay vì chỉ đau buồn, thương xót hay phẫn nộ.

Đừng nói hay kêu gọi nữa mà hãy hành động, hãy thay đổi và hãy ngăn ngừa chuyện tái diễn. Sự an toàn của trẻ em là trách nhiệm chung của người trưởng thành và những người có trách nhiệm. Đừng để cái chết của bé gái tám tuổi tại Sài Gòn là cái chết của một xã hội thiếu vắng sự chặt chẽ của luật pháp và thiếu vắng những con người thật sự quan tâm và yêu thương trẻ em.  

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
29/12/2021 10:23

Đúng... đúng... rất đúng... rất chính xác !

Chính vì Luật pháp Hoa Kỳ, ở Hoa Kỳ, của Hoa Kỳ là Luật pháp của Nhân dân Hoa Kỳ, do Nhân Hoa Kỳ, vì Nhân dân Hoa Kỳ.

Nhưng Lụât pháp ở Việt Nam là Luật pháp của Đảng Việt Cộng Búa Liềm, do Đảng Búa Liềm Việt Cộng, vì Đảng Việt Cộng
Búa Liềm, độc đảng, đảng độc, độc tài... bất tài, bất lực, bất lương... độc quyền làm ra, độc quyền thi hành, độc quyên xét sử.

Đó không phải là Luật pháp Việt Nam, luật của Nhân dân Việt Nam, luật do Nhân dân Việt Nam, luật vì Nhân dân Việt Nam
và Nhân dân Việt Nam có toàn quyền tự do làm ra luật, tự do thi hành luật, tự do xét sử luật.