Cấp cứu kinh tế Hoa Kỳ
2010.08.11
Cùng lúc đó, Ủy ban Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cũng quyết định bơm tiền kích thích kinh tế. Lý do là một năm sau khi đụng đáy, kinh tế Mỹ chưa tăng trưởng mạnh, thất nghiệp còn quá cao và sản xuất có khi lại bị đình đọng trong những tháng tới. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu riêng về các biện pháp cấp cứu kinh tế của một quốc gia dân chủ và giàu mạnh nhất và cũng là một đầu máy kinh tế cho nhiều quốc gia trên thế giới. Phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng
Việt Long: Tình hình kinh tế Hoa Kỳ chưa khả quan và lại còn có dấu hiệu đình trệ với mức thất nghiệp không giảm. Vì vậy mà hôm Thứ Ba mùng 10, cả Quốc hội Mỹ lẫn Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cùng lấy những biện pháp kích thích kinh tế. Diễn đàn Kinh tế muốn tìm hiểu về tiến trình quyết định việc cấp cứu ấy vì nhiều thính giả thắc mắc là với lãi suất nay đang được duy trì ở số không thì nước Mỹ còn có phương tiện nào để khắc phục những khó khăn kinh tế hiện nay không. Như mọi khi, trước hết, xin ông trình bày cho bối cảnh, là kinh tế Mỹ đang gặp những khó khăn gì?
Trong ngần ấy đợt suy trầm kinh tế sau Thế chiến II, chưa khi nào mà tỷ lệ có việc làm lại giảm nặng như vậy và giảm liên tục trong bốn tháng vừa qua.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ cuối năm 2007, rồi năm 2008 lại gặp trận khủng hoảng tài chính cho nên sản xuất suy sụp tới giữa năm 2009. Nhưng từ khi đụng đáy giữa năm ngoái, việc phục hồi chưa khả quan, còn đầy bất trắc và thất nghiệp vẫn cao.
Từ hai tháng nay, người ta e là tới cuối năm, sản xuất sẽ sa sút hơn và có khi kinh tế đụng đáy lần thứ nhì, như chúng ta có trình bày trong chương trình phát thanh ngày 23 tháng Sáu. Quả nhiên tới cuối Tháng Sáu thì được biết đà tăng trưởng của quý hai chỉ có là 2,4% thay vì 3,7% như ước lượng trước đó. Trong khi ấy, niềm tin của giới tiêu thụ cũng sa sút bất ngờ, chủ yếu vì thị trường nhân dụng còn yếu, quốc gia mắc nợ quá nhiều, thị trường gia cư chưa khởi sắc, tín dụng vẫn ách tắc. Như mọi Thứ Sáu đầu tháng, thống kê nhân dụng được bộ Lao động công bố hôm mùng sáu vừa rồi cho thấy thất nghiệp vẫn ở mức 9,5%. Tỷ lệ ấy thật ra chưa có ý nghĩa bằng sự thể là kinh tế mất thêm 131 ngàn việc làm và đáng chú ý nhất là tỷ lệ công việc làm dân sự trên dân số đã sụt tới mức nguy ngập nhất kể từ 60 năm nay. Nói cho dễ hiểu là trong ngần ấy đợt suy trầm kinh tế sau Thế chiến II, chưa khi nào mà tỷ lệ có việc làm lại giảm nặng như vậy và giảm liên tục trong bốn tháng vừa qua. Đó là về bối cảnh.
