Thế lưỡng nan của TT Phạm Minh Chính trước khi đi Mỹ

Bình luận từ Trần Hiếu Chân (từ Califonia, Hoa Kỳ)
2022.04.26
Thế lưỡng nan của TT Phạm Minh Chính trước khi đi Mỹ Hình minh hoạ: Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ở Hà Nội hôm 25/8/2021
Reuters

Lưỡng nan là vì, “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Chạy theo cái lợi trước mắt – để có được sự “bảo lãnh” từ các bạo chúa đàn anh cho ngôi vị độc tài chuyên chế – Cộng sản Việt Nam (CSVN) đành phải đứng về phía Nga và bỏ phiếu theo Tàu như một định mệnh oan nghiệt. Nhưng chính vì “sự lựa chọn lạc loài” ấy mà nay mai, nếu lại bị Nga và Tàu ruồng bỏ, như hồi 14/3/1988 (Nga làm ngơ để Tàu chiếm Gạc Ma) hay 17/2/1979 (Tàu đánh sáu tỉnh biên giới Việt Nam), thật khó có bất cứ quốc gia nào trên thế giới chìa tay cứu Hà Nội, sau khi đất nước này đã ngoảnh lưng lại với loài người tiến bộ, bước sang tháng thứ ba.

Ngày 21/4, tại cuộc họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai bên sẽ diễn ra từ ngày 12 – 13/5 tại Thủ đô Washington DC (Hoa Kỳ). Thủ tướng Việt Nam (TT) Phạm Minh Chính đã nhận lời của Tổng thống Joe Biden, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ). Đây sẽ là một chuyến xuất ngoại hết sức khó khăn của TT Phạm Minh Chính sau những biến cố đầy tai tiếng, cho thấy Hà Nội đã không còn che giấu việc chọn phe. Sau khi Nga xâm lược Ukraine từ ngày 24/2, Việt Nam đã đi theo sự dẫn dắt của Nga và Trung Quốc, ra mặt đối kháng với Hoa Kỳ, chống lại các nước dân chủ, chống lại hệ thống luật pháp quốc tế ở LHQ và trên bàn cờ địa-chính trị cả ở khu vực lẫn quốc tế (1).

Lựa chọn bảo vệ chế độ độc tài

Câu chuyện Việt Nam thao diễn quốc phòng với Nga râm ran mấy ngày nay cho thấy sự lúng túng của Hà Nội trong quan hệ với Moscow. Hãng tin Sputnik của Nga ngày 19/4 chủ động tung tin này như hai nước sắp chuẩn bị tập trận đến nơi (2). Trong khi đó, báo chí Nhà nước Việt Nam im lặng suốt nhiều ngày về đề tài nhậy cảm này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong họp báo hôm 21/4 chỉ dám đề cập một cách chung chung, các “hoạt động hợp tác quốc phòng” Việt – Nga nhằm “tăng cường hữu nghị, vì hoà bình…”. Tức là không thừa nhận mà cũng chẳng phủ nhận tin tập trận. Mập mờ đến một tuần sau, ngày 24/4, báo QĐND mới rón rén bác bỏ tin thất thiệt do Nga tung ra, thừa nhận có “đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam dự Hội nghị trực tuyến chuẩn bị cho Army Games 2022…” (3). Cuộc xâm lăng của Putin tại Ukraine đã bước sang tháng thứ ba. Cả thế giới văn minh đang phẫn nộ trước cuộc chiến tàn khốc ấy. Sự lọc lõi của nền chính trị chuyên chế “Đại Nga” ở chỗ, trưng ra cho thế giới thấy, nước Nga “Sa hoàng mới” vẫn còn có các đồng minh chí cốt. Đó là CSVN, Cộng sản Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar…

