Ngân hàng Âu châu âu sầu
2010.07.08
Trong bối cảnh kinh tế u ám, nhiều quốc gia bị nguy cơ vỡ nợ và Âu châu phải giảm chi ngân sách, tình hình bất trắc của hệ thống ngân hàng là một mối lo phụ trội mà vẫn bị lãng quên. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về mối lo ấy, qua phần trao đổi sau đây của Việt Long với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.
Do nhiều nguyên nhân
Việt Long: Tháng Bảy năm ngoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu có kế hoạch bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng của châu Âu trong thời hạn một năm. Kỳ hạn ấy đã chấm dứt từ mùng một tháng Bảy này và các ngân hàng sẽ phải trả lại chừng 440 tỷ Euro, tương đương với khoảng 540 tỷ Mỹ kim, tức là gấp năm lần tổng sản lượng nội địa của Việt Nam. Trong khi ấy, kinh tế châu Âu vẫn chưa sáng sủa và sự bất trắc của ngân hàng sẽ là một vấn đề phụ trội. Vì vậy, xin đề nghị là kỳ này ta sẽ cùng tìm hiểu về hồ sơ ấy, với một số bài học mà chúng ta có thể rút tỉa được. Xin ông trước tiên tóm lược cho vấn đề.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ Âu Châu đang lâm vào một vòng luẩn quẩn với nhiều khó khăn nan giải. Đó là vụ khủng hoảng công trái làm nhiều xứ bị nguy cơ vỡ nợ, đi cùng sự suy sụp sản xuất, trong khi các nước vẫn phải quyết liệt giảm chi ngân sách. Lục địa này chỉ còn giải pháp là đạt mức tăng trưởng cao hơn, trong đó có điều kiện then chốt là phải phục hoạt hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tín dụng. Vậy mà các ngân hàng vẫn cứ như bị đông lạnh và giờ đây lại hết được Ngân hàng Trung ương Âu Châu bơm tiền cấp cứu. Cho nên, cùng với Hoa Kỳ vì những lý do riêng, kinh tế Âu châu có thể lại bị trôi vào suy trầm nữa - nghĩa là đụng đáy hai lần - với hậu quả rất nghiêm trọng về chính trị và xã hội. Hy vọng còn lại chỉ là xuất khẩu.
Ta nên thấy ra một vấn đề là chính hệ thống ngân hàng Âu Châu cũng nhìn ra vấn đề của các ngân hàng, nên không tin vào ngân hàng nữa. Nôm na là họ không dám cho nhau vay!
Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Long: Ông vui lòng nhắc dùm nguyên nhân vì đâu mà hệ thống ngân hàng của cả một lục địa tiên tiến lại lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta phải trở lại những chuyện mà tôi xin tạm gọi là "nhân" và "duyên" của loại vấn đề rất rộng lớn và sâu xa. Hãy nói về cái duyên trước, vì rất gần với thời sự.
Tháng Tám năm kia, các ngân hàng Âu Châu bắt đầu bị rúng động mà họ cứ tưởng lầm là vì vụ khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Thật ra, họ bị chấn động vì hai yếu tố thuộc về thời cơ mà ta gọi là "cái duyên" cho dễ hiểu. Thứ nhất là sau khi chế độ Xô viết tan rã, các nước đã lạc quan ký kết Thỏa ước Maastritch vào năm 1992 để tiến tới thống nhất tiền tệ. Thứ hai là cũng do sự lạc quan sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước đã bơm tín dụng quá mạnh và thực tế thổi lên một trái bóng trên toàn lục địa từ đầu thiên niên kỷ mới. Trái bóng ấy bị bể trên một hệ thống ngân hàng đó có những nhược điểm riêng, những nguyên nhân nội tại của nó mà ta nên chú ý khi liên tưởng đến các ngân hàng của Trung Quốc, với nhiều vấn đề tương tự.
Việt Long: Như vậy, ông cho rằng cái duyên là sự hồ hởi kéo dài mấy chục năm và được đánh dấu ở hai thời điểm là năm 1992 và năm 2001. Bây giờ, nhược điểm riêng mới là cái nhân như ông nói. Những nguyên nhân ấy là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Âu Châu là lục địa rộng lớn và đa diện, một vụ khủng hoảng gần như tỏa rộng tất nhiên phải có nguyên nhân cũng rất sâu xa mà tôi xin cố tóm lược cho gọn. Ta nên nhìn vậy thì mới suy đoán ra trường hợp hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
Thứ nhất, lục địa này có nhiều dị biệt về địa dư và lịch sử nên phát triển kinh tế trong khuôn khổ từng quốc gia và chủ yếu tài trợ công cuộc phát triển ấy bằng ngân hàng nhiều hơn là nhờ thị trường chứng khoán như trường hợp Hoa Kỳ. Các ngân hàng cũng được chính quyền mặc nhiên ủy thác nhiệm vụ xã hội và chính trị là tài trợ doanh nghiệp và tạo ra việc làm và vì vậy mối hội nhập vào cơ chế chính trị của từng quốc gia. Hãy tưởng tượng đến các ngân hàng Trung Quốc với quan hệ hay chỉ thị xuất phát từ hệ thống chính trị, từ trung ương đến các đảng bộ địa phương, thì ta thấy ra sự khác biệt với hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ.
Việt Long: Ông vừa đi ngược trở lại trên khía cạnh địa dư và chính trị để thấy ra một nguyên nhân đặc thù của hệ thống ngân hàng châu Âu, với một số đặc điểm gần với Trung Quốc và khác với Hoa Kỳ. Thế còn nguyên do thứ hai là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Cũng theo chiều hướng tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa khiến Âu Châu khó giải quyết được ách tắc của hệ thống ngân hàng, ta có một lý do thứ hai là dân số co cụm. Dân số Âu Châu giảm dần vì sinh suất, là mức sinh đẻ, quá thấp, không đủ thay thế và gây ra nạn lão hóa, với tỷ lệ tuổi già ngày một đông hơn. Nhìn về dài thì dân số ấy ít mua nhà hay sắm sửa nên ít vay tiền ngân hàng hơn, mà lại hưởng trợ cấp hay hưu bổng nhiều hơn. Kết quả trong trường kỳ là tiêu thụ thấp, giá nhà ít tăng và ngân hàng vắng khách, khi cho vay thì không mấy tin vào trị giá lâu dài của tài sản đảm bảo là ngôi nhà.
Trong bối cảnh trường kỳ về địa dư, chính trị và nhân khẩu, Âu Châu mới gặp loại vấn đề mà cơ hội phát tác là cái duyên như chúng ta vừa nói. Trước hết, và đây là nguyên nhân thứ ba, Âu Châu hồ hởi thống nhất tiền tệ và lập ra khối Euro với nhiều quốc gia có điều kiện tiêu xài quá mức, như trường hợp của Hy Lạp hay Tây Ban Nha mà thế giới đang nói tới. Các quốc gia này được vay tiền quá rẻ nên xây nhà rất nhiều và thổi lên bong bóng gia cư. Một thí dụ là Tây Ban Nha đã xây nhà ào ạt, nhiều hơn tổng số nhà mới của ba nước giàu nhất là Đức, Anh và Pháp, dù nước Anh cũng có bị hiện tượng bong bóng gia cư đó - và còn nguy kịch hơn Hoa Kỳ.
Cái nhân thứ tư là hiện tượng "carry trade" mà có tạm dịch là "dung tư sáo lợi" thì cũng chẳng rõ nghĩa hơn. Hồi tháng 10 năm kia, chúng ta có đề cập tới hiện tượng này, cụ thể là nghiệp vụ ngoại hối khi các ngân hàng vay tiền nơi có lãi suất rẻ để đầu tư vào nơi có phân lời cao hơn. Tại Âu Châu, nhiều ngân hàng làm dịch vụ ấy để tài trợ sản xuất, tiêu thụ hay mua nhà tại các quốc gia Đông Âu và Trung Âu vừa được giải phóng và có yêu cầu phát triển rất cao. Hậu quả là khi tình hình trở thành bất trắc, các ngân hàng có khi mất vốn nên đều phải rút vốn về nơi an toàn, và làm vấn đề trầm trọng hơn.
