Tô Lâm qua Mỹ: Thành tựu và kỳ vọng từ các phía
2024.09.26
Cả dư luận Việt Nam và quốc tế đều đang mong chờ những sự kiện nổi bật liên quan đến chuyến công tác của ông Tô Lâm. Trên Facebook cá nhân, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu (tác giả của tiểu thuyết “Bóng Đè”) cảm thán: “Cứ mỗi lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi Mỹ hoặc Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, nhiều người lại rộn ràng hy vọng. Nào là sang trang, nào là thay đổi cơ đồ, nào là bình minh hé rạng... Hy vọng cũng tốt thôi, đáng yêu nữa, nhưng sự hy vọng đó làm tôi buồn. Buồn cho hy vọng!” (1). Cảm thán như vậy, nhưng thực tế có nhiều diễn tiến tích cực liên quan đến quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ” (CSP) đáng được đón nhận trong dịp này. Chuyến công du của ông Tô Lâm tới Mỹ, các hoạt động của ông tại Liên Hợp Quốc và trên đất Mỹ, cùng với các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Biden và giới doanh nghiệp Mỹ... tất cả không chỉ là nghi thức ngoại giao thông thường. Hàng năm, hàng chục nguyên thủ quốc gia đến Mỹ dự họp Liên Hợp Quốc (LHQ) đều có cuộc gặp với Tổng thống Biden, chứ không riêng Chủ tịch nước Việt Nam. Vậy tại sao phái đoàn của ông Tô Lâm lại nhận được sự chú ý đặc biệt từ truyền thông và báo chí như vậy?
Phát biểu trước LHQ hôm 24/9, Tổng thống Mỹ nói về những bất ổn trên thế giới, gồm cả chiến tranh Việt Nam, kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp Thượng nghị sỹ năm ông 29 tuổi vào hồi 1972. Sau khi nói rằng “Chúng ta đã chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”, ông Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. “Năm ngoái, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác của mình lên mức cao nhất,” ông Biden tuyên bố trước hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới tại phiên toàn thể Đại hội đồng LHQ. “Đó là minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải rằng, ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác và bạn bè; đó là bằng chứng cho thấy ngay cả từ những nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước,” ông Biden nói. Người đứng đầu Nhà Trắng đề cập đến sự hàn gắn giữa hai cựu thù để trở thành những đối tác chiến lược tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam trong bối cảnh có các cuộc xung đột lớn đang diễn ra trên thế giới. Ông nhắc tới các cuộc chiến ở Ukraine, Gaza hay Sudan và nguy cơ xung đột lớn ở Biển Đông (2).
Theo Reuters, Tổng thống Joe Biden đã gặp CTN – TBT Tô Lâm bên lề phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ chiều 25/9 (giờ Mỹ). Tại cuộc gặp, ông Tô Lâm ca ngợi những “đóng góp lịch sử” của ông Biden trong việc nâng cao quan hệ. Còn ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của chất bán dẫn, chuỗi cung ứng, an ninh mạng. Biden cũng đề cập về quyền tự do hàng hải và pháp quyền. Trước đó, ông Tô Lâm đã gặp đại diện của các công ty Hoa Kỳ tại New York, bao gồm Meta (META.O), công ty đã cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam. TBT – CTN cũng đã yêu cầu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ nỗ lực của Hà Nội nhằm yêu cầu Washington xóa tên Hà Nội khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường (NME) và dỡ bỏ các hạn chế thương mại khác, đồng thời tạo điều kiện để Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Tổng thống Biden nhắc lại, kể từ khi bắt đầu một kỷ nguyên mới trong quan hệ vào năm ngoái, hai nước đã đầu tư lịch sử vào chất bán dẫn và chuỗi cung ứng, đồng thời đã khởi động hợp tác chưa từng có về an ninh mạng. Ông cũng cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam nhất trí trong các cam kết về tự do hàng hải và pháp quyền, ám chỉ đến các tranh chấp hàng hải khu vực với Trung Quốc. Nhắc lại phát biểu trước đó của ông tại LHQ, Biden nói: “Không có gì vượt quá khả năng của chúng ta, nếu chúng ta cùng nhau làm việc” (3).
Sự quan tâm trong nước và quốc tế tập trung nhiều nhất là vào buổi ông Tô Lâm gặp ông Biden chiều 25/9. Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc), trả lời BBC News Tiếng Việt trước đó ngày 23/9 rằng, đây sẽ là một cuộc hội kiến quan trọng. “Cuộc gặp này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau mà mỗi nhà lãnh đạo dành cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa mới được thiết lập. Tổng thống Biden muốn đưa ra thông điệp, Việt Nam là một đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Vị Giáo sư này còn đánh giá, việc gặp đủ lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga – ba cường quốc có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam – trong thời gian ngắn vừa qua là cả một thành tích đáng kể của ông Tô Lâm. Mặc dầu, cũng theo BBC, một số nhà quan sát lại cho rằng thời gian chưa đủ dài để đánh giá năng lực nguyên thủ quốc gia của ông Tô Lâm trên cương vị lãnh đạo cao nhất. Đó chính là lý do để mọi diễn tiến và kết quả cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Biden sẽ còn để lại dư âm lâu dài (4).