Nếu như “hội nghị trực tuyến” bị Nga xuyên tạc thành “tập trận quân sự” như một fake news, thì ba lá phiếu “oan nghiệt” của Việt Nam ở LHQ lại là câu chuyện có thật. Cuộc bỏ phiếu “tham bát bỏ mâm” ấy một phần có thể là để trang trải “các món nợ” từ thời Liên Xô (cũ) qua các cuộc chiến tranh liên miên từ năm 1946. Nhưng hãy đọc các con số thống kê của TS. Nguyễn Ngọc Chu để thấy rằng các món nợ từ xưa ấy đều có vay và có trả khá sòng phẳng (4). Việc Việt Nam không dám lên án cuộc chiến tranh của Nga cũng chẳng liên quan gì đến ý thức hệ cộng sản. Ý thức hệ ấy đã bị chính cả Trung Quốc lẫn Nga chôn vùi vào dĩ vãng. Hà Nội kiên trì bám trụ Nga, một phần là vì kho vũ khí mua từ Nga cần được bảo trì. Nhưng phần quan trọng hơn là để có được sự “chống lưng” của Nga bảo vệ chế độ độc tài chuyên chế. Hà Nội còn sợ Moscow sẽ “đi đêm” với Bắc Kinh, hay ít ra sẽ làm ngơ cho Trung Quốc gây nên một “Ukraine” trên biển hoặc trên đất liền đối với Việt Nam. Thật ra, muốn đối phó với các vấn nạn ấy của quốc gia thì phải chọn nhân dân, đằng này lãnh đạo Hà Nội lại quyết định chọn Nga và Tàu – một lập trường thoả hiệp vô nguyên tắc (5). 

Nhưng liệu người dân và đại bộ phận giới cầm quyền hiện nay có tán đồng “lập trường mang dáng dấp Thành Đô” như một nghiệp chướng từ năm 1990 không? (6) Hay đấy chỉ là quyết định của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một nhóm rất nhỏ xung quanh “nhà độc tài sắp sửa về vườn”? Trong những thời khắc gay cấn mang tính lịch sử như hiện nay, nhân dân Việt Nam rất muốn biết thành phần chủ chốt nào đứng đằng sau những quyết định hệ trọng trên đây? Hãy lưu tên tuổi của thiểu số tội đồ ấy vào sử sách! Chính con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã cho biết một phần sự thật. Ngay thời kỳ chiến tranh, từng có những lãnh đạo không tán thành giải phóng miền Nam bằng bạo lực, có những người thân Liên Xô, có những người thân Trung Quốc. Trong nội bộ đảng luôn tồn tại những khác biệt về tư tưởng. Từ sao chép cải cách ruộng đất bên Tàu, cho đến quan điểm thống nhất đất nước và nhiều quyết sách quan trọng khác (7). 

000_327V8GM.jpg
Kết quả bỏ phiếu ngưng tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng nhân quyền LHQ hôm 7/4/2022. Việt Nam bỏ phiếu chống. AFP

Một lựa chọn tai hại cho dân tộc 

Vừa oằn mình chưa qua đại dịch Vũ Hán, tới đây, cả nước sẽ phải đối phó như thế nào với hậu quả của “ba lá phiếu ngược dòng lịch sử” ở LHQ? Nhỡn tiền, đã bắt đầu ngửi thấy “mùi khét” trong quan hệ Mỹ – Việt. Ngoài chuyện mua vũ khí hay đại loại các kiểu “hợp tác quốc phòng” như đã thừa nhận, nỗi thất vọng của Hoa Kỳ có thể chuyển thành hành động trừng phạt? Trên trang Asia Times, bỉnh bút David Hutt vừa nhận định: “Việt Nam có thể sớm bị Hoa Kỳ cấm vận do tiếp tục có quan hệ quân sự với Nga vào lúc phương Tây tìm kiếm những điểm áp lực thứ cấp mới để trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lăng Ukraine.” Ông Hutt cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt theo Đạo Luật chống đối thủ của Mỹ (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act – CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017. Luật CAATSA cho phép Mỹ trừng phạt kinh tế những quốc gia nào mua sắm vũ khí của Nga. Việt Nam – với hơn 80% vũ khí và thiết bị quốc phòng được mua từ Nga trong vài chục năm nay – hoàn toàn có thể bị trừng phạt theo đạo luật ấy (8).

Giá như chuyến đi của TT Phạm Minh Chính diễn ra trước khi bùng nổ chiến sự Ukraine, ông Chính còn có chuyện để nói với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và vận động cho một mối quan hệ “có chiều sâu, hiệu quả và bền vững” như mong muốn của cả hai phía, bất chấp những thành tích bất hảo của CSVN về nhân quyền, về đàn áp tôn giáo và bóp nghẹt tự do ngôn luận. Nhưng bây giờ trận tuyến đã rạch ròi, chính nghĩa và phi nghĩa đều rõ ràng và Hà Nội đã dứt khoát chọn đứng về phía “oan nghiệt” của lịch sử thì TT Chính quả thật sẽ rất khó khăn. ASEAN chắc phải “nể phục” Việt Nam vì đã không giấu diếm việc chọn phe. Các nước ASEAN luôn sợ phải “chọn phe” trong cuộc cạnh tranh giữa các đại cường. Họ dựa vào sự bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ trong một trật tự thế giới dựa trên luật lệ và làm giàu nhờ quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Vì thế “đu dây,” “đi hàng hai” là đường lối ngoại giao phổ biến của Đông Nam Á. Nay họ không hiểu tại sao Việt Nam lại một mình một ngựa rẽ theo chiều ngược lại (9). 

Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine đang khiến cả thế giới thay đổi, trừ CSVN. Singapore – nước phát triển nhất, thu nhập của người dân cao nhất ASEAN – đã nhanh chóng lên án hành động chiến tranh của Nga và tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga do Hoa Kỳ và châu Âu đề xướng. Campuchia – nước vẫn được xem là chư hầu của Trung Quốc – thậm chí cũng bỏ phiếu ủng hộ Ukraine, lên án Nga trong nghị quyết quan trọng ở LHQ ngay từ đầu, ngày 2/3. Đương nhiên ai cũng hiểu, sự lựa chọn này của Phnom Penh được cho là có bàn tay đạo diễn từ Bắc Kinh, một phần thưởng dưới dạng “demo” cho nhà độc tài Hun Sen. Cho đến nay, các quốc gia Đông Nam Á vẫn mâu thuẫn trong việc lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, hoặc đi xa hơn là tham gia vào các lệnh trừng phạt quốc tế và các biện pháp tương tự khác chống lại Điện Kremlin. Các quốc gia như Indonesia và Thái Lan thận trọng, không muốn xa lánh một nhà cung cấp vũ khí, và với Thái Lan, một nguồn du lịch rất quan trọng. Số khác, như Myanmar, phụ thuộc và liên kết với Nga đến mức nhà cầm quyền đã hết lòng ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine (10). 

Còn một cuộc chiến ác liệt khác

Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine làm rung chuyển trật tự thế giới, càng chia rẽ sâu sắc lòng người trong và ngoài đất Việt. Đồng thời với cuộc chiến đẫm máu, còn có một “cuộc chiến” ác liệt khác trong xã hội Việt Nam hiện nay, tuy không tiếng súng nhưng không kém phần gay gắt để xác định tầm nhìn của lãnh đạo về cái cách (11). Tại cuộc “dịch chuyển địa tầng” hiện nay, liệu ĐCSVN có biết cách đặt chiến lược an ninh và phát triển của đất nước trên đường ray tiến hoá của nhân loại? Hay thay vì câu chuyện quốc gia đại sự ấy, lại chỉ lo nuôi dưỡng và thả rông “đám âm binh” có quân hàm cấp tướng và các GS-TS đầy đủ học hàm học vị nhưng kiến thức rỗng tuếch, suốt ngày chửi bới những ai động đến Putin xâm lược? Thay vì giải quyết những vấn nạn người dân đang bức xúc, chính quyền chỉ đưa ra những câu trả lời kiểu “vòng vo tam quốc”. Để bác bỏ fake news “tập trận” với Nga phải “ngâm tôm” hàng tuần. Các cuộc bỏ phiếu định mệnh ở LHQ cũng cố tình dấu nhẹm người dân và báo chí trong nước.

Cuối đường hầm, liệu còn hy vọng nào từ một Phạm Minh Chính từng nếm mùi “độc tài toàn trị” thời Ceaușescu bên Rumani. Với lập trường “phò Nga” như phân tích ở trên, TT Phạm Minh Chính sẽ trả lời thế nào, trước hết với nhân dân Việt Nam yêu chuộng công lý, tự do, căm thù xâm lược, dù từ Đại Nga hay Đại Hán? Sẽ trả lời như thế nào với Hoa Kỳ, với các nước ASEAN? Cộng đồng quốc tế sẽ nhắc lại tuyên bố xanh rờn của TT Chính rằng, Việt Nam không bao giờ chọn phe, Việt Nam chỉ chọn lẽ phải (12). Vậy “lẽ phải” của Việt nam ở đâu? Là chiến tranh xâm lược? Là tàn sát dân thường? Là tự do áp dụng chính sách diệt chủng như ở Ukraine? Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN được coi là cơ hội để chính phủ Biden thúc đẩy quan hệ song phương với ASEAN, mở rộng tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Hơn ai hết, vị TT Việt Nam biết rằng, kinh tế Việt Nam tuỳ thuộc rất lớn vào thị trường Hoa Kỳ với số xuất siêu lên tới $81 tỷ (đồng thời nhập siêu từ Trung Quốc $54 tỷ) trong năm 2021. Chỉ cần Mỹ đóng cửa một số mặt hàng xuất cảng của Việt Nam, cấm vận một số công ty và ngân hàng Việt Nam (đang đội lốt để tuồn hàng Tàu sang Mỹ) thì hậu quả sẽ khôn lường.

