Nếu thứ cần mất vẫn còn…

Đồng Phụng Việt
2018.05.06
thuthiem Hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội, vào hôm 28 tháng 10 năm 2016
Citizen photo

Tổng Bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng Việt Nam vẫn im lặng, chưa lên tiếng về sự kiện Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000, biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới” mà chính quyền TP.HCM từng đệ trình và từng được người đứng đầu chính phủ Việt Nam hồi 1996 phê duyệt – bị… “mất”!

Không biết Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 đính kèm tờ trình, phần không thể tách rời của quyết định cho phép TP.HCM biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới”, cơ sở để chính quyền TP.HCM dựa vào đó thu hồi đất, biến quy hoạch “Khu Đô thị mới” tại Thủ Thiêm thành hiện thực - “mất” từ lúc nào?

Cũng không rõ tại sao Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 “mất” nhưng các Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/2.000, tỉ lệ 1/500, chi tiết hóa hình hài, diện mạo của “Khu Đô thị mới”, xác định chỗ nào ở Thủ Thiêm sẽ “giao” đất làm trung tâm thương mại, chỗ nào ở Thủ Thiêm sẽ “giao” đất xây nhà, dựng chung cư,… vẫn… còn?

Cho tới giờ, sau tiết lộ của ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM: Chưa tìm thấy Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 cho “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm! Phản bác của ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp dân của Thanh tra Chính phủ: Đừng nói với dân là tấm bản đồ ấy thất lạc, phải thú thật với dân là… không có (!) vì đã lục tìm tất cả các kho lưu trữ từ trung ương đến địa phương vẫn… không thấy! Biện bạch của ông Lê Quang Hùng – một trong những Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm hồi 1996 đã hết hiệu lực, đã được thay thế bằng Quy hoạch hồi 2005 và quy hoạch này vẫn còn… thắc mắc của 15.000 gia đình vốn là cư dân khu vực Thủ Thiêm: Tại sao chính quyền TP.HCM không dành 160/770 héc ta của “Khu Đô thị mới” cho họ theo đúng tinh thần Tờ trình, Quyết định phê duyệt của chính phủ, Bản đồ qui hoạch tỉ lệ 1/5.000 hồi 1996 (?) vẫn không được giải đáp.

Những thắc mắc khác, kiểu như: Tại sao cư dân khu vực Thủ Thiêm chỉ được nhận khoảng 200.000 đồng bồi thường cho mỗi mét vuông trong khi một số doanh nghiệp được “giao” đất Thủ Thiêm có thể hưởng đặc lợi từ việc bán lại mỗi mét vuông đất ở Thủ Thiêm với giá vài chục triệu? Tại sao một số cư dân mà nhà đất nằm ngoài phạm vi Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 cho “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm vẫn bị cưỡng chế, thu hồi đất, vẫn bị ép nhận tiền bồi thườngvới giá rẻ mạt (?)... vẫn không có ai, nơi nào nằm trong nhóm trước kia là “hữu trách” hoặc nay đang có nghĩa vụ làm rõ, trả lời!

Những câu hỏi, câu chuyện liên quan đến Bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000, biến Thủ Thiêm thành “Khu Đô thị mới” hồi 1996 không chỉ có chừng đó. Hàng loạt những dấu hiệu đáng rủa khác như: Tại sao đại diện hàng trăm gia đình cư trú ở Thủ Thiêm hết khiếu nại ở Sài Gòn, lại tất tả ra Hà Nội tố cáo, ròng rã suốt 22 năm vừa qua, vẫn không có ai đoái hoài? Tại sao hệ thống tiếp nhận các khiếu nại – tố cáo từ địa phương đến trung ương hết “nâng” các khiếu nại, tố cáo lên rồi lại “đặt” xuống hơn hai thập niên mà vẫn không giải quyết xong? Tại sao 20 năm qua, thỉnh thoảng báo giới hăm hở xông vào rồi lại rút ra, đi đã không tới nơi, về cũng chẳng tới chốn?..

***

“Mất” những thứ lẽ ra phải còn để xem xét - truy cứu trách nhiệm đã trở thành hiện tương phổ biến ở Việt Nam.

Để bảo tồn rừng, chính phủ Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa rừng và cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Tháng 5 năm ngoái, dân chúng Việt Nam chưng hửng trước tin chính quyèn tỉnh Phú Yên cho phép Công ty New City Vietnam và Công ty Sao Việt dọn sạch 140 héc ta rừng phòng hộ mà Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh này khẳng định là “xung yếu” vì “chắn gió, chắn cát từ biển vào đất liền” để xây dựng sân golf, khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn “5 sao” nhằm phục vụ… “Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu hữu nghị ASEAN 2017”... Trước sự phẫn nộ của công chúng, chính phủ Việt Nam ra lệnh cho Thanh tra kiểm tra. Thanh tra xác định, ở Phú Yên không chỉ có 140 héc ta rừng phòng hộ được chính quyền tỉnh này cho phép dọn dẹp. Ngoài các dự án của Công ty New City Vietnam và Công ty Sao Việt, chính quyền tỉnh Phú Yên còn cho phép thực hiện 17 dự án khác, xâm hại tổng cộng 1.107 héc ta rừng…

Đầu năm nay, chính quyền tỉnh Phú Yên loan báo, sổ ghi nội dung các cuộc họp của UBND tỉnh Phú Yên, trong đó có nội dung các cuộc họp liên quan đến việc cho phép phá rừng đã… “mất”. Không còn cơ sở để xác định trách nhiệm của các viên chức đang tại nhiệm hay đã nghỉ hưu nên tất cả nhất trí cùng “rút kinh nghiệm sâu sắc”!

Trước nữa, giữa năm 2016, sau khi người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chuyển cho nhau hàng loạt thông tin, hình ảnh cáo buộc ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí” và ông Chiến không chỉ vung tiền bao cô “bồ nhí” này mà còn biến hệ thống công quyền ở Thanh Hóa thành bệ phóng cô “bồ nhí” lên đỉnh quyền lực, chính quyền tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, chuyện tuyển dụng – bổ nhiệm cô Trần Vũ Quỳnh Anh rõ ràng là “sai nguyên tắc”.

Cô gái khoảng 30 tuổi này khởi đầu “sự nghiệp chính trị” ở vị trí tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa rồi đột nhiên “chuyển công tác” sang làm chuyên viên tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Chỉ trong vài năm, sau khi được kết nạp vào Đảng CSVN, “chuyên viên” Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Nhà và Bất động sản, được gửi đi học Cao cấp Chính trị, Cao học, được “qui hoạch” làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Cũng chỉ trong vài năm, cô Trần Vũ Quỳnh Anh trở thành chủ nhiều biệt thự tọa lạc ở những khu vực sang trọng nhất Thanh Hóa, Hà Nội, chủ những chiếc xe hơi đắt tiền như Cadillac, Mercedes,… sở hữu một quần thể sân tennis cho thuê!

Tuy nhiên do cô Trần Vũ Quỳnh Anh chủ động xin thôi việc, chủ động “đòi” và được ưu ái trả lại toàn bộ hồ sơ Đảng viên, hồ sơ công chức của cô nên sau đó, dù hệ thống công quyền của cả trung ương lẫn địa phương cùng nhập cuộc để kiểm tra nhưng vì… không có lý do để thẩm định về tài sản của cô Trần Vũ Quỳnh Anh, không còn tài liệu để xem xét - truy cứu trách nhiệm của các viên chức lãnh đạo Đảng, lãnh đạo hệ thống công quyền ở Thanh Hóa, thành ra đầu năm nay, chỉ có cựu Giám đốc Sở Xây dựng, đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật!

***

Dư luận, công luận, rồi những tiếng kêu oan ức của cư dân Thủ Thiêm vang vọng suốt 20 năm qua. Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có bận tâm không? Câu trả lời là không!

Bản đồ tỉ lệ 1/5.000 quy hoạch “Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” bị… “mất” chỉ được thông báo rộng rãi, trở thành scandal và bàn luận rôm rả khi “lò” đang cần “củi”.

Tại sao những Trọng, Ngân, Quang, Phúc – vẫn ra rả khẳng định xây dựng Việt Nam thành xứ sở của “công bằng, dân chủ, văn minh”, vốn không ngừng cổ xúy cho việc xây dựng “chính phủ kiến tạo”, liên tục khẳng định tham nhũng là quốc nạn không nghe, không thấy, không nói gì về việc thực hiện quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm?

Tại sao Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng gần như chẳng bao giờ bỏ qua những cơ hội rất nhỏ, kiểu như chỉ đạo, điều tra, xử lý ngay chuyện trẻ con ngộ độc thực phẩm, ói ỉa tung tóe để chứng tỏ họ luôn đau đáu về vận nước, lợi ích của nhân dân mà lại bỏ qua việc thực hiện quy hoạch “Khu Đô thị mới” ở Thủ Thiêm?

Hai mươi năm là hai thập niên! Có thể tin, yên tâm không khi những người dường như bị suy giảm nghiêm trọng về thính lực, thị lực, thậm chí trí lực bởi “đãng trí” để “mất” gần như sạch sẽ mọi thứ, kể cả thứ quan trọng nhất là nhân tâm trong quãng thời gian dài như vậy đột nhiên trở thành tinh tường và sẽ nghe, sẽ thấy rõ mọi thứ, không làm “mất” thêm gì nữa?

Ai dám khẳng định nếu thảy vào “lò” củi nhỏ, củi to, củi khô, củi tươi, đốt thành tro mớ củi bị chọn để tạo ra lửa này thì tình trạng “mất” những thứ lẽ ra phải còn sẽ chấm dứt? Làm sao chấm dứt tình trạng đó khi những người vận hành “lò” cũng chính là những người phải chịu trách nhiệm vì “củi” vương vãi khắp nơi? Khi thứ cần mất vẫn còn thì thứ cần còn sẽ mất, mất sạch như lau!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.