Trung Quốc và Trận Chiến Mậu Dịch với Hoa Kỳ
2010.04.29
Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định như vậy khi được hỏi về vấn đề này, qua phần trao đổi sau đây cùng Việt Long trong Diễn đàn kinh tế tuần này.
Tình hình đang tạm lắng
Việt Long: Hai chục ngày sau bộ Ngân khố thì đến bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định tạm hoãn việc điều tra về chế độ tỷ giá ngoại hối cố định của đồng Nhân dân tệ xem đó có là biện pháp trợ giá của Trung Quốc hay chăng. Hôm 23 vừa qua, ông Tổng trưởng Thương mại Gary Locke cho biết rằng đây là một vấn đề rất phức tạp và bộ Thương mại cần thêm thời gian để quyết định. Ông theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc cùng với quan hệ mậu dịch với Hoa Kỳ, ông nhận xét thế nào về lời tuyên bố này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng qua lời tuyên bố trên, Hoa Kỳ vẫn đang duy trì sức ép với Trung Quốc trong khoảng thời gian mà tôi cho là "hưu chiến" chừng ba tháng trước khi mâu thuẫn về mậu dịch có thể sẽ bùng nổ. Đây là điều rất khó tránh vì những lý do thật ra nằm ngoài khả năng chi phối của lãnh đạo hai nước.
Việt Long: Nếu như vậy nhờ ông trình bày về bối cảnh của vấn đề trước khi giải thích vì sao đây chỉ là một sự đình hoãn tạm thời, và vấn đề nằm ngoài sự chi phối của lãnh đạo.
Hoa Kỳ vẫn đang duy trì sức ép với Trung Quốc trong khoảng thời gian mà tôi cho là "hưu chiến" chừng ba tháng trước khi mâu thuẫn về mậu dịch có thể sẽ bùng nổ. Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, ta hãy nhìn từ phía Hoa Kỳ, rồi mới qua chuyện Trung Quốc.
Hoa Kỳ vừa ra khỏi một trận suy trầm kinh tế khởi sự từ tháng 12 năm 2007, với tỷ lệ thất nghiệp là gần 10% mà chưa có hướng suy giảm. Ngày 2 tháng 11 tới, Hoa Kỳ lại có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống, khiến đảng Dân Chủ đa số của Tổng thống Barack Obama bị thất thế. Vả lại, đảng Dân Chủ thường có xu hướng bảo hộ mậu dịch mạnh hơn so với Cộng Hoà. Đó là về bối cảnh.
Thế rồi, hôm 11 tháng Ba, Tổng thống Mỹ long trọng công bố "Sáng kiến Xuất khẩu cấp Quốc gia" với việc thành lập một bộ phận phát triển xuất khẩu có thẩm quyền phối hợp hoạt động của hơn một chục cơ quan công quyền - kể cả bộ Ngoại giao, Tài chính, Canh nông và Thương mại, lẫn Cố vấn An ninh và Kinh tế của Tổng thống - nhằm tăng mức xuất khẩu gấp đôi trong năm năm và tạo thêm hai triệu việc làm.
Chưa rõ Hoa Kỳ có thể đạt chỉ tiêu lớn lao này chăng - vì có nghĩa là phải tăng mức xuất cảng bình quân thêm 14% mỗi năm, tức là từ 200 đến 250 tỷ đô la - nhưng đây là quyết định lịch sử. Từ nay chính quyền Mỹ có nhiệm vụ yểm trợ doanh nghiệp tranh thủ các thị trường trên thế giới thay vì dùng lợi thế nhập khẩu của thị trường Mỹ dể tranh thủ hậu thuẫn của các nước về ngoại giao hay về an ninh. Nhân dịp này, đích thân Tổng thống Obama còn than phiền chế độ ngoại hối của Bắc Kinh là không dựa trên nền tảng tự do của thị trường.
Cũng trong tháng Ba, cả Thượng Viện lẫn Hạ viện của Quốc hội Hoa Kỳ cùng đòi hỏi Hành pháp phải nghiên cứu và trả lời xem việc Trung Quốc duy trì tỷ giá cố định quá thấp của đồng Nhân dân tệ so với đồng Mỹ kim có là biện pháp "lũng đoạn ngoại hối" và cạnh tranh bất chính hay không. "Lũng đoạn ngoại hối" là một phạm trù pháp lý với hậu quả là dẫn tới biện pháp trừng phạt.
Việt Long: Thế nhưng bộ Ngân khố và bây giờ đến lượt bộ Thương mại đã tỏ ý là chưa có phán xét dứt khoát về vấn đề này. Vì sao lại có sự trì hoãn đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên nguyên tắc thì ngày 15 vừa qua, bộ Ngân khố, tức là bộ Tài chính, phải có một báo cáo giữa năm về vấn đề trên. Nhưng bộ xin tạm hoãn công bố, nói rằng vì Hoa Kỳ có hàng loạt cơ hội nêu vấn đề với lãnh đạo Trung Quốc qua các hội nghị song phương hay đa phương trong mấy tháng tới. Bộ Thương mại cũng có ý đình hoãn, nhưng với ngôn ngữ vẫn hàm chứa sự đe dọa. Nói cách khác, Hoa Kỳ đang gây sức ép để Bắc Kinh phải thay đổi và thời hạn cuối cho bộ Ngân khố đưa ra báo cáo thẩm tra sẽ là ngày 15 tháng 10 tới đây.
Hành pháp Mỹ khó trì hoãn được lâu hơn vì sau đó là có bầu cử. Qua năm 2012, còn có một cuộc bầu cử quan trọng hơn vì dân chúng sẽ đi bầu tổng thống nữa. Nhìn từ Hoa Kỳ, việc gây áp lực càng có vẻ chính đáng vì năm ngoái kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, là -2,4%, trong khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bình quân là 8,7% và quý I năm nay thì đạt gần 12% như chúng ta đã phân tích kỳ trước.
Cần nói thêm rằng không chỉ Hoa Kỳ mới gây áp lực với Trung Quốc mà cả châu Âu và nhiều xứ Đông Á cũng không hài lòng với tỷ giá quá thấp của đồng "Nguyên" vì khiến hàng hoá Trung Quốc trở thành rẻ và dễ bán hơn trong khi xứ nào cũng cần gia tăng xuất cảng và hạn chế nhập khẩu sau vụ suy trầm vừa rồi.
Sau cùng, sau vụ suy trầm ấy, thế giới đang cần một sự điều chỉnh toàn cầu với các nước giàu sẽ phải giảm tiêu thụ và tăng xuất khẩu trong khi các nước đang phát triển phải nâng mức tiêu thụ của thị trường nội địa, tức là nâng mức nhập khẩu và giảm bớt tỷ lệ tiết kiệm.
Tỷ giá đồng bạc Trung Quốc
Việt Long: Bây giờ, ta bước qua trường hợp Trung Quốc. Vì sao họ phải duy trì tỷ giá cố định của đồng bạc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc áp dụng chiến lược kinh tế Đông Á là dùng xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng, y như Nhật Bản hay các nước Đông Á vào mấy chục năm về trước. Khác với các nước kia, chiến lược đó càng đào sâu dị biệt về địa dư hình thể của Trung Quốc và lãnh đạo của họ đã biết vậy. Nhưng, nhờ chiến lược đó, từ 10 năm nay, họ tập trung được một số dự trữ ngoại tệ lớn lao làm phương tiện củng cố và phát huy thế lực quốc gia. Tỷ giá thấp của đồng bạc càng giúp họ đạt mục tiêu ấy nhưng càng gây vấn đề kinh tế và xã hội ở bên trong.
Vì vậy, nội bộ lãnh đạo Trung Quốc đã có cuộc tranh luận. Một bên thì cho rằng phải thúc đẩy xuất khẩu và đạt mức tăng trưởng cao, nếu không thì xứ sở sẽ bị động loạn. Bên kia thì cho là phải điều chỉnh cho xã hội phát triển hài hòa hơn và nhắm vào phẩm chất của tăng trưởng hơn là số lượng, vì thế cần nâng đỡ các địa phương hay thành phần bị tụt hậu, nếu không thì xứ sở cũng sẽ bị động loạn. Một giải pháp điều chỉnh là nâng tỷ giá đồng bạc để khi bán được một Mỹ kim hàng hoá thì người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Năm năm về trước, Quốc hội
Hoa Kỳ thời Tổng thống Bush đã nêu vấn đề về hối suất quá rẻ của đồng Nguyên.
Trong khi ấy, lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn tái phân lợi tức để san sẻ sự trù phú
của các tỉnh duyên hải cho các tỉnh nghèo bị khoá bên trong và để san bằng dị
biệt lẫn mâu thuẫn giữa thôn quê và thành thị. Cho nên kể từ tháng Bảy năm 2005
Bắc Kinh bắt đầu cho đồng bạc được điều chỉnh thật chậm, một cách tiệm tiến.
Cho tới tháng Bảy năm 2008 thì đồng bạc tăng giá được bình quân chừng 20% so với
ba năm trước.
Một giải pháp điều chỉnh là nâng tỷ giá đồng bạc để khi bán được một Mỹ kim hàng hóa thì người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long: Thế rồi chuyện gì đã xảy ra mà lại đang gặp mâu thuẫn ngày nay?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Cuối năm 2007, kinh tế Mỹ bị suy trầm sau bảy năm tăng trưởng. Qua năm 2008 thì bị chấn động tài chính, với cao điểm là vụ khủng hoảng tháng Chín. Bắc Kinh lo sợ rằng Hoa Kỳ không còn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, và kinh tế Trung Quốc có thể bị suy trầm. Vì vậy, ngày 25 tháng Bảy năm 2008, bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Hoa có phiên họp về kinh tế rồi Bắc Kinh lấy quyết định là lại ràng giá đồng bạc theo hối suất cố định và thấp hơn. Tới tháng 11 năm đó thì họ tung ra kế hoạch kích thích kinh tế. Kết quả là kinh tế chỉ bị suy trầm nhẹ và đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, dù xuất khẩu thì có bị sút giảm nặng nề.
Việt Long: Nếu như vậy thì rõ ràng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không phải là nhờ xuất khẩu, như diễn đàn này đã trình bày vào tuần trước?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta có nhiều cách đo tổng sản lượng nội địa, một trong ba cách đó là thẩm định mức chi tiêu. Cụ thể thì tổng sản lượng là kết số của tiêu thụ công và tư, cộng với đầu tư và xuất siêu - là sai biệt giữa xuất và nhập khẩu. Theo cách đo ấy thì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là nhờ đầu tư với khối lượng rất cao dù tiêu thụ chưa nhiều và xuất khẩu sút giảm.
Trong trường kỳ và như các xứ Đông Á tiên tiến kia, tỷ trọng của tiêu thụ phải tăng nhiều hơn thì kinh tế mới thật sự quân bình và thị trường nội địa mới tăng trưởng. Về xã hội và chính trị, tiêu thụ mà tăng thì quyền dân mới tăng như người ta đã có thể thấy tại Nam Hàn hay Đài Loan vài chục năm trước. Cho nên, việc nâng tỷ giá đồng bạc là một quyết định cần thiết về cả kinh tế lẫn chính trị cho Trung Quốc, lồng trong một nỗ lực cải tổ cơ chế thật sâu rộng. Khốn nỗi, lãnh đạo xứ này lại lo sợ biến động vì cuộc cải tổ ấy nên đang có mâu thuẫn nặng trong nội bộ.
Khi thấy bị quốc tế và nhất là Hoa Kỳ gây áp lực về trị giá đồng bạc thì giới thủ cựu cho rằng lãnh đạo bị thách đố, thể thống và chủ quyền quốc gia bị đe dọa, trong khi sức tăng trưởng vẫn tuỳ thuộc vào đầu tư chứ không phải xuất khẩu. Ngược lại, cũng từ Bắc Kinh, vẫn có quan điểm chuyên môn có ý thực tiễn hơn, theo đó Trung Quốc cần điều chỉnh hối suất một cách linh động nhưng tiệm tiến như đã từng áp dụng từ năm 2005 đến 2008. Hai trong ba chuyên gia kinh tế của Ủy ban Chính sách Tiền tệ vừa được bổ nhiệm đã nêu ra ý kiến đó. Lãnh đạo ở trên thì dung hòa quan điểm bằng cách phát biểu rằng Trung Quốc sẽ tự ý điều chỉnh khi thấy cần thiết chứ chẳng sợ ai cả.
Ngoài vấn đề thể diện, vốn dĩ quan trọng cho một chế độ độc tài nhiều mặc cảm, Bắc Kinh còn một vấn đề trầm trọng hơn ở bên trong là phải thay đổi chiến lược như các nước Đông Á kia đã làm. Nhưng họ chưa thể thực hiện trước Đại hội đảng vào năm 2012 tới đây vì sợ bị loạn.
Việt Long: Trong khi chờ đợi thì Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép như chúng ta đang chứng kiến. Có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chính trường Hoa Kỳ không thể chờ đợi được vì sẽ có bầu cử vào cuối năm. Mặc dù quyết định của các bộ Ngân khố hay Thương mại có thể dẫn tới nhiều thủ tục pháp lý nhiêu khê phức tạp và chưa thể lập tức có kết quả, Hoa Kỳ còn một lợi thế khác là Khoản 421 của đạo luật Thương mại 1974 theo đó nếu doanh nghiệp Mỹ mà bị thiệt hại vì lượng nhập khẩu quá nhiều thì họ có thể kiện.
Khoản 421 này là điều kiện do phía Hoa Kỳ đặt ra khi nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà cơ chế này không thể cản được. Nói cách khác, Hoa Kỳ nắm dao đằng chuôi và lần đầu tiên từ gần một thế kỷ nay lại coi mở rộng thị trường xuất khẩu là một ưu tiên chiến lược. Vì thế, trận chiến mậu dịch giữa hai nước mới khó tránh.
Việt Long: Nếu như vậy thì trong thời gian tới đây, liệu Bắc Kinh có thể sẽ phải điều chỉnh tỷ giá đồng bạc dù là ở mức độ tượng trưng để giảm bớt sức ép của Hoa Kỳ hay chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhiều phần thì họ sẽ làm như vậy, nhưng vốn dĩ mắc bệnh tự kỷ ám thị và ưa hoài nghi, lãnh đạo Bắc Kinh còn có thể cho rằng Hoa Kỳ có ý đồ thâm hiểm và đa diện để gây họa cho Trung Quốc mà xuất khẩu chỉ là một mặt nổi. Chính phản ứng đó lại càng gây thêm mâu thuẫn khiến Bắc Kinh tìm cách cưỡng chống bằng cách khác - thí dụ như việc bán xăng dầu cho Iran để phá vỡ nỗ lực phong tỏa kinh tế mà Hoa Kỳ đang đề nghị. Phản ứng đó lại càng gây ác cảm trong dư luận Hoa Kỳ mà các tiếng nói trấn an hay bênh vực Trung Quốc trong xã hội Mỹ cũng không thể vượt qua được.
Việt Long: Chúng tôi để ý
thấy một chi tiết ông vừa trình bày là tiêu thụ nội địa mà tăng thì quyền dân mới
tăng, có lẽ là diễn đàn của chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề này trong một kỳ
khác. Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.