Tưởng niệm em bé tử nạn vụ Gateway: “Đừng biến trường học của con tôi thành nghĩa trang”

Sáng ngày 09/8/2019, một nhóm phụ huynh có con đang học nhiều trường khác nhau đã tự mang hoa, nến và ảnh của em bé tử nạn trong xe đưa đón của trường Gateway (Hà Nội) đến đặt ngay ở cổng trường rồi cùng nhau đứng phía trước cúi đầu.

Vài người trong nhóm tổ chức buổi tưởng niệm cho biết đây là hành vi văn minh theo chuẩn Tây, nhằm để nhắc nhở vụ việc, dạy các cháu bé biết quý trọng cuộc sống, biết thương xót người bạn đã mất và để vụ việc không bị quên lãng. Hãy để ánh mắt của cháu bé nhắc nhở chúng ta đừng vô cảm-họ nói.

“Tại sao phải xin phép gia đình? Chúng ta đều muốn được đi Tây, ở lại bên Tây, cho con học trường quốc tế là cũng để mơ giống Tây. Cho nên đừng có những e ngại rất “Ta” như thế nữa-một người giải thích việc lấy tấm ảnh cháu bé đặt ở cổng trường làm lễ tưởng niệm. Quan điểm này được một số người đồng tình và bênh vực.

Trong tấm ảnh phóng to, gương mặt cháu bé chiếm toàn bộ khuôn hình, nhìn thẳng và rất rõ mặt.

“Chuẩn Tây”, “văn minh phương Tây”… được nhắc đi nhắc lại để làm cơ sở tư duy cho buổi lễ tự phát này.

Sự khủng bố tinh thần

Tôi muốn tin rằng việc làm của nhóm phụ huynh kể trên là sự xót xa và chân thành muốn chia sẻ đau thương với gia đình cháu bé. Nhưng cảm xúc đôi khi không đi cùng với lý trí, một hành động xuất phát từ nguyên nhân tốt chưa hẳn mang lại kết quả tốt. Ở đây, với một số phụ huynh khác có con đang theo học trường Gateway, việc làm trên không khác gì sự khủng bố tinh thần với các em bé.

Buổi sáng mà nhóm phụ huynh “chuẩn Tây” làm lễ tưởng niệm là thứ sáu, ngày đi học bình thường của học sinh trong trường. Cho nên họ chọn vị trí làm lễ ngay tại cổng trường, mục đích để nhiều học sinh nhìn thấy và nhớ lấy và đau xót…v.v. Say sưa với mục đích tốt, nhóm phụ huynh người lớn đã không hề đo lường đến hiệu quả tiếp nhận của những em bé mới sáu, bảy tuổi.

Là vì trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Việc dạy dỗ trẻ em cần lý trí của các nhà chuyên môn hơn rất nhiều những cảm xúc máu nóng trào dâng của những người khác, kể cả của chính cha mẹ chúng. Tâm lý học đường là một trong những phương pháp đó.

Trong một phát biểu trên báo chí, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, khoa Tâm lý giáo dục (ĐHSP Hà Nội) nói: “Trong tư vấn tâm lý học đường, một trong những kỹ năng thiết yếu cơ bản không thể thiếu là kỹ năng lắng nghe tích cực (để thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của học sinh), kỹ năng chủ động tìm hiểu vấn đề (để biết những nhân tố liên quan, những yếu tố tác động gây khó khăn tâm lý cho học sinh hoặc cản trở hoạt động trợ giúp các em); kỹ năng tìm hiểu hoàn cảnh, đặc điểm tâm lý chung, kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp”.

Tổ chức lễ tưởng niệm và nhắc nhở học sinh biết tự bảo vệ bản thân là đúng. Nhưng nên làm như thế nào? Tôi cho rằng trước khi tổ chức tưởng niệm bạn học, toàn thể học sinh trường Gateway cần được chuyên gia tư vấn tâm lý, lắng nghe cảm xúc, tinh thần và mong muốn của các em. Các em đã tiếp nhận thông tin gì từ vụ việc đau lòng vừa rồi, tiếp nhận theo chiều hướng nào? Các em đang nghĩ gì? Các em có hiểu về hoạt động tưởng niệm không? Các em có muốn tổ chức một hoạt động tưởng niệm bạn học hay không? Nếu có, buổi tưởng niệm đó sẽ gồm những hoạt động gì? Diễn ra ở đâu? Vào thời điểm nào? Có cần cha mẹ ở cạnh hay không? … Đó là những câu hỏi cơ bản mà lẽ ra nhóm phụ huynh kể trong đầu bài phải hiểu rõ và thấu suốt trước khi tiến hành bất cứ hoạt động tưởng niệm nào nhắm đến đối tượng tiếp nhận là các em.

Một khi chưa xác định được mong muốn của các em thì sẽ không xác định được lợi ích hàng đầu của các em trong lúc này. Khi đó, việc người lớn tổ chức ra những lễ tưởng niệm ngay trước cổng trường nhằm thu hút quan tâm của công chúng dễ dẫn đến áp đặt, thiếu tế nhị và không phù hợp. Mục đích tốt không những không đạt được, trái lại còn gây hậu quả xấu.

Học sinh Việt Nam
Học sinh Việt Nam

Có thật là “chuẩn Tây”?

