Alibaba và lời cảnh tỉnh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Bài bình luận của Nguyễn Cảnh Bằng
2021.08.17
Alibaba và lời cảnh tỉnh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam Ông Jack Ma phát biểu ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 23/1/2019
AFP

Ant Group bị “thanh trừng”

Năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã thành lập thị trường chứng khoán Ủy ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ (STAR) thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, qua đó cho phép các công ty khoa học và công nghệ trong nước phù hợp với các chiến lược quốc gia theo từng lĩnh vực được đặc cách phê chuẩn của chính phủ, huy động vốn và niêm yết trên phạm vi quốc tế. Việc thành lập STAR hứa hẹn giúp nới lỏng các yêu cầu về lợi nhuận và giá cả dựa trên việc đăng ký và công bố thông tin phù hợp với các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Theo kế hoạch, lẽ ra công ty Ant Group của Alibaba đã được đồng loạt niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải thông qua STAR vào ngày 5/11/2020. Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước buổi phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), chính phủ Trung Quốc đã đột ngột dừng việc ra mắt cổ phiếu có tổng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, sau khi tiến hành giám sát theo quy định đối với nền tảng ngân hàng và quản lý tài sản trực tuyến này.

Những ẩn ý chính trị đằng sau

Jack Ma (Mã Vân), người sáng lập tập đoàn Alibaba, đã tổng kết mối quan hệ tế nhị với chính phủ là “luôn yêu thương, nhưng không bao giờ kết hôn”. Vương Kiện Lâm, người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Wanda Đại Liên của Trung Quốc, cho rằng trạng thái thoải mái nhất trong mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp là “gần gũi với chính phủ, tránh xa chính trị”. Hàm ý của họ cũng gần giống nhau, đó là ở Trung Quốc, muốn doanh nghiệp của mình phát triển, thì phải phát triển mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ. Tuy nhiên, mặc dù Mã Vân, Vương Kiện Lâm nhấn mạnh việc phải thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ, nhưng họ vẫn bị nghi ngờ và bị “trừng phạt”.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi thái độ đột ngột của Bắc Kinh với tỷ phú Jack Ma, giới quan sát cho rằng ông chủ Alibaba, người đang nắm giữ gần 1/3 vốn của Ant Group, đã “coi trời bằng vung” và cho mình cái quyền chỉ trích chế độ. Phát biểu tại một diễn đàn các doanh nhân ở Thượng Hải hôm 24/10/2020, Jack Ma đã công khai kêu gọi cải tổ hệ thống tài chính”, mở rộng các dịch vụ thanh toán tiền tệ qua mạng Internet. Chưa hết, ông ta còn cho rằng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc ngày nay vẫn hoạt động như “các tiệm cầm đồ” và do vậy đã đến lúc cần kiến tạo một hệ thống tài chính cho các thế hệ tương lai”.

Qua việc chặn đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên của Ant Group, Bắc Kinh cùng lúc bắn đi hai tín hiệu. Một là để chứng minh Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nắm giữ mọi quyền sinh sát trong tay, kể cả với "những con chim đầu đàn" trong lĩnh vực công nghệ cao. Hai là trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc liệu có cần đến tư bản nước ngoài và lĩnh vực tư nhân để khởi động lại cỗ máy kinh tế sau đại dịch COVID-19? Đó là điều còn mập mờ một khi Tập Cận Bình tuyên chiến với Jack Ma. 

AP18352234220925.jpg
Jack Ma (trái) và Pony Ma - Chủ tịch và CEO của Tencent, tại một hội nghị kỷ niệm 40 năm chính sách mở cửa và đổi mới của Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 18/12/2018. AP

Một số người khác thì giải thích Jack Ma là người của chế độ cũ”. Những người chủ trương cởi trói về tài chính cho tư nhân như Jack Ma đã từng gắn bó với cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Cũng nhờ có điểm tựa này mà ông chủ Alibaba đã dễ dàng thành lập Ant Group. Ngoài ra, ngay từ trước khi Alibaba ra mắt công chúng tại New York vào năm 2014, báo chí đã đưa tin rằng Giang Chí Thành- cháu nội của Giang Trạch Dân, Lý Bách Đàn- con rể của Giả Khánh Lâm và Trần Nguyên- con trai của Trần Vân, cùng Hạ Cẩm Lôi- con trai của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Hạ Quốc Cường, và Ôn Vân Tùng- con trai cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo… đều có cổ phần ở Alibaba. Chính nhóm người này chính là nguồn hậu thuẫn của Jack Ma, khiến Jack Ma “tấn công” vào đường lối bảo thủ của Tập Cận Bình.

Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với Tập Cận Bình. Đặc biệt trong bối cảnh Đại hội Đảng XX, với những sự tấn công vào Tập Cận Bình. Cho nên Tập Cận Bình đã ra tay. Rốt cuộc, Jack Ma chỉ có hai lối thoát: Hoặc chấp nhận luật chơi do Bắc Kinh áp đặt, có nghĩa là tập đoàn tài chính trên mạng này phải chịu thua lỗ nặng; hoặc chọn giải pháp thứ hai là đồng ý phát hành cổ phiếu, nhưng ở mức "cò con" chứ không phải hàng chục tỷ USD như dự án lần này, kèm theo đó là chấp nhận cho tất cả các tập đoàn dưới quyền Jack Ma chia sẻ big data, những thông tin cá nhân của khách hàng của các đối tác… với chính quyền, qua đó chính phủ có thể giám sát mọi mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới.

Câu chuyện của Ant Group đã cho thấy chính trị chi phối và tác động thế nào đến các doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả là nó cho thấy, trong mô hình tư bản Trung Quốc, Đảng Cộng sản vẫn nắm giữ mọi quyền sinh sát, ngay cả với những tập đoàn được xem là "tủ kính" của một nền kinh tế hiện đại như Alibaba.

Lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt Nam

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mô hình tư bản Trung Quốc ở Đông Nam Á. Quá trình “Đổi mới” ở Việt Nam từ năm 1986 cũng có phần chịu ảnh hưởng từ “Cải cách và mở cửa” của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình. Cho đến hiện nay, mô hình “Nhà nước tư bản thân hữu” ở Việt Nam cũng không khác nhiều về bản chất so với “Nhà nước tư bản thân hữu” ở Trung Quốc.

Từ những năm 2000 trở đi, các tập đoàn tư nhân đã ngày càng xuất hiện nhiều trên thương trường, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này hoặc là sân sau, hoặc là chịu sự “bảo kê” của các quan chức cao cấp.

Các vụ án gần đây như vụ Vũ “Nhôm”, với liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Ngân hàng Đông Á cùng nhiều quan chức Đà Nẵng và Bộ Công an, đã hé lộ một phần các quan hệ chằng chịt, kiểu “mafia” như vậy. Hay vụ án của ông Nguyễn Đức Chung - Người đã từng giữ chức Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Chủ tịch Thành phố Hà Nội. Gần đây, báo chí Việt Nam đồng loạt mổ xẻ các tin tức phơi bày việc ông Chung can thiệp và thao túng các công ty, nhằm đạt được những lợi ích cá nhân ra sao.

Trong các doanh nghiệp tư nhân thành đạt ở Việt Nam hiện nay, điển hình phải kể đến Vingroup với doanh nhân Phạm Nhật Vượng - người được xếp là giàu nhất Việt Nam với tài sản lên tới hàng tỉ USD.

phamnhatvuong22.jpeg
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và một công trình chung cư của tập đoàn Vingroup ở Hà Nội. RFA edit

Vingroup đang có kế hoạch IPO tại Mỹ. Các doanh nghiệp trực thuộc Vingroup hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có lĩnh vực bất động sản là có lãi, còn tất cả vẫn thua lỗ.

Nhiều người hy vọng sự phát triển của Vingroup sẽ dẫn tới những sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Và cũng có người mong đợi rằng với đội ngũ doanh nhân phát triển như vậy sẽ dẫn đến những đổi thay về chính trị, như nó đã từng xảy ra trên thế giới.

Những gì Trung Quốc đã trải qua hôm nay, thì Việt Nam cũng sẽ gặp vào ngày mai. Do đó, câu chuyện của Ant Group và Alibaba cũng sẽ là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải trong tương lai. Khi đó, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp đều phải phụ thuộc vào mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam, hay nói cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam phải phục vụ theo yêu cầu của Đảng Cộng sản thì mới có thể tồn tại được. Nếu không, nó sẽ như số phận của Alibaba và doanh nhân Jack Ma.

