Kinh tế và Tự do

Bản phúc trình hàng năm về trình độ tự do kinh tế của các quốc gia trên thế giới vừa được công bố. Việt Nam đứng hạng thứ 144/188 và thuộc thành phần có ít tự do kinh tế.
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
2010.01.27
Phát triển kinh tế nhưng vẫn còn khoảng cách giàu nghèo. Phát triển kinh tế nhưng vẫn còn khoảng cách giàu nghèo.
AFP PHOTO/Aude GENET

Tuần qua, tạp chí Foreign Policy tại Hoa Kỳ đã có bài viết về các thế lực tiền bạc mới tại Việt Nam với những dự báo bi quan cho xã hội. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về một vấn đề vừa kinh tế vừa xã hội của Việt Nam qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Chương trình chuyên đề này do Việt Long thực hiện sau đây.

Tự do kinh tế?

Việt Long: Như mọi năm, cứ vào DỊP đầu năm tại Hoa Kỳ thì Sáng viện The Heritage Foundation và nhật báo The Wall Street Journal lại công bố kết quả khảo sát về tình hình tự do kinh tế của các nước trên thế giới trong năm qua. Năm nay, Việt Nam vẫn thuộc thành phần các quốc gia không có tự do kinh tế, chỉ đứng hạng 144 trong 188 quốc gia được khảo sát,  lại còn tụt hạng so với năm 2008, và chỉ được bình quân là 49,8 điểm trên 100 điểm.

Hôm 21 vừa qua, tạp chí chuyên đề Foreign Policy cũng có bài của tác giả Bill Hayton viết về hiện tượng thế lực tiền bạc mới của gia tộc những người có quyền lực tại Việt Nam. Trong những chương trình cuối năm Sửu và chuẩn bị cho năm Dần sắp tới, chúng tôi xin đề nghị ông phân tích hiện tượng này. Một câu hỏi cụ thể là: căn cứ vào bài báo đã dẫn thì dường như người dân Việt Nam chưa có tự do kinh tế nhưng một thành phần thiểu số lại có những đặc quyền lớn lao để có thể làm giàu nhanh chóng. Vì sao lại như vậy?

Thị trường chưa có tự do, tư doanh vẫn bị nhiều giới hạn thì một thiểu số lại làm giàu rất nhanh nhờ quan hệ gia tộc với những người có chức có quyền.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin trước nhất lại nói về bối cảnh rồi mình mới đào sâu vào vấn đề để tìm ra câu trả lời. Mình hãy nói về trình độ tự do kinh tế trước.

Đầu tiên, Sáng viện The Heritage Foundation là một lò nghiên cứu nổi tiếng của Hoa Kỳ, theo chủ trương phát huy tự do và kinh tế thị trường. Wall Street Journal là nhật báo chuyên đề về kinh tế có số bán chạy nhất nước Mỹ, mỗi ngày hơn hai triệu tờ. Với quan điểm tự do kinh tế là yếu tố đóng góp cho thịnh vượng của quốc gia, từ năm 1995, hai cơ sở này vẫn yêu cầu các chuyên gia của họ khảo sát tình hình tự do kinh tế của các nước trên thế giới theo 10 tiêu chuẩn để đánh giá trình độ của từng nước. Báo cáo này rất được các thị trường và nhà đầu tư theo dõi.

Tuần qua, phúc trình của họ cho biết tình trạng sa sút của Việt Nam, một quốc gia vốn đã thuộc loại ít có tự do kinh tế và còn bị tụt hậu trong năm tiêu chuẩn là quyền tự do kinh doanh, mức công chi ngân sách, quyền tự do tiền tệ, tự do đầu tư và tự do lao động. Vì 2009 là năm suy trầm toàn cầu nên nhiều chính quyền phải gia tăng can thiệp vào kinh tế và có giới hạn tự do, nhưng việc Việt Nam đứng quá rất thấp, ở hạng 33 trong 41 quốc gia Á châu Thái bình dương, và lại còn tụt điểm nên cũng là một điều đáng chú ý và rất đáng buồn.

Tư bản thân tộc

Việt Long: Trong khi ấy, tờ Foreign Policy lại có một bài viết bi quan hơn nữa về Việt Nam và nêu ra hiện tượng tư bản thân tộc trong một quốc gia tự xưng là xã hội chủ nghĩa. Nghịch lý ấy có đáng chú ý hơn không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta phải kết luận là trong khi thị trường chưa có tự do, tư doanh vẫn bị nhiều giới hạn thì một thiểu số lại làm giàu rất nhanh nhờ quan hệ gia tộc với những người có chức có quyền. Lồng bên dưới, bài viết nhấn mạnh đến vai trò của các tổng công ty quốc doanh như những thế lực kinh tế thậm chí chính trị, và nhấn mạnh trách nhiệm của đảng Cộng sản khi vẫn thực tế khống chế cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư doanh. Đáng chú ý nhất là khi bài báo kết luận rằng đảng lại gia tăng đàn áp và tập trung quyền lực nên có thể dẫn Việt Nam từ tình trạng có tiến bộ về kinh tế qua một tai họa xã hội.

