Hoặc, vô cùng vô cùng ít.
Đừng vội phản đối tôi.
Quý vị nhìn đấy, trên đường phố Việt Nam lấy đâu ra người khuyết tật?
Líu ríu chỉ có một ít người già già ngồi xe lăn bán vé số. Ít hơn nữa là người khiếm thị, cũng bán vé số, một cánh tay đặt vào vai người bạn sáng mắt nào đó nhờ dẫn đi. Thường thường họ gồm hai người đàn ông trung niên trở lên, một người đeo chiếc guitar đàn hát cho thực khách tại các quán nhậu lề đường nghe, người kia len lỏi vào bán vé số và kẹo chewing gums.
Trong tòa nhà tôi làm việc, chỉ duy nhất có một người đàn ông độ 40 tuổi, có đầu bị ngoẹo sang trái và vai trái cao hơn vai phải.
Hết rồi đó. Tôi chẳng nhìn thấy họ ở đâu nữa. Việt Nam chẳng có người khuyết tật trẻ, hay người khuyết tật đàn bà, hay người khuyết tật trẻ em. Nhỉ?
Thế nhưng, kết quả Tổng điều tra dân số của Việt Nam năm 2016 (sử dụng cho đến nay) cho biết Việt Nam có 7% dân số là người khuyết tật.
6.2 triệu người, tổng cộng.
Thế mà chẳng thấy họ trên đường, chẳng thấy họ ở văn phòng, công ty, xí nghiệp.
Họ đang ở đâu?
“Sống trong bóng tối”
Tôi từng ngạc nhiên đến gần như choáng váng, khi được người bạn theo đạo Công giáo dẫn đến một tổ chức hỗ trợ người khuyết tật dưới sự bảo trợ của nhà thờ, tại Sài Gòn.
Trong một tòa nhà rất lớn nằm ngay giữa trung tâm sầm uất (nhưng có cánh cổng hết sức khiêm nhường và đơn sơ) là cả một trường học kiêm ký túc, với cả trăm người khuyết tật nhiều lứa tuổi, tuy phần lớn là trẻ nhỏ.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đông người khuyết tật tập trung tại một chỗ như thế.
Những người được nhận vào đây học là một may mắn lớn, vì cơ sở vật chất tiện nghi, rộng rãi, dụng cụ và phương tiện đầy đủ, thường xuyên có nhiều tình nguyện viên người nước ngoài đến sinh hoạt chung và dạy học.
Gia đình của những người này cũng không đến nỗi quá thiếu thốn, nên hàng ngày vẫn có thể đưa đón con cái hoặc người thân đến cơ sở bảo trợ này.

Nhưng tuyệt đại đa số những người khuyết tật khác đều đang sống cùng gia đình hoặc người thân, phụ thuộc nhiều hoặc ít vào sự hỗ trợ tài chính, nhà ở và chăm sóc trong đời sống hàng ngày vào những người thân này. Một ít người khác thuộc loại khuyết tật nặng, sống trong các nhà bảo trợ.
Những người này hầu hết quanh năm suốt tháng chỉ loanh quanh trong nhà hoặc di chuyển xung quanh nhà, bán kính di chuyển rất hẹp.
Gần như họ vắng bóng ở ngoài đường hay các không gian công cộng.
Luật người khuyết tật đã có từ 10 năm nay
Đó là vì tuy đã có luật về người khuyết tật đến 10 năm nay, nhưng tại không gian công cộng, Việt Nam có rất ít phương tiện để hỗ trợ người khuyết tật đi lại hay tham gia các sinh hoạt cộng đồng.
Điển hình như hệ thống đường đi bộ có gờ nổi dành cho người khiếm thị chẳng hạn, cũng chỉ mới có ở một số đường phố trung tâm vài đô thị lớn.
Nhưng nó cũng được thực hiện tột độ cẩu thả. Cẩu thả đến mức vô cảm và tàn nhẫn.
Trên hai vỉa hè đường Điện Biên Phủ-một trong những con đường huyết mạch, xuyên suốt và vắt dài qua nhiều quận trung tâm của Sài Gòn, từ vài năm nay người ta cũng lát gạch nổi làm làn đường cho người khiếm thị, nhưng con đường này hết húc vào gốc cổ thụ thì lại va vào bốt điện. Hoặc khi khổng khi không dẫn thẳng xuống lòng đường lúc nào cũng dày đặc xe cộ. Mà chẳng hề có đoạn chấm bi nổi để báo cho người khiếm thị khua gậy đi đường biết đã chấm dứt đoạn đường gạch nổi gì hết.
Ở những đoạn không đâm vào gốc cây hay trụ điện, nó lại bị quán sá, nhà cửa, cửa hàng, thậm chí trung tâm thương mại to đùng sáng rực chiếm chỗ để dựng xe máy, đặt lò than tổ ong cháy đỏ nấu nồi bún riêu, chiếc bảng hiệu, hay là chiếc ghế bành cho ông bảo vệ ngồi gác chân bấm điện thoại…
Tại các ngã ba, ngã tư, nút giao thông không hề có nút bấm in chữ nổi Braille cho người khiếm thị, hay nút bấm có giọng nói yêu cầu đèn xanh cho người khiếm thính.
Ở Sài Gòn, tôi chỉ thấy một đoạn đường ngắn dọc phố đi bộ có nút bấm yêu cầu đèn xanh có giọng nói cho người khiếm thính, thế nhưng thiết bị này tại nhiều giao lộ cũng hỏng hóc lâu rồi.
Tại các công trình công cộng, công sở, các con đường thoai thoải để lăn xe lăn cũng chỗ có chỗ không.
Theo luật, các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe bus, xe đò, máy bay… đều phải có thiết bị hỗ trợ lăn xe lăn, hoặc nâng cả chiếc xe lăn lên, và có hệ thống giá đỡ, tay vịn giúp cất xe lăn hoặc nạng. Nhưng tại Việt Nam, ngoài khi đi máy bay sẽ có dịch vụ hỗ trợ xe lăn (dùng cho cả người già, yếu hoặc người khuyết tật), còn thì toàn bộ hệ thống taxi, xe bus, hay xe đò đều hoàn toàn chưa thân thiện với người khuyết tật.
Đừng nói đến xe lăn hay người khiếm thị, mà người dùng nạng cũng vô cùng khó tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng kể trên. Vì các xe đò liên tỉnh phổ biến hiện nay thiết kế các bậc thang rất cao. Trẻ em, phụ nữ có bầu và người già đi lên còn khó khăn, huống gì người mang nạng. Lối đi giữa hai hàng ghế ở trên xe đò và tàu lửa thì vô cùng hẹp do thiết kế ham đặt nhiều chỗ ngồi (hoặc nằm). Trên các xe nằm liên tỉnh, gần như phải nghiêng người mới đi lọt trong lối đi này được. Trên xe lửa, nếu kéo một chiếc valy cỡ thông thường, bạn phải xoay dọc nó lại chứ cũng không đủ chỗ để nó hiên ngang đi thẳng. Thế thì chỗ đâu mà đặt nạng hay xe lăn?
Tất cả các biển số chỗ ngồi hay biển báo trên các loại xe kể trên đều cùng một loại viết bằng sơn trên các tấm bảng sắt hoặc mica bé tí tẹo tèo teo hàn vào sau lưng ghế ngồi, đi tìm chỗ ngồi phải dí sát mắt vào mới thấy (máy bay đỡ hơn tí), thậm chí khi nó cũ xỉn mờ tịt đi người ta còn chẳng thèm sơn lại. Chẳng có bảng nào có chữ nổi cả, ngay cả trên cửa WC. Người cận thị còn hoa cả mắt mới tìm được chỗ thì người khiếm thị xoay sở cách nào?
