Đồng Euro hấp hối?
2010.05.19
Vì sao các nước Âu Châu có thể đi tới chỗ ngặt nghèo như vậy và đâu là các giải pháp cho tương lai? Việt Long nêu các câu hỏi ấy cho nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa và xin giới thiệu với quý vị phần giải thích sau đây của mục Diễn đàn Kinh tế.
“Vì đâu nên nỗi”
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Như chúng ta đều biết, mười hôm trước đây, Liên hiệp châu Âu cùng các định chế tài chính quốc tế đã tung ra một kế hoạch lên tới gần 1.000 tỷ đô la để cấp cứu kinh tế Hy Lạp và nhất là cấp cứu đồng Euro của 16 nước trong Liên hiệp. Vào chương trình tuần trước, ông tỏ vẻ hoài nghi về khả năng giải quyết của kế hoạch cấp cứu.
Nay đến thời hạn thi hành mà dường như là kế hoạch này chưa thuyết phục được các thị trường tài chính thế giới và đồng Euro tiếp tục mất giá. Một số nhà phân tích tài chính còn cho rằng đồng Euro có thể đang ở vào giai đoạn hấp hối nếu các nước liên hệ không đồng ý về quy chế thống nhất thủ tục ngân sách quốc gia trong một kỷ luật nhất định. Tại sao tình hình lại có thể nguy ngập đến vậy? Và đâu là những giải pháp khả thi để không chỉ cứu vãn kinh tế Hy Lạp mà còn để cứu vãn sự tồn tại của đồng Euro? Những câu hỏi ấy rất bất thường, vài chục năm mới có một lần, nên tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ phải phân tích sự thể cho quý thính giả. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là "Vì Đâu Nên Nỗi"?
Trong ngắn hạn, các nước Âu Châu muốn đặt tiền rất nhiều, nói là tới cả ngàn tỷ đô la, vào một canh bạc nhằm trấn an thị trường theo lối "tháu cáy".
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là trong ngắn hạn, các nước Âu Châu muốn đặt tiền rất nhiều, nói là tới cả ngàn tỷ đô la, vào một canh bạc nhằm trấn an thị trường theo lối "tháu cáy". Rằng Hy Lạp và các nước miền Nam sẽ được cấp cứu và rằng đồng Euro vẫn là đơn vị tiền tệ đáng tin. Tới ngày phải thực sự "đi tiền" - tức là giải ngân số tiền từng nước đã cam kết - thì xứ nào cũng chột dạ ngần ngại vì bị áp lực chính trị ở nhà. Thành thử, việc trấn an tâm lý này không thành.
Sở dĩ như vậy - và ta bước từ địa hạt kinh tế sang chính trị - là vì kế hoạch ổn định đồng Euro, tức là bảo vệ giá trị của đồng bạc thống nhất, đòi hỏi một kỷ luật thống nhất giữa các nước về công chi thu, như Cộng hoà Liên bang Đức yêu cầu trước khi đồng ý châm tiền cấp cứu. Nói cho cụ thể thì ngân sách quốc gia của từng thành viên phải được tập thể cùng cứu xét nhằm bảo đảm là không bị bội chi quá 3% tổng sản lượng nội địa GDP, nợ nần của quốc gia, tức là số công trái, không được quá 60% GDP, lạm phát không vượt 1,5% của tỷ lệ lạm phát bình quân của ba nước có vật giá ổn định nhất...
Những điều kiện có vẻ hợp lý về kinh tế như vậy lại xúc phạm vào chủ quyền của từng quốc gia và ngay trước mắt thì các nước xưa nay vẫn giữ kỷ luật chi thu như Thụy Điển và Hoà Lan đã tỏ ý phản bác hôm 13 và 18 vừa qua. Vì vậy, kế hoạch gọi là ổn định đã thất bại trước khi đi vào áp dụng. Trong khi ấy, Toà Bảo hiến của Đức cũng sẽ phải cứu xét xem việc Chính phủ tung tiền cấp cứu Âu Châu như vậy có vi phạm luật lệ của Liên bang Đức hay không. Đó là lý do vì sao nhiều người nói đến ngày tàn của đồng Euro như ông vừa giới thiệu.
Việt Long: Ông vừa trình bày bối cảnh của vấn đề ngay trước mắt, với bài toán về kinh tế, chính trị và cả luật pháp trong phạm vi từng quốc gia. Đặt vào khung cảnh lâu dài hơn thì vì sao châu Âu lại tiến tới thống nhất tiền tệ mà nay lại không thống nhất được kỷ luật công chi thu, khiến xứ này cứ vay tiền mắc nợ, xứ kia lại phải gánh nợ và xứ khác phản đối việc tập thể Châu Âu lại có quyền xét hỏi sổ sách thuế khóa chi thu của họ? Tại sao các nước lại muốn đi cùng đường và nay thì mỗi xứ lại đòi đi một ngả nên có thể xé rách đồng bạc chung?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được nói thêm về chuyện bối cảnh trước mắt để quý vị kịp theo dõi các tin tức, đồn đãi hay phát biểu hàng ngày hàng giờ làm đồng Euro cứ chao đảo khiến người ta nói đến sự hấp hối của đồng tiền thống nhất. Sau đó, tôi sẽ cố trình bày vì sao lại thống nhất đồng bạc và bây giờ phải làm thế nào để cứu vãn đồng Euro.
Trước hết, ta nhớ tới nước Đức là trưởng tràng đang miễn cưỡng cứu vãn đồng bạc chung. Dân Đức bất mãn vì è cổ lãnh nợ cho các quốc gia bao cấp chi tiêu bừa phứa rồi mắc nợ khiến kinh tế Đức lại phải tung tiền cấp cứu. Vì thế mà tuần trước họ bỏ phiếu bất tín nhiệm đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU của nữ Thủ tướng Angela Merkel tại một bang của Đức. Biết vậy nên bà Merkel cố trì hoãn và đặt điều kiện cho việc cấp cứu. Thậm chí bà còn nói đến quy chế trục xuất các hội viên phóng túng và bao cấp ra khỏi hệ thống tiền tệ thống nhất. Bên kia sông Rhin, một cường quốc là Pháp thì dọa là bước ra khỏi hệ thống này nếu Đức không chịu cứu Hy Lạp. Và nhiều quốc gia khác thì phàn nàn là sẽ phải cứu Hy Lạp rồi một nhóm quốc gia mắc nợ ở miền Nam, hoặc từ nay họ lại phải giải trình ngân sách quốc gia cho Âu Châu duyệt xét…
Loại đòn phép chính trị cho một bài toán kinh tế mà cứ lấp loé như vậy trên thị trường thì thiên hạ phải tự hỏi là trong khối Euro còn có Hy Lạp hoặc còn có nước Đức hay chăng.
Niềm tin bị lung lay
Việt Long: Chúng ta trở về nội dung chính của toàn bộ sự việc là niềm tin của thiên hạ vào một tờ giấy gọi là Euro, được sử dụng như phương tiện giao hoán trao đổi giữa các nước với nhau. Niềm tin ấy tùy thuộc vào sự cam kết chính trị và pháp lý của các nước. Bây giờ thì hình như là sự cam kết đó đang lung lay nên thiên hạ mới cho là đồng Euro sẽ chết. Nhưng vì sao mà từ khởi thủy các nước lại đồng ý với việc thống nhất kinh tế rồi thống nhất tiền tệ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi ấy dẫn ta về bối cảnh lâu dài và trường cửu của Âu Châu. Đây là một lục địa lớn nhưng phân tán, với nhiều quốc gia và sắc thái đa diện vì nhiều khác biệt về địa dư và văn hoá, khiến có nước thì nhanh chóng công nghiệp hóa như tại miền Bắc, có nước lẹt đẹt đi sau như đa số ở miền Nam. Những khác biệt ấy có góp phần dẫn tới chiến tranh triền miên và sau hai Thế chiến thảm khốc của thế kỷ 20, thời Chiến tranh lạnh là cơ hội cho Âu Châu thống nhất kinh tế với ước mơ là hợp tác kinh tế sẽ giải trừ được nguy cơ chiến tranh với nhau. Đó là về địa dư hình thể và ý hướng chính trị của sự hội nhập kinh tế làm sức hợp quần, trong đó có vai trò then chốt của nước Đức. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và nước Đức thống nhất 20 năm trước, các nước càng muốn giàng Đức vào sự thịnh vượng chung để có ổn định về an ninh.
Yêu cầu bảo vệ sự thống nhất của Âu Châu khiến Đức chỉ nhảy vào cấp cứu đồng Euro và không rút khỏi hệ thống tiền tệ Âu Châu.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Một khía cạnh khác của hội nhập kinh tế sau Thế chiến II là vấn đề tiền tệ. Hoa Kỳ lập hệ thống tiền tệ thế giới là Bretton Woods để tạo điều kiện cho Âu Châu cạnh tranh và phát triển kinh tế thành khối thống nhất trước mối đe dọa của Liên bang Xô viết. Nhưng từ tháng Tám năm 1971, Mỹ đã khai tử hệ thống tiền tệ này khi thả nổi đồng Mỹ kim và gây biến động ngoại hối cho các nước Âu Châu vì cái neo giàng tiền vào vàng đã bị bứt. Từ đó, Âu Châu thấy ra nhu cầu hội nhập tiền tệ dựa trên sự ổn định của đồng Đức mã gọi là đồng Deutschemark. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc và nước Đức thống nhất, các nước Âu Châu càng có yêu cầu thống nhất về kinh tế lẫn tiền tệ để ràng đại cường này vào cả khối Âu Châu. Vì vậy, 10 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Âu Châu có đồng bạc thống nhất mà ta gọi là đồng Euro.
Việt Long: Như vậy, nhu cầu về an ninh có thể là động lực chìm sâu bên dưới của việc hội nhập kinh tế và tiền tệ, nhưng chủ yếu là dựa vào quy củ hay kỷ luật chi tiêu của nước Đức phản ánh qua sự ổn định của đồng tiền Đức. Có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, niềm tin của thiên hạ vào tờ giấy bạc gọi là Euro nằm trong sự cam kết chính trị và pháp lý của các nước về kỷ luật chi tiêu theo tiêu chuẩn rất cao của Đức, thí dụ như về định mức bội chi ngân sách, về tỷ lệ lạm phát hay mắc nợ như ta vừa nói ở trên. Khốn nỗi, ngay từ đầu, nhiều quốc gia lại không tuân thủ những điều kiện này trong cái gọi là "Thỏa ước về Ổn định và Phát triển", Hy Lạp không là quốc gia duy nhất.
Sau 10 năm hồ hởi với đồng tiền mới thì rạn nứt đã xảy ra và nay càng bị đào sâu khi cơ chế pháp lý lại không có những điều khoản kỷ luật hoặc chế tài cho tội vi phạm. Người ta đành trông chờ vào thiện chí cải thiện chung, mà thiện chí ấy lại đụng vào thực tế kinh tế và chính trị của từng nước vì ngoài Hy Lạp còn có tình trạng cũng nguy ngập của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi và cả Cộng hòa Băng đảo Iceland.
Nước Đức có thể làm gì?
Việt Long: Bối cảnh này quả là quá phức tạp. Hèn chi trước đây Anh và Đan Mạch đã không chịu dùng chung tiền Euro. Bây giờ thì các nước phải tính sao để cứu vãn sự tồn tại của đồng Euro?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Các nước trong cuộc và các thị trường tài chính thế giới đang ráo riết theo dõi tình hình và nói đến hai giải pháp đều là nan giải như nhau.
Một là Đức sẽ ra khỏi khối Euro và tái lập Ngân hàng Trung ương Liên bang Bundesbank để quản lý đồng Đức mã và thanh toán nợ nần hay lỗ lã vì lỡ trao đổi với các nước ngập nợ ở miền Nam. Kịch bản ấy được nêu ra vì Đức đã châm 23 tỷ Euro, là 30 tỷ đô la cho Hy Lạp, nay sẽ xin Quốc hội cho phép chi thêm 160 tỷ đô la trong khuôn khổ một ngàn tỷ cứu giúp đồng Euro, chưa kể tới khoản ký thác vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nay cũng sẽ lại phải châm vào việc cấp cứu.