Foreign Policy do cố giáo sư Samuel Huntington xuất bản từ năm 1970, là một bán nguyệt san có uy tín về bang giao quốc tế và rất được giới lãnh đạo trên thế giới theo dõi. Có lẽ, đây là lần đầu mà vấn đề nhạy cảm như vậy của Việt Nam được quốc tế công khai phơi bày cho dư luận. Khi Việt Nam bị đánh giá là thiếu tự do kinh tế mà một thiểu số thân tộc của đảng Cộng sản lại thành những thế lực tiền tài mới thì người ta phải nêu câu hỏi về cái định hướng gọi là "xã hội chủ nghĩa" của đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn nhà nước PetroVietnam. AFP Photo.Việt Long: Vì sao Việt Nam lại có mâu thuẫn ấy, giữa cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" và hiện tượng tập trung quyền lực và tiền tài vào trong tay một thiểu số có quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chỉ vì đặc quyền tất nhiên dẫn tới đặc lợi và thuộc tính của nó là nạn tham nhũng. Thí dụ như về quyền tự do thoát khỏi nạn than nhũng, thì Việt Nam chỉ được có 27 trên 100 điểm, tức là thuộc loại tham nhũng rất nặng. Tham nhũng là sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và thị trường. Khi có tập trung quyền lực và giới hạn tự do, thì thiểu số có quyền tất nhiên có nhiều cơ hội làm giàu hơn đa số người dân còn lại, dù họ có tự xưng là cộng hoà, là dân chủ hay là xã hội chủ nghĩa. Khi Việt Nam lại gia tăng kiểm soát báo chí như ta thấy rõ trong năm qua thì không ai dám tố cáo những sự nhũng lạm đó nữa.

Tự do dưới chế độ độc đảng

Việt Long: Nếu nhìn rộng ra ngoài, người ta có thấy ra hiện tượng "tư bản thân tộc" hay "crony capitalism" là điều có xảy ra tại các nước Á châu Thái bình dương vào nhiều thập niên trước. Việt Nam có đi vào con đường ấy hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có thể là ta thấy ra một hiện tượng văn hóa rất tệ của Á châu là quy luật "một người làm quan cả họ được nhờ". Nhưng nói chung thì trừ trường hợp Trung Quốc và Việt Nam - là hai quốc gia đã chuyển hướng kinh tế cho tự do hơn bên dưới một chế độ độc đảng - các nước trong khu vực đều tự gỡ bỏ khỏi tệ nạn này, hoặc cũng đã bị khủng hoảng nên chế độ dân chủ đã cho phép cải sửa. Việt Nam và Trung Quốc thì chưa, chủ yếu vì chưa có dân chủ.

Điều nguy hiểm là khi thiểu số có quyền lại chi phối doanh trường để làm lợi cho tay chân thì ta có hiện tượng "cái đuôi điều khiển cái đầu", tức là vì đặc lợi cho một thiểu số mà làm lệch lạc chính sách kinh tế quốc dân và gieo họa cho đa số nghèo khổ ở dưới. Một thí dụ cụ thể mà diễn đàn này của chúng ta đã nhiều lần nói tới là tay chân của các tổng công ty nhà nước ở Việt Nam lại nắm luôn hệ thống doanh nghiệp tài chính tự mệnh danh là tư nhân và đi vào những nghiệp vụ đầu tư về địa ốc hay cổ phiếu rồi gây nên nạn bong bóng đầu cơ.

Tín dụng quá rẻ và có trợ cấp, vì gọi là thuộc diện chính sách, lại được ưu tiên trút vào các doanh nghiệp nhà nước để rồi tuồn ra thị trường bằng ngả khác và gây rất nhiều bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Chính là những tệ nạn ấy mới dễ gây ra bất ổn xã hội khi người nghèo lại càng nghèo hơn dưới quyền quyết định của một thiểu số ngày càng giàu hơn. Người ta đang trở lại chế độ bóc lột, nhưng dưới danh nghĩa "xã hội chủ nghĩa".

Dù là một người nghiên cứu về kinh tế, tôi vẫn có lý luận ngược là giải phóng chính trị mới dẫn đến giải phóng kinh tế.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa.