Việt Long: Ông vừa trình bày một loạt bốn nguyên nhân xa và khá phức tạp, nhưng hình như chưa nói hết vấn đề, vì nó không chỉ có vậy mà còn rắc rối hơn, có phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, chúng ta không quên là sau Chiến tranh lạnh, Liên hiệp Âu châu mở rộng và tiếp nhận nhiều hội viên mới. Khi ấy, khu vực Balkans của Liên bang Nam Tư cũ còn bị nội chiến nên các ngân hàng ráo riết tìm thị trường khác, kể cả ngân hàng của những nước hạng nhì như Thụy Điển, Áo, Ý hay thậm chí Hy Lạp. Họ lấy rủi ro quá lớn và bị hụt vốn khi các nước như Latvia, Romania, Hungary và Serbia bị chấn động và cần Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhảy vào cấp cứu. Mình nên nhớ lại như vậy thì mới hiểu vì sao hệ thống ngân hàng Âu châu không chỉ bị khủng hoảng vì hiệu ứng tại Hoa Kỳ hay vì nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp.
Sau cùng, ta mới nói đến nguyên nhân gần nhất là các kén nợ bị ung thối, mà không chỉ vì vụ khủng hoảng tại Mỹ khi tập đoàn Lehman Brothers vỡ nợ vào tháng Chín năm 2008. Trong khi các ngân hàng của Thụy Điển hay Áo, Ý hay Hy Lạp thì mắc kẹt vì các thị trường Đông Âu và Trung Âu như mình vừa nói, các ngân hàng của Đức, Anh, Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan cũng lao vào cuộc chơi mua bán các kén nợ trên các thị trường "biến phiếu", hay derivatives. Và kén nợ bị ung thối đến cỡ nào thì cũng không tính được. Vì thế, chúng ta thấy ra năm sáu nguyên nhân gần xa khiến hệ thống ngân hàng Âu Châu bị chìm trong một hố sâu và không thể làm nổi chức năng huy động và cung cấp tín dụng cho một nền kinh tế đang bị đình đọng.
Việt Long: Tức là cơ sự có nguyên nhân sâu xa lâu dài và phải nói là khá rộng lớn và đồng thời tại nhiều quốc gia. Cho đến nay, các nước ứng phó thế nào mà ông cho là hệ thống ngân hàng của châu Âu chưa ra khỏi ách tắc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta nên thấy ra một vấn đề là chính hệ thống ngân hàng Âu Châu cũng nhìn ra vấn đề của các ngân hàng, nên không tin vào ngân hàng nữa. Nôm na là họ không dám cho nhau vay! Trong nghiệp vụ ngân hàng, cơ sở này mà tạm thiếu thanh khoản thì có thể vay ngắn hạn của cơ sở khác trên thị trường gọi là "liên ngân hàng". Khi hết niềm tin thì ngân hàng hết dám đi vay và hết dám cho vay mặc dù có phân lời cao, mà chỉ còn trông cậy vào vốn riêng.
Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đã bị vấn đề ấy vào năm 2008 nhưng Ngân hàng Trung ương Mỹ và cơ quan bảo đảm ký thác là FDIC lập tức nhảy vào cuộc, bơm tiền khai thông thị trường liên ngân hàng và đứng ra bảo đảm cho các ngân hàng được vay nhau dễ dàng. Nhờ vậy mà vài tháng sau, nạn ách tắc tín dụng đã được đầy lui.
