Đường vào HIV-Nẻo 3: Đứng xớ rớ đó chi cho ông trời ổng thấy ổng kêu

Bình luận của Nguyễn Phương
2022.11.13
Đường vào HIV-Nẻo 3: Đứng xớ rớ đó chi cho ông trời ổng thấy ổng kêu Một phụ nữ đi qua tấm biển cổ động phòng chống HIV/AIDS ở Hà Nội năm 2000 (hình minh hoạ)
Reuters

Dù tuyệt đại đa số đều hoảng loạn, thậm chí tuyệt vọng khi nhận được kết quả xét nghiệm nhiễm HIV, nhưng khi tôi hỏi tại sao không dùng bao cao su + PrEP, hoặc giảm số bạn tình, nhất là bạn tình qua đường, thì rất nhiều người chỉ trả lời một câu duy nhất:

-Thôi… trời kêu ai nấy dạ!

Ừ thì trời kêu ai nấy dạ. Nhưng biết đường né ra khỏi tầm mắt ổng có phải đỡ hơn không, cứ lúm xúm xớ rớ ngay sát ổng làm chi, cho ổng thấy hoài, rồi ổng kêu? Rồi mình vừa khóc vừa dạ?

Không thích bao cao su 

Đến giờ, đã có ngày càng nhiều hơn những phụ huynh thấy yên tâm khi con trai mình luôn có sẵn bao cao su trong ví.

Bao cao su ngoài việc ngừa thai còn giúp ngăn chặn các căn bệnh lây qua đường tình dục, như viêm gan, lậu, giang mai, sùi mào gà… Các bạn thử tìm hình ảnh các căn bệnh này đi, rồi sẽ thấy nó khủng khiếp và gây khó khăn cho cuộc sống của người mang bệnh đến mức nào. Cá nhân tôi đã suýt nôn khi lần đầu tiên trông thấy ảnh những vùng mào gà đỏ tấy nở kín đặc như bông xúp lơ trên bộ phận sinh dục của người bệnh, lẩn vào sâu trong các khe kẽ của vùng hậu môn và âm đạo rồi chảy máu mủ nhầy nhụa trong đó. Bao cao su (có cả bao cao su cho ngón tay và cho miệng, đáp ứng các nhu cầu quan hệ tình dục khác nhau) không mắc tiền, dễ dùng và ngăn chặn được tất cả các căn bệnh đó, cả HIV luôn.

Thế nhưng biết về nó, thậm chí luôn mang theo bao cao su trong ví là một chuyện. Sử dụng nó, và sử dụng đúng, lại là một chuyện khác.

Tại sao nhiều người sẵn sàng quan hệ tình dục với một người lạ mới gặp trong công viên, phòng tắm hồ bơi, nhà vệ sinh trung tâm thương mại… mà không dùng bao cao su? Hay, như trong bài trước, rất nhiều em trai nhỏ tuổi sẵn sàng quan hệ tình dục tập thể không bao cao su với rất nhiều người lạ, thậm chí cho quay clip và bán rộng rãi? Rồi phụ thuộc ông trời cho chính sức khỏe và mạng sống của mình?

- Dùng bao giảm khoái cảm nhiều lắm. Nó lại hay tuột giữa chừng, không tuột hẳn ra mà cứ bị lỏng trật vuột khó chịu. Tiền mua bao cũng mắc nữa. Như mấy người có nhu cầu tình dục cao mà hay “chơi nhóm” thì mỗi lần phải dùng năm, sáu bao. Bao của các hãng lớn, có thương hiệu… khá mắc, nên các em học sinh, sinh viên, hay làm những nghề thu nhập thấp và bấp bênh thường không sẵn sàng chi tiền hàng tháng cho khoản này - nhiều người trong cộng đồng LGBT giải thích.

Một sự thật khá tê tái nữa mà thường các buổi tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV cho cộng đồng không nhắc tới.

Đó là các tác dụng phụ khi uống PrEP và ARV. Nó khó chịu và gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày đến nỗi tuy hiểu rõ về tác dụng nhưng nhiều người vẫn không thể vượt qua cửa ải này.

000_Hkg5644194.jpg
Người dân xem một lễ phát động Chiến dịch Chương trình sử dụng bao cao su 100% tại một công viên ở Hà Nội hôm 2/12/2011. AFP

Tác dụng phụ của thuốc kháng virus rất khó chịu

Hôm đó tôi hẹn cà phê với một bạn. 

Bạn tới, mắt lờ đờ ngây ngây khác hẳn mọi khi. Tối qua, bạn uống ARV để dự phòng HIV cho hành vi oral sex với một bạn tình lạ trong tình trạng không có gì bảo vệ. 

