Căng thẳng trên eo biển Đài Loan và ảnh hưởng tới Việt Nam
2021.10.12
Trung Quốc uy hiếp Đài Loan
Căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã lên đến đỉnh điểm. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) tố cáo Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến và nhiều khả năng sẽ tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2025. (1)
Tình hình xung quanh Đài Loan nóng lên từ đầu tháng 10, khi gần 150 máy bay quân sự Trung Quốc, gồm cả máy bay ném bom chiến lược H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đã nhiều lần quần thảo vùng trời ngoài khơi hòn đảo này. Tuy máy bay Trung Quốc không xâm phạm không phận Đài Loan, song chính quyền Đài Bắc đã tỏ rõ sự lo ngại. Ông Khâu Quốc Chính cảnh báo tình hình “đáng báo động nhất trong hơn 40 năm qua”, đồng thời cảnh báo “chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ hòn đảo trước mối đe dọa, dù luôn cố gắng chung sống hòa bình với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. (2)
Theo chính sách lâu nay, Mỹ hỗ trợ chính trị và quân sự cho Đài Loan, nhưng không đưa ra cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ Đài Loan trước các cuộc tấn công của Trung Quốc.
Ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng khẳng định rằng trong cuộc trao đổi hồi tháng 9 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã tái khẳng định tôn trọng “thỏa thuận Đài Loan”. Bình luận ngắn gọn của Tổng thống Biden về “thỏa thuận Đài Loan” ngụ ý nhắc đến lập trường “một Trung Quốc” của chính quyền Mỹ. Theo đó, Washington chính thức công nhận Trung Quốc cùng lúc với việc cắt đứt “quan hệ ngoại giao” với Đài Loan vào năm 1979. Mỹ khi đó kỳ vọng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình và Mỹ không có quan điểm gì về chủ quyền của Đài Loan. Tuy nhiên, cũng trong năm này, Mỹ đã ban hành Đạo luật về Quan hệ Đài Loan, đảm bảo cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Sau phát biểu của tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết đã yêu cầu phía Mỹ làm rõ những bình luận của Tổng thống Biden và được trấn an rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan sẽ không thay đổi, và cam kết bảo vệ của Washington đối với Đài Bắc là “vững chắc”. Bộ Ngoại giao Đài Loan sau đó nhấn mạnh: “Đối mặt với các đe dọa quân sự, ngoại giao và kinh tế của chính quyền Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ luôn duy trì các kênh liên lạc chặt chẽ và thông suốt”. (3)
Bắc Kinh muốn gì khi đe doạ Đài Loan?
Thời điểm mà Trung Quốc chọn lựa để uy hiếp Đài Loan khá quan trọng. Trước tiên, Trung Quốc kỷ niệm Quốc Khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10. Trung Quốc muốn biểu dương sức mạnh tinh thần dân tộc bằng một hình thức nào đó. Một sự kiện quan trọng khác chính là cuộc tập trận chung ngoài khơi Okinawa giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Canada và Hà Lan. Cuộc tập trận quy tụ hai tàu sân bay của Mỹ, một tàu sân bay của Anh, một tàu sân bay trực thăng Nhật Bản. Như vậy, đây cũng là một cuộc biểu dương lực lượng của Mỹ nhưng là ở phía bên kia chuỗi đảo Okinawa. Bên cạnh đó, ngày 10/10 là ngày lễ lớn của Trung Hoa Dân Quốc, là ngày “Quốc khánh” của Đài Loan. Người ta có thể đoán là “sẽ có một cuộc biểu dương sức mạnh mới từ Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, khả năng dẫn đến chiến tranh toàn diện giữa Đài Loan và Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn rất hạn chế dù Bắc Kinh không ngừng gia tăng khiêu khích. Những hành động của Bắc Kinh vẫn rất được cân nhắc, có chừng mực bởi cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn chưa đi vào vùng không phận của Đài Loan mà chỉ ở ADIZ. Đó là vùng không gian do Đài Bắc đơn phương tuyên bố và không phải là một khoảng cách hợp pháp về mặt pháp lý.