Lâm vòng luẩn quẩn
Việt Long: Thế Ngân hàng Trung ương châu Âu và các nước trong Liên hiệp không làm như vậy hay sao mà tình hình vẫn chưa được khai thông?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngân hàng Trung ương Âu châu có bơm thêm thanh khoản như chúng ta đã trình bày và các quốc gia trong Liên Âu cũng đã giăng tấm lưới bảo đảm các khoản nợ mới để các ngân hàng yên tâm mà đi vay. Nhưng niềm tin của các ngân hàng Âu Châu không còn nữa mặc dù tấm lưới bảo đảm của các chính quyền vẫn còn giăng sẵn. Đấy là một lẽ.
Lẽ thứ hai là khi kinh tế Âu châu suy trầm, nhiều chính quyền đã áp dụng biện pháp phát hành công khố phiếu để tăng chi và Ngân hàng Trung ương Âu châu đảm trách nhiệm vụ trung gian để tài trợ việc tăng chi ấy. Các ngân hàng thương mại mua công khố phiếu của nhà nước đem làm tài sản bảo đảm để vay thanh khoản của Ngân hàng Trung ương hầu cho vay nếu như dám cho vay, hoặc để lại mua công khố phiếu nữa. Nhưng, giá trị tài sản bảo đảm là các công khố phiếu lại giảm sút vì nỗi lo sợ của thị trường, như chúng ta đã đề cập tới cách nay một tháng khi nói về các công ty lượng cấp trái phiếu.
Vì thế, Âu châu
đang lâm vào một vòng luẩn quẩn. Kinh tế chưa tăng trưởng mạnh nên càng ngân
hàng còn èo uột và chưa kịp ra khỏi những khó khăn tích lũy từ cả chục năm nay.
Thứ hai, Liên Âu không có chế độ liên bang của một quốc gia thống nhất như trường
hợp Hoa Kỳ nên chưa có cơ chế cải thiện toàn bộ hệ thống ngân hàng bấp bênh
này. Thứ ba, và nguy ngập nhất, các nước Âu Châu đang gặp nguy cơ khủng hoảng mới,
còn trầm trọng hơn vụ khủng hoảng của các ngân hàng.
Tôi thiển nghĩ Âu Châu đang lâm vào một vòng luẩn quẩn với nhiều khó khăn nan giải. Đó là vụ khủng hoảng công trái làm nhiều xứ bị nguy cơ vỡ nợ, đi cùng sự suy sụp sản xuất, trong khi các nước vẫn phải quyết liệt giảm chi ngân sách.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Đó là Ngân hàng Trung ương tung tiền tài trợ tăng chi ngân sách khiến các quốc gia chậm thấy ra nhu cầu tiếp giảm bội chi, mãi đến tháng qua mới có quyết định cần thiết ấy. Trong khi chờ đợi thì ngân hàng mua công khố phiếu đang ôm vào một kén nợ khổng lồ, và lại càng mất niềm tin vào tương lai, càng ít dám cho vay. Nghĩa là các vấn đề ngân sách quốc và ngân hàng thương mại đang lồng vào làm một.
Việt Long: Ông có một kết luận quả là bi quan! Nhưng tương lai có chút hy vọng nào không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta cần nhìn vào quy luật nhân quả theo thế động. Vì ngần ấy vấn đề, đồng Euro còn sụt giá, hậu quả là hàng hóa Âu châu thành rẻ hơn, dễ xuất khẩu hơn và việc xuất khẩu sẽ tạo thêm việc làm, góp phần ổn định xã hội và tăng thu về thuế khóa. Sau đó, may ra Âu Châu cải thiện được hệ thống ngân hàng sẽ còn mất nợ rất nhiều. Nhưng ta cũng không nên quên là quốc gia nào bây giờ cũng cần xuất khẩu, cho nên việc cạnh tranh sẽ rất kịch liệt.
Việt-Long: Và đây là lúc nói tới Việt Nam, thì Việt Nam cũng sẽ bị lôi kéo vào cuộc tranh đấu đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vâng, vì Việt Nam cũng đang tìm cách xuất khẩu để ra khỏi những khó khăn hiện nay, thì biết xuất khẩu đi đâu khi các nước khác cũng cần xuất khẩu để ra khỏi những khó khăn của chính họ?