Trên đường phố cũng vô cùng khó khăn để dùng xe lăn.
Trên lòng đường, từ xe tiền tỷ đến xe tiền một có một tí như xe đẩy tay bán hàng rong, tất cả bình đẳng: chúng đỗ và chạy nghênh ngang. Quý vị phải có cả kỹ năng, can đảm và liều lĩnh nữa, để luồn lách qua chúng. Một chiếc xe lăn di chuyển ngoài làn đường này là cả một hành trình nguy hiểm.
Trên lề đường thì sao?
Lẽ ra tất cả các lề đường đều phải được xây đồng nhất về chiều cao, chiều rộng và có làn thoai thoải ở những giao lộ hay đứt đoạn để có thể lăn xe lên. Nhưng ở đất nước thân yêu xinh đẹp điểm đến của thiên niên kỷ mới của chúng ta thì quên đi. Ngay ở trung tâm Sài Gòn, thành phố phát triển nhất nước, lề đường vẫn luôn gập ghềnh khúc khuỷu, chỗ cao chỗ thấp; dân thì quen phi xe máy lên lề đường chạy cho lẹ bất kể giờ giấc nào, nên gạch đá lở lói sứt mẻ. Cộng với đủ thứ chướng ngại vật rất “dân tộc tính” như đoạn trên tôi đã kể. Thế thì lăn xe làm sao được?
Thậm chí các ông bố bà mẹ sống ở thành thị cũng chả mấy khi dám dắt con tung tăng đi bộ trên vỉa hè. Vì rất thường khi chúng ta đang vui chân bước thì bỗng còi xe máy phía sau hét lên gắt gỏng. Ớ sao đã phi xe máy lên vỉa hè còn bóp còi đòi nhường đường vô lý thế? Ấy nhưng mà nó cứ thế đấy. Bạn thử không nhường hoặc mở miệng nhắc nhở xem. Ăn cái lườm cháy má là chuyện nhỏ. Bọn họ văng tục ra cả rổ ngay, hoặc-ai biết đâu đấy, rút “đồ chơi” ra phang mình tại chỗ! Như đã từng xảy ra.
Dạ thưa, tình hình sau 10 năm có Luật Người khuyết tật của Việt Nam là như thế.
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật”
Cơ mà, tháng 11 năm ngoái, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại đẻ thêm một chỉ thị nữa, tên là Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Ban đầu, đọc tên cái chỉ thị tôi phì cười. Thế nào mà người khuyết tật cần đến tận sự lãnh đạo của Đảng nữa cơ? Họ cần là cần các hệ thống luật lệ được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, chứ người khuyết tật có phải ai cũng là đảng viên đâu mà phải chờ Đảng lãnh đạo? Mà muốn thành đảng viên cũng chẳng được, vì mấy ai được ăn học đàng hoàng, có công ăn việc làm tốt để nuôi thân, rồi thì có cơ hội thăng tiến, làm lãnh đạo, quan chức? Đã chẳng có cơ hội làm quan chức thì ai vào Đảng làm gì cho nhọc?
Ấy nhưng mà cái chỉ thị này đồ sộ lắm.
Nó vẽ ra cả một hệ thống tiếp cận và hỗ trợ người khuyết tật trên tất tần tật mọi lĩnh vực và biện pháp: từ giáo dục, chăm sóc y tế, thể dục thể thao, việc làm, giải trí, du lịch, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, chính sách, chủ trương và pháp luật, hòa nhập, yêu thương chăm sóc nội bộ lẫn cam kết quốc tế… Đọc hoa cả mắt. Lòng run lên cảm động vì thấy người khuyết tật được chăm lo nhiệt huyết quá, tận từng cái răng. Đất nước ta thật như rồng như hổ, yêu thương, mạnh mẽ và ân cần…
Cơ mà, cứ mỗi sáng ra bước xuống đường đi làm, thì cái thực tế nó lại đập bốp vào mặt, như ở trên tôi đã kể.
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do