BOT Cai Lậy: lợi thế có đang thuộc về các tài xế?

Nguyễn Anh Tuấn
2017.12.05
congancailay.jpg Công an được huy động tại trạm thu phí BOT Cai Lậy hôm 30/11/2017
Courtesy of FB Ban Huu Duong Xa

Trước hết tôi rất khâm phục những gì các tài xế đã thể hiện trong những ngày qua. Từ lý lẽ đến hành xử, từ mục tiêu đến phương pháp, đều rất mẫu mực. Nhìn những gì xuất hiện trên truyền thông dễ có cảm giác là ngày chiến thắng của các bác tài đã gần kề khi BOT Cai Lậy đã phải liên tục xả trạm trước những chiến thuật biến hoá khôn lường. Tuy nhiên, tôi lại có một nhận định ngược lại, rằng lợi thế đang không thuộc về các tài xế.

Tôi cũng hi vọng mình nhận định sai nhưng cũng xin đưa ra những căn cứ dưới đây để mọi người cùng đánh giá.

Một là sự kiên quyết của cấp cao nhất chính phủ. Ba ngày trước Thủ tướng đã chỉ đạo không để tái diễn tình trạng ở Cai Lậy, và rồi hôm nay Bộ Công an cũng đã chính thức tuyên bố sẽ “tổ chức trinh sát điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ các đối tượng cầm đầu, có hành vi kích động xúi giục tại đây.” Không quá khó hiểu cho động thái quyết liệt này khi mà báo chí đã chỉ ra Cai Lậy không phải là BOT duy nhất “đặt nhầm chỗ”, mà còn có 7 trạm khác trên khắp cả nước. Buông Cai Lậy, số phận các trạm khác sẽ đi về đâu? Đó là chưa nói đến trong nhãn quan của người nắm quyền, buông Cai Lậy sẽ giúp người dân bắt đầu tự tin về sức mạnh của họ, cũng như dần hiểu ra cách thức để tạo ra sức mạnh đó. Chiến thắng luôn truyền cảm hứng, mà một thứ cảm hứng về sức mạnh nhân dân thì lại không dễ kiểm soát một chút nào. Vậy thì, đứng trước “những biện pháp nghiệp vụ” của Bộ Công an, các tài xế, đặc biệt là những người chủ chốt, đã chuẩn bị những gì?

Căn cứ thứ hai liên quan tới câu hỏi quan trọng bậc nhất trong những cuộc so găng kiểu này: “Thời gian đang đứng về bên nào?” Đồng ý rằng những hình ảnh trên truyền thông qua những ngày qua đã làm nức lòng dư luận cả nước. Nhưng có vẻ truyền thông và sự chú ý của dư luận là tất cả những gì các bác tài có trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, chỉ mới là 3 ngày, sẽ ra sao nếu cuộc giằng co “xả rồi thu - thu rồi xả” này kéo dài 1 tháng, 3 tháng rồi 6 tháng. Truyền thông và dư luận liệu có còn giữ nguyên mức độ chú ý? Cần lưu ý rằng BOT Cai Lậy có đến 13 năm để thu phí, sẽ ra sao nếu họ chấp nhận 6 tháng không màng lợi nhuận chơi lầy với các bác tài? Bên nào thiệt hại nhiều hơn và bên nào sẽ bỏ cuộc trước? Hãy nhìn những gì xảy ra ở Hong Kong trong phong trào Dù Vàng, hàng chục ngàn sinh viên ngay cả khi đã chiếm được các khu phố thương mại nhiều tháng trời nhưng một khi không đạt được mục tiêu thì đã bị phản ứng, bắt đầu là từ cộng đồng doanh nhân, sau đó là các thành phần khác trong xã hội. Thời gian càng kéo dài mà không đạt được mục đích dời trạm thì liệu sự ủng hộ của công chúng có còn được giữ nguyên như lúc này? Hay thay vào đó là cảm giác mệt mỏi? Những người lái xe không trong nhóm tranh đấu đã chấp nhận phiền toái thời gian vừa qua vì công cuộc chung, nhưng nếu thời gian giằng co quá lâu liệu họ có còn kiên nhẫn? Sẽ ra sao nếu có thêm phản ứng gay gắt từ những xe có công việc gấp phải đi, như cấp cứu, đám tang…?

Trong trường hợp này, phe tài xế cần làm gì?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.