Tân TBT Tô Lâm khẳng định tính chính danh và điều gì tiếp theo?
2024.09.09
Việt Nam đang chứng kiến bước ngoặt của chế độ Đảng Cộng sản toàn trị trong giai đoạn thoái trào và, sự khủng hoảng kế nhiệm là một trong những chỉ dấu rõ rệt cho thấy những thay đổi khó lường đang diễn ra.
Ngày 3/8/2024 ông Chủ tịch nước Tô Lâm được chọn làm Tổng Bí thư tại Hội nghị ‘bất thường’ BCHTW khoá 13, chấm dứt thời gian ‘tạm quyền’ hơn 20 ngày kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời ngày 19/7 khi đương nhiệm. Vị TBT tiền nhiệm đã phá bỏ những ràng buộc hạn chế tha hoá quyền lực để ở lại thêm kỳ thứ ba (2021-2026) Đại hội lần thứ 13 của Đảng CS VN. Theo đuổi chủ nghĩa xã hội dựa trên tư tưởng Mác – Lênin, đồng thời với việc đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, ông đã kỷ luật và loại bỏ hàng chục nghìn đảng viên lãnh đạo và tổ chức đảng. Đặc biệt vào những tháng cuối đời của ông, 7/18 uỷ viên Bộ chính trị, 15% số uỷ viên Ban chấp hành trung ương (cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CS), đã bị thanh trừng. Điển hình là trong thời gian ngắn những nhân vật – các ứng viên được cho là “tiềm năng” kế vị như các ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ và bà Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai phải từ nhiệm… Điều chưa từng xảy ra trong thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 của lịch sử cầm quyền bởi Đảng CS VN.
Mô hình chế độ đảng cộng sản toàn trị là một hệ thống chính trị mà đảng - nhà nước nắm giữ quyền lực tập trung đối với mọi khía cạnh của đời sống xã hội và cá nhân. Trong kiểu chế độ này, đảng CS là đảng chính trị duy nhất, do người đứng đầu - tổng bí thư lãnh đạo, ông ấy có quyền lực tuyệt đối và “không thể thiếu” trong guồng máy chính trị. Như mọi chế độ tập quyền, chẳng hạn phong kiến không thể thiếu vua dù chỉ ‘một ngày’, chế độ Đảng cộng sản toàn trị không thể không có “tổng bí thư.” Khác với ‘thiên định’ cha truyền con nối dưới thời phong kiến, cương vị tổng bí thư đảng phải, dù đôi khi là hình thức, được bầu tại Đại hội toàn quốc đảng CS. Bởi vậy, sự kế nhiệm “bất thường” luôn dẫn đến nhiều đồn đoán và mọi ánh mắt đang dõi theo các động thái của vị tân tổng bí thư Tô Lâm. Ông Tô Lâm khẳng định tính chính danh thế nào? Nguồn gốc an ninh của ông ấy xác quyết những ưu tiên là duy trì chế độ thay vì thúc đẩy chuyển đổi dân chủ?
Phần 1
KHẲNG ĐỊNH TÍNH CHÍNH DANH
Chế độ toàn trị ‘không thể’ sụp đổ bởi tính lôgíc thăng trầm theo chu kỳ của nó.[1] Theo Zbigniew Brzezinski, nhà nghiên cứu nổi tiếng về chế độ toàn trị, mô hình hiện đại của kiểu chế độ này không thể bị diệt vong thông qua cuộc nổi dậy nội bộ trừ khi điều đó xảy ra vào thời điểm nguy hiểm ‘chết người’ từ một thách thức bên ngoài, kể cả trong bối cảnh khủng hoảng kế nhiệm.[2] Cơ sở này được Francis Fukuyama, khi nghiên cứu ‘hai nguồn’[3] của chế độ tập quyền đảng cộng sản Trung Quốc, đưa ra nhận xét rằng chế độ toàn trị sẽ chỉ sụp đổ từ “bên trên”. Giới lãnh đạo toàn trị CS thường ‘đổ lỗi’ cho cố tổng bí thư Đảng CS Liên Xô M. Gorbachov về sự suy vong mô hình Xô-Viết và sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Coi đó như một bài học khi cải cách chuyển đổi thị trường, và để đề phòng, ngăn chặn “từ sớm từ xa” nguy cơ này, giới lãnh đạo toàn trị (cả hai ĐCS Trung Quốc và Việt Nam) đã tăng cường chính sách “an ninh chế độ”, trong đó trọng tâm là “an ninh ý thức hệ” [4] và đồng thời đề phòng xu hướng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Điều trên đã giải thích cho việc ông Tô Lâm có những động thái quyết đoán, thậm chí đã có đồn đoán về sự “tiếm quyền”[5] tổng bí thư khi ông Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ mà chưa ‘tìm được’ người kế vị. Ngày 22/5/2024, trước hơn một tháng khi ông Trọng qua đời ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước; Ngày 18/7/2024, trước khi ông Trọng mất một ngày, ông được phân công chủ trì 'thay thế”; Ngày 3/8/2024 ông Tô Lâm được chọn làm Tổng Bí thư với 100% số phiếu từ Ban chấp hành Trung ương… Ông Tô Lâm đã ‘chớp’ thời cơ “quản lý” khủng hoảng để bảo vệ và duy trì chế độ.
