Việt Nam nên làm gì trước quyết định gia nhập CPTPP của Đài Loan

Bài bình luận của Nguyễn Nam Cường
2021.09.27
Việt Nam nên làm gì trước quyết định gia nhập CPTPP của Đài Loan Lãnh đạo 11 nước thành viên CPTPP chụp hình ở Santiago, Chile hôm 8/3/2018
AFP

CPTPP thật là hấp dẫn

Chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 22/9, Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố tương tự, đồng thời thông báo cho tất cả các nước thành viên hiệp định để tìm kiếm sự ủng hộ.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao nhất thế giới, bao gồm 11 nước thành viên, có quy mô dân số 500 triệu người, chiếm 13% tổng lượng kinh tế toàn cầu. Hiện nay, có ba nền kinh tế đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này, đó là Vương quốc Anh sau tròn một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Đài Loan.

Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào ngày 22/9 đã khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh luôn coi đảo Đài Loan là một trong những tỉnh của mình và không có quyền trở thành một quốc gia độc lập.

Một số chuyên gia kinh tế nhận xét Trung Quốc có trình độ thương mại chưa đạt tiêu chuẩn của CPTPP. Tuy nhiên, chỉ năm ngày sau khi ký hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ tích cực xem xét gia nhập CPTPP. 

Đến ngày 13-14/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Singapore, đích thân truyền tải thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc gia nhập CPTPP và Bộ Ngoại giao Singapore đã thể hiện sự “hoan nghênh” trong tuyên bố chính thức. Trong vòng ba ngày sau đó, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập. 

Trong khi đó, Đài Loan đã thể hiện mong muốn gia nhập CPTPP từ rất sớm. Trong bài diễn văn nhậm chức năm 2015, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn nhấn mạnh mong muốn dẫn dắt Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và RCEP. Tháng 3/2018, khi 11 nước thành viên chính thức ký kết CPTPP, bà Thái Anh Văn lại chỉ thị dốc toàn lực, chuẩn bị sẵn sàng tham gia. Phát biểu tại thành phố cảng Keelung ở miền Bắc Đài Loan ngày 24/9, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết hòn đảo này rất mạnh về công nghệ và sẵn sàng gia nhập khối. Bà nói: Việc tham gia CPTPP sẽ củng cố vị thế chiến lược, kinh tế và thương mại toàn cầu quan trọng của Đài Loan, đồng thời hội nhập sâu rộng hơn nữa với thế giới”.

Ai sẽ ủng hộ Đài Loan?

Đại diện thương mại hàng đầu của Đài Loan John Deng ngày 23/9 nhận định rằng nỗ lực gia nhập CPTPP của Đài Loan sẽ đối mặt với rủi ro đáng kể nếu Trung Quốc được chấp nhận trước. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 23/9, nhà đàm phán John Deng cho biết: "Trung Quốc đã và đang cản trở sự hiện diện quốc tế của Đài Loan. Nếu Trung Quốc được gia nhập CPTPP trước chúng ta, điều đó chắc chắn sẽ đặt ra nguy cơ với việc Đài Loan gia nhập khối thương mại. Đó là một sự thật hiển nhiên. Đơn xin gia nhập CPTPP của Đài Loan chủ yếu là để phục vụ lợi ích của chúng tôi, lợi ích của các công ty của chúng tôi và vì mục đích lập kế hoạch kinh tế dài hạn, và nó không liên quan gì đến mục tiêu của các nước khác hay bình luận của Trung Quốc về đơn đăng ký của chúng tôi".  

Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất kiêm Chủ tịch luân phiên năm nay của CPTPP. Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/9, Nhật Bản đã hoan nghênh việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP và đánh giá cao các giá trị của Đài Loan về dân chủ và pháp quyền. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói trong một cuộc họp báo: Chúng tôi coi Đài Loan là một đối tác rất quan trọng mà chúng tôi chia sẻ các giá trị nền tảng như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”.

Một quan chức Nhật bản cho biết mặc dù Đài Loan luôn sẵn sàng tham gia CPTPP, nhưng toàn bộ quá trình gia nhập có thể mất một năm hoặc dài hơn.

Đài Loan đã có các thỏa thuận thương mại tự do với hai thành viên của CPTPP là New Zealand và Singapore, đồng thời tốn không ít nỗ lực để tham gia thỏa thuận CPTPP trong suốt nhiều năm qua. Tổng thống Thái Anh Văn thậm chí còn coi đây là mục tiêu cho nhiệm kỳ cuối của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mọi động thái cởi mở với Đài Loan, thực tế chắc chắn sẽ khiến các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh, Đài Bắc và 11 quốc gia thành viên CPTPP trở nên khó khăn. 

