Hội nghị Trung ương 5: Liệu Đảng có thể hoá giải lời nguyền đất đai?
2022.05.09
Lời nguyền là thuật ngữ ám chỉ một sức mạnh ‘siêu nhiên’ gây tổn hại hoặc trừng phạt ai về điều gì đó. “Lời nguyền đất đai” là tình huống nghịch lí khi Việt Nam có đất đai, “rừng vàng biển bạc” như nguồn lực phát triển quan trọng, thậm chí là chủ yếu khi quốc gia còn nghèo, nhưng đã không phát huy đúng tiềm năng mà, trái lại, phải chịu ‘ trừng phạt’ bởi hậu quả chênh lệch lớn giàu nghèo, quốc nạn tham nhũng và bất ổn thể chế do những trì trệ, sai lầm và sự níu kéo ý thức hệ giáo điều về CNXH trong cải cách.
Hội nghị Trung ương 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội đang bàn về chủ đề nóng này và kỳ vọng có một nghị quyết mới trên cơ sở tổng kết hai vấn đề mà Đảng đặt ra từ nhiều năm nay. Một là, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và, hai là, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là… nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Hiến pháp, từ chương 2 từ điều 50 đến điều 54 và cụ thể hoá bởi Luật đất đai 2013).
Ông Trọng đã dẫn câu nói của Các Mác (Karl Marx) rằng: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của ‘của cải vật chất’" và nhấn mạnh rằng nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.” Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2019 có 98% đơn khiếu nại mà bộ này nhận được thuộc lĩnh vực đất đai.
“Lời nguyền đất đai” đeo bám và ngày càng dữ dội đối với cải cách thể chế trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường, mà trước hết, là vấn đề chuyển đổi chế độ sở hữu trong các giai đoạn khác nhau. Trong lịch sử cận đại, sau cách mạng giải phóng dân tộc, hệ quả của sự ảnh hưởng của phong trào cộng sản khi đó, cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 đánh dấu sự kiện lớn khởi đầu của sự chuyển đổi sở hữu tư nhân về đất đai sang sở hữu toàn dân, thiết lập nền tảng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Phong trào hợp tác hoá là bộ phận của chính sách quốc hữu hoá đất đai và tài sản trên phạm vi miền Bắc và cả nước sau năm 1975.
Năm 1986 là thời điểm bước ngoặt khi đường lối “đổi mới” được quyết định, khởi động quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường xã hội chủ nghĩa (khái niệm còn chưa đủ luận cứ khoa học, chỉ để duy trì chế độ), đã mở đầu cho tiến trình “tư nhân hoá” về thực chất, ngược lại với “quốc hữu hoá”. Việc cải cách thể chế, luật hoá nỗ lực tìm những cách thức ‘thực dụng’ để hợp lý hoá mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế, giữa “thượng tầng kiến trúc” và “hạ tầng cơ sở”, cụ thể trong lĩnh vực đất đai, sao cho giữ được sự ổn định xã hội.
Những năm 1990 là giai đoạn thể chế hoá có nhiều sự thay đổi quan trọng. Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1993, có nhiều bộ luật, luật quan trọng như Bộ luật Lao động, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư… được ban hành, trong số đó Luật Đất đai 1993 có vị trí đặc biệt. Như đã biết, nội dung then chốt của Luật này tập trung cụ thể hoá chế độ sở hữu toàn dân nhà nước đại diện quản lý, thể chế hoá quyền sở hữu và quyền sử dụng cho các chủ thể khác nhau. Hai nhóm chính sách quan trọng là “giao đất, giao rừng” và “chuyển đổi mục đích sử dụng” để đáp ứng đòi hỏi từ thực tế và phát huy hiệu quả tiềm năng của nguồn lực đất đai, diễn đạt chính xác là đáp ứng nhu cầu của thị trường thâm nhập vào nền kinh tế trong quá trình “cải cách và mở cửa”.
Dư địa tăng trưởng kinh tế trong những năm đầu đổi mới nhờ xoá bỏ chế độ tập trung bao cấp đã bị hiểu sai là sự sáng suốt của Đảng mà bỏ qua những nguyên tắc vận hành của thị trường và những đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực tuyệt đối của Đảng thông qua bộ máy cai trị đặc quyền đặc lợi. Cải cách đã mất phương hướng khi bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế khi “lời nguyền đất đai” đã phát tác mạnh mẽ và đã gây ra một thập kỷ mất mát, tính từ năm 2010.
Hai nhóm chính sách quá độ “tư nhân hoá” nêu trên ‘khi cộng hưởng’ với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá trong môi trường chuyển đổi kinh tế sang thị trường chứa đựng những mâu thuẫn đối kháng giữa ý thức hệ và hành vi thị trường, đã khiến cho việc quản lý đất đai trở nên mất kiểm soát. Bên cạnh những khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập trong khắp các tỉnh thành để mời gọi đầu tư nước ngoài, các khu đô thị cũng mọc lên nhanh chóng, phá hỏng các quy hoạch theo kiểu hành chính, vốn thiếu tầm nhìn. Mở rộng thành phố Hà Nội năm 2008 là ví dụ điển hình. Như đã biết, khi tình hình có biến động, chẳng hạn, sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009 cùng với chính sách tăng trưởng nóng vội ở Việt Nam vào những năm 2010 đã dẫn đến “bong bóng bất động sản” kéo theo rối loạn hệ thống ngân hàng tài chính trong nước. Những dự án quy hoạch treo nhiều năm, đóng băng không chỉ gây lãng phí, làm sụt giảm tăng trưởng mà còn gây ra những tác động tiêu cực xã hội, đời sống nông dân mất đất trở nên cùng cực.
