Đại hội 13: Ai sẽ là Tổng bí thư?
2020.12.14
Câu hỏi luôn quan trọng với chế độ đảng toàn trị, không những vì chức vụ tổng bí thư là người có quyền lực tuyệt đối trong chế độ hay nhân sự là công việc nội bộ của đảng, mà còn là vì việc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo đang dần có những thay đổi sâu sắc trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Bài viết chỉ ra mặc dù các chuẩn mực được quy ước để hạn chế tha hoá quyền lực, nhưng sự chuyển giao quyền lực tổng bí thư luôn là vấn đề qua các kỳ đại hội Đảng, đặc biệt trước nhiệm kỳ 12. Chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng “không vùng cấm” theo hướng tập quyền cao hơn liệu có cải thiện sự chuyển giao quyền lực cho Đại hội 13 sắp tới hay không và thúc đẩy tiếp tục cải cách như thế nào vẫn là câu hỏi cần được làm rõ.
Chuyển giao quyền lực
Trong chế độ phong kiến, vua, chúa được nối ngôi theo huyết thống. Các triều đại vận hành theo chu kỳ thịnh suy, nhưng trong mỗi triều đại cách thức vẫn là “cha truyền con nối”. Chế độ tư bản chủ nghĩa thay thế chế độ phong kiến bởi phương thức sản xuất tiến bộ hơn với động lực thị trường. Chế độ dân chủ với tam quyền phân lập được thiết lập trong các nước phát triển phương Tây và hầu hết các quốc gia mới nổi và đang phát triển cũng đang trong quá trình chuyển đổi dân chủ với các mức độ khác nhau.
Sau cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 mô hình Xô Viết với chế độ đảng cộng sản ra đời và tồn tại đến năm 1990. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã sụp đổ. Các nước Trung Quốc, Việt Nam vẫn duy trì chế độ chính trị như vậy nhưng thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” để chuyển nền kinh tế sang thị trường. Về định hướng là “xã hội chủ nghĩa”, nhưng về thực chất các chế độ này cũng không thể tránh được xu hướng chuyển đổi dân chủ. Đó chính là quá trình thể chế hoá chế độ.
Các lãnh tụ cách mạng, “thế hệ khai quốc công thần”, thường nắm quyền bính suốt đời cho đến chết, Như I. Stalin ở Liên Xô cũ, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc… Nạn sùng bái cá nhân, tranh giành quyền lực đã xảy ra sau đó. Bởi vậy các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo đảng dần được thiết lập, rõ ràng nhất là giới hạn nhiệm kỳ và độ tuổi đối với mỗi cấp lãnh đạo. Ngoài ra, vấn đề năng lực, kỹ trị, người tài cũng được chú trọng nhằm hạn chế tính bè phái vốn đóng một phần vai trò trong việc chuyển giao quyền lực.
Khi chuẩn mực bị phá vỡ
Các chuẩn mực trong “công tác cán bộ” cần thiết để kiểm soát tha hoá quyền lực. Bởi vậy, việc phá vỡ hai nguyên tắc chuyển giao quyền lực nêu trên là nguyên nhân quan trọng gây nên sự mất ổn định thậm chí là “bất ổn” chế độ.
Quá trình chuyển giao quyền lực từ sau Đại hội “Đổi mới” năm 1986 đến trước Đại hội 11 năm 2011 được quan sát là tương đối “suôn sẻ”. Sau khi cố Tổng bí thư Lê Duẩn, người cầm quyền nhiều năm nhất, qua đời, quá trình chuyển giao quyền lực dần theo chuẩn mực, trong đó nhấn mạnh tuổi và nhiệm kỳ. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội 6 (1986-1991) đến Đại hội 11 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm quyền nhiệm kỳ thứ nhất (2011-2016).
Có hai điểm mà các nhà phân tích chính trị lưu ý. Một là, có “trục trặc” ở Đại hội 8 khi cố Tổng bí thư Đỗ Mười nắm quyền tại Đại hội 7 (1991 -1996) và tiếp tục kéo dài hơn 1 năm, đến 12/1997 tại Đại hội 8 (1996- 2001), sau đó ông được thay thế bởi cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Sự “trục trặc” là trường hợp quá tuổi theo quy định và được giải thích để giữ ổn định khi “sàng lọc” người kế vị; Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo với Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành trung ương là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định chức vụ Tổng bí thư.