Ơn Chúa lòng lành hãy phù hộ cho “con Domino sứt mẻ Việt Nam” của Ngài. Amen! (13)

_______________

Tham khảo:

1. https://baotiengdan.com/2022/04/11/ngoai-giao-phan-dan-lam-nhuc-ca-dan-toc-lan-quoc-the/

2. https://vn.sputniknews.com/20220419/nga-va-viet-nam-se-tien-hanh-dien-tap-quan-su-14809501.html

3. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/doan-bo-quoc-phong-viet-nam-du-hoi-nghi-truc-tuyen-chuan-bi-cho-army-games-2022-do-bo-quoc-phong-lien-bang-nga-to-chuc-692566

4. https://baotiengdan.com/2022/04/12/quyen-loi-dan-toc-la-o-hien-tai-va-tuong-lai/

5. https://www.voatiengviet.com/a/viet-nga-nhue-khi-dau-khi-vu-khi/6336754.html

6. https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/10/141024_hoi_nghi_thanhdo_hauqua

7. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/son-of-late-party-chief-wrote-about-anti-corruption-02092022093614.html

8. https://asiatimes.com/2022/04/russia-vietnam-ties-put-us-in-a-sanctions-dilemma/

9. http://www.viet-studies.net/kinhte/PhamMChinhDiMy_NV.html

10. https://www.cfr.org/blog/vietnam-caught-between-us-and-russia-ukraine

11. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/russia-ukraine-war-public-opinions-and-reform-perspective-04252022122347.html 

12. https://thanhnien.vn/chung-ta-khong-chon-ben-ma-chon-le-phai-post1411991.html 

13. http://www.viet-studies.net/kinhte/VietNamChippedDomino_2014.pdf

Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
26/04/2022 16:02

Thủ tướng Việt Cộng... mang chuông, đi đánh xứ người...,
xứ người tự do, dân chủ, đa đảng, quyền dân, nhân quyền,

chuông Việt Cộng, độc đảng, độc tài, bất tài, độc quyền đánh chuông,
tiếng chuông... phản dân chủ, phản quyền dân, phản nhân quyền, phản tự do.

Tiếng trông nhân dân Việt Nam đánh xuôi, tiếng chuông đảng viên Việt Cống đánh ngược,

ngược đời, ngược lý, ngược nhân tâm, ngược cả nhân quyền, ngược cả quyền dân Việt,
độc quyền... bỏ phíêu trắng, phất cờ trắng... chạy theo quân giặc xâm lăng, độc tài, tài phiệt, độc ác, Putin, Nga với Tàu.

VNtudo
26/04/2022 20:40

Việt cộng cho rằng vì Liên bang Soviet đã tận tình giúp miền bắc xâm lược miền nam nên dù không thuận với những gì Nga làm ở Ukraine nhưng lương tâm không cho phép chúng phản bội lại Nga. Thực tế thì vào khoảng năm 1947 trước khi xảy ra cuộc chiến tranh lạnh, Stalin chẳng coi Việt Nam ra cái thá gì. Đến khi Liên bang Soviet bị cả thế giới đì ghét bỏ vì lúc gần kết thúc thế chiến thứ 2 chúng xâm lược và ép đông Âu thành các nước cộng sản. Stalin hận thế giới nên hắn quay qua dùng Việt Nam để trả thù các nước trong thế giới tự do. Tính ra khoảng bốn triệu sinh mạng người Việt phải hy sinh để thỏa mãn thú tính của Stalin.

Lê Kim-Song
26/04/2022 21:46

Cám ơn tác giã. Bài viết quá hay. Không những Việt Nam "Tự bắn vào chân mình"(Prof. Thayer), quyết định tập trận chung với Nga của VN còn phản ảnh một tâm thức thiếu tự chủ dân tộc. Chừng nào Việt Nam còn lệ thuộc vào ngoại bang để duy trì một chế độ phi dân chủ và xa rời người dân, chừng đó Việt Nam sẽ còn lâm vào cảnh dở dở ương uơng như hiện nay!

HỒTẬPCHƯƠNG
27/04/2022 08:50

Một trong những khác biệt giữa Cộng Sản và Tư Bản Tự Do dễ nhận thấy nhứt là: TƯ BẢN CÓ QUYỀN "TỰ DO NGÔN LUẬN" ! CÒN CỘNG SẢN THÌ NGƯỢC LẠI ! ! !