Cơ hội không được bỏ lỡ
2023.04.22
Các chuyến thăm dồn dập
Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Blinken là một sự kiện gây xôn xao dư luận. Chuyến thăm này thể hiện quan hệ Việt - Mỹ đang có những bước chuyển mình đáng ngạc nhiên. Không chỉ có chuyến thăm của ông Blinken mà là hàng loạt các quan chức cao cấp Mỹ cũng nối tiếp nhau sang thăm Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 2/2023 là Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, tháng 3/2023 là đoàn nghị sĩ Mỹ, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Jeff Merkley đều tới thăm Việt Nam. Ngoài ra, cách đây không lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden cũng có cuộc điện đàm. Sau chuyến đi của Blinken là chuyến thăm của Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ.
Các chuyến viếng thăm của các phái đoàn Mỹ đến Việt Nam liên tiếp như vậy cho thấy thứ nhất là vị thế quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và thứ hai là Mỹ rất quan tâm và mong muốn thúc đẩy quan hệ về mọi mặt đối với Việt Nam.
Vì sao Mỹ chú ý tới Việt Nam
Ngoại trưởng Blinken đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở Đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội ngày 15/4. Công trình này trị giá 1,2 tỷ USD, và có thể nói đây là trụ sở cơ quan ngoại giao của Mỹ lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Việc xây dựng một cơ quan ngoại giao lớn như vậy cũng có ý nghĩa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Mỹ đối với vai trò tích cực và sự phát triển ấn tượng của Việt Nam.
Việt Nam có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á mà Mỹ muốn tranh thủ trong cuộc cạnh tranh quyết liệt Mỹ - Trung.
Thứ nhất, Việt Nam là bên tham gia trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông, nơi đang là đấu trường để Mỹ thể hiện sức mạnh trước sự lôi kéo các nước ASEAN của Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam cũng có vai trò và mong muốn ổn định khu vực Mekong, mà Trung Quốc cũng đang bành trướng ảnh hưởng ở đây.
Thứ ba, với vị thế chính trị ngày càng cao, cùng với sự ổn định, nhất quán về chính sách đối ngoại, vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN là rất quan trọng. Trong chiến lược Ấn Độ Dương - TBD, Mỹ coi ASEAN ở vị trí trung tâm của chiến lược này. Chính vì vậy, việc Mỹ tập trung vào Hà Nội cho thấy Mỹ coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ra sao, đồng thời Mỹ cũng muốn thể hiện cho Trung Quốc thấy mục tiêu và cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trở ngại cho việc nâng cấp quan hệ
Đã từ lâu, Mỹ luôn có ý định nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên một mức độ cao hơn. Trong suốt những năm vừa qua, Mỹ luôn đề cập chuyện nâng cấp quan hệ. Tuy nhiên, tín hiệu từ phía Việt Nam cho thấy quốc gia này vẫn đang ngập ngừng trước việc nâng cấp quan hệ này.
Việc nâng cấp quan hệ giữa hai bên đã được nhắc tới từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được vì các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Việt Nam vẫn lo ngại Mỹ đứng đằng sau các tổ chức phản động bên ngoài, hoạt động nhằm chống phá nhà nước Việt Nam, trong cái gọi là “cách mạng màu”.
Thứ hai, nhiều cựu binh và người dân bị mất mát, đau thương nhiều trong chiến tranh Việt nam nên vẫn còn thái độ ghét Mỹ, không tin các biện pháp thúc đẩy quan hệ từ phía Mỹ. Thái độ thù địch với Mỹ của nhiều người dân Việt Nam trong chiến tranh Ukraine đã thể hiện vấn đề này.
Thứ ba, quan trọng nhất trong các cản trở việc thúc đẩy quan hệ Việt- Mỹ, chính là sức ép từ Trung Quốc. Với vị trí là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, mục tiêu của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhưng không được làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới đang biến động theo hướng hỗn loạn từ khi cuộc chiến Ukraine xảy ra tới nay.
Đối với cách mạng màu, Ngoại trưởng Blinken cùng nhiều giới chức Mỹ luôn nhắc lại là họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam (1). Vì lợi ích và sự phát triển của đất nước, người dân Việt Nam có thể bỏ qua những đau thương, mất mát để cùng nhân dân Mỹ kiến tạo hoà bình, tạo dựng thịnh vượng. Vì vậy, trở ngại lớn nhất cho việc nâng cấp quan hệ lần này chính là sự đe doạ đến từ Trung Quốc.