Việt Long: Xin hỏi ông ngay một câu có khi là chi tiết nhỏ: ông vừa nói rằng tỷ lệ thất nghiệp là một số liệu thống kê chưa có ý nghĩa. Tức là ta không nhất thiết nhìn vào số thất nghiệp là 9,5% này, vì sao lại như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông vì một lý do kỹ thuật về thống kê. Người ta khảo sát ý kiến qua câu hỏi, thí dụ như ai khai báo thất nghiệp, ai đang kiếm việc làm. Có người tuyệt vọng hết còn muốn kiếm việc nữa nên khỏi đi khai báo thất nghiệp làm ta tưởng là thất nghiẹp giảm. Nhưng, có người mất việc từ lâu mà bỗng khai báo thất nghiệp khi thấy trợ cấp thất nghiệp được gia hạn. Tỷ lệ thất nghiệp vì vậy không là biểu hiện trung thực cho thị trường lao động và cũng chỉ là dữ kiện "hậu kiểm", thuộc quá khứ và không giúp gì cho việc tiên báo. Ngược lại, nếu để ý đến thành phần ở tuổi lao động sinh hoạt trong khu vực dân sự - thay vì quân sự - và so với tổng số dân thì mình có bức tranh toàn cảnh về sức lao động của một quốc gia. Trước khi Hoa Kỳ bị suy trầm, năm 2007, thì tỷ lệ này là 63%, nay chỉ còn là 58,4%, tức là vì suy trầm mà mất gần 5% dân số lao động, tương đương với hơn 12 triệu người. Từ 60 năm nay, trong mọi vụ suy trầm chưa khi nào kinh tế Mỹ bị mất việc với tỷ lệ cao như vậy, và đây là vấn đề đáng lo ngại nhất.
Biện pháp cứu nguy
Việt Long: Chúng ta qua phần hai của chương trình. Thưa ông, khi kinh tế sa sút thì ta thường có một số biện pháp kích thích, như qua khí cụ tiền tệ hay ngân sách. Bây giờ, sau một trận suy trầm nặng trong các năm 2008-2009, tình hình lại có thể bị đình đọng mà thất nghiệp vẫn cao, trong khi về tiền tệ thì lãi suất tại Mỹ đã được hạ tới số không và về ngân sách thì Hoa Kỳ bị bội chi nặng sau hàng loạt kế hoạch kích thích kinh tế. Vào hoàn cảnh ấy, Hoa Kỳ còn có thể làm những gì để cứu nguy kinh tế?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin nói thêm một câu nữa về hoàn cảnh chính trị của nước Mỹ. Năm nay, Hoa Kỳ sẽ có bầu cử giữa một nhiệm kỳ của Tổng thống, và dân chúng sẽ đi bầu lại toàn thể các dân biểu Hạ viện, hơn một phần ba nghị sĩ ở Thượng viện và 37 chức vụ Thống đốc. Vụ bầu cử ngay giữa nguy cơ sa sút kinh tế và việc làm cũng ảnh hưởng tới các quyết định cứu nguy.
Hôm Thứ Ba mùng 10, Ủy ban Tiền tệ, gọi tắt là FOMC, của Ngân hàng Trung ương Mỹ mới quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức zéro, và còn bơm thêm tiền qua việc mua lại các khoản nợ.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Bây giờ, trả lời cho câu hỏi của ông thì Hoa Kỳ có một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương, hoặc Hội đồng Dự trữ Liên bang theo cách gọi của Mỹ. Định chế này đã hạ lãi suất tới số không và duy trì ở mức đó trong 20 tháng qua, đó là về biện pháp tiền tệ. Song song, Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng có biện pháp gọi là gia tăng mức lưu hoạt có định lượng, hay quantitative easing, nôm na là in tiền bơm vào kinh tế bằng cách mua lại phiếu quốc trái của các ngân hàng. Nếu thấy kinh tế khả quan hơn thì họ có thể tăng lãi suất và tung ra trái phiếu để hút bớt tiền về. Thế nhưng, vì tình hình chưa khả quan, lại còn có vẻ đáng ngại, hôm Thứ Ba mùng 10, Ủy ban Tiền tệ, gọi tắt là FOMC, của Ngân hàng Trung ương Mỹ mới quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức zéro, và còn bơm thêm tiền qua việc mua lại các khoản nợ. Đây là một việc khá hãn hữu nhưng cũng báo hiệu là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ còn khả năng can thiệp mạnh như vậy.
