Thoát lũ, thắng lũ- tại sao không?
2016.11.01
Tại sao không thể thoát lũ, thắng lũ. Sao bao đời, truyền kiếp dân mình cứ phải chọn cách sống chung với lũ, cùng lũ, chết trong lũ?
Lũ sau dồn lũ trước
Ngang qua Hà Tĩnh - Quảng Bình – Quảng Trị những ngày này, mới thấy hết thế nào là bi thương. Lũ trước vừa đi, lũ sau lại ập về, xô sập tiếp những khung nhà không còn gì để sập, trơ trụi, hoang tàn.
Miền Trung, năm nào cũng vậy. Mới hai cơn lũ đầu mùa. Rồi sẽ bão nữa. Có năm, hàng chục cơn, hết bão đến lũ quần quét tan hoang.
Với Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên là những cơn đại hồng thuỷ 1998 - 1999. Nhiều nơi, xác người đắp chiếu xếp lớp dọc quốc lộ 1A.
Rồi hai trận cuồng phong Chanchu, Sangsane năm 2006 với xác người xếp lớp trên bến cảng Bạch Đằng. Và rồi năm nay, là Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh.
Vì sao, muôn đời rồi, qua bao nhiêu những thế hệ, những hình ảnh tang thương ấy vẫn cứ lặp lại đến... quen thuộc? Vì sao không thoát nổi? Vì sao, vẫn cứ phải chấp nhận mãi trong cái khái niệm sống cùng lũ, chung với lũ, sống trong lũ truyền kiếp vậy?
Ngay trong các nghị quyết, văn kiện đảng các nhiệm kỳ, lẫn các quyết nghị của chính phủ... Tôi chưa hề nghe, thấy trông được một lần nào nhắc tới khái niệm "thoát lũ, thắng lũ, vượt qua lũ".
Tại sao không ai nghĩ tới điều này? Tại sao bao chục năm rồi, vẫn là những mái lá nhà tranh, những thôn làng ọp ẹp chỉ một cơn lũ thôi đã cuốn sạch sành sanh?
Tại sao phải “sống chung với lũ”
Bao nhiêu nhiệm kỳ, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu những chương trình mục tiêu mới cũ- cũ mới về nông thôn, những chương trình mục tiêu thiên niên kỷ gì đấy nữa...
Những “đoàn tàu” mục tiêu với định hướng phát triển, phát triển định hướng gì đấy vẫn hùng hục lao về một nơi nào đó, rất xa xôi. Còn những vùng quê ấy, vẫn như bị bỏ rơi lại phía sau.
Tài sản của nhiều hộ dân, hàng triệu triệu những hộ dân vùng lũ, vẫn không gì hơn ngoài mấy con bò. Một thùng mì tôm, mấy ổ bánh mỳ, với nhiều gia đình vẫn là nỗi khát khao.
Vài năm gần đây, mới nghe nói đến các khu nhà chống lũ. Tức các trường học, công sở vài ba tầng để lùa dân vào chạy lũ. Chưa nghe một chương trình nào từ chính phủ bàn tới việc xoá nhà ngập lũ, vùng ngập lũ, qui hoạch, kiến thiết lại một cách bài bản cho các cư dân vùng lũ ấy.
Thậm chí mô típ - kết cấu nhà thế nào, tránh các cửa miệng thuỷ điện ra sao...
Quả thật, ngoài những thùng mì cứu đói, chưa nhìn thấy một phương cách cứu dân “thoát lũ thắng lũ” nào từ chính phủ, một chủ trương và phương cách mang tầm mục tiêu quốc gia.
Xây Formosa được. Dựng hàng trăm đại tượng đài, mỗi ông nghìn tỷ được. Tài sản gia đình, dòng tộc quan chức - nghe nói có nhà X nào đó hơn cả ngân khố quốc gia. Nhưng cư dân vùng lũ, bao đời rồi, vẫn tự bơi. Khá chút thì đôn tầng, thêm cái gác bê tông. Không thì vẫn vậy, vài ba thanh tre gỗ ọp ẹp, lũ đến chỉ đủ treo cặp lợn, hay cột dây gác mõm cho chú bò thở chờ nước rút.
Sống trong lũ, chết chìm trong lũ.
Chính phủ cam chịu. Dân tình cam chịu. Một dân tộc cam chịu. Loay hoay, xà quần trong lũ không ra lối thoát. Mặc cho lũ, kệ cho lũ. Cứ lũ xong - mì tôm cứu trợ. Lũ về - cứu trợ mì tôm. Không phải lũ chồng lên lũ, mà lũ chồng lên hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Riết rồi quen. Quen đến mất quên cả khái niệm phản kháng, như một lẽ tự nhiên. Quen đến kiếp đời không nhận ra cái vận số cả dân tộc còn đang ngụp lặn chìm vùi trong một cơn lũ khác, đại lũ - Cơn lũ tư tưởng đục đắm tanh hôi, mà cứ tưởng "vĩ đại quang vinh". Cơn lũ mà thế gian đều đã biết đạp qua, bỏ lại mình ta. Khi chới với nhận ra thì thiên hạ đã bơi xa, quá xa rồi.
Trương Duy Nhất, 01/11/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.