Thật ra số phận của đồng Euro sẽ không được quyết định trong một hai ngày mà sự hấp hối có thể kéo dài nhiều năm nếu các nước không tìm ra giải pháp thỏa đáng.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Hai là Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, lấy lại đồng tiền cũ và tha hồ in bạc trả nợ mà khỏi phải tuân thủ các điều kiện khắc khổ do tập thể Euro đòi hỏi. Với giải pháp này, Hy Lạp sẽ rút tiền ký thác khỏi khối Euro nhưng cần tới sự trợ giúp của Ngân hàng Trung ương Âu Châu hay/và Quỹ IMF và tự hỏi là còn có nhà đầu tư nào muốn mua đồng bạc drackma của mình hay không!
Trong cả hai kịch bản, cộng đồng các nước Âu Châu đều gặp bài toán lưỡng nan mà giải pháp nào cũng có thể mở ra khủng hoảng mới, ở giữa hoàn cảnh kinh tế chung vốn dĩ vẫn bất trắc. Vì thời lượng của chương trình có hạn nên chúng ta không thể đi vào chi tiết kỹ thuật và hậu quả chính trị của từng giải pháp đang được các nước cân nhắc. Có khi là ta sẽ phải mở lại hồ sơ này vào một dịp khác vì thật ra số phận của đồng Euro sẽ không được quyết định trong một hai ngày mà sự hấp hối có thể kéo dài nhiều năm nếu các nước không tìm ra giải pháp thỏa đáng.
Việt Long: Dù sao thì một đại cường kinh tế như nước Đức vẫn không thể để khối Euro sụp đổ, như Thủ tướng Đức phát biểu hôm 13 vừa qua, cho nên câu hỏi cuối của chúng tôi là nước Đức có thể làm gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả thật là bà Merkel đã nói rằng nếu khối Euro sụp đổ thì sự nghiệp thống nhất Âu Châu cũng sẽ tan rã. Do đó, trong vụ này nước Đức phải chi ra trước sau khoảng 190 tỷ đô la cứu trợ, trước sự ngại ngần của dân Đức. Vì vậy, yêu cầu bảo vệ sự thống nhất của Âu Châu khiến Đức chỉ nhảy vào cấp cứu đồng Euro và không rút khỏi hệ thống tiền tệ Âu Châu nếu các nước tuân thủ đòi hỏi cải cách kinh tế, tài chính, chính trị và cả khuôn khổ pháp lý của Âu Châu.
Lời phát biểu ấy của Thủ tướng Đức có thể chỉ nhắm vào mục tiêu chính trị ở nhà vì thật ra nước Đức cũng có mối lợi kinh tế rất đáng kể trong hệ thống Euro. Nhưng Âu Châu quả là đang bị khủng hoảng trầm trọng và nếu có cứu được đồng Euro thì các nước bất cẩn và mắc nợ sẽ bị đẩy ra ngồi chầu rìa ở ngoài trong nhiều năm. Và Cộng hoà Liên bang Đức sẽ mặc nhiên lãnh đạo toàn khối Âu Châu là điều mà nhiều nước chưa chắc đã muốn nếu nhớ lại lịch sử của họ. Trong khi chờ đợi thì chẳng ai dại gì mà giữ đồng bạc Euro.
Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Theo dòng thời sự:
- Châu Âu cố gắng bảo vệ đồng Euro
- Chứng khoán thế giới phục hồi nhờ gói tín dụng cứu Châu Âu
- Hy Lạp yêu cầu EU giải ngân gói cứu trợ đầu tiên
- Âu Châu bất trắc
- Thủ tướng Hy Lạp: không bán đảo của quốc gia
- Tổ chức bầu cử, nên trả tiền bản quyền cho Hy Lạp
- Hoa Kỳ ủng hộ Hy Lạp cải tổ kinh tế
- EU đồng ý về điều khoản quỹ cứu nguy tài chính Hy Lạp
- Thủ tướng Đức: cần tăng tốc cứu nguy cho Hy Lạp