 Việt Long: Ngày xưa, Việt Nam theo chế độ tập trung quản lý thì xứ sở nghèo đói và kinh tế bị khủng hoảng. Từ hai chục năm nay, Việt Nam đã có đổi mới và kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng khả quan, nhưng cuối cùng thì sinh hoạt kinh tế thông thoáng hơn vẫn không làm thay đổi được chính trị cho tự do hơn? Vì sao Việt Nam lại có hiện tượng như vậy, các xứ khác có gặp tệ nạn ấy hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Quan niệm duy vật ngày xưa và cả quan điểm tư bản ngày nay đều có chung một sai lầm nghiêm trọng. Đó là tưởng rằng kinh tế ở dưới sẽ làm thay đổi chính trị ở trên.

Ngày xưa, chế độ cộng sản lầm tưởng như vậy khi muốn dùng kinh tế để chi phối tư duy và chính trị, từ chế độ hộ khẩu đến tem phiếu hoặc bỏ đói những người tủ cải tạo để làm thay đổi các suy nghĩ của con người. Kết quả chỉ là khủng hoảng kinh tế. Sau này, khi Việt Nam đi theo kinh tế thị trường thì giới đầu tư cũng có lý luận tương tự là dùng đòn bảy kinh tế để tạo ra sự phồn thịnh và nhờ đó mà người dân cũng sẽ có tự do, dân chủ. Đây là sự ngụy biện của những người muốn vào làm ăn với một chế độ chuyên quyền và không muốn gây xáo trộn bất lợi cho việc kinh doanh của họ. Kết cuộc thì nhiều người đã liên doanh và trở thành đồng lõa cho một việc bóc lột trên quy mô toàn quốc. Hiện tượng tư bản thân tộc chỉ là mặt nổi của tệ nạn đó.

Việt Long: Nhưng ông vừa trình bày là nhiều quốc gia  châu Á khác cũng đã từ bỏ được chế độ tư bản thân tộc và bất công này, có phải là nhờ kinh tế phát triển và người dân được no ấm hơn nên đã đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin lấy vài thí dụ trong khu vực để mình cùng thấy ra sự thật. Đài Loan hay Đại Hàn đã có tốc độ tăng trưởng rất cao và công bằng hơn Việt Nam và Trung Quốc. Rồi lãnh đạo của họ đã chủ động giải phóng dần sinh hoạt chính trị cho dân chủ hơn, Đài Loan kể từ năm 1978 về sau, Nam Hàn kể từ năm 1988. Trong khi ấy, Indonesia đã có ba chục năm gọi là "ổn định" dưới chế độ độc tài Suharto, đến khi bị khủng hoảng kinh tế năm 1998, thành phần lãnh đạo của họ đã không lấy lý cớ khủng hoảng để duy trì độc tài mà lại còn tiến hành cải cách chính trị mạnh mẽ hơn. Chính là những quyết định chính trị dân chủ mới giúp cho kinh tế phát triển theo hướng công bằng và lành mạnh hơn. Bảo rằng kinh tế ở dưới sẽ làm thay đổi chính trị ở trên thì cũng phi lý như nói rằng con người ta suy nghĩ bằng cái bao tử. Con người ta thực sự có trình độ tư duy cao hơn chứ không là một sinh vật kinh tế. Ngược lại, chính là ách độc tài chính trị và việc giới hạn tự do mới dễ gây ra khủng hoảng kinh tế.

Ngành tàu biển thường thuộc nhà nước. AFP Photo.

Việt Long: Nếu như vậy thì chúng ta có thể kết luận là giải phóng kinh tế không nhất thiết dẫn đến giải phóng chính trị?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Dù là một người nghiên cứu về kinh tế, tôi vẫn có lý luận ngược là giải phóng chính trị mới dẫn đến giải phóng kinh tế; và một chế độ chính trị dân chủ với người dân có quyền tự do thì mới có hy vọng chọn lựa giải pháp kinh tế có lợi nhất cho đa số. Những sai lầm về chính sách kinh tế có thể được cải sửa khi người dân có quyền chọn lựa lãnh đạo khác.

Ngược lại, khi có hiện tượng giải phóng nửa vời như trường hợp Việt Nam trong hai chục năm gọi là đổi mới vừa qua, người ta trước tiên giải phóng những thói tật xấu nhất. Kết quả là sự băng hoại đạo đức trong một xã hội lý tài, nơi mà người có đặc quyền sẽ có nhiều đặc lợi nhất và lại dùng đặc lợi ấy khuynh đảo quyền lực mà không ai có thể can ngăn hay kiểm soát được. Việc báo chí bị cấm đoán, tôn giáo và trí thức bị đàn áp và nhiều trung tâm nghiên cứu độc lập không được lên tiếng, v.v.. khiến quốc tế than phiền, rằng năm qua, Việt Nam vừa tụt hậu về quản lý kinh tế lại vừa gia tăng đàn áp tự do. Đó là một hồi chuông cảnh báo, vì khủng hoảng xã hội mà bùng nổ thì tất yếu dẫn tới khủng hoảng chính trị, chứ người dân không có giải pháp nào khác.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.