Vì thế, cũng khó mà mong đợi những sự phát triển về môi trường kinh tế sẽ dẫn đến những đổi thay về chính trị ở Việt Nam được.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
18/08/2021 04:05

Tôi rất hoan nghênh ý kiến của tác giả đã viết lên bài báo này hy vọng đến độc giả đọc và ủng hộ quan điểm của tác giả. Riêng tôi quan điểm của tôi có một chút hơi khác tác giả về từ ngữ sử dụng, tôi dùng từ " chiến dịch cướp bóc" để mô tả những gì mà Cộng sản TQ và Cộng sản VN nhằm tới giới Doanh nghiệp và Nhân dân của hai quốc gia này. Trước hết tôi muốn nói CSTQ và CSVN giành chính quyền đều từ cướp mà ra, CSTQ cướp quyền lãnh đạo của Trung Hoa Dân Quốc do ông Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, CSVN cướp chính quyền từ một Chính phủ của ông Trần Trọng Kim là Thủ tướng. Sau này, riêng VN thì CSVN cưỡng chiếm miền Nam bằng cuộc CM bạo lực dưới danh nghĩa "Giải phóng miền Nam dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ".
Tại sao tôi đặt vấn đề "Chiến dịch cướp bóc" mà CSTQ và CSVN đã và đang tiến hành ở hai quốc gia đồng ý thức hệ, bởi lẽ :
* Tiêu diệt những kẻ đồng Đảng nhưng không phải là đồng bọn :
- TQ mà Tập Cận Bình dưới chiêu bài " Đả hổ diệt ruồi" đã tiêu diệt nhiều kẻ như : Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang...
- VN Đảng dưới chiêu bài " Lò chống tham nhũng" bản chất như " Đả hổ diệt ruồi" đã cho vào lò những : Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, và biết bao tướng quân đội, công an.....
* Cướp bóc tài sản của những kẻ bị ngã ngựa mà những tài sản đó đều là bất minh " Tước đoạt của những kẻ đi tước đoạt" như lời của ông Mác Râu xồm viết trong cuốn Tư bản luận.
* Quốc hữu hóa những tài sản là động sản và bất động sản của những kẻ bị ngã ngựa nếu họ có hình thành pháp nhân sân sau để tẩy rửa tiền bẩn. Mục đích là dựa vào những cái gì có sẵn để hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải đầu tư gì từ đầu.
Khi đã cướp bóc những kẻ đồng Đảng mà không phải đồng bọn, những kẻ CSTQ và CSVN tiếp tục quay ra cướp bóc các doanh nghiệp tư nhân và người dân trong quốc gia mình, cụ thể :
- CSTQ làm thịt đầu tiên là một tỷ phú bất động sản thuộc thế hệ "Hoàng tử đỏ", rất nhiều tỷ phú ở Hồng Kông, điển hình là tỷ phú Quách Văn Quý phải đào thoát sang Mỹ, tỷ phú JacMa chỉ mới sau này nhưng đã phải bỏ lại công ty sang Singapo sinh sống, công ty bị quốc hữu hóa, tài sản cá nhân bị phong tỏa hoàn toàn. JacMa giữ được bản mạng là tốt lắm rồi.
- CSVN làm thịt đầu tiên là ông Tăng Minh Phụng nhưng hệ quả của nó để lại cực kỳ xấu xa. Cho nên CSVN bây giờ chúng làm thịt từ từ các con mồi và nghe ngóng, phát đạn đầu tiên là dành cho Thản điếu cày tiếp đến anh em nhà Vượng Vin (chỉ đánh ngoài rìa) và nhiều các đại gia bất động sản khác. Nhưng đây chỉ là động thái ban đầu thôi, khi xẻ thịt chắc dữ dội hơn nhiều, bài báo mà tác giả đăng là lời cảnh tỉnh đó.
* Màn cướp bóc dành cho người dân : Màn cướp bóc này thể hiện rất rõ qua các sắc thuế, phí và lệ phí áp lên người dân cả hai quốc gia CSTQ và CSVN nó diễn ra hàng ngày hàng giờ mọi người đọc và chiêm nghiệm với thực tế.
Trên đây là quan điểm cá nhân tôi về từ ngữ của bài viết, mong sự phản hồi của tác giả bài viết.