Việc kết nạp thành viên mới đòi hỏi sự đồng thuận từ tất cả các thành viên cũ, vì vậy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phản đối đơn xin gia nhập từ Đài Loan nếu nước này được CPTPP chấp nhận trước, và ngược lại.

Đài Loan đã không thể tham gia một số cơ quan quốc tế do sự phản đối của Trung Quốc, vốn luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có những mô hình khả thi khác để mở cánh cửa gia nhập CPTPP cho Đài Loan. Hòn đảo dân chủ này là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), bên cạnh Trung Quốc, bởi APEC định hình là một diễn đàn gồm các nền kinh tế” thay vì “các quốc gia thành viên” (Hong Kong cũng là thành viên của APEC). Trung Quốc thường thẳng thừng phản đối việc kết nạp Đài Loan tại các tổ chức xác định thành viên là các quốc gia độc lập. Đài Loan cũng tham gia WTO với tư cách vùng lãnh thổ hải quan”, địa vị tương tự Hong Kong và Macau. 

Đài Loan đã nộp đơn đăng ký của mình với tên gọi Lãnh thổ Thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, và Mã Tổ” mà họ đã sử dụng khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông John Deng nói rằng Đài Loan đã sử dụng tên gọi này nhiều lần trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác và là tên gọi ít gây tranh cãi nhất.

Theo quy định của CPTPP, bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối này cũng có thể phủ quyết đơn xin gia nhập nên Bắc Kinh sẽ tìm kiếm các mắt xích yếu trong số 11 thành viên hiện tại của nhóm để ngăn chặn nỗ lực của Đài Bắc. Trong số các thành viên này, Nhật Bản và Australia được cho là sẽ ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Đài Bắc. Canada là quốc gia có thể sẽ ủng hộ Đài Loan. Ngoài ra còn có New Zealand và Singapore sẽ khó từ chối Đài Loan vì cả hai đều đang có hiệp ước thương mại tự do với hòn đảo này, còn Malaysia lên tiếng ủng hộ đơn xin gia nhập của Bắc Kinh nên cho thấy Kuala Lumpur có thể phản đối Đài Loan.

Việt Nam sẽ phản ứng ra sao?

Về phía Việt Nam, theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao thì Việt Nam rất hoan nghênh Trung Quốc là thành viên và sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để Trung Quốc tham khảo trong quá trình chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu do CPTPP đưa ra. (1)

Vậy Việt Nam nên đưa quyết định như thế nào trong trường hợp Đài Loan? Nên nhớ Đài Loan và Việt Nam có rất nhiều liên hệ từ văn hoá đến kinh tế. Nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã đến Việt Nam đầu tư từ rất sớm, ngay khi Việt Nam mới mở cửa. Công ty Phú Mỹ Hưng là một ví dụ cụ thể. Chưa kể có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại hòn đảo này.

Giáo sư Trần Văn Thọ - chuyên gia kinh tế lớn từ Nhật Bản đưa ra lời khuyên cho Việt Nam: “Nếu hầu hết các nước trong CPTPP đều đồng ý cho Đài Loan tham gia mà chỉ có Việt Nam phản đối thì rất không hay. Đài Loan có quan hệ kinh tế (đầu tư và mậu dịch) khá mật thiết với Việt Nam. Nếu phản đối Đài Loan, Việt Nam sẽ phải giải thích với cộng đồng quốc tế như thế nào? Nếu nói là muốn tôn trọng chủ trương chỉ có một Trung Quốc thì trong trường hợp này không có sức thuyết phục lắm và gây ấn tượng là bị Trung Quốc tác động.

Theo tôi Việt Nam không nên phản đối Đài Loan. Việt Nam nên đồng ý cho cả Trung Quốc và Đài Loan tham gia. Việt Nam có thể chủ trương phân ly chính trị và kinh tế mà trường hợp này CPTPP chỉ là tổ chức thúc đẩy hợp tác kinh tế. Trong quá khứ đã có hai tiền lệ cả Trung Quốc và Đài Loan đều là thành viên trong tổ chức khu vực hoặc quốc tế. Đó là Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). APEC ra đời năm 1989, cả Trung Quốc và Đài Loan gia nhập năm 1991. WTO ra đời năm 1995, Trung Quốc gia nhập năm 2001 và Đài Loan năm 2002.