“Kịch tính” chuyển giao quyền lực được quan sát là thời gian trước và trong Đại hội 12. Đảng nhận định “sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống của bộ phận không nhỏ lãnh đạo đảng viên” đe doạ sự tồn vong của chế độ. Nhà báo Huy Đức trên Facebook của mình đã khái quát về ba thế hệ lãnh đạo, rằng thế hệ các bậc "công thần khai chế độ" là những người có khát vọng, không “tủn mủn” vật chất và biết chuẩn bị một thế hệ kế tục "con đường" của mình; Thế hệ "kế tục sự nghiệp" cầm quyền trong bối cảnh “Liên Xô sụp đổ”, “khí chất kẻ sỹ” vẫn giúp họ đặt khát vọng dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân, nhưng đã nhìn thấy “sự lầm than” chủ yếu vì "lỗi hệ thống" và “giáo điều”; Thế hệ thứ ba cầm quyền vào thời điểm “quyền lực rất có màu”, “tự tha hoá mình về mặt con người” và “làm vô hiệu các nỗ lực cải cách thể chế của những người tiền nhiệm”.
Sự “gần gũi” với “thị trường” và thiếu cơ chế giám sát quyền lực khiến các nhà “kỹ trị”, quan chức chính phủ trực tiếp điều hành chính sách đã dễ dàng bị cám dỗ bởi vật chất. Sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ trong tập thể lãnh đạo, hình thành bè phái với một bên là “phe đảng”, các nhà chính trị, hoạch định tư tưởng và đường lối.
Nguyên tắc tập thể lãnh đạo
Phá vỡ chuẩn mực chuyển giao quyền lực, “các trường hợp đặc biệt” được thoả thuận bởi nguyên tắc tập thể lãnh đạo, trong đó vị trí tổng bí thư cần phải được đề cử theo Quyết định 224/TW năm 2014 về quy chế bầu cử trong đảng, mà “ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị”. Điều này đã giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ hai (2016-2020).
Ông Tổng bí thư tập trung chỉnh đốn nội bộ đảng và với tư cách Trưởng ban phòng, chống tham nhũng (PCTN) trực tiếp chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm”. Một Hội nghị tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay được tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội. Riêng từ đầu nhiệm đến nay, hơn 87.000 đảng viên trong tổng số hơn 131.000 bị kỷ luật, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, và đáng chú ý là hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý gồm 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sỹ quan cấp tướng… bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Tuy nhiên, ngoài ông Đinh La Thăng đã bị kết án 30 năm tù vì vi phạm pháp luật, mới đây, “sự kiện” hai uỷ viên Bộ Chính trị đương nhiệm, hai nhà “kỹ trị”, nguyên Phó thủ tướng và nguyên Thống đốc ngân hàng, đã bị kỷ luật “cảnh cáo” vì những vi phạm khuyết điểm từ nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011-2016) đặt dấu chấm hết cho “quan lộ” của họ theo Chỉ thị 35-CT/TW năm 2019, và đã làm dấy lên suy đoán rằng việc chuyển giao quyền lực tổng bí thư vẫn còn “khó khăn” với nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Các “trường hợp đặc biệt”, đề cử tổng bí thư và cơ cấu dàn lãnh đạo mới… cũng vẫn cần sự đồng thuận của tập thể Bộ Chính trị hiện thời. Ý kiến cá nhân Tổng bí thư là quan trọng, nhưng việc cân bằng các yếu tố khác luôn được đặt ra. Có hai người được nói đến bao gồm:
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với chính sách thúc đẩy động lực thị trường để tăng trưởng kinh tế đồng thời với cải cách thể chế, điều hành phòng, chống đại dịch COVID-19 thành công và vượt qua thảm hoạ bão lũ miền Trung vừa qua.
- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát, được kỳ vọng “đẩy lùi tham nhũng” trong nhiệm kỳ tới và đang đứng đầu danh sách “các trường hợp đặc biệt” quá tuổi để đề cử chức vụ tổng bí thư. Nhưng sự phân chia các vị trí quyền lực khác là cơ sở và “truyền thống” cho sự đồng thuận tập thể.
Hội nghị trung ương 14 được tổ chức hôm nay 14/12/2020, trước thềm Đại hội 13 liệu có là cuối cùng của nhiệm kỳ tuỳ thuộc vào sự đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo những nội dung quan trọng liên quan đến nhân sự cấp cao, trong đó việc “đề cử” chức vụ tổng bí thư. Hơn thế, câu hỏi lớn được đặt ra vì sao trong thời kỳ Đổi mới, qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, kể cả Đại hội 13 này, việc chuyển giao quyền lực vẫn luôn gặp khó khăn?
Phạm Quý Thọ
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do