Tân Tổng bí thư Tô Lâm sử dụng cơ chế ‘đã được chuẩn bị’ như bộ máy an ninh khổng lồ theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh, Trật tự ở cơ sở (2023). Bộ máy này được ‘ưu tiên’ cấp kinh phí lớn nhất, được tăng cường trang thiết bị hiện đại chống khủng bố. Và, hơn thế, nó được ‘luật hoá’ để duy trì ưu thế sử dụng sức mạnh, từ việc “ngăn ngừa từ sớm, từ xa” theo Luật Phòng thủ Dân sự (2023), trấn áp bạo động theo Luật Cảnh sát Cơ động (2022), đàn áp bất đồng chính kiến và xã hội dân sự, giám sát công dân theo Luật An ninh mạng (2018)… cho đến việc ‘bảo vệ’ nhà riêng các lãnh đạo chóp bu theo Luật cảnh vệ sửa đổi (2024)…
Với ‘ưu thế’ quyền lực như vậy tân Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định tính chính danh khi ‘biến’ cái “bất thường” trở thành “bình thường”, điển hình trong công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt Đảng và Chính phủ ở cấp trung ương. Các hội nghị bất thường của Trung ương Đảng và Quốc hội thay phiên diễn ra và, trong một thời gian ngắn việc kiện toàn nhân sự đảng được thực hiện khẩn trương, bổ sung các uỷ viên mới cho Bộ chính trị và Ban bí thư. Bỏ qua một số tiêu chuẩn cứng và quy trình tuyển chọn lãnh đạo, ông Tô Lâm đã bổ nhiệm, cất nhắc những đồng nghiệp an ninh và đồng hương, ngụ ý nhấn mạnh yếu tố trung thành, nắm giữ các vị trí chủ chốt của bộ máy lãnh đạo đảng như các trợ lý, chánh văn phòng Trung ương, tân Bộ trưởng công an, Ban kiểm tra Trung ương… Đồng thời với kiện toàn các nhân sự đảng, ngày 26/8/2024 một loạt lãnh đạo chính phủ cũng được bổ sung, miễn nhiệm tại Kỳ họp bất thường thứ 8 của Quốc hội khoá 15, tại đây, các ông nguyên chánh án Toà tối cao Nguyễn Hoà Bình, ông nguyên Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và ông bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được bổ nhiệm làm các phó thủ tướng mới… Trong số “mới” có ông tân Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, người đồng hương với Tổng bí thư có quê ở Khoái Châu, Hưng Yên.[6] Tất nhiên, ngoài những ‘tay hòm chìa khoá’ cho tập trung quyền lực tuyệt đối, có những nhân vật ‘bí ẩn’ như ông Tô Ân Xô, một vị tướng công an quan trọng, từng là Đại diện Lãnh sự quán Việt Nam ở Houston, Hoa Kỳ,[7] được sử dụng như một quân sư, luôn sát cánh bên ông Tô Lâm, cũng gây sự chú ý.
Khẳng định tính chính danh là một quá trình với nhiều thủ thuật, mà việc sử dụng ưu thế quyền lực, gieo rắc nỗi sợ hãi trong bối cảnh quan chức tham nhũng nghiêm trọng và đàn áp quyền tự do dân chủ chỉ là một phần của câu chuyện và thường tạo ra sự ‘im lặng, nghe ngóng’, không thể bền vững. Phần lớn của câu chuyện cho các nhà lãnh đạo là làm sao cho người ta phục, người ta tin thì ít chính trị gia làm được…
_____________
Tham khảo
- https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html
- https://econpapers.repec.org/article/cupapsrev/v_3a50_3ay_3a1956_3ai_3a03_3ap_3a751-763_5f06.htm
- http://www.the-american-interest.com/2020/05/18/what-kind-of-regime-does-china-have/
- https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-3-07052024114211.html
- https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen
- https://vtv.vn/chinh-tri/tom-tat-tieu-su-tan-bo-truong-bo-tu-phap-nguyen-hai-ninh-20240826170408092.htm
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Tô_Ân_Xô
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do