Mong thấy bản lĩnh của Việt Nam trước cục diện mới của CPTPP.”

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Văn
27/09/2021 11:31

Mỹ và các nước đồng minh đối tác nên kết hợp chung để chống Tàu Cộng mọi mặt. Các nước bị Tàu Cộng răn đe phải có vũ khí răn đe lại thì Tàu Cộng mới bớt hung hăng. Nhật, Nam Hàn, Đài Loan nên mua hỏa tiễn có khả năng tấn công trả đũa vào lục địa nước Tàu để răn đe khi bị Tàu răn đe. Như vậy mới kìm hãm được sự hung hăng của Tàu Cộng và giữ được hòa bình trong khu vực.

Đài Loan hiện chống Tàu Cộng không chỉ bằng quân sự mà cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao. Nếu muốn bảo vệ Đài Loan, Mỹ nên tiếp tục bán vũ khí răn đe, và các nước trong khối nên ủng hộ Đài Loan gia nhập CPTPP thay vì kết nạp Tàu Cộng. Ngược lại để chống Tàu Cộng bành trướng thì Mỹ và các nước nên giảm bớt liên hệ vô tư giúp Tàu Cộng mạnh kinh tế. Không kết nạp Tàu Cộng vào CPTPP để Tàu Cộng có cơ hội tiêu diệt kinh tế cả khối bằng hình thức làm hàng giả và hàng không đủ chất lượng phá giá. Từ trước tới nay kinh tế VN luôn lệ thuộc Tàu Cộng. Buôn bán với Mỹ và các nước tư bản kiếm được bao nhiêu tiền đều chạy vào túi Tàu và còn bị Tàu uy hiếp mọi mặt vì lệ thuộc. CPTPP cũng là cơ hội để VN bớt lệ thuộc về kinh tế thì đất nước mới phát triển và thăng tiến.
nv

Anonymous
27/09/2021 17:03

Năm 2015, Đài Loan đã từng xin gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tiền thân của TPTPP)
Khi đó, TNS Mỹ, ông McCain, cựu thù của ĐCSVN, nhưng lại là người nhiệt thành ủng hộ VN, đã cho rằng, nếu có TPP, nó sẽ mạnh hơn 10 hàng không mẫu hạm - để bảo vệ hòa bình, chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
ĐCSVN - nếu vẫn biết ơn ông McCain, vẫn còn biết công bằng, còn có lý trí - thì phải ủng hộ Đài Loan, môt thành viên của WTO, gia nhập TPTPP.
Bắc kinh sẽ đứng ngoài. Đài loan sẽ gia nhập TPTPP!

Nguyễn Tuấn Anh
27/09/2021 21:06

Đài Loan hiện giờ là 1 thứ Việt Nam Cộng Hòa của Trung Quốc . Ngày xưa Việt Nam giao ban với Trung Quốc để đánh cho Mỹ cút, cho VNCH nhào, bây giờ Việt nam phải làm thế nào bây giờ, khó nghĩ quá .

Nhân Dân Asean
29/09/2021 00:16

Mộng của ĐCSTQ là làm sao phải sơm bá chủ thế giới, buộc thế giới phải đóng góp nuôi quan chức Trung quốc. Trung quốc phải xâm chiếm cho thật nhiều lãnh thổ để tất cả cái gì cũng lớn hơn và lớn áp đảo tất cả các nước thì Trung quốc mới có quyền điều hành thừng nước một và điều hành cả khối, cả tổ chức khác. Mộng của Trung quốc là những nước ở xa không thể sáp nhập lãnh thổ Trung quốc thì cũng phải điều hành được nước đó. Muốn vậy phải lên phương án "quan hệ đối tác làm ăn, đầu tư cùng có lợi" cuối cùng lâm nợ Trung quốc và làm sao cho sơ nợ đó không thể trả được buộc nước đó để Trung quốc sử dụng và điều hành từ a đến Z đồng thời đưa người Trung quốc qua ở, lâu ngày cưới hỏi, sinh con đẻ cái dần dần đông đúc và trở thành người Trung quốc hóa bản địa. Ở biển Đông, từ lâu, Trung quốc chỉ bàn tay trăng nhưng âm mưu thâm độc ỉ lại nước lớn hà hiếp, bắt nạt, hù dọa lấn tới chiếm lĩnh rồi tuyên bố chủ quyền và tìm cách không cho nước nào qua lại đây. Muốn qua lại đây phải xin phép và phải đóng thuế cho Trung quốc. Cái mộng này đừng có hy vọng che mắt loài người.