Nhà nghiên cứu chính trị Scott W Harold, làm việc tại Tập đoàn Rand, cho rằng thời điểm này, một cuộc xâm lược thực sự sẽ là một "thách thức rất lớn" đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), và rằng các hoạt động quân sự thời gian gần đây có lẽ chỉ là nhằm đe dọa hòn đảo dân chủ này. Ông nói: “Những gì Trung Quốc làm là gây áp lực với Đài Loan - thử đặt ra một số ranh giới đỏ - và cố gắng leo thang chiến dịch chiến tranh tâm lý chống lại hòn đảo dân chủ và nhà lãnh đạo Thái Anh Văn”. (4)
Euan Graham, nhà phân tích về quốc phòng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore, cho rằng điều quan trọng và đáng chú ý hơn số lượng máy bay được triển khai là sự tinh vi và hiện đại của các phương tiện này, gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay cảnh báo sớm trên không. Ông nói: “Trông nó giống như một chiến dịch tấn công, và một phần của các bước tăng áp lực. Đây không phải là một vài máy bay chiến đấu áp sát (không phận) và sau đó quay trở lại khi chỉ mới chạm vào ranh giới, đây là một hoạt động có chủ đích hơn nhiều” (5). Kiểm soát Đài Loan và không phận của hòn đảo này là chìa khóa trong chiến lược quân sự của Trung Quốc, với thực tế là các khu vực chứng kiến các cuộc xuất kích gần đây nhất đều dẫn đến Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.
Theo bà Bonnie Glaser - một chuyên gia từ Trung Quốc, Đài Loan là vấn đề duy nhất có thể thực sự dẫn đến một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Hãy nhớ rằng Trung Quốc và Mỹ đều có vũ khí hạt nhân, vì vậy nếu tình hình xung quanh Eo biển Đài Loan leo thang, điều đó sẽ thực sự thảm khốc. Tất nhiên, Trung Quốc cho rằng Đài Loan về cơ bản là một tỉnh của nước này. Và vì vậy, Tập Cận Bình (như nhiều người lo sợ) có thể từ bỏ việc thống nhất hòa bình và có thể sử dụng vũ lực để xâm lược Đài Loan. Từ quan điểm đó, việc các chiến đấu cơ Trung Quốc xâm phạm ADIZ của Đài Loan mới đây thực sự nhằm mục đích cảnh báo Đài Loan không nên đi quá xa trong việc tìm kiếm độc lập. Ngoài ra, động thái đó cũng nhằm gây ra tâm lý tuyệt vọng cho người dân Đài Loan, từ đó họ có thể sẽ từ bỏ khát vọng độc lập và chấp nhận trở thành một phần của Trung Quốc. (6)
Đài Loan liên quan Việt Nam và biển Đông ra sao?
Ngày 5/10, phát biểu với các phóng viên tại Đài Bắc, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương cảnh báo: "Đài Loan phải cảnh giác. Trung Quốc ngày càng vượt lên dẫn trước. Thế giới cũng đã chứng kiến Trung Quốc nhiều lần lặp lại những hành động gây tổn hại tới hòa bình khu vực và gây áp lực đối với Đài Loan”, đồng thời nói thêm rằng Đài Loan cần phải "tự tăng cường sức mạnh" và đoàn kết lại. Ông khẳng định: "Chỉ có như vậy, các nước muốn thôn tính Đài Loan mới không dám dễ dàng sử dụng vũ lực. Chỉ khi chúng ta tự giúp mình, người khác mới có thể giúp chúng ta”. (7)
Câu chuyện của Đài Loan cũng là câu chuyện của Việt Nam. Trung Quốc không chỉ đặt mục tiêu vào Đài Loan mà còn có dã tâm chiếm đoạt toàn bộ biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng những tiền đồn ở đây để biến thành các căn cứ quân sự. Vì vậy, Trung Quốc đã điều động những tàu hải cảnh rất lớn và đe dọa các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc muốn cấm các nước này khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển mà trên thực tế thuộc chủ quyền của họ theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982, bao gồm cả quyền đánh bắt cá và khai thác năng lượng. Và Trung Quốc cũng đã sử dụng các căn cứ quân sự này để báo hiệu rằng Bắc Kinh có thể có một số yêu sách vượt ra ngoài các tuyên bố về quyền hàng hải hợp pháp. Do đó, Mỹ và các nước phương Tây khác lo ngại Trung Quốc sẽ ngăn cản tự do hàng hải trong khu vực. Các lực lượng hải quân - không chỉ của Mỹ, mà còn của Nhật Bản, Australia, Pháp và các quốc gia khác - đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông chỉ để chứng minh rằng vùng biển này phải được duy trì tự do cho tất cả các quốc gia khác.
Cách mà Đài Loan chống lại đe doạ từ Bắc Kinh sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Và nếu Bắc Kinh thành công trong việc xâm lược Đài Loan thì chẳng mấy chốc sẽ tới việc Trung Quốc tiếp tục xâm chiếm những căn cứ mà Việt Nam đang nắm giữ ở Trường Sa.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.