Một số tài liệu nghiên cứu tâm lý học sinh lứa tuổi tiểu học cho biết ở đầu cấp (6 tuổi), tri giác của trẻ thường bắt đầu với hành động trực quan, đến cuối tuổi tiểu học mới bắt đầu mang tính xúc cảm. Trẻ thích và hiểu dễ dàng thông qua hình ảnh hơn là thông qua ngôn từ, và rất nhạy cảm. Vì thế bức ảnh em bé đặt trên bó hoa trắng, không khí tang tóc đau thương diễn ra ngay trong ngày đi học, ngay trước cổng trường học chỉ tạo ra những ám ảnh ghê rợn cho chính bọn trẻ. Có phụ huynh đã ví nó như một nghĩa trang mà con họ phải ngày ngày đi qua.

Không những thế, một số hành vi còn phải xem lại dưới góc độ pháp luật về quyền trẻ em.

Em bé tử nạn tại trường Gateway mới lên 6 tuổi. Ở độ tuổi này, sử dụng bất kỳ hình ảnh nào của bé cũng phải được sự cho phép của cha mẹ (nếu trên 7 tuổi, hình ảnh còn phải được sự cho phép của chính bé). Đó là quy định của Luật bảo vệ trẻ em của Việt Nam.

Ở khắp nơi trên thế giới, việc cha mẹ lấy hình ảnh con cái khoe trên mạng xã hội đều khá phổ biến. Vì bọn trẻ con luôn có nhiều biểu cảm ngộ nghĩnh, đáng yêu, nên người lớn cầm lòng không đậu, đều muốn chụp hình hay quay phim lại để ngắm nhìn.Nhìn một mình không đủ vui, phải chia sẻ ra cho nhiều người khác nhìn ngắm bình luận mới đạt được hết nỗi thích thú. Ta cũng thế mà tây cũng thế, đó là tâm lý bình thường của con người.

Tuy nhiên ở những nước có nền văn minh “chuẩn Tây”, có những bộ quy tắc để đưa hình ảnh trẻ em lên không gian công cộng. Có thể tạm kể như sau:

-Đầu tiên, phụ huynh lo ngại hình ảnh đứa trẻ bị kẻ xấu đưa vào các trang web khiêu dâm trẻ em.

-Tiếp đến, người lạ có thể bình luận không phù hợp với hình ảnh.

-Việc tiết lộ thông tin về nơi sống, trường học và các địa điểm quen thuộc của trẻ có thể dẫn đến bắt cóc hoặc gây ra tác động bất lợi nếu gia đình đang trong hoàn cảnh tranh chấp hoặc bạo lực.

-Có hình ảnh người lớn thấy ngộ nghĩnh nhưng bản thân đứa trẻ có thể không thích, hoặc xấu hổ về chúng khi bé lớn lên.

-Hình ảnh đứa trẻ gắn với những thông điệp (chính trị, xã hội, tôn giáo…) mà khi lớn lên chúng có thể không đồng tình (vụ này Việt Nam hay mắc lắm).

-Hình ảnh trẻ không được lộ các phần cơ thể vùng bikini.

Ở Úc đã có trường hợp một người lấy ảnh của em bé con người khác mang về tài khoản mạng xã hội của mình rồi chú thích, bình luận y như chính mình là cha mẹ của bé. Hậu quả của nó không nói ra cũng biết: ít nhất cha mẹ ruột của bé có thể bị coi là giả danh hoặc tồi tệ hơn là bắt cóc. Nếu những hình ảnh và thông tin sai trái đó không bị xóa đi thì chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn trên không gian mạng, và nhiều năm sau, ai có thể hình dung những gì xảy đến trong tâm lý đứa trẻ? Chỉ một câu đùa thiếu suy nghĩ “Hóa ra mày không phải con ruột của ba mẹ mày” cũng có thể khiến một đứa bé tự hủy mình vì thất vọng.

Do vậy, phụ huynh được khuyên lập những nhóm thành viên gia đình hoặc bạn bè thân thiết để chia sẻ hình ảnh của con cái mình, để luôn kiểm soát được việc ai nhìn thấy và nội dung bình luận dưới mỗi tấm ảnh.

Luật pháp Việt Nam về bảo vệ trẻ em cũng quy định quyền nhân thân về hình ảnh của trẻ, và nhấn mạnh mọi hành vi liên quan đến trẻ em phải đặt mục đích bảo vệ quyền lợi trẻ em lên hàng đầu. Bất cứ hình ảnh nào có thể gây tổn thương tâm lý cho trẻ hoặc nh đều bị cấm. Nhiều nước trên thế giới cấm đưa hình ảnh trẻ em trong các vụ tai nạn lên không gian công cộng.

Cho nên, xin chớ nói một cách khơi khơi thiếu lý lẽ là chúng ta đang học theo chuẩn Tây cho nên đừng có những e ngại kiểu Ta nữa, như phải xin phép gia đình cháu bé khi dùng ảnh cháu chẳng hạn.

Quay trở lại vụ Gateway. Vào thời điểm này, hành vi nhân văn thật sự của người lớn là lập tức hỗ trợ tâm lý cho trẻ để chúng không bị ám ảnh và lo sợ khi đến trường. Giữ một cuộc sống bình yên không bị xáo trộn cho trẻ. Cạnh đó là rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ mọi nơi, mọi lúc.

Một buổi lễ tưởng niệm chỉ nên diễn ra khi đã đảm bảo được sự thấu hiểu và tham gia tự nguyện của các cháu bé, với sự hỗ trợ tinh thần của người lớn bên cạnh.

Hoàng Trí Nhân