ABC về Ngân hàng Trung Quốc
2010.07.14
Là đợt phát hành cổ phiếu lớn nhất thế giới của một trong bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, biến cố này khiến các thị trường tài chính thế giới chú ý, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng của các ngân hàng Âu-Mỹ.
Nhưng sự thật có được như vậy không? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu trong phần trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện.
Lần đầu ABC phát hành cổ phiếu
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau nhiều chuẩn bị và đình hoãn và sau hai ngày rao bán hôm mùng sáu và mùng bảy tuần trước, ngày 15 và 16 này, Ngân hàng Nông nghiệp của Trung Quốc sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu cho công chúng trên các thị trường Thượng Hải và Hong Kong. Mục đích là để huy động ít ra là 19 tỷ Mỹ kim hoặc còn hơn nữa, và có thể là một vụ gọi vốn lớn nhất trên các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Khi mà hệ thống ngân hàng của Âu Châu còn lâm khủng hoảng và của Hoa Kỳ thì chưa hẳn phục hoạt, biến cố ấy tất nhiên là được các thị trường chú ý. Vì vậy, chúng tôi đề nghị là kỳ này ta sẽ tìm hiểu về hồ sơ ngân hàng của Trung Quốc. Trước hết, chúng ta nên nghĩ thế nào về đợt phát hành này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng đây là một đợt tuyên truyền vĩ đại của Trung Quốc, lồng bên dưới là rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần thấy ra vì sự thật lại không tốt đẹp như vậy đâu.
Dưới sự chỉ đạo của đảng và nhà nước, việc cải cách được đặt ra từ năm 2000 cho cả hai hệ thống, nhưng tiến hành chập chờn chỉ vì hễ cải cách là có xáo trộn xã hội và rủi ro chính trị. Cho đến nay, việc cải cách ấy vẫn chưa hoàn tất, đấy là điều đáng chú ý nhất.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long: Như mọi khi, xin ông trình bày cho bối cảnh của vấn đề, trước khi giải thích vì sao ông lại có sự hoài nghi đó.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta nên hoài nghi vì màn trình diễn này có thể gây ra lầm lạc về chủ đích của Trung Quốc.
Về bối cảnh, Trung Quốc có bốn đại gia ngân hàng là Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp, thường gọi tắt là ABC. Tính về vốn theo mệnh giá thị trường, bốn cơ sở này nằm trong số 10 ngân hàng lớn nhất của thế giới, và thực tế thì Ngân hàng Công Thương đang là số một với tài sản trị giá hơn 200 tỷ Mỹ kim.
Trong số bốn đại gia, ngân hàng ABC là cơ sở nhỏ nhất kể về vốn, chỉ có gần 130 tỷ đô la, và sau ba ngân hàng kia thì ABC là cơ sở sau cùng đi vào giai đoạn phát hành cổ phiếu lần đầu, ta hay gọi tắt là IPO. Lần này, ngân hàng ABC chào bán 15% phần vốn để huy động 19 tỷ 200 triệu đô la và có quyền phát hành thêm cổ phần để có hai tỷ chín. Tổng cộng là hơn 22 tỷ, tức là vượt kỷ lục 21 tỷ chín của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc ICBC vào năm 2006.
Thứ ba, dù kể về vốn thì ABC là ngân hàng nhỏ nhất trong bốn đại gia, nhưng nó cũng rất lớn vì tuyển dụng 30 vạn nhân viên trên mạng lưới tỏa rộng của 24.000 chi nhánh, có 320 trương chủ trên toàn quốc và có gần ba triệu thân chủ là các doanh nghiệp Trung Quốc. Vì kích thước vĩ đại như vậy, khi ABC phát hành cổ phiếu lần đầu thì các thị trường thế giới đều chú ý và sau khi rao bán tuần trước thì đã có nhiều ngân hàng hay cơ sở đầu tư quốc tế tỏ ý muốn mua.
Việt Long: Thế thì tại sao ông lại tỏ vẻ hoài nghi về một biến cố lớn lao như vậy? Phải chăng vì thị trường chứng khoán Thượng Hải đang sụt giá, tính từ đầu năm nay thì đã mất gần 30%?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thời điểm không thuận lợi lúc này khi kinh tế toàn cầu vẫn chưa mạnh, các thị trường chứng khoán đều èo uột, và riêng thị trường Thượng Hải thì tuột dốc nặng, vẫn chỉ là vấn đề ngắn hạn. Rủi ro lớn hơn thế là giá trị hay phẩm chất tài sản rất kém và thành tích sinh lời rất thấp của ngân hàng ABC. Nhưng đấy vẫn chưa là vấn đề chính.
Việt Long: Vấn đề chính là gì mà ông nói rằng chúng ta nên hoài nghi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vấn đề chính là toàn bộ hệ thống ngân hàng và mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà ta nên tìm hiểu kỹ hơn. Và đây mới là một bối cảnh cần phân tích.
Trong 30 năm qua, kể từ khi Trung Quốc mở cửa, cải cách ngân hàng là bài toán khó nhất - và chưa hoàn tất - cho lãnh đạo xứ này. Thời hoang tưởng của Mao Trạch Đông, như trong các nước cộng sản khác, Trung Quốc chỉ có hệ thống ngân hàng một cấp là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, giữ nhiệm vụ thu chi tài chính như một ngân khố. Sau khi cải cách từ năm 1979, xứ này mới xây dựng hệ thống ngân hàng hai cấp. Cấp một là Ngân hàng Nhân dân, trở thành một ngân hàng trung ương như tại các nền kinh tế thị trường. Cấp hai là các ngân hàng thương mại để thi hành các nghiệp vụ trong kinh tế thị trường. Các cơ sở ngân hàng cũ được tái phối trí để thành bốn ngân hàng thương mại quốc doanh, bốn đại gia mà ta vừa nói.
Nhưng hoạt động của chúng là gì? Chủ yếu để phục vụ các doanh nghiệp nhà nước, theo chỉ thị của trung ương. Và các doanh nghiệp nhà nước ấy, khi đó, cũng phải được cải tổ lại vì chỉ là các trung tâm lãng phí. Nhìn vậy thì ta thấy ra một hệ thống kinh tế nhà nước, có các ngân hàng của nhà nước tài trợ cho các doanh nghiệp cũng của nhà nước, theo quy luật bất kể lời lãi của nhà nước mà được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Vì vậy, sau năm 1990, khi luật lệ được giải toả dần, như giá cả hết được kiểm soát, quy chế độc quyền cung cấp và phân phối theo hạn ngạch quota bị bãi bỏ, v.v... chúng bị khủng hoảng và ngân hàng mất vốn. Nói vắn tắt cho dễ hiểu và dễ nhớ thì ngân hàng của nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước, khi doanh nghiệp lỗ vốn thì ngân hàng không thu được nợ, bị chìm dưới một núi nợ khó đòi, sẽ mất và đã mất.
Việt Long: Từ đó đến nay, gần hai chục năm đã qua, các doanh nghiệp này được cải cách thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta nên nhìn ra hai vế của vấn đề. Vế đầu là các doanh nghiệp nhà nước hay công ty quốc doanh, vế sau mà mình chú ý ở đây là các ngân hàng thương mại.
Dưới sự chỉ đạo của đảng và nhà nước, việc cải cách được đặt ra từ năm 2000 cho cả hai hệ thống, nhưng tiến hành chập chờn chỉ vì hễ cải cách là có xáo trộn xã hội và rủi ro chính trị. Cho đến nay, việc cải cách ấy vẫn chưa hoàn tất, đấy là điều đáng chú ý nhất.
"Trang trí dung nhan" trước khi bán
Việt Long: Trung Quốc cải cách ra sao để cứu vãn các các ngân hàng mất vốn đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Bắc Kinh cho Công ty Quản lý Tài sản mua lại và quản lý một khối nợ ung thối của các ngân hàng trị giá chừng 300 tỷ Mỹ kim, vào thời đó thì tương đương với 31% Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc. Việc xoá nợ xấu trong sổ sách ngân hàng để đẩy qua Công ty Quản lý Tài sản vẫn tiếp tục và đến nay có thêm chừng 600 tỷ đã được xoá như vậy. Sự thật là bao nhiêu thì không được công bố rõ ràng.
Song song, chính quyền châm vốn cho các ngân hàng rồi mới mời giới đầu tư tham gia góp vốn lẫn kiến thức quản trị ngân hàng. Đó là việc phát hành cổ phiếu IPO đã được các đại gia lần lượt thực hiện. Bây giờ là đến lượt Ngân hàng Nông nghiệp ABC. Người ta sở dĩ chú ý đến ABC là ngân hàng èo uột nhất, có tỷ lệ nợ thối cao nhất, tuyển nhiều nhân viên nhất mà cũng ít khả năng nhất. Chỉ vì nó hoạt động trong khu vực lạc hậu, trên các địa bàn hẻo lánh và tài trợ cho các cơ sở kém hiệu năng ở nông thôn cho mục tiêu ổn định xã hội hơn là sinh lời. Khi tìm hiểu về việc gọi vốn cho ABC mình nên nghĩ đến việc trang trí lại dung nhan trước khi gả bán.
Việt Long: Bây giờ mình mới nói đến việc trang trí ấy cho Ngân hàng ABC trước khi rao bán.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Việc rao bán cổ phiếu ABC đã được chuẩn bị từ lâu mà lại bị đình hoãn vì nạn tổng suy trầm toàn cầu trong các năm 2008-1009. Một cách cụ thể thì công ty đầu tư quốc doanh là Trung ương Hối kim hay Huijin, chi nhánh của tập đoàn đầu tư nhà nước, China Investment Corp., đã cấp thêm vốn tương đương với 19 tỷ đô la và đẩy núi nợ thối trị giá 800 tỷ Nhân dân tệ, tương đương với 117 tỷ đô la, qua Công ty Quản lý Tài sản như ta vừa nói ở trên. Khi Bắc Kinh bơm ra ngân khoản tín dụng khoảng 1.400 tỷ đô la - gần một phần ba Tổng sản lượng GDP - để kích thích kinh tế thì Ngân hàng ABC cũng tham gia. Cho nên, diện mạo ABC đã có vẻ dễ coi hơn. Nhưng ta lại gặp cái cảnh "lắm cha con khó lấy chồng"!
Số là đầu năm 2010 này, khi thấy tình hình kinh tế đã khả quan, Bắc Kinh tính đến việc bán cổ phiếu, vậy mà nội bộ vẫn còn mâu thuẫn về quan điểm. Bộ Tài chính cùng công ty Trung ương Hối kim, mỗi bên làm chủ 50% phần vốn, thì đề nghị là nên hoãn nữa vì thời điểm bất lợi và vụ phát hành này lại hút hết vốn mà các cơ sở khác đang cần, kể cả Trung Quốc Ngân hàng và Công thương Ngân hàng ICBC.
Trong vụ này, có sự liên hệ của quá nhiều cơ quan hay trung tâm quyền lợi và chính trị. Trên cùng là Quốc vụ viện, tức là Hội đồng Chính phủ, bên cạnh là Ngân hàng Trung ương, bộ Tài chính, rồi có Trung ương Hối kim, Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia, Hội đồng Thanh tra Ngân hàng, Hội đồng Kiểm soát Giao dịch Chứng khoán, các tổng công ty quốc doanh và cơ chế quản lý các tổng công ty này. Ngoài ra còn có các ngân hàng thương mại và hội đồng chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong. Nghĩa là ngoài Quốc vụ viện thì các cơ chế kia cũng có thể là nhà đầu tư hay kiểm soát nên cùng muốn tác động vào quyết định phát hành này.
Việt Long: Nhưng còn các ngân hàng ngoại quốc nữa, họ tính sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước khi cổ phiếu ABC được phát hành cho công chúng thì các cơ chế kể trên đã vận động để chia chác phần hùn vào trong đợt vay vốn này, thí dụ như Quỹ Hưu bổng thì đã châm vào hơn hai tỷ đô la để làm chủ chừng 3,7% phần vốn. Các ngân hàng hay tập đoàn đầu tư quốc tế như của Qatar, Kuweit, Anh, Úc, Hà Lan và Singapore cũng ngỏ ý sẽ mua, với điều kiện là sẽ giữ khá lâu chứ không bán ngay, có thể là trong năm năm. Họ cần có chân đứng và giữ quan hệ tốt với chính quyền. Vì vậy, việc phát hành này sẽ thành công và Bắc Kinh sẽ đạt thành tích tuyên truyền về thế lực tài chính và ngân hàng của mình. Nhưng đấy không là chuyện đáng chú ý nhất.
Việt Long: Theo nhận định của ông, những gì mới là đáng chú ý nhất trong vụ này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đáng chú ý là việc phát hành được dàn dựng và quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, với tiếng nói chìm và nổi của quá nhiều cơ chế chính trị như ta vừa nhắc đến. Như vậy, mình đang thấy ra một vụ phân bố tài sản đầu tư cho thị trường do những tác nhân chính trị quyết định ở đằng sau. Trung Quốc chưa đi vào kinh tế thị trường như thiên hạ nghĩ.
Thứ hai, vì
sự can thiệp quá nặng nề và thực chất là thư lại, việc phát hành cổ phiếu ngân
hàng với một tỷ lệ thấp như vậy chưa thể là tư nhân hoá ngân hàng hay cổ phần
hóa để cải thiện lề lối kinh doanh cho có lời. Tức là Bắc Kinh vẫn chưa thực sự
tiến hành cải cách hệ thống ngân hàng, dù mới chỉ là bốn đại gia lớn nhất, chưa
kể cả các ngân hàng nhỏ hơn ở địa phương. Người ta vẫn gặp nguyên vẹn các vấn đề
như khả năng thẩm định hồ sơ tín dụng, rủi ro khi cho vay, trong một môi trường
mà quan hệ thân tộc và tham nhũng tiếp tục hoành hành.
Đáng chú ý là việc phát hành được dàn dựng và quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, với tiếng nói chìm và nổi của quá nhiều cơ chế chính trị. Như vậy, mình đang thấy ra một vụ phân bố tài sản đầu tư cho thị trường do những tác nhân chính trị quyết định ở đằng sau.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Thứ ba, vì chức năng tài trợ nông nghiệp, ngân hàng ABC tiếp tục bị chi phối bởi chính sách nhà nước hầu ổn định xã hội và tránh động loạn tại nông thôn. Khi kinh doanh theo diện chính sách như vậy, ngân hàng ABC sẽ lại bị lỗ và sẽ ôm vào nợ thối và chìm vào khó khăn.
Tổng kết lại thì ta nên thấy ra là Trung Quốc đang can thiệp nhiều hơn vào thị trường tài chính và chi phối nhiều hơn tiến trình sung dụng tài nguyên của kinh tế với nhiều lãng phí. Cho nên nguy cơ khủng hoảng ngân hàng vẫn còn nguyên vẹn. Những giông bão đang xảy ra cho hệ thống ngân hàng Âu Châu mà ta nói kỳ trước có thể sẽ tái diễn, với kích thước vĩ đại của Trung Quốc.