Việt Nam cần học Philippines về những thay đổi trong chính sách Biển Đông
2023.05.10
Philippines đổi thay một cách mạnh mẽ
Philippines đang mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, quốc gia này hy vọng lòng dũng cảm của mình sẽ kìm hãm sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thực tế, sự dũng cảm của Philippines đang đạt được hiệu quả mong đợi.
Trước đó, hơn 100 tàu “dân quân”, một tàu chiến và hai tàu tuần duyên Trung Quốc được quan sát thấy đang hoạt động trong lãnh thổ Philippines trong những tuần gần đây. Đáp lại, Manila đã triển khai hai tàu tuần duyên dài 52m để thực thi quyền lãnh thổ của mình xung quanh Bãi Cỏ Mây, khu vực cách đảo Palawan khoảng 200 km.[1]
Tuy nhiên, một tàu tuần duyên cỡ lớn của Trung Quốc đã cố tình buộc một trong hai tàu nhỏ của Philippines phải hành động khẩn cấp để tránh va chạm, chỉ vài ngày sau khi tàu Thường Châu - một tàu hộ tống của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) Trung Quốc - thách thức các tàu tuần tra của Philippines đang tuần tra gần đảo Thị Tứ (Manila gọi là đảo Pag-asa). Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tristan Tarriela đã khẳng định: “Việc công bố hành động Trung Quốc trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế và quấy rối các ngư dân bình thường của Philippines đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Cách tiếp cận này là một biện pháp để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và gửi thông điệp rằng Philippines sẽ không lùi bước trước sự hung hăng của Trung Quốc”.[2]
Chiến lược này đã giúp Manila nhận được sự công nhận của quốc tế. Washington - Đồng minh của Philippines đồng thời cũng là đối thủ trực tiếp của Bắc Kinh - đã yêu cầu phía Trung Quốc ngừng “quấy rối và đe dọa” các tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển của Philippines ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Australia, Anh và Canada thông qua các đại sứ của họ tại Manila cũng bày tỏ quan ngại về “hành vi nguy hiểm” của Trung Quốc trong vùng biển này.[3] Cộng đồng quốc tế bắt đầu lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh sau khi một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa các tàu bảo vệ bờ biển của hai bên được ghi hình lại. Các đội truyền thông “đã được đưa lên” các tàu và máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển - một động thái có chủ ý của Manila nhằm cho thế giới thấy điều gì đang thực sự xảy ra trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này.[4]
Dưới thời chính quyền của Duterte, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Trung Quốc chỉ được công chúng chú ý nếu chúng đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ chìm tàu đánh cá Gimver 1, sự hiện diện của 220 tàu CMM tại Đá Ba Đầu và việc CCG sử dụng vòi rồng một cách hung hăng chống lại một tàu của AFP nhằm ngăn chặn sứ mệnh tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây. Hơn nữa, một số sự cố đã bị nhấn mạnh quá mức hoặc bị phủ nhận hoàn toàn khi được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin.
Thế nhưng, với chính quyền hiện tại của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., đã có một sự thay đổi đáng chú ý. Trong vài tháng qua, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã mở rộng các nhiệm vụ của họ ngoài sứ mệnh thông thường là tuần tra Biển Đông (Philippines gọi là Biển Tây Philippines). PCG hiện đã đảm nhận vai trò vạch trần hàng loạt hoạt động bất hợp pháp của cả Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) và Lực lượng Dân quân Biển Trung Quốc (CMM). Nhiệm vụ mới này xuất hiện sau một sự cố hồi tháng 2, khi CCG sử dụng tia laser cấp độ quân sự nhằm vào tàu của PCG hỗ trợ sứ mệnh tiếp tế của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP).
PCG hiện công khai đưa tin về sự xuất hiện dày đặc của các tàu CMM trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines, và thậm chí đã công khai báo cáo về sự hiện diện của tàu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (NPLA) trong lãnh hải của Đảo Thị Tứ. Một diễn tiến đáng chú ý là quyết định của PCG đưa các nhà báo và phóng viên truyền thông lên các chuyến bay Nhận thức về Lĩnh vực Hàng hải (MDA) của họ để phổ biến thông tin chính xác không chỉ cho công chúng Philippines, mà còn cho cả cộng đồng toàn cầu.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là quyết định liên quan đến sứ mệnh nói trên không chỉ thuộc về cơ quan này. Nhóm Công tác Thông tin của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines đã sàng lọc tỉ mỉ và phê duyệt những thông tin sẽ được công bố cho công chúng. Điều này phù hợp với lập trường của chính phủ rằng không nên quân sự hóa xung đột Biển Đông. Do đó, các cơ quan phi quân sự như PCG hoặc Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản (BFAR) phải đi đầu trong nỗ lực phổ biến thông tin đại chúng.
Điều gì đã khiến Philippines mạnh mẽ đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông?
Jay Tristan Tarriela đã mô tả về các yếu tố dẫn đến sự thay đổi chính sách của chính quyền Marcos Jr. đó là[5]:
Thứ nhất, sự thay đổi chính sách này phản ánh cam kết của chính phủ Marcos về tính minh bạch và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trong Thông điệp Quốc gia đầu tiên của mình, Marcos đã thề sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của Philippines trước các thế lực ngoại bang. Chính quyền của ông đã nỗ lực phối hợp để thông báo cho người dân Philippines về những diễn biến ở Biển Đông, mà không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm lừa dối hoặc che đậy sự thật. Cam kết của Marcos đã khuyến khích ông có lập trường cứng rắn, thậm chí triệu đại sứ Trung Quốc tại Malacañang sau sự cố chiếu tia laser gần đây.
Thứ hai, những nỗ lực của PCG nhằm vạch trần các hoạt động phi pháp ở Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút sự ủng hộ đối với lập trường của chính phủ. Với thông tin hạn chế về tình hình ở Biển Đông, tin tức giả tràn ngập các nền tảng truyền thông xã hội, tạo ra một câu chuyện bị bóp méo. Thông tin sai lệch này khiến nhiều người tin rằng Trung Quốc là “bạn tốt” và là “đối tác vì hòa bình và phát triển”. Sự gia tăng của thông tin sai lệch được thúc đẩy bởi sự gia tăng của những người cung cấp “tin tức giả mạo” trên các kênh truyền thông xã hội, nơi 73% dân số Philippines phụ thuộc vào nguồn tin tức chính thống của họ. Tuy nhiên, bước vào năm mới 2023, chính phủ quốc gia đã làm sáng tỏ việc CCG quấy rối Philippines. Tiết lộ này đã tạo nên sự gia tăng nhận thức trong công chúng, từ đó củng cố sự ủng hộ đối với PCG và AFP trong nỗ lực tuần tra Biển Đông. Những lời tường thuật thực tế, kèm theo hình ảnh ấn tượng và những video đáng lo ngại đã chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu trong việc định hình lại quan điểm của công chúng và vạch trần những luận điệu sai sự thật.
Thứ ba là giành được sự ủng hộ và đoàn kết từ các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Mặc dù đúng là các đồng minh phương Tây và các quốc gia có cùng chí hướng khác đã liên tục lên án các hành động thù địch của Bắc Kinh, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng đây không phải là mục tiêu cuối cùng. Điều quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực là phải nhận ra hành vi hung hăng và đáng sợ của Bắc Kinh, vì điều đó sẽ cho phép họ xích lại gần nhau và cùng lên án hành vi đó là vi phạm luật pháp quốc tế. Bằng cách đoàn kết, các quốc gia này có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng những hành động chèn ép như vậy sẽ không được chấp nhận và họ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Quan trọng nhất, nhận thức của họ cũng có thể khuyến khích việc nhận ra nhu cầu gây sức ép tập thể đối với Trung Quốc để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Thứ tư, việc phơi bày các hành động thù địch của Trung Quốc ở Biển Đông có thể buộc nước này phải hành động có trách nhiệm hơn và tôn trọng luật pháp quốc tế. Bằng cách lên án hành vi của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế có thể buộc nước này phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình và có khả năng gây áp lực buộc họ phải thay đổi cách tiếp cận. Trong khi Trung Quốc có thể không thoải mái với sự chú ý như vậy mỗi khi xảy ra sự cố ở Biển Đông, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận hoặc giảm nhẹ sự liên quan của họ. Ví dụ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phủ nhận cả sự hiện diện của CMM tại Đá Ba Đầu vào năm 2021 và việc sử dụng tia laser cấp độ quân sự vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, bằng cách tiếp tục lưu lại bằng chứng và công khai những sự cố này, cộng đồng quốc tế có thể xây dựng một lập trường mạnh mẽ chống lại các hành động của Trung Quốc và có khả năng buộc nước này phải thay đổi hành vi của mình.