Trong bối cảnh rối loạn thể chế, những hiện tượng lấn chiếm đất công, phá rừng, chiêu trò lừa đảo về đất đai, thao túng thị trường bất động sản diễn ra phổ biến… Hơn thế, một khi mâu thuẫn nêu trên không những không thể ‘giàn xếp’ được trong cải cách, đã bùng phát thành những xung đột về lợi ích. Những vụ việc điển hình đã dẫn đến sự đàn áp của chính quyền như vụ gia đình ông Đoàn văn Vươn năm 2012 tranh chấp quyền sở hữu đất “khai hoang” để canh tác dưới hình thức trang trại gia đình ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Vườn rau Lộc Hưng năm 2019…, tranh chấp pháp lý nguồn gốc đất nhà thờ, quyền sử dụng của 124 hộ dân với chính quyền phường 6, quận Tân Bình, TP HCM và, tất nhiên, vụ Đồng Tâm ‘đỉnh điểm’ bạo lực, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, giữa các hộ dân, “thủ lĩnh” là Cụ Kình, người nông dân trên 60 năm tuổi Đảng, bảo vệ “cánh đồng làng Sênh” trước sự đàn áp của chính quyền đầu năm 2020 ở Mỹ Đức, Hà Nội.
Quy hoạch là đặc quyền, đặc lợi của giới lãnh đạo. Các lý do luôn biện minh cho sai lầm chính sách và, để rồi, chẳng có ai chịu trách nhiệm với những hậu quả nặng nề. Khi khởi đầu nhiệm kỳ 2020-2025 Hà Nội lại “ồn ào” với dự án quy hoạch ven sông Hồng. Một chiêu trò chính trị thay vì một quy hoạch nghiêm túc khả thi. Những yêu cầu về công khai quy hoạch là khẩn thiết nhưng vô vọng. Mới đây, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, trong đó có 4-7 huyện sẽ lên quận. Đây không chỉ là cơ hội cho những quan tham tiền và tham nhũng chính sách, mà còn cho giới đầu cơ bất động sản - những con kền kền trục lợi hậu quả từ những sai lầm chính sách và quyền lực công không được kiểm soát.
Đặc trưng chứa đựng nguy cơ diệt vong, khó tránh khỏi đối với chế độ từ “lời nguyền đất đai” là sự câu kết thân hữu giữa giới lãnh đạo và giới đại gia bất động sản. Ý nghĩ thành đương nhiên trong công luận rằng sau mỗi đại gia đều có sự bảo kê ngầm của các quan tham. Những đường dây thân hữu chằng chịt ngang dọc trong các cấp độ lãnh đạo, quản lý và trong các lĩnh vực của nền kinh tế tạo ra xu hướng “bền chắc” thúc đẩy hình thành nhà nước tư bản thân hữu trong bối cảnh chuyển đổi thị trường mà vẫn duy trì chế độ tập quyền với ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều.
Đảng CSVN đang tổng kết hai nghị quyết về đất đai và tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) tại Hội nghị 5 này. Đáng tiếc là những quốc sách tối quan trọng với sự phát triển đất nước, liên quan đến cuộc sống của mọi người dân nhưng đã thiếu đi những hình thức tham gia thực chất của người dân, những tiếng nói phản biện của giới nghiên cứu chính sách và thể chế. Những câu hỏi xoay quanh những chính sách “giao đất, giao rừng” và “chuyển đổi mục đích sử dụng” liệu có được thảo luận “thẳng thắn”, liệu hậu quả, sự tác động tiêu cực của các chính sách, từ Hiến pháp, Luật Đất đai đến những hành động cụ thể có được thảo luận “nghiêm túc” gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực tuyệt đối và “căn bệnh nan y” mang tên ý thức hệ giáo điều? Và, hơn thế, đích đến của các chính sách này là gì, xã hội chủ nghĩa chỉ là huyền thoại hay một mô hình xã hội lai tạp bất định?
Những cuộc họp trong phòng kín của giới lãnh đạo, trước hết, vì lợi ích của độc đảng cầm quyền, bởi vậy dư luận có thể nghi ngờ về tính khả thi của các quyết sách và, hơn thế liệu có thể có quyền đòi hỏi về nhu cầu và lợi ích của người dân với vai trò là chủ nhân như hiến định. Thật khó có thể được thuyết phục khi “LỜI NGUYỀN ĐẤT ĐAI” còn hiện hữu và dễ dàng phát tác trong môi trường thể chế đầy cám dỗ bởi quyền lực công, các quan chức còn thiếu cơ chế kiểm soát cần thiết và hiệu quả.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.