Một Giải Pháp Lâm Thời Về Ngân Sách
2011.08.03
Mọi người có vẻ vui mừng vì Hoa Kỳ đã kịp khai thông tình trạng bế tắc kéo dài trong nhiều tháng. Diễn đàn Kinh tế trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về thực chất của việc khai thông đó qua cuộc phỏng vấn do Vũ Hoàng thực hiện.
Hai đảng đồng thuận
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều tháng dài tranh luận, Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà và Thượng viện bên đảng Dân Chủ đã kịp thời đạt thỏa thuận để khai thông một tắc nghẽn trong thủ tục ngân sách. Tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự đồng thuận vừa qua. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là sau khi Tổng thống Barack Obama thông báo kết quả đồng thuận tối Chủ Nhật và Hạ viện Cộng Hòa biểu quyết một đạo luật vào ngày Thứ Hai, tại sao thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có vẻ nghi ngại, hôm Thứ Hai, chỉ một giờ sau khi mở cửa với chỉ số cao đã lập tức tuột giá và còn tuột giá hôm Thứ Ba trước và sau khi Thượng viện đi vào biểu quyết biện pháp khai thông?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng thị trường đã thấy trước sự đồng thuận này của Quốc hội Hoa Kỳ chỉ là một cải sửa tạm thời về thủ tục ngân sách chứ vấn đề vẫn dây dưa căng thẳng qua tới mùa Thu và cuối năm nay. Trong khi đó, nhiều chỉ dấu lại cho thấy kinh tế Hoa Kỳ có thể gặp nguy cơ đụng đáy lần thứ nhì và đấy mới là yếu tố khiến các cổ phiếu bị tuột giá.
Vũ Hoàng: Như vậy, xin ông tóm lược cho những quyết định về thủ tục ngân sách đã được hai đảng thỏa thuận vào cuối tuần qua, trước khi chúng ta tìm hiểu thêm về những gì sẽ xảy ra từ nay đến cuối năm như ông vừa trình bày.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách khá nặng, lên tới con số hàng năm là 10% Tổng sản lượng Nội địa và đang mắc nợ rất cao. Vì phải nâng định mức đi vay đó cao hơn mức trần hiện nay là 14 ngàn 293 tỷ đô la, hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện và Thượng viện mới có cuộc tranh luận, thật ra đã kéo dài từ Tháng Hai khi mức vay vừa được nâng cho khoảng sáu tháng. Nếu không được Quốc hội cho phép vay thêm tiền thì chính quyền liên bang có thể lâm vào tình trạng gọi là "vỡ nợ".
Thỏa thuận vừa qua cho phép nâng mức đi vay từ nay đến hết năm 2012, tức là trong 18 tháng tới, chính quyền liên bang khỏi lo thiếu tiền mặt. Nhưng muốn nâng mức đi vay vào khoảng hai ngàn 100 tỷ thì ngược lại, Quốc hội phải áp dụng một số biện pháp giảm chi tương xứng trong 10 năm tới. Và xuyên qua thỏa thuận này người ta thấy là đôi bên mới chỉ từng bước đẩy lui áp lực chứ chưa lập tức khai thông mọi vấn đề. Đây là một chuyện vô cùng rắc rối và mọi người trong cuộc đều không mấy hài lòng mà phải miễn cưỡng thông qua.
Chúng ta cũng thấy một minh diễn rõ ràng là chế độ dân chủ đòi hỏi một sự thỏa hiệp dù là bất toàn và không lý tưởng nhưng vẫn còn tránh được nhiều quyết định đơn phương độc đoán còn tai hại hơn vậy.
Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến việc tạm thời đẩy lui áp lực chứ chưa khai thông được mọi vấn đề. Vấn đề ấy là gì và những bước đẩy lui áp lực ấy là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách quá nặng và quần chúng đã tỏ ý bất mãn về việc đó qua cuộc bầu cử năm ngoái. Vấn đề là nếu muốn giảm dần mức bội chi thì phải tiệm tiến cắt giảm nhiều khoản công chi, tính ra thì cũng phải bốn ngàn tỷ trong vòng mươi năm sắp tới và trước hết là phải từng bước giảm chi trong từng tài khóa.
