Võ Văn Thưởng không muốn “đối thoại” nữa?
2019.07.08
Hôm 5/7 Trưởng ban tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng có bài giảng khá dài cho các báo cáo viên cấp dưới. Thời buổi bây giờ, bài giảng tới 75 phút là dài, chẳng biết học trò của Võ Văn Thưởng nghe được đến đâu hay là “ngồi dưới xem iPad, iPhone, đọc tin, nhắn tin”.
Theo như báo Thanh niên tóm tắt thì Võ Văn Thưởng nêu ra toàn những mối lo là mối lo. Đương nhiên, theo bài vở thì mối lo đầu tiên phải là thế lực thù địch chống phá. Bản thân không ra gì nhưng cái gì cũng đổ cho thế lực thù địch, mở miệng ra là thế lực thù địch. Thế lực thù địch ở đây còn chia ra 3 nhóm cho “khoa học, biện chứng”. Đáng chú ý và cũng khá thú vị là Võ Văn Thưởng cho rằng thế lực thù địch còn nằm ngay trong nội bộ đảng, giữ chức vụ trung cao cấp hẳn hoi.
Rồi mối lo yếu kém ở khâu “quán triệt nghị quyết” (phổ biến chưa hay, người nghe không chú ý), xử phạt báo chí không đủ răn đe...
Điều đáng chú ý nhất trong bài giảng của Võ Văn Thưởng mà báo Thanh niên dùng để giật tít (Ông Võ Văn Thưởng: 'Internet là xa lộ, cho mấy làn xe chạylà quyền chúng ta') là lối tư duy sặc mùi độc tài của anh ta:
“Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 lan hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta...”
Phần bình luận của bạn đọc về bài báo cũng chủ yếu xoay quanh việc Võ Văn Thưởng đòi hạn chế, cấm đoán Internet này. Trong 9 comment chỉ có 1 ý kiến ủng hộ, 1 ý kiến chung chung còn lại là mai mỉa, cho rằng lỗi ở mình còn kêu ai.
Giọng của Võ Văn Thưởng lần này có vẻ cay cú, bi đát chứ không như 2 năm trước đây. Ngày 18/5/2017, bàn về việc trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đảng, Võ Văn Thưởng nói khá tự tin: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”
Võ Văn Thưởng còn cho biết:
“Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Từ chỗ không sợ tranh luận đến chỗ đòi hạn chế Internet, Võ Văn Thưởng đã đi một bước khá dài về độc tài hóa tư tưởng. Từ chỗ muốn “cọ xát và tranh luận”, Võ Văn Thưởng đi đến không muốn nghe ý kiến trái chiều (ở trên các làn thông tin mà Võ Văn Thưởng muốn hạn chế).
Ấy là nhắc đến lời nói, chứ trên thực tế hai năm qua chưa hề có một cuộc đối thoại nào. Bất chấp sự phản đối, Luật An ninh mạng vẫn cứ ra đời. Đây là luật mà dư luận trong đó có nhiều nhà chuyên môn cho là không cần thiết, bởi những nội dung nó đề cập đều đã được thể hiện ở nhiều luật khác.
Không hề có đối thoại nhưng lại có thừa những vụ bắt bớ do sử dụng Internet mà chủ yếu là facebook, bị qui chụp là tuyên truyền chống phá nhà nước. Nhiều trang mạng trái chiều bị chặn trong khi rất nhiều trang chuyên bịa đặt và chửi bới tha hồ dựng chuyện, xuyên tạc, bôi nhọ những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền
Thế mà Võ Văn Thưởng vẫn cứ lo, đòi bóp mạnh hơn nữa tự do ngôn luận.
Internet là phát minh vĩ đại làm thay đổi lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên, bất cứ người dân nào cũng có thể cung cấp thông tin và tham gia vào mạng thông tin toàn cầu. Mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà báo tự do, làm cho khối lượng thông tin vô cùng phong phú. Nhờ có Internet kiến thức khoa học kỹ thuậtvà chính trị, xã hội được phổ biến tiện lợi hơn bao giờ hết, con người ở mọi nơi trên trái đất trở nên gần gũi nhau hơn.
Và cũng nhờ Internet, mọi mảng tối dần dần bị phơi bày ra ánh sáng. Nhờ thông tin đa chiều, người ta cũng dễ phân biệt hơn điều hay lẽ phải. Phải chăng, Võ Văn Thưởng sợ nhất điều này cho nên anh ta hô hào, cho sử dụng Internet đến đâu là “quyền của chúng ta”.
Với phát ngôn này, Võ Văn Thưởng không cần đến những thông tin trung thực, không cần đến những phản biện, những ý kiến trái chiều. Võ Văn Thưởng muốn một xã hội không có phản biện? Một tổ chức chính trị không cần phản biện thì hoạch định đường lối, chính sách ra sao? Điều này chỉ có hại cho đảng của Võ Văn Thưởng mà thôi.
*
Võ Văn Thưởng là ủy viên trẻ nhất Bộ CT, trẻ hơn người tiếp theo tới cả chục tuổi. Con đường chính trị vì vậy có thể còn dài và có lẽ vì vậy, Võ Văn Thưởng phải thể hiện mình hăng hái, kiên định lập trường, tư tưởng để chiếm lĩnh những vị trí cao hơn. Anh ta lại học toàn Mác với Lê. Nhìn sang ông Trọng, cũng học Mác Lê và xây dựng đảng, chiếm được cả 2 ghế trong tứ trụ. Nhưng việc tiến thân không chỉ trông vào mấy thứ đó mà còn cần nhiều tố chất, trong đó có cả sự khôn khéo nữa, cho dù khôn ngoan trong bịp lừa. Hăng hái quá, nói năng bạt mạng sẽ làm mất “uy tín” của đảng. Hăng hái quá dễ bộc lộ những gì đảng đang muốn giấu, chưa chắc đã được đồng chí của mình ủng hộ. Việc này vô hình trung làm tổn hại đến đảng. Kiểu hăng hái, trung thành như Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Quyết Tâm là những ví dụ. Đinh La Thăng cũng là mẫu người hăng hái, xốc vác, giữ chức vụ cao nhất cho đến nay trước khi làm “ma tù”
Tuy nhiên, “thế lực thù địch” có thể rất cần những người như Võ Văn Thưởng leo lên ở vị trí cao hơn nữa.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do