Liệu ông Tô Lâm có thành công hay không?
09-8-2024
Sau khi trúng cử chức Chủ Tịch nước vào ngày 22 tháng Năm năm 2024, ông Tô Lâm tiếp tục được toàn thể Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN tín nhiệm để đảm nhận vai trò Tổng Bí thư vào ngày 3 tháng Tám năm 2024.
So với ông Võ Văn Thưởng [1] khi trúng cử Chủ Tịch nước với tỉ lệ 98,38%, ông Tô Lâm vượt lên theo tỉ lệ 99,97%. So với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng [2], khi được tín nhiệm chức Chủ tịch nước chiếm tỉ lệ 99,97%, ông Tô Lâm đạt mức 100%.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN, tân Tổng Bí thư kiêm tân Chủ tịch nước Tô Lâm là người đầu tiên và duy nhứt đạt được sự tín nhiệm đến mức tuyệt đối.
Trong hai vai trò mới, ông Tô Lâm đã nhận được lời chúc mừng của nhiều quốc gia. Trong các nước, giới quan sát nhận thấy có hai quốc gia "đang khó ở với nhau" vì chiến cuộc Nga - Ukraine, đó là Hoa Kỳ và Nga, họ đều gởi lời chúc mừng. Báo Tuổi Trẻ ra ngày 8 tháng Tám năm 2024 cho biết thêm [3]: Dù ngày 3 tháng Tám năm 2024, Tổng thống Putin đã có thơ gởi chúc mừng nhưng "...trưa 8-8, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin". Bài báo này kết thúc bằng câu: "Trong không khí trao đổi nồng ấm, Tổng thống Putin bày tỏ vui mừng, mong được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Liên bang Nga". Tuy nhiên, bài báo không nói rõ ông Tô Lâm có nhận lời của ông Putin với thời gian công du hay không.
Báo Thanh Niên cho hay [4], trong cuộc họp báo sáng ngày 3 tháng Tám năm 2024 "...Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thời gian qua, 'không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm...". Quả thật vậy! Tin mới ra [5] chiều ngày 8 tháng Tám năm 2024, cho biết một loạt cán bộ cấp cao bị đề nghị kỷ luật, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Trước đó, ngày 3 tháng Tám năm 2024, ông Khái đã bị cho thôi chức cùng nhiều cán bộ cấp cao: Đặng Quốc Khánh (Bộ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường), Nguyễn Xuân Ký (Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh), Chẩu Văn Lâm (Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang).
Khác với các ông Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam khi bị kỷ luật, ông Lê Minh Khái bị chỉ đích danh sai phạm với "khu đô thị Đại Ninh" thuộc tỉnh Lâm Đồng. Điều này gần như đồng nghĩa - ngoài kỷ luật đảng - ông Khái còn phải đối diện với quan tòa về các vi phạm được nêu ra.
Song song đó, báo chí cũng loan tin Thiếu tướng Vũ Hồng Văn nhậm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, do ông Trầm Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban đó trao vào ngày 8 tháng Tám năm 2024, theo quyết định của Bộ Chính trị (mới nhứt) gồm 14 người với nhiều vị trí xáo trộn, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời. Trong đó, ông Đinh Tiến Dũng đã mất chức Bí thư thành ủy Hà Nội và được thay bằng bà Bùi Thị Minh Hoài. Từ hàng chục năm trước, số lượng Bộ Chính trị thường là số lẻ để đúng với nguyên tắc bất di bất dịch "tập thể lãnh đạo - cá nhơn phụ trách", để khi ra quyết định trong trường hợp gai góc, chỉ cần hơn 1 phiếu đã mang tính quyết định của tập thể Bộ Chính trị.
Bước đầu ông Tô Lâm cho thấy sự thành công trong vấn đề nội trị như thượng dẫn, với tư cách Tổng Bí thư - Chủ tịch nước. Đây cũng là mô hình của Trung Quốc, bởi ông Tập Cận Bình, từ năm 2013 đến nay.
Một trong các ưu điểm của chế độ độc tài toàn trị là tạo ra được ê kíp ưng ý, để khai triển tư tưởng. Ở Trung Quốc, khái niệm "Tư Tưởng Tập Cận Bình" được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2012 nhưng đến tháng Mười năm 2017, tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mới chánh thức được công nhận và họ nhứt trí đưa "Tư Tưởng Tập Cận Bình" vô điều lệ đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho đại hội đảng, diễn ra vào tháng Giêng năm 2026. Lần đại hội đảng này cũng cho biết, việc sửa đổi điều lệ đảng là một phần quan trọng [8]. Do đó, giới quan sát có lẽ cũng trông ngóng vấn đề này để tìm thấy "Tư Tưởng Tô Lâm" ?!
Có thể coi ông Tô Lâm như là nguyên thủ quốc gia có thực quyền đầu tiên của Việt Nam, tính từ nửa thế kỷ qua. Tuy vậy, với vai trò một nguyên thủ quốc gia, hầu hết những nhà nghiên cứu đều đồng thuận sự thành công hay thất bại của họ, phải thể hiện qua 2 lãnh vực "Nội trị và Đối ngoại".
Với quyết tâm sắt đá chống tham nhũng, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy có hy vọng hơn một chút. Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam với tục ngữ "Một người làm quan cả họ được nhờ", tính cho tới nay có vẻ vẫn là rào cản cho ông ta khá cao. Liệu ông Tô Lâm có vượt qua nổi hàng rào kiên cố này không? Có lẽ cần thêm một khoảng thời gian.
Về "Đối ngoại" đã được ghi trong Cương lĩnh ĐCSVN và Hiến pháp, cũng như các bộ luật liên quan: Việt Nam muốn làm bạn với thế giới cùng chánh sách Bốn Không, chắc chắn cũng gây khó khăn rất nhiều cho tân Tổng Bí thư - tân Chủ tịch nước Tô Lâm, với hiện tình thế giới vô cùng căng thẳng. Trong đó, cuộc chiến giữa Nga với Ukraine do Hoa Kỳ cùng phương Tây ủng hộ và hỗ trợ cao nhứt, dễ khiến cho ông Tô Lâm rất khó khăn, bởi bên nào cũng là bạn tốt và Nga đã là "đối tác chiến lược toàn diện" từ năm 2012, còn Hoa Kỳ cũng với tư cách đó nhưng mới đây, vào năm 2023. Cũng như vấn đề "Nội trị", có lẽ cần thêm một khoảng thời gian, để ông Tô Lâm tỏ rõ tài năng trong vấn đề "Đối ngoại". Bởi việc phủ nhận Kinh Tế Thị Trường mới đây từ Hoa Kỳ là kết quả từ tiền nhiệm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
* Bài viêt không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do
Tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/ong-vo-van-thuong-duoc-bau-lam-chu-tich-nuoc-185230...
[2] https://vnexpress.net/99-79-dai-bieu-bau-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-la...
[3] https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-dien-dam-voi-tong-th...
[4] https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tiep-tuc-chong-tha...
[5] https://tuoitre.vn/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-de-nghi-ky-luat-pho-thu-tu...
[6] https://dantri.com.vn/xa-hoi/danh-sach-14-uy-vien-bo-chinh-tri-khoa-xiii...
[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0_t%C6%B0%E1%BB%9Fng_T%E1%BA%ADp_C%E...
[8] https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-hoi-xiv-se-sua-dieu-le-dang-bau-bch-tru...