Thỏa thuận vừa qua sẽ tiến hành giảm chi qua hai đợt, đợt thứ nhất là đạo luật về Kiểm Soát Ngân Sách do Hạ viện và Thượng viện vừa biểu quyết. Đợt thứ hai là hai viện sẽ lập ra một ủy ban hỗn hợp gồm sáu dân biểu nghị sĩ của hai đảng để cùng nghiên cứu, thoả thuận và đề nghị một đợt giảm chi nữa cho hai viện biểu quyết trong khoảng thời gian từ đầu Tháng 10 đến cuối Tháng 12 năm nay. Mục đích là tiến dần đến tình trạng quân bình ngân sách, là tên của đạo luật sẽ được biểu quyết sau này.
Chúng ta thấy việc tăng chi có thể dễ dàng tiến hành trong nhiều năm qua nên mới gây ra bội chi kỷ lục, nhưng việc giảm chi lại khó khăn hơn gấp bội và cử tri đang giám sát từng quyết định ấy để sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 năm tới. Những quyết định này là một thủ tục phức tạp mà truyền thông phải có khả năng diễn giải cho dân chúng hiểu được.
Đẩy lùi áp lực
Vũ Hoàng: Xuyên qua hai bước giảm chi, trước tiên là để kiểm soát thủ tục chi tiêu ngân sách là đạo luật vừa được hai viện biểu quyết, kế tiếp là để tiến dần đến quân bình ngân sách sau này là đạo luật sẽ phải được biểu quyết trước cuối năm nay, ông nhận xét thế nào về quan điểm của hai đảng? Nói cách khác thì hai đảng đã thắng hay bại thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tổng thống Barack Obama thì muốn là trước kỳ bầu cử năm tới ông không bị kẹt vào việc xin Quốc hội cho phép đi vay nên coi như đã đạt một mục tiêu khi đạo luật vừa được biểu quyết sẽ nâng mức vay mượn thêm ít ra là hai ngàn 100 tỷ đô la từ nay đến đầu năm 2013 - tức là sau ngày bầu cử tháng 11 năm tới. Thắng lợi thứ hai là ông vửa chứng tỏ tinh thần kỷ cương về ngân sách khi chấp nhận giảm chi để tiến tới quân bình ngân sách sau này. Tinh thần ấy có thể thuyết phục thành phần cử tri độc lập và ôn hòa, vốn dĩ đã thất vọng khá nhiều về việc chính quyền của ông tăng chi quá mạnh trong mấy năm qua.
Nhưng ngược lại, Tổng thống không đạt một mục đích yêu cầu và còn nhắc nhở trong mấy ngày qua là phải tăng thuế. Thỏa thuận đạt được giữa hai đảng đã gài nhiều điều kiện rất khó nếu muốn tăng thuế, nhiều phần là phải qua một sắc thuế mới. Tuy nhiên, thất bại ấy lại cho ông cơ hội trình bày với quốc dân là ông muốn tăng thuế các doanh nghiệp và đại gia giàu có để giảm bớt gánh nặng cho người già và quần chúng bình dân. Ngay trong bài diễn văn trưa ngày Thứ Ba vừa rồi, Tổng thống Obama đã phát biểu như vậy và đây sẽ là một đề tài tranh cử của ông. Trong những tháng tới, chúng ta sẽ còn nghe đến các lý luận này để tranh thủ thành phần cử tri thiên tả.
Vũ Hoàng: Đó là về phần Tổng thống bên đảng Dân Chủ. Còn đảng Cộng Hoà, họ đã có phản ứng khá mạnh sau cuộc bầu cử năm ngoái và chiếm lại đa số tại Hạ viện, liệu có thể coi là đảng này đã đạt mục tiêu hay chưa?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau cuộc bầu cử năm ngoái, Hạ viện trong tