Đầu cơ tiền tệ
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou hôm thứ hai kêu gọi Hoa Kỳ hãy có biện pháp kềm chế nạn đầu cơ tiền tệ để giúp Hy lạp chống chọi cơn khủng hoảng tín dụng nặng nề hiện nay.
Ngụ ý nói đến những tin tức cho rằng một số công ty đầu tư tài chính Mỹ lợi dụng cuộc khủng hoảng này để thông đồng với nhau, tấn công vào đồng Euro, Thủ tướng Hy Lạp cảnh báo rằng hành động đó sẽ có tác dụng ngược bất lợi cho chính Hoa Kỳ.
Họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Thủ tướng Papandreou nói chính phủ Hy Lạp đã có những quyết định hết sức khó khăn để cắt giảm mức thâm hụt, hầu nền kinh tế có thể tồn tại.
Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi tài lãnh đạo của vị Thủ tướng trong việc đối phó với vấn đề kinh tế khủng hoảng từ khi nhậm chức, và Hoa Kỳ ủng hộ Hy Lạp trong những biện pháp mạnh bạo để đương đầu với khó khăn.
Âu Mỹ phải hành động
Trước đó, nói chuyện tại tổ chức nghiên cứu Brookings Institution, Thủ tướng Papandreou cho rằng nay là lúc châu Âu và Mỹ phải có biện pháp chặn đứng những hành động đầu cơ trục lợi, những hoạt động chỉ nhắm vào lợi nhuận trước mắt, bất chấp hậu quả cho hệ thống kinh tế rộng lớn, chưa kể đến những tác hại cho xã hội như nạn thất nghiệp, bị tịch biên nhà cửa, thiệt hại về hưu bổng...
Thủ tướng Hy Lạp nói đến hành động đầu cơ đối với đồng Euro, cho rằng đồng Euro yếu đi có nghĩa là đồng đô la tăng giá, làm thâm hụt mậu dịch của Mỹ tăng thêm, chẳng giúp gì cho sự hồi phục kinh tế của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Papandreou cho biết ông sẽ nêu ý kiến tương tự tại hội nghị G-20 sắp tới để yêu cầu áp dụng thêm những quy chế kiểm soát những hoạt động như vậy.

Tuần qua đã ghé Berlin và Paris nhưng chưa có lời cam kết giúp đỡ nào được loan báo, Thủ tướng Hy Lạp đến Mỹ và sẽ gặp Tổng thống Barack Obama vào ngày hôm nay. Thứ ba, sau khi nói chuyện với Bộ trưởng ngân khố Timothy Geithner.
Không nhờ Mỹ chuộc nợ
Ông Papandreou nói Hy Lạp sẽ không yêu cầu xin tiền chuộc nợ như các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, khỏi nói đến tiền thưởng phụ trội giống như các lãnh đạo của các công ty tài chính được nhận trước khi công ty của họ phá sản.
Ông cho biết đã có vài dấu hiệu lạc quan cho thấy chính phủ Mỹ đã ra lệnh cho một số nhà đầu tư không được xoá bỏ những dữ liệu về hoạt động mua bán tiền euro.
Trả lời câu hỏi về việc nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế chuộc nợ, Thủ tướng Papandreou nói Hy Lạp cảm thấy được khuyến khích do việc khả dĩ đang có một kế hoạch chung của châu Âu giúp cho việc đó, để khỏi phải nhờ tới IMF.
Trả tiền bản quyền dân chủ cho Hy lạp
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngỏ ý ủng hộ công cuộc cải tổ kinh tế của Hy lạp, tuy rằng vị Thủ tướng cũng như chính phủ Hy Lạp chưa hề đòi hỏi Hoa Kỳ giúp một điều gì. Bà cho rằng điều mà Hy Lạp mong mỏi là Hoa Kỳ, tại hội nghị các quốc gia G-20, sẽ tạo một vài thay đổi trong quy chế điều kiểm một số những công cụ tài chính đã được sử dụng gây tai hại không những cho Hy Lạp mà còn các nước khác, kể cả Hoa Kỳ.
Trong buổi họp báo chung hôm thứ hai, sau khi ca ngợi người dân Iraq đã thách đố những hành động đe doạ và khủng bố để đi bầu Quốc hội với tỉ lệ 62%, Ngoại trưởng Mỹ nhìn sang Thủ tướng George Papandreou và nói rằng bất kỳ nước nào tổ chức bầu cử dân chủ cũng nên trả tiền bản quyền trí tuệ cho Hy lạp, vì Hy Lạp từng thiết lập nền dân chủ đầu tiên trên thế giới,
Thủ tướng Hy Lạp trả lời nho nhỏ: "Vậy thì cũng giúp cho tôi đỡ bị thâm hụt..."
Theo dòng thời sự:
- Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du các nước Mỹ La Tinh
- Tổ chức bầu cử, nên trả tiền bản quyền cho Hy Lạp
- Thủ tướng Hy Lạp: không bán đảo của quốc gia
- IMF: Kinh tế thế giới đang hồi phục
- IMF: cuộc khủng hoảng tài chính đã qua thời kỳ tệ hại nhất
- Á Châu-Thái Bình Dương dẫn đầu về hồi phục kinh tế
- Kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi