Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ (Phần 4: một câu chuyện buồn)

David Tran Hieu
2017.10.11
000_Hkg9744211_960.jpg Ảnh minh họa: Công nhân đường sắt đang bảo trì đường ray trên cây cầu Long Biên 100 tuổi ở Hà Nội.
AFP

Lời mở đầu:

Các bài đã đăng “Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng, công tác cán bộ”, Phần 1 về Nguyễn Đình Việt (thăng tiến Cục phó Cục Hàng hải khi không có bằng đại học), Phần 2 về Nguyễn Xuân Ảnh (thăng tiến thần tốc Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ), Phần 3 về Vũ Anh Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiêp, bê bối cổ phần hóa)... phần nào cho bạn đọc thấy được sự tùy tiện và hậu họa của công tác cán bộ mà Tư lệnh Đinh La Thăng để lại.

Phần 4 sau đây của chuyên đề “Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng, công tác cán bộ”sẽ đề cập đến một câu chuyện buồn ít năm trước. Con số 4, bản thân nó không có tội, nhưng tâm lý của người Á Đông muốn tránh nó vì gần với nghĩa của chữ “tử”trong âm Hán - Việt…

***

Khi ông Đinh La Thăng còn là Tư lệnh giao thông vận tải, ông ta đã nổi tiếng với nhiều phát ngôn ấn tượng và cũng rất thích “trảm tướng”, một số lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp trong ngành này đã tìm đủ mọi cách hoàn thành kế hoạch, dù là chỉ trên báo cáo, là hình thức …để giữ ghế của mình. Nhiều người bức xúc, trầm cảm do bị Đinh Tư lệnh mạt sát, nhiếc móc…

Theo dư luận, một trong những trường hợp có thể bị gây bức xúc, dẫn đến trầm cảm nặng nề là ông Nguyễn Hữu Thắng, cố Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam. Tuy vậy, đằng sau câu chuyện này còn nhiều uẩn khúc, đến này vẫn còn chưa có lời giải…

Theo các nguồn tin trên đài báo, chiều tối ngày 22/01/2015, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đã  được phát hiện chết bất thường tại phòng làm việc tại Cục Đường sắt Việt Nam. Tòa nhà của Cục này nằm ngay trong trụ sở Bộ Giao thông Vận tải. Mặc dù sáng hôm đó ông Thắng vẫn tham dự cuộc họp về xã hội hóa đường sắt do Tư lệnh Đinh La Thăng chủ trì  ( https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cu-c-truo-ng-duo-ng-sa-t-che-t-ta-i-pho-ng-lam-viec-3137709.html ).

Dư luận không khỏi đặt dấu hỏi, vì sao một con người hiền lành, tư cách tốt và có năng lực quản lý như ông Thắng lại có kết thúc đau buồn như vậy.

Ngược dòng thời gian, ngày 25/4/2014, ông Nguyễn Hữu Thắng đã bị Bộ trưởng Đinh La Thăng tạm đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Những phát ngôn của ông Thắng bị Tư lệnh Đinh La Thăng cho là không đúng và thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt, liên quan tới vấn đề làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án, báo cáo. Trước đó, liên quan tới việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng nói: "Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên" (https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuc-truong-duong-sat-bi-dinh-chi-vi-phat-ngon-thieu-trach-nhiem-2983260.html ).

Sau đó 04 tháng, ngày 28/8/2014,  Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định điều chuyển Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Thắng làm chủ đầu tư về Bộ GTVT để trực tiếp Bộ điều hành, triển khai công việc (https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/sieu-ban-quan-ly-du-an-duong-sat-cua-bo-giao-thong-3045959.html ).

Đau buồn từ việc bị Tư lệnh Đinh La Thăng tạm đình chỉ chức vụ, xong nặng nề hơn, dự án mà ông Nguyễn Hữu Thắng đang làm chủ đầu tư, chỉ trong nháy mắt đã bị chuyển về Bộ Giao thông Vận tải và giao ngay cho một đệ tử khác của Tư lệnh làm tiếp.

Quy trách nhiệm cho Cục trưởng Đường sắt chỉ là một cái cớ cho rằng tiến độ dự án chậm trễ, cần chuyển cho nơi khác làm mà một trong những mẹo mà Tư lệnh Đinh La Thăng vẫn hay dùng từ thời còn ở Sông Đà và Dầu khí (Dẫu rằng, đến nay dự án Đường sắt trên cao Cát Linh –Hà Đông, qua bao đời Tổng giám đốc Ban quản lý dự án, vẫn còn làm đau đầu Bộ Giao thông Vận tải, thử nghiệm vào tháng đầu tháng 10-2017 theo kế hoạch chưa thực hiện được, vốn đã lên hơn 1 tỷ USD, đội cao hơn 2 lần so với tổng dự toán ban đầu, bao câu hỏi về tính mỹ thuật của đoàn tàu, tính an toàn của phương tiện, vv và vv… chưa có câu trả lời thỏa đáng).

Quả là “Phúc bất trùng lai, hoa vô đơn chí”: điều xui xẻo không chỉ đến một lần, dự án bị chuyển đi đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt lúc đó lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, những khoản chi lớn của cá nhân đã từng bỏ ra để thu xếp cho dự án,  hy vọng một ngày huy hoàng dự án hoàn thành cũng là lúc có thể bù đắp chi phí cho bao tháng ngày gian nan, mong dành dụm chút ít cho tuổi già… thì nay đã tan thành mây khói.

Phải chăng bị Tư lệnh Đinh La Thăng mạt sát, nhiếc móc… nên Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng bức xúc, trầm cảm chỉ là một phần, mà góc khuất của nó, quanh đi quẩn lại, có lẽ vẫn không ngoài chữ “Kim Tiền” ?! miếng ăn đã bị cướp đi, đau đớn lại không thể sẻ chia, thôi thì phẩy tay mà tìm đến cái sự quên lãng…?!

Nguyên nhân thực sự của vụ này ư, có lẽ không cần tìm hiểu nữa ! Người trần mắt thịt chúng ta không biết, nhưng Trời biết, Đất biết, ông Nguyễn Hữu Thắng biết và Tư lệnh Đinh La Thăng cũng biết !

Câu chuyện buồn đã hơn hai năm trước, vẫn để lại trong nhiều người sự thương cảm với Cố Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng. Mong ông an nghỉ và những chuyện đã xảy ra với ông cũng hẳn như những hạt bụt trần gian mà thôi!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.