- Giờ cơ thể mình cứ như trên mây vậy. Nhìn mọi thứ như qua sương mù. Tiếp xúc cái gì cũng bay bay như vậy. Đầu không nhức,  nhưng đơ luôn, gần như không hoạt động - bạn cho biết - trước kia mình từng uống PreP cũng bị vật y chang vậy. Không làm được việc gì hết. Mình đã lựa uống buổi tối để uống xong ngủ luôn, vậy mà tác dụng phụ nó vẫn nặng vậy. Nên một thời gian sau mình bỏ luôn - bạn cho hay.

Nhiều người khác cũng xác nhận tình trạng gặp tác dụng phụ khi uống PrEP hoặc ARV. Nhức đầu, đau bụng, sốt, đầu lâng lâng tê dại mất cảm giác… tình trạng lặp đi lặp lại hàng ngày khi uống thuốc khiến họ nản và chặc lưỡi: thôi kệ, trời kêu ai nấy dạ!

A, một thanh niên sống ở một quận ngoại thành của Sài Gòn, làm nghề theo ghe khơi đánh cá. Thanh niên cùng lứa tuổi và làm cùng nghề trong khu vực của A, nhiễm HIV rất nhiều, trong một xã đã có đến vài chục người. Có thể nguyên nhân là do suốt nhiều tuần lênh đênh trên biển nên khi ghé các đảo để bán cá, tiếp nhiên liệu, thực phẩm hoặc đơn giản là nghỉ ngơi chốc lát… thì các trai tráng ngư phủ đã không thể kìm mình trước những cô gái mại dâm. Yêu cầu dùng bao cao su ở những nơi này khó được thực hiện, vì nhiều lý do: xa các khu dân cư, khó mua, tốn tiền, cả khách lẫn gái/trai mại dâm đều không muốn và không hiểu rõ cơ chế phòng bệnh của bao cao su, hoạt động mại dâm hầu như không được kiểm soát... 

Có những hòn đảo nhỏ ngoài khơi phía cực Tây Việt Nam, nằm trong các quần đảo lớn nổi tiếng, được dân địa phương gọi là “thiên đường sung sướng” hoặc “cái ổ trụy lạc” tùy theo góc nhìn. Chúng tôi đã đến một số trong đó. Chính quyền gần như không có mặt nơi này. Vì quá xa xôi nên các tổ chức hoạt động phòng chống HIV cũng gần như không đặt chân đến. Chỉ khi nào có các yêu cầu hỗ trợ qua trực tuyến hoặc điện thoại thì họ mới gởi thuốc, bao cao su… đến. Nhưng, rất hiếm khi có người yêu cầu.

Cũng do nghề nghiệp buộc đi làm xa dài ngày trong khi quy định người nhiễm HIV phải đến lấy thuốc tại trung tâm y tế từng tháng một nên không ít người trẻ đã bỏ thuốc hoặc uống thuốc gián đoạn, khiến hiệu quả điều trị không đạt được. Vẫn tại địa điểm của A, có những gia đình cả cha và con trai, hoặc các anh em trai đều nhiễm HIV. Người còn sống, người đã chết, người đã đến giai đoạn cuối của AIDS, bệnh cơ hội tấn công hàng loạt, giờ hàng ngày chỉ còn đủ sức nằm dài trên ghế hóng nắng và… chờ chết.

Một số khác lại từ bỏ việc uống thuốc chỉ vì thiếu may mắn khi gặp một đại diện Nhà nước tỏ thái độ kỳ thị. Có người thậm chí đã tự vẫn vì bị anh công an xã nhắc “Tới hẹn đi lấy thuốc” khi đang ở giữa đường giữa chợ, toàn những người hàng xóm. Họ mắc cỡ, tủi nhục và sợ bị tẩy chay lây đến gia đình. 

Những người sống ở vùng quê, nơi sự quan tâm của chòm xóm rất cao và nhiều người thân, quen ở khắp nơi thì càng giấu tình trạng bệnh hơn nữa. Nhiều người tìm lên Sài Gòn làm thuê và tìm cách nhận thuốc ở thành phố này để giữ kín được danh tính chứ không nhận thuốc miễn phí ở địa phương nơi có hộ khẩu. 

Tìm ai khi nghi nhiễm HIV?

Theo Bộ Y tế, cả Việt Nam có khoảng hơn 1.200 doanh nghiệp xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng, các mạng lưới cấp quốc gia và liên minh các tỉnh hỗ trợ phòng chống và điều trị HIV, phòng khám... Họ đều chuyên biệt và thân thiện với từng nhóm đối tượng cụ thể, gồm cả công nhân tình dục nam và nữ, nghiện chất kích thích, chuyển giới, đồng tính nam, công nhân/người lao động trong khu công nghiệp, nhà máy, sinh viên các trường nghề và đại học… Nhiều tổ chức dựa vào cộng đồng cực kỳ sáng tạo và len lỏi vào tất cả các địa điểm thực tế và trên mạng mà nhóm đối tượng của mình hay lui tới. Họ chia sẻ, tâm sự và hỗ trợ xét nghiệm HIV, cũng như cung cấp bao cao su miễn phí. Tưởng như đâu đâu cũng có họ, chu đáo và nhiệt tình.

Ấy vậy mà khi cần tìm hiểu thông tin hoặc tư vấn xét nghiệm, uống thuốc dự phòng…v.v, nhiều người cho biết không thể tìm được thông tin mình cần!

Nguyên nhân là thông tin về HIV quá nhiều và quá rộng nhưng lại dàn trải và không có hệ thống. Đến khám các trung tâm y tế thì sợ bị kỳ thị, như có người đã từng bị. Những người trẻ như bị quăng vào một cái biển mênh mông, không biết bơi về hướng nào mới đúng.

Và cũng có những nhân viên tư vấn chỉ nhăm nhăm đi tìm khách hàng để đưa vào chương trình điều trị ARV (nhân viên tư vấn được nhận thù lao khi kết nối được khách hàng điều trị), nhưng không thật sự quan tâm đến người chưa nhiễm và đang cần tư vấn phòng bệnh. 

Một em trai đồng tính nam vừa có hành vi nguy cơ đã không quay lại một phòng khám cho cộng đồng LGBT rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Vì khi đang lo bị nhiễm HIV qua oral sex thì em chỉ được nhận một câu trả lời ngắn gọn: “Không. Khả năng này thấp lắm”. Chấm hết.

Em cũng không được xét nghiệm. 

Dù khả năng nhiễm cực thấp, người có hành vi nguy cơ vẫn cần một kết quả chính xác khẳng định rằng mình không bị nhiễm bệnh để thực sự an lòng. Một câu nói vắn tắt của tư vấn viên (không kèm theo lời giải thích) không thể giúp họ biết nên làm gì để phòng tránh trong tương lai, cũng không thể khiến an lòng. 

Một số khác, chủ yếu là những người trẻ, lại quan hệ tình dục bừa phứa bất chấp với niềm tin đã có ARV thì HIV cũng chỉ là một căn bệnh mãn tính, chưa chắc gây chết người bằng những căn bệnh khác.

Những suy nghĩ non nớt này có lẽ bắt nguồn từ những người chưa từng trông thấy những cơ thể mụn lở loét toàn thân, chảy dịch vàng tanh khiến ruồi nhặng vo ve chung quanh, hay bị các căn bệnh cơ hội ùa vào cùng lúc tấn công khiến hầu như tất cả nội tạng cùng suy kiệt, những cái nắm tay bấu víu vào bất cứ đâu cùng lời cầu xin “Cứu em, em không muốn chết” của những người mà thuốc không còn giúp giảm số lượng virus trong cơ thể được nữa. 

Các KOLs trong cộng đồng LGBT cũng không thường xuyên post những thông tin hỗ trợ tìm hiểu hoặc tư vấn phòng chống HIV. Vì ngại, sợ người ta nghĩ mình có HIV nên mới nhiệt tình với lĩnh vực này đến vậy? Vì các thông tin này không được ai trả tiền, trong khi mỗi post quảng cáo có thể có giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng? Tôi cũng không rõ.

Nhưng sự thật là song song với các nỗ lực tuyên truyền và trợ giúp phòng chống HIV, với số tiền khổng lồ của cả thế giới bỏ ra tài trợ cho hoạt động kéo giảm tỷ lệ người nhiễm HIV… thì độ tuổi nhiễm HIV ở Việt Nam đang ngày càng trẻ, chủ yếu tập trung trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tỷ lệ nhiễm trong nhóm 20-29 tuổi cũng tăng mạnh qua các năm. Tỷ lệ nhiễm cao nhất trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới năm 2020 là ở Cần Thơ, lên đến 22,67%.

Số người trẻ tuổi chết vì HIV thường được gia đình báo tin là chết do đột quỵ, để khỏi bị hàng xóm hay người quen xầm xì kỳ thị. Điều này chất một lớp hiểu lầm nữa lên thực tại, khiến nhiều người trẻ tuổi ngày càng coi thường căn bệnh.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.