“Xin lỗi phải để anh ngồi ghế nhân viên. Ghế giám đốc hôm nay mới về”
2019.10.20
Hôm qua, cô nhân viên lễ tân gõ cửa phòng tôi, khuôn mặt và giọng nói rất áy náy: “Dạ xin lỗi anh, ghế của anh ngày mai mới giao về, mai em thay sớm cho anh nha anh. Anh chịu khó ngồi hết bữa nay nha”.
Tôi nhìn lại cái ghế đang ngồi. Vẫn tốt, chắc chắn, không hỏng chỗ nào. Sao phải thay?
Cô lễ tân: “Dạ tại vì hôm trước chưa mua kịp nên em đặt tạm ghế nhân viên vô cho anh, nhưng mà như vậy không được. Ghế của anh là ghế khác”.
Vỡ lòng các loại ghế
Công ty này tôi mới về được hai ngày, bàn ghế chỗ làm việc sạch sẽ, từng khu vực đều có bàn tay kiến trúc sư và nhà trang trí nội thất. Bàn làm việc màu trắng, ghế đen, trong tất cả các phòng đều có trang trí cây cảnh khá đẹp, hôm qua tôi thấy có nhân viên công ty công ty cây cảnh đến chăm sóc. Như tất cả mọi công ty khác. Nhưng điểm đặc biệt hóa ra lại ở cái ghế. Ai mà ngờ!
Thì ra cô ấy phải sắp xếp cho tôi cái ghế “Giám đốc”, theo đúng chức danh bổ nhiệm trong công ty. Nó rộng hơn ghế “nhân viên”, phần tay dựa bọc simili (tay dựa ghế nhân viên là thanh nhựa). Lưng ghế cũng dài hơn và có một dải kim loại màu bạc viền quanh. Nệm ghế bọc chất liệu giả da bóng mờ. Còn ghế nhân viên nệm bọc lưới mềm.
Ngoài ra chẳng còn gì khác. Cũng 5 chân xoay bằng thép mạ, cần chỉnh cao thấp như nhau.
Máu tò mò nổi lên, tôi đi một vòng quanh khu làm việc. Hóa ra không chỉ phân biệt ghế “giám đốc” với “ghế nhân viên”, còn có một loại ghế nữa gọi là “ghế leader” (trưởng nhóm. Trong các công ty lớn sản xuất nhiều mặt hàng hay chia các nhóm riêng biệt theo chuyên môn hẹp, hồi trước trong công ty nhà nước thường gọi là trưởng phòng, còn theo cách gọi thời thượng ở các công ty tư nhân Việt Nam hiện nay thì là “leader”).
Ghế leader thuộc loại nửa nọ nửa kia. Lưng ghế hình chữ S cong theo sống lưng, tựa vào dễ chịu hơn ghế giám đốc nhiều. Tay vịn simili, không có lớp viền kim loại nhưng có thêm phần tựa đầu cũng bằng loại lưới nửa cứng cùng loại với lưng ghế nên thoáng mát. Tóm lại, ngồi cái ghế này êm và mát hơn cái ghế giám đốc. Nhưng trong phòng máy lạnh như ở tất cả các công ty hiện nay thì điểm khác nhau này không đáng kể lắm, trừ những ngày máy lạnh hư.
Thị trường bàn ghế văn phòng ở Việt Nam chia nhiều loại ghế. Những ghế to, chất liệu tốt, thiết kế sang trọng thường được các anh giám đốc ưa thích, nên qua một thời gian, nó được dân bán hàng mặc định là “ghế giám đốc”. Trên trang quảng cáo của công ty Hòa Phát, nó được quảng cáo “cực ấn tượng với kiểu dáng bề thế mang uy nghi của người lãnh đạo (…), form thiết kế rất sang trọng tạo cảm giác thoải mái, thư thái cho người sử dụng.
Một mẫu ghế giám đốc khác thì được quảng cáo: “Sử dụng 100% chất liệu da thuộc cao cấp cho phần tựa và đệm ngồi. Tay ghế vịn cố định hình hộp, ốp bọc da 2 tầng và được viền thép mạ vô cùng sang trọng. Bên hông phải có nút điều khiển độ ngả lên xuống tùy ý tạo sự tiện dụng đột phá cho sếp và tích hợp ổ cắm dây sạc điện thoại góp phần tạo điều kiện cho không gian văn phòng của sếp thêm chuyên nghiệp và tự tin hơn trong mắt đối tác, khách hàng. Quả thực đây là điều mà các sếp mong muốn” (nguyên văn).
Tìm các mẫu “ghế leader” của công ty này thì có trang hiển thị, nhưng đã bị xóa, hoặc trỏ đến trang “ghế VIP, ghế giám đốc”. Nghĩa là trước kia họ từng phân biệt “ghế giám đốc” với “ghế leader” hẳn hoi.
Ở trang web của một công ty khác, chiếc “ghế leader” của họ không khác gì “ghế giám đốc” cả.
Một số trang web khác phân biệt bằng tiếng Việt: Ghế lãnh đạo và Ghế trưởng phòng.
Đến “ghế nhân viên” thì dễ tìm hơn. Ghế văn phòng, ghế xoay… đều là nó.
Ở Việt Nam có nhiều cụm từ thời thượng. Tôi tìm một cụm. Tưởng điên điên mà té ra có thật.
Ghế start up!
Tôi chưa kịp khen trí thông minh của thiên hạ và của mình thì thất vọng: Hóa ra “ghế start up” không phải là ghế có đôi cánh (cho mơ ước bay cao), hay keo dính (start up là làm việc 20/24 tiếng), hay có nệm massage cho mông, vai, lưng và cổ; hoặc có cánh tay đòn đút thức ăn và cà phê cho người ngồi trên nó…
Mà chỉ là những cái ghế nhân viên hết sức thông thường.
Không rõ các nhà sản xuất xem thường start up hay có ý sâu xa, cười vào mũi những thằng start up kiểu “mơ tự do vẫy vùng cho lắm đi, trước sau gì chúng mài cũng dập mật ra rồi lại dài mặt ra mơ ước cuộc đời nhân viên nghèo nhưng bình yên”.
Hầu sếp như Ôsin
OK câu trên là chuyện ngoài lề và chuyện đùa. Nhưng khi hỏi kỹ cô lễ tân, tôi được biết công ty mới của tôi có quy định này và các cô phải thực hiện cho đúng. Nếu không, nhỡ có ai ngồi nhầm ghế theo nghĩa đen, tức lãnh đạo ngồi ghế trưởng phòng, hay leader ngồi ghế nhân viên mà họ thắc mắc, các cô sẽ ăn phạt. Trừ vào tiền lương.
Có lần, người giám đốc một bộ phận đã nghỉ việc. Khi thay ghế, chiếc ghế được bọc nilon kín, các cô nhất quyết không cho ai xé ra, dù cuộc họp cần nhiều người. “Ngồi thì ngồi tạm, nhưng không được xé. Phải để giám đốc mới vô mới xé được”-các cô nhất mực.
Tuy đọc đến đây tôi đoán ai cũng buồn cười, nhưng với các nhân viên cấp thấp ở công ty tôi, đó là quy định hết sức đúng đắn. Có lẽ vì nó thể hiện sự “đẳng cấp” mà họ nghĩ chỉ công ty lớn mới có được. Và do đó họ vô tình tự hào về việc mình được giao giữ gìn sự “chuyên nghiệp, đẳng cấp” đó.
Tôi đã thấy cô lao công trịnh trọng hâm thức ăn trong lò vi sóng, bày ra từng món trên chiếc khay, so đũa gọn gàng bưng vào cho sếp ăn trưa. Năm ngày trong tuần, ngày nào cũng thế, “chuông reo là bắn”. Chờ vị kia ăn xong, cô bưng chiếc khay dở dang thức ăn thừa đi đổ và rửa bát. Đến 2 giờ chiều, một cô khác pha một ly cà phê (từ loại cà phê 3 trong 1 rất thông thường công ty mua sẵn cho tất cả nhân viên), bỏ vài viên đá, bưng vào. Đều như vắt tranh.
Tôi không định chê bai công việc của cô nhân viên khi cô ấy được phân công, nhưng tôi khó kìm được cảm giác ghê ghê khi dọn dẹp thức ăn thừa, mà nó không từ người thân hay bạn bè mình, hay ít ra là công việc thuần túy chuyên môn như ở quán ăn, nhà hàng chẳng hạn.