Việt Long: Kết quả và hậu quả của biện pháp tiền tệ ấy là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Kết quả là khiến cho tiền rẻ hơn vì khi lãi suất đã nằm ở số không, việc tung tiền mua trái phiếu khiến phân lời giảm và trị giá trái phiếu tăng. Phân lời giảm thì có nghĩa là lãi suất dài hạn trên thị trường cũng giảm, tức là có thể phục hoạt tiêu thụ và sản xuất. Nhưng hậu quả của biện pháp ấy cũng có thể làm cho tiền quá rẻ, gây nguy cơ lạm phát hay bong bóng đầu cơ. Trong hiện tại, người ta không sợ lạm phát bằng giảm phát - là khi hàng họ mất giá mà vẫn bán không chạy và thất nghiệp không giảm - và không sợ nạn bong bóng bằng nạn ách tắc tín dụng, là muốn vay tiền mà không vay được. Một hậu quả đáng ngại khác là gây ra hiện tượng gọi là "cái bẫy thanh khoản" là lãi suất quá hạ thì thiên hạ giữ tiền mặt chứ hết gửi ngân hàng hoặc mua cổ phiếu, đâm ra vô hiệu hóa các biện pháp tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Mỹ có cân nhắc rủi ro ấy khi quyết định bơm tiền vì tình hình trước mắt đã có vẻ nguy kịch bất ngờ.
Việt Long: Bước qua loại biện pháp ngân sách thì Hoa Kỳ còn có thể làm gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Khác với biện pháp tín dụng và tiền tệ là thẩm quyền của một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương, thi biện pháp ngân sách thuộc phạm vi quyết định của Chính quyền, gồm có Quốc hội và Hành pháp. Trong loại biện pháp ngân sách thì khi kinh tế suy trầm, người ta có thể tăng chi hoặc giảm thuế để kích thích đầu tư và tiêu thụ.
Biện pháp tăng chi thì đã được áp dụng hai lần, vào tháng Hai năm 2008 dưới thời ông Bush, trị giá hơn 187 tỷ đô la, và vào tháng Hai năm 2009 dưới thời ông Obama trị giá hơn 865 tỷ sau khi dự trù là 787 tỷ. Biện pháp giảm thuế thì cũng đã được Chính quyền Obama áp dụng trong kế hoạch kích thích kinh tế năm ngoái là giảm thuế cho thành phần có lợi tức trung bình và thấp. Việc giảm thuế còn được ông Bush áp dụng vào tháng Sáu năm 2001 và tháng Năm năm 2003.
Nhưng, các quyết định giảm thuế này, của cả hai Tổng thống Bush lẫn Obama, đều sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ cuối năm nay nếu không được Quốc hội gia hạn. Nghĩa là thuế sẽ tăng từ đầu năm tới, khi kinh tế đang bị nguy cơ đụng đáy nữa và việc này mới gây tranh luận mạnh.
Khí cụ thuế khóa
Việt Long: Trước khi nói đến khí cụ thuế khóa thì xin hỏi ông vì sao mà Hoa Kỳ có hai kế hoạch kích thích kinh tế trong vòng một năm, từ tháng Hai năm 2008 qua tháng Hai năm 2009, trị giá đến cả ngàn tỷ mà kinh tế vẫn chưa được kích thích và có khi còn đụng đáy lần nữa?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây cũng là vấn đề gây tranh luận dữ dội về chuyên môn và tư tưởng trong giới kinh tế và giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Một cách khách quan và ngắn gọn thì tôi thấy ra sáu lý do: thứ nhất, giới chính trị dự đoán sai mức suy sụp quá nặng về nhân dụng; thứ hai, kế hoạch kích thích của ông Obama nhắm vào cải tạo xã hội hơn là tạo ra việc làm; thứ ba, kế hoạch tăng cường kiểm soát sau vụ khủng hoảng tài chính làm nản chí giới đầu tư; thứ tư, đạo luật cải tổ y tế khiến các doanh nghiệp sẽ lãnh thêm nhiều chi phí y tế cho nhân viên nên càng ngần ngại đầu tư và tuyển dụng nhân viên; thứ năm, vì kích thích kinh tế mà Quốc hội Mỹ gây bội chi quá cao và đi vay quá nhiều nên làm dân Mỹ lo âu về tương lai khi sẽ phải trả nợ; thứ sáu, ai ai cũng nghĩ đến viễn ảnh sẽ phải trả thuế cao hơn kể từ năm tới nên chờ đợi nghe ngóng. Nói chung, chính trị và tranh luận chính trị đang gây ra sự ngờ vực và lo âu khiến người ta ngần ngại đầu tư và tiêu xài, vì vậy mà thất nghiệp không giảm và càng gây thêm lo sợ. Đây là một vấn đề cực kỳ rắc rối, nhất là trong một năm có bầu cử.