Thời điểm tốt nhất cho việc nâng cấp quan hệ
Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới sẽ có nhiều lợi ích cho Việt Nam. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới nên làm ăn với Mỹ, Việt Nam có nhiều thuận lợi, cụ thể là năm ngoái quốc gia này đã xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ giá trị hơn 100 tỷ USD. Mỹ cũng là quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến vào loại bậc nhất trên thế giới. Việc Mỹ đưa ra Đạo luật Chip năm ngoái, cũng là cơ hội để Việt Nam có thể đón đầu các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực này, thúc đẩy thị trường của chúng ta sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như chip và chất bán dẫn… Mỹ cũng có vai trò chính trị hàng đầu trên trường quốc tế. Vì vậy, phát triển quan hệ với Mỹ, Việt Nam có nhiều lợi thế để thúc đẩy vị thế của mình trong các vấn đề quốc tế. Trong vấn đề quốc phòng, trước sự suy yếu sức mạnh của Nga, cùng với việc phương Tây bao vây cấm vận Nga, chủ trương của Việt nam là đa dạng hoá các nguồn cung cấp vũ khí mà Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các vũ khí công nghệ cao. Ngoài ra, nguồn vũ khí của Israel, Hàn Quốc mà Việt Nam đang mua, cũng phải có sự đồng ý của Mỹ thì các quốc gia này mới bán được cho Việt Nam.
Nâng cao quan hệ với Mỹ, Việt Nam cũng có điều kiện để tăng cường sức mạnh cho lực lượng Cảnh sát biển để có thể chống lại “chiến thuật vùng xám của Trung Quốc tại Biển Đông.” Theo quan sát từ các học giả Mỹ, quan hệ Việt - Mỹ bắt đầu tăng tốc sau năm 2014, khi Trung Quốc thực hiện việc hạ đặt gian khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (2).
Nhờ có vai trò đối trọng của Mỹ, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng có được sự cân bằng hơn. Đặc biệt, với sức mạnh trên biển của Mỹ, đã góp phần kiềm chế bớt các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm nay chính là thời điểm thuận lợi nhất để cả hai bên có thể thực hiện việc nâng cấp quan hệ hai bên lên tầm Đối tác chiến lược. Bối cảnh chính trị nội bộ Mỹ và thế giới đang rất thuận lợi cho việc nâng cấp. Đảng Dân chủ có chính sách lôi kéo các đồng minh và đối tác cho nên Mỹ đang rất muốn nâng cấp quan hệ như một thắng lợi ngoại giao của họ. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc đang trong giai đoạn thuận lợi. Trung Quốc đang có những khó khăn về kinh tế, trong bối cảnh bị Mỹ tìm cách cô lập, cùng với căng thẳng ở eo biển Đài Loan đang dâng cao. Chính vì vậy, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các quốc gia ASEAN cũng đang có những thay đổi nhất định. Chuyến đi Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái đã tạo cho mối quan hệ Việt - Trung có những bước ổn định lớn. Chính vì vậy, khả năng Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ lại trước việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ khó xảy ra. Chưa kể, xét tới tình hình quốc tế hiện nay, có thể nói ngay cả khi Trung Quốc thể hiện sức mạnh trước Mỹ, thì họ cũng sẽ không thể sử dụng biện pháp cứng rắn nào đối với các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), vì rất nhiều quốc gia ASEAN đang thể hiện sự lo ngại và nghi ngờ với Trung Quốc vì các hành động gây hấn trên Biển Đông.
Việt Nam đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy quan hệ với Mỹ, và điều đó đã cản trở sự phát triển của dân tộc và đất nước. Vì vậy, cơ hội nâng cấp quan hệ hai nước lúc này, đất nước Việt Nam không thể bỏ lỡ.
__________
Tham khảo:
1. https://vneconomy.vn/ngoai-truong-antony-blinken-my-ung-ho-mot-viet-nam-manh-doc-lap-tu-cuong-va-thinh-vuong.htm
2. https://www.rand.org/pubs/external_publications/EP68625.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.