Nhật và Úc ký kết thỏa ước phòng thủ mới đối phó Trung Quốc

RFA
2022.01.07
Nhật và Úc ký kết thỏa ước phòng thủ mới đối phó Trung Quốc Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Thủ tướng Australia Scott Morrison trong lễ ký trực tuyến hôm 6/1/2022
Reuters

Lãnh đạo của hai nước Nhật và Úc vào ngày 6/1 ký kết một thỏa ước mới nhằm dọn đường cho hợp tác quốc phòng trong tương lai giữa hai phía. Đây là động thái được giới phân tích xem như là một ứng phó với một nước Trung Hoa đang trỗi dậy.

Các chuyên gia hiểu biết về hoạt động đàm phán liên quan cho biết thỏa ước vừa nêu sẽ cho phép Nhật và Úc mở rộng hợp tác quân sự bao gồm sự tiếp cận các căn cứ của nhau, bảo đảm quyền vào cảng, quyền đáp trên đất liền, hỗ trợ hậu cần, chuẩn bị an ninh và những chế độ pháp lý.

Thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp trực tuyến cho biết, Thủ tướng Scott Morrison của Úc và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio “đã ký Thỏa ước Tiếp cận Tương hỗ giữa Canberra và Tokyo (Australia-Japan RAA). Cả hai nhấn mạnh cam kết nâng cao hơn nữa hợp tác an ninh –quốc phòng song phương vì lợi ích của hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.”

Hai lãnh đạo sẽ “theo đuổi việc hoàn tất những tiến trình tương ứng tại mỗi nước cần thiết mang lại hiệu quả cho thỏa ước vừa ký kết càng sớm càng tốt.”

Cụ thể, vào một thời điểm sau đây theo sẽ có một Tuyên bố Chung về Hợp tác An ninh nhằm đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho hợp tác đó.

Thông cáo chung cũng nêu rõ thỏa ước mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động quân sự và diễn tập chung “ với qui mô lớn hơn và phức tạp hơn; đồng thời cải thiện sự phối hợp hoạt động qua lại và khả năng của lực lượng quân sự hai nước.

Nhật Bản và Úc  đàm phán thỏa ước RAA kể từ năm 2014 và chỉ mới đạt được đồng thuận cơ bản về vấn đề này vào năm 2020.

Thỏa ước vừa nói là đầu tiên thuộc dạng này mà Nhật ký kết với một nước khác. Hoạt động này được thực hiện kể từ khi Tokyo không còn tự chịu ràng buộc bởi Hiến pháp sau chiến tranh không cho phép tiến hành chiến tranh như là phương cách để giải quyết những tranh chấp quốc tế.

2016-04-19T120000Z_862787759_D1AESZFKTZAA_RTRMADP_3_AUSTRALIA-JAPAN.JPG
Hình minh hoạ: Thuỷ thủ trên tàu Umigiri của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đứng trên bong tàu giữa hai lá cờ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Australia trước cuộc tập trận chung ở căn cứ Hải quân Garden Island, Australia hôm 19/4/2016. Reuters

"Một Trung Hoa đang trỗi dậy"

Thủ tướng Scott Morrison mô tả Thỏa ước RAA Nhật-Úc là “một thời khắc xoay chuyển cho cả hai phía, cho an ninh của hai dân tộc và hai quốc gia “ vào khi  Trung Quốc gia tăng quyết đoán và mở rộng quân sự.

Chuyên gia phân tích cấp cao Malcolm Davis tại Viện Chính sách Chiến lược Úc nhận định, Thỏa ước thực sự nhắm đến một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nó đưa ra một thông điệp quan trọng cho Bắc Kinh rằng Úc và Nhật đang hợp tác chặt chẽ hơn với nhau để định hình môi trường khu vực, ngăn ngừa những mối đe dọa và ứng phó với đe dọa nếu cần.

Còn giáo sư Seijiro Takeshita tại Đại học Shizuoka ở Nhật thì cho rằng, trước những đe dọa xâm lược của Trung Quốc, mọi giúp đỡ có thể có được đều cần thiết. Thêm liên minh và thêm những mối quan hệ vững chắc là một sự cần thiết; đặc biệt tại khu vực này.

Phần lớn tuyên bố chung tập trung vào hợp tác an ninh và quốc phòng tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và rộng hơn với khẳng định “Úc và Nhật sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện một vùng Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Đối với tình hình Biển Đông, lãnh đạo hai nước Nhật và Úc chia sẻ những mối quan ngại sâu sắc và nhấn mạnh tầm quan trọc việc có khả năng thực thi quyền và tự do theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS)

Thông cáo chung có đoạn “Hai lãnh đạo khẳng định phản đối mạnh mẽ của họ đối với những tuyên bố lãnh hải phi pháp và hoạt động trái với UNCLOS.” Ngoài ra thông cáo cũng nhắc rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 về Biển Đông là chung cuộc và các bên tranh chấp phải tuân thủ. Cả hai lãnh đạo phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng.

Nhiều điểm trong Thỏa ước mới phản ánh những điều trong Thỏa ước Phòng thủ AUKUS mà năm ngoái Úc ký với Mỹ và Anh khiến Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ.

Thỏa ước đó được hình thành nhờ nỗ lực của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, thường được gọi là Nhóm Bộ Tứ QUAD- cùng hợp tác trong những quan ngại chung về Trung Quốc.

Giáo sư Taheshita cho rằng Thỏa ước RAA giữa Nhật và  Úc khác với liên minh bốn bên QUAD vì phân tác về kinh tế và địa lý. Theo ông, thỏa ước hợp tác một-một sẽ hữu ích cho Nhật tại khu vực.

Trước cuộc gặp của hai Thủ tướng Nhật và Úc để ký kết RAA, một phát ngôn nhân của Trung Quốc lên tiếng cho rằng bất cứ thỏa thuận nào giữa các quốc gia cần phải làm tăng tiến hòa bình khu vực.

Phát ngôn nhân Vương Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng: “những trao đổi và hợp tác giữa quốc gia với quốc gia phải đưa đến tăng cường sự hiểu biết  và tin tưởng giữa các nước trong khu vực và bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực hơn là nhắm đến hoặc làm phương hại quyền lợi của một bên thứ ba.”

Ông Vương Văn Bân nói với báo giới tại Bắc Kinh: “Chúng tôi hy vọng Thái Bình Dương sẽ là một đại dương của hòa bình, chứ không phải là một nơi để gây sóng gió.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
08/02/2022 21:03

Nhật, Úc, Nam Hàn, muốn tồn tại trưóc CS Hàn, Tầu, thì buộc 3 nước này phải tự mình có Nguyên Tử, để tự cứu lấy chính mình trưóc tiên..!Âu Châu sẽ hoà bình, Ấn Độ Thái Bình Dương sẽ lặng sóng.