Các cuộc tiếp xúc và thỏa thuận với giới doanh nghiệp dường như đã thành công hơn cuộc nói chuyện của ông Tô Lâm tại Đại học Columbia. Tại đấy, bên cạnh phần phát biểu được chuẩn bị sẵn, phần hỏi – đáp dành cho giáo sư và sinh viên cũng diễn ra theo các kịch bản được cho là ấn định trước (5). Điều này cho thấy, việc tiếp xúc rộng rãi với thế giới bên ngoài, nhất là với các học giả và các tầng lớp sinh viên, đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam bao giờ cũng là những thách thức không nhỏ. Khó khăn không chỉ là không thể trả lời thẳng vào các đề tài cử tọa quan tâm như vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, hay làm cách nào để đối phó với sự cạnh tranh Trung – Mỹ, xẩy ra ngay cả trên đất nước Việt Nam? Trong buổi đối thoại với thầy trò trường Columbia, ông Tô Lâm đã né tránh các câu hỏi tế nhị ấy. TBT – CTN đã lái vấn đề hòa hợp dân tộc giữa chính quyền trong nước với cộng đồng người Việt ở hải ngoại bằng các biện pháp hóa giải quan hệ song phương Việt – Mỹ từ cựu thù để trở thành đối tác (6). Giá như Giáo sư điều phối buổi buổi gặp mặt đào tạo thêm kỹ năng “rhetoric” (thuật hùng biện) cho sinh viên Việt Nam thì tốt hơn biết bao nhiêu, không để các em cứ chúi mũi vào iPhone mà đọc các câu hỏi đã chuẩn bị sẵn.
Dù sao, chuyến công tác Tây Bán Cầu lần này có thể gợi mở đường hướng mới trong chính trị đối ngoại của ĐCSVN. Phía Hoa Kỳ muốn thăm dò quan điểm của Tô Lâm đối với các vấn đề nhân quyền, kinh tế và an ninh khu vực. Ngược lại, phía Việt Nam muốn tìm hiểu xem người đứng đầu tương lai của Nhà Trắng rồi đây sẽ có chiến lược như thế nào đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Nước Mỹ đang hướng tới giai đoạn kết thúc mùa vận động bầu cử tổng thống; chiều ngược lại, dư luận Mỹ và quốc tế cũng lại đang chờ đợi xem, liệu những diễn ngôn về chính sách gần đây của ông Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 có thực chất hay chỉ là lời hứa hẹn suông. Đặc biệt, dư luận muốn kiểm chứng xem, đằng sau việc ông Tô Lâm trích dẫn huấn thị của cố Tổng bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị Trung ương 10 trước ngày lên đường đi Mỹ có ý nghĩa gì? (7) Phải chăng Tô Lâm muốn cam kết với cả dư luận trong lẫn ngoài nước tinh thần cảnh giác cao trước mọi ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam. Bởi ai cũng biết, tên tuổi Lê Duẩn gắn liền với khí phách “chống Tàu”, đặc biệt là tinh thần của Hiến pháp 1982, coi “Trung Quốc luôn là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”.
Tóm lại, chuyến công tác của TBT – CTN Tô Lâm không chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng. Quan hệ song phương Việt – Mỹ qua kỳ này có thêm đà mới. Dù có phản ứng trái chiều và kết quả cụ thể vẫn còn phía trước, chuyến đi này đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong tập hợp lực lượng mới tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, như một số nhà quan sát nhận định, sự kiện này không chỉ dừng lại ở những cuộc gặp gỡ chính thức, mà sau đó, cả hai phía cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc củng cố các thành tựu đạt được trong bối cảnh địa-chính trị toàn cầu đang diễn biến phức tạp. Những diễn tiến tiếp theo cũng cần thời gian để kiểm chứng tầm quan trọng thực sự của chuyến công du này. Có cơ sở để hy vọng rằng, chuyến công du sẽ tiếp tục tạo những năng lượng tích cực và gợi mở những hướng đi mới trong việc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa kỳ và Việt Nam thời gian tới. Về phía Việt Nam, dư luận cũng cần có cái nhìn tỉnh táo và thực tế hơn về những kỳ vọng và thách thức mà đất nước sẽ phải đối mặt trên trường quốc tế.
__________
Tham khảo:
(3) https://www.reuters.com/world/biden-meet-vietnam-leader-un-assembly-sidelines-2024-09-25/
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3e94wqqjl2o
(6) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvglp4rnl4zo
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.