Cướp điện thoại và hộ chiếu- hành động côn đồ bất chấp pháp luật
2014.05.26
Nhân ngày tự do báo chí thế giới, tôi được bà dân biểu Loretta Sancher mờì sang Hoa kỳ dự buổi điều trần “ Hướng tới một nền báo chí độc lập cho Việt Nam “ tại Quốc hội Hoa kỳ. Trong những ngày ở Hoa kỳ, chúng tôi được gặp nhiều vị dân biểu phụ trách các vấn đề Ngân sách, Ngoại giao , thành viên trong phái đoàn đàm phán để Việt nam gia nhập tổ chức TPP…của Quốc hội. Chúng tôi cũng hân hạnh được tiếp kiến vị Phó thứ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ. Ở đâu, lúc nào chúng tôi cũng chỉ đề nghị chính phủ Hoa kỳ và các tổ chức Quốc tế giúp đỡ Việt Nam ( kể cả tinh thần và vật chất ). Vậy mà khi chúng tôi trở về Việt nam đã được nhà nước Việt Nam đã coi chúng tôi là phần tử phản động bắt tay với thế lực thù địch nước ngoài. Cá nhân tôi đã được an ninh sân bay Nội Bài sử sự như sau :
Tôi vừa bước chân ra khỏi máy bay đã được hai thanh niên áp sát và khống chế. Tất cả đám an ninh hơn 10 người tham gia bắt giữ tôi đều không mặc sắc phục công an. Đang ngó nhìn xem nơi nào là cổng an ninh, nơi nào là nơi đến nhận hành lý thì tôi bị một thanh niên với ngón nghề điêu luyện đã cướp Hộ chiếu của tôi. Thật ngỡ ngàng, tôi chưa kịp phản ứng gì thì một thanh niên khác xô tới cướp luôn điện thoại trong túi tôi. Vậy là tôi đã không có cơ may báo tin cho các con đang chờ tôi ngoài cổng sân bay…
Đám người khống chế tôi, bắt tôi đi theo họ vào mấy phòng ở tầng trệt rồi kéo tôi lên một phòng trên tầng 2. Tất cả các phòng tôi được họ lôi vào đều không ghi tên và cách kê đặt giường, bàn ghế thì có lẽ đây chỉ là nơi hỏi cung và tạm giam mà thôi. Tôi băn khoăn vì hành lý chưa đến nhận, họ nói rằng chúng tôi sẽ đến nhận cho …( ôi cảm động làm sao vì ½ số thuốc tây mang về cho cháu Ngoại đã bị mất tự bao giờ ! ). Rồi cuộc lấy cung cũng bắt đầu sau khi Hải quan vào kiểm tra hàng trong va li của tôi. Với tâm trạng bị mất tự do vì bị 10 thanh niên khoẻ mạnh khống chế nên tôi cũng đành trả lời theo câu hỏi của họ cho xong để sớm được thả ra về…Nào là ai mời, liên hệ với ai, gặp những ai, có gặp Việt Tân không, tên gì, nhận xét gì về họ ? Họ đã chủ động cho tôi nhận xét về Việt Tân. Tôi liền nói thẳng với họ rằng : những người tôi gặp đều là trí thức có trình độ, các cô gái rất xinh xắn và quan chức VN có người như ông Đỗ Hoàng Điềm thì phúc cho dân cho nước. Có lẽ vì câu này mà tôi đã bị họ trả thù bằng cách thu ( không biên bản ) một laptop, 1 ổ cứng nối ngoài của máy tính dung lượng 750Gb, 6 USB ( có 3 do cô Vân nhờ đem về tặng bạn tại VN ). Tất cả những thứ bị thu giữ đều đã qua sử dụng và bộ phận kỹ thuất đã kiểm tra và cho phép tôi bỏ vào va li, chỉ khi sắp lên xe về nhà tôi mới bị gọi lại để họ thu mấy thứ trên đây.
Cuộc lấy lời khai của tôi diễn ra từ 9:30PM ngày 20/5 cho đến 4:15 AM ngày 21/5 theo giờ Hà Nội. Người ta đã gọi công an Bắc Giang lên nhận và đưa tôi về tận nhà vào hồi 5:30 AM ngày 21/5. Từ hôm đó tới nay, tôi vẫn còn bị ốm nặng do ho nhiều, nhức đầu, đau người nên bỏ cả ăn. Nhưng tôi tuyệt nhiên không tiếc các thứ đã bị mất, bởi nó chỉ là thứ đồ cũ giá trị chưa đến 4,5 triệu VND. Song tôi cứ nghĩ mãi một điều : Xứ sở Thiên đường là như vậy ư ? Tôi không còn quyềt công dân nữa hay sao mà họ bắt giữ tôi như một tội phạm ? Tôi đã làm gì sai khi tôi sang Mỹ ? Kẻ nào đã cấp Hộ chiếu cho tôi đi mà nay lại vô cớ thu lại không một lời giải thích ? An ninh sân bay nghĩ gì khi dùng phần mềm chuyên dụng ( tin tặc ) để lôi thông tin trong máy tính của công dân ( mà máy tính đó đã qua 2 chủ sở hữu mới đến tôi ) !An ninh sân bay tự cho mình cái quyền bắt giữ tôi, không cho tôi đến nhận hàng, vậy số thuốc tây của tôi bị mất là do các tiếp viên người Hàn hay an ninh VN lấy ? Trò cướp điện thoại và hộ chiếu có nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép không ? Tôi chờ lời giải thích của an ninh sân bay Nội bài đó.
Cuộc sống phải tuân thủ pháp luật, sống phải có tình người. Mười thanh niên khoẻ mạnh khống chế một ông già , lấy đi tài sản của công dân mà không có biên nhận là hành vi của người làm chấp pháp sao ? Việc làm của an ninh với tôi trên đây có mang màu sắc hành sử theo kiểu côn đồ bất chấp pháp luật không ?