Hoan hô Ban dân nguyện, đi xem chung kết nhớ vỗ tay luôn luôn
2018.12.14
Đúng là nước mình không thiếu chuyện vui và cảm động. Chỉ vài chục tiếng trước giờ trái bóng lăn trên sân Mỹ Đình trong trận chung kết Việt Nam-Mã Lai, thì người dân lại được một phen chứng kiến sự tận tụy của Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoan hô Ban Dân nguyện. Các anh chớ tủi thân. Vì dân mạng chưa đánh giá được tinh thần vì dân vì nước sâu xa của chúng mình, nên mới mắng các anh xơi xơi suốt ngày hôm qua như thế.
Vì đúng như bác Đỗ Văn Đương - Ban phó, trả lời báo chí, đi làm cả một tuần đã mệt chết đi rồi, thứ bảy được nghỉ ngơi chút đỉnh, lại còn phải đi xem bóng đá nữa nào có sung sướng gì. Đây chúng mình đi là công việc “dân vận, dân nguyện” đấy chứ. Vì dân, vì nước, vì nền bóng đá. Chứ việc công bề bề ra đấy, nào có ngơi tay để được giải trí tí nào đâu.
Vì đúng như bác Đỗ Văn Đương - Ban phó, trả lời báo chí, đi làm cả một tuần đã mệt chết đi rồi, thứ bảy được nghỉ ngơi chút đỉnh, lại còn phải đi xem bóng đá nữa nào có sung sướng gì. Đây chúng mình đi là công việc “dân vận, dân nguyện” đấy chứ
Đây nhá, theo Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13 ngày 17/3-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Ban dân nguyện, thì Ban có đến 9 nhiệm vụ quan trọng. Tóm tắt như sau:
-Tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu.
-Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
-Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri,
-Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật.
Mà các anh chị biết trong năm qua, những việc cử tri khiếu nại, tố cáo, phản ánh là bao nhiêu không?
Mới cuối tháng 10-2018 vừa rồi, tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội kỳ họp thứ 6 thì đã có đến hơn 2.000 ý kiến liên quan đến hoạt động Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Cụ thể là kiến nghị giảm văn bản hướng dẫn trái với nội dung của luật, không đúng thẩm quyền, gây khó khăn cho đời sống người dân. Giám sát quản lý đất đai, công sản. Tiến độ thực hiện và chất lượng công trình, dự án do Nhà nước đầu tư, nhất là dự án giao thông, đường cao tốc. Xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa, lãng phí sách giáo khoa, sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chất lượng, hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở. An toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Lạm lạm thu đầu năm học, bạo hành trẻ mầm non. Khu đô thị Thủ Thiêm. Thủ tục hành chính rườm rà, công chức hách dịch cửa quyền (có thủ tục hành chính người dân phải mất hàng trăm giờ, hàng chục triệu đồng mới làm xong). Việc cắt giảm thủ tục hành chính còn hình thức, chạy theo số lượng.
Trước thời điểm này tròn một năm, vào cuối năm 2017, bà Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói rõ: “Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng dân phải lót tay để giải quyết công việc còn phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng".
Báo chí Việt Nam dẫn nguồn Đánh giá của PAPI 2016 cho thấy, tỷ lệ người dân nói họ phải “lót tay” công chức để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng. Khoảng 54% số người dân nói phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước (năm 2011 tỷ lệ này là 46%, năm 2015 là 51%).
Riêng vụ Thủ Thiêm, mới hôm cuối tháng 5 đây thôi bà Trưởng Ban Dân nguyện còn nói bà “rất xót xa” vì “cử tri với đại biểu vốn không có khoảng cách, “vậy mà cử tri đã chờ đợi rất lâu để những giọt nước mắt ấy đến được với những đại biểu Quốc hội”.
Đấy, công việc nặng nề và đầy xót xa như thế mà phải bỏ cả tối thứ bảy để đi dân nguyện bóng đá. Tinh thần này cần biểu dương, thưa các quần chúng.
Mà làm việc công thì tất nhiên ngân sách nhà nước phải bỏ ra.
Điều 5 Nghị quyết thượng dẫn quy định: “Kinh phí hoạt động của Ban dân nguyện là một khoản trong kinh phí hoạt động của Quốc hội.” Rất minh bạch. Các quần chúng thiếu hiểu biết nên nghĩ xem, nếu anh em bỏ tiền túi ra mua thì cớ gì phải soạn công văn nhà nước? Chính vì đây là hoạt động công vụ của Ban, nên mới cần phải đánh công văn chính thức, gửi cả Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và lưu cả hành chính như thế.
(Chứ) làm cán bộ mà phải xếp hàng hay thức đêm chầu chực mua vé như dân thường thì kém thu hút quá. Thế thì ai còn muốn phấn đấu làm cán bộ làm gì!
Cuối cùng, tôi cũng rất phiền lòng với việc báo chí thắc mắc tại sao cả Ban khoảng 40 người mà công văn xin mua đến 200 vé. Thắc mắc đấy chứng tỏ các anh không hiểu gì về cơ chế “xin cho”, “cấp phát” cả. Đã cất công xin thì phải xin nhiều, xin tọa lọa ra, để các anh trên còn nâng lên đặt xuống, tính toán, cân đối, phân chia... (Chứ các anh nghĩ) chỉ có mỗi mình Ban Dân nguyện đánh công văn xin mua vé hay sao?
Tre
Chú thích
http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=37671
https://vnexpress.net/thoi-su/nhieu-vu-an-tham-nhung-duoc-phat-hien-do-mau-thuan-noi-bo-3671200.html
https://tuoitre.vn/nuoc-mat-cu-tri-thu-thiem-lam-toi-xot-xa-201805301141...
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do