Việt Long: Bây giờ, ta nói qua khí cụ thuế khóa trong loại biện pháp cứu nguy bằng ngân sách. Liệu Hoa Kỳ còn có thể áp dụng khí cụ này được không?
Vì kích thích kinh tế mà Quốc hội Mỹ gây bội chi quá cao và đi vay quá nhiều nên làm dân Mỹ lo âu về tương lai khi sẽ phải trả nợ.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là ách tắc nguy kịch của kinh tế và chính trị Hoa Kỳ. Biện pháp giảm thuế của ông Bush trong hai năm 2001 và 2003 chủ yếu nhắm vào thành phần có lợi tức cao và cắt giảm nhiều loại tô suất thuế để khuyến khích họ đầu tư sản xuất và tuyển dụng người. Ngược lại, ông Obama hạ thuế cho thành phần trung lưu trở xuống và trù tính sẽ tăng thuế thành phần có lợi tức cao, từ 200 ngàn đô la một năm trở lên cho một người và từ 250 ngàn trở lên cho một hộ. Bây giờ, khi kinh tế sa sút hơn thì cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều có thể đồng ý gia hạn việc giảm thuế này. Nhưng đảng Dân Chủ muốn chỉ giảm thuế cho thành phần trung lưu mà thôi và bù lại thì tăng thuế nhà giàu, đảng Cộng Hòa thì đòi giảm thuế đồng loạt, nhất là các khoản thuế đánh trên giới đầu tư.
Cái kẹt cho cả hai đảng là Hoa Kỳ đang bị bội chi ngân sách quá lớn nên trước mắt thì việc giảm thuế càng gây thêm bội chi trước khi kinh tế phục hoạt làm lợi tức mọi thành phần đều tăng thì sẽ tăng được nguồn thu cho ngân sách. Vì vậy, đảng Cộng Hòa thiểu số thì đòi giảm thuế và đồng thời giảm chi trong khi đảng Dân Chủ thì không muốn giảm chi. Kết cuộc thì có lẽ hai bên phải tương nhượng là sẽ triển han giảm thuế thêm một năm nữa để khi nào kinh tế phục hoạt thì sẽ tính.
Việt Long: Câu hỏi cuối, như vậy thì liệu sinh hoạt chính trị dân chủ có cản trở các chính sách cấp cứu kinh tế không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng là không. Khi lấy quyết định kinh tế, đảng nào cũng có lý do chính đáng, nhưng có thể bị hậu quả bất lường và gây thiệt hại cho dân chúng thì phải sửa. Nếu không là bị cử tri đào thải bằng lá phiếu để bầu lên một lớp lãnh đạo mới nhằm giải quyết vấn đề chứ không thể duy trì sự sai lầm cũ, dù là sai lầm trong thiện ý. Và khi thấy kinh tế quá sa sút thì các chính trị gia đều sợ thất cử nên sẽ từ bỏ chủ trương duy ý chí ban đầu. Vả lại, thì dù sao Hoa Kỳ vẫn còn một cơ chế độc lập có khả năng ứng phó là Ngân hàng Trung ương.