Thứ năm, một điểm quan trọng cần xem xét là việc công khai các nỗ lực của Philippines ở Biển Đông sẽ tạo ra một khuôn mẫu, thể hiện các hành động hợp pháp của nước này như một thông lệ. Nếu không được thể hiện đầy đủ, các sáng kiến do Philippines thực hiện có thể được mô tả là bất thường, tạo cơ hội cho Trung Quốc gán mác là “mới” và “khiêu khích” trong tương lai. Điều bắt buộc là phải thừa nhận rằng các nhiệm vụ này là tiêu chuẩn, có thể chấp nhận được và hợp pháp. Việc phớt lờ các hoạt động của Philippines trong khu vực này có thể giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong việc định hình câu chuyện và thao túng tình hình theo hướng có lợi cho họ. Do đó, điều cần thiết là thúc đẩy các hoạt động của PCG và AFP để chống lại bất kỳ luận điệu không chính xác nào mà Trung Quốc có thể cố gắng bịa đặt sau này.
Cuối cùng, bằng cách làm sáng tỏ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines đang truyền tải một thông điệp rằng họ sẽ không bị khuất phục hoặc bị ép buộc phải khuất phục. Mặc dù quốc gia này có thể không sánh được với sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, nhưng họ sẽ không ngồi yên và để Trung Quốc bắt nạt khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bằng cách làm sáng tỏ hành vi hung hăng của Trung Quốc, Philippines hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ từ các quốc gia khác tin tưởng vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia có cùng quan điểm khác có thể không chỉ lên án bằng lời nói mà còn hỗ trợ hữu hình như xây dựng năng lực để gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.
Việt Nam học được kinh nghiệm gì?
Hành động sử dụng các phóng viên truyền thông đến tận thực địa để đưa tin về sự thật đang diễn ra của chính quyền Philippines gợi nhớ đến cách Việt Nam đã từng sử dụng năm 2014 khi Trung Quốc triển khai giàn khoan 981 vào trong EEZ của Việt Nam.
Thế nhưng, thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam gần như im lặng trước các sự việc liên quan đến Trung Quốc. Đặc biệt sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái, thì gần như các bài viết về Trung Quốc rất ít khi được xuất hiện. Cho dù, các nhà nghiên cứu nước ngoài cho biết, các tàu Trung Quốc vẫn đang hoành hành và đe doạ các tàu cá Việt Nam ngay trong vùng EEZ của Việt Nam. Cụ thể, một nhà nghiên cứu đã đưa thông tin trên Twitter rằng tàu thăm dò của Trung Quốc Hướng dương hồng 10 đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam, hộ tống tàu này có tàu Hải cảnh Trung Quốc 4303 đang tìm cách quấy rối tàu Kiểm Ngư 414 của Việt Nam.[6]
Kinh nghiệm của Philippines trong đối đầu với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông đó là mặc dù không khiêu khích hay biến nó thành xung đột quân sự, nhưng để đối đầu với một đối thủ hùng mạnh hơn mình nhiều lần thì phải sử dụng sức mạnh của lẽ phải, mà truyền thông đóng một vai trò quan trọng.
“Bao giờ cho đến tháng Mười”? có lẽ cũng là câu hỏi cho chính quyền Việt Nam khi nào mới dũng cảm sử dụng truyền thông nói lên sự thật về âm mưu và dã tâm của Trung Quốc trên Biển Đông. Để thế giới không còn bị lừa mị bởi đại quốc mà tiểu nhân này.
_________
Tham khảo:
[1] https://globalnation.inquirer.net/213954/fwd-pcg-more-than-100-chinese-maritime-militia-warship-remains-in-wps
[2] https://thediplomat.com/2023/04/why-the-philippines-is-exposing-chinas-aggressive-actions-in-the-south-china-sea/
[3] https://www.manilatimes.net/2023/05/02/news/national/harassment-of-ph-vessels-worries-uk-canada-australia/1889546
[4] https://www.cnnphilippines.com/news/2023/5/1/PCG-China-behavior-West-Philippine-Sea.html
[5] https://thediplomat.com/2023/04/why-the-philippines-is-exposing-chinas-aggressive-actions-in-the-south-china-sea/
[6] https://twitter.com/GordianKnotRay/status/1655774532509265923?s=20
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do