Tôi chỉ thấy rõ sự “tranh thủ” của vị sếp có xuất thân đặc thù. Bữa ăn trưa mua ở quán, giá vài chục ngàn, không ngon miệng mấy; ly cà phê cũng rẻ tiền, chất lượng tương đương. Nhưng thà thế, tiết kiệm cho anh ta tháng chưa tới một triệu đồng.
Tôi cũng thấy sự khúm núm kính cẩn mang phong cách hầu hạ của các cô nhân viên trước cấp trên. Có lần, thậm chí các cô đã cao giọng với một nhân viên định mang hộp cơm trưa xuống hâm ở lò vi sóng, vì chiếc lò ở khu làm việc của họ bị hỏng. Họ nói: “Lò này chỉ để hâm thức ăn cho sếp thôi. Lỡ hâm cái khác lò hư thì làm sao kịp hâm thức ăn cho sếp!”
Tôi hiểu đó chỉ là một cách biện minh, vì hễ dụng cụ nào hư hỏng thì lập tức văn phòng sẽ gọi sửa chữa hoặc thay thế. Nếu thức ăn của ông sếp nhất thiết phải được hâm trong chiếc lò vi sóng đặt tại công ty này, họ sẽ đi mua ngay chiếc lò khác trong vòng một nốt nhạc.
Nhưng, nếu ông sếp là một ông sếp thực thụ thì việc ăn một mình trong phòng riêng tất cả các bữa trưa sẽ là một thảm họa cho lĩnh vực ông ấy đang phụ trách. Vì ai làm kinh doanh cũng hiểu thấu nguyên tắc bàn chuyện kinh doanh tốt nhất là trên bàn ăn, hay như một cuốn sách bán rất chạy đã viết “Đừng bao giờ đi ăn một mình”.
Văn hóa công ty?
Một điều thú vị là những công ty nước ngoài thì không phân biệt các loại ghế, cũng như các loại lò vi sóng. Họ chỉ phân biệt lương, thưởng, quyền và trách nhiệm.
Một điều thú vị khác nữa, trang web phân biệt “ghế lãnh đạo”, “ghế trưởng phòng” tôi nhắc đến trên kia có địa chỉ trụ sở ở phía Bắc.
Điều thú vị thứ ba, vị sếp ăn trưa cô đơn có cùng nơi xuất thân với trang web kia.
Tuy hiện tại anh ta đang ở công ty tôi- là công ty tư nhân, nhưng gốc của anh ta là cơ quan nhà nước. Và hơn thế nữa, anh ta hiện tại ngồi ở công ty tôi với tư cách đại diện cho phần góp vốn của công ty nhà nước. Ngoài anh ta ra, các sếp thực sự, tức những người chủ dựng nên công ty, không ai có phong cách như vậy cả.
Tất cả những chuyện tôi vừa kể, tuy chỉ là những mắt thấy tai nghe trong thời gian làm qua các công ty ở Việt Nam, nhưng nó vẫn thể hiện một nét cốt tủy trong tư duy không ít người Việt hiện tại. Là sếp thì phải được đặc quyền đặc lợi, bao nhiêu cũng vơ. Là nhân viên thì phải đội sếp lên đầu, dù không thực lòng. Gốc rễ của nó cắm rất sâu từ nền quản lý nhà nước độc quyền hàng chục năm ở phía Bắc, khi cơm ăn áo mặc đều phụ thuộc sắc mặt lãnh đạo chứ không từ đóng góp của nhân viên. Mà sếp thì từ “vườn trẻ Trung tương”, COCC (con ông cháu cha), không có năng lực, sợ bị nhân viên khinh nên phải giải quyết khâu oai bằng mọi cách.
Những tinh hoa trong nghệ thuật quản lý và tạo thành văn hóa công ty như sự trân trọng, công bằng, quan tâm, khiến nhân viên được phát triển hết khả năng và có tình cảm gắn bó với công ty, ở những nơi vẫn còn dính chất nhà nước, dù nhiều hay ít, vẫn chỉ là nói như vẹt, hợp thời thượng mà thôi.
Hay đó mới chính là “văn hóa công ty” đúng chuẩn của các công ty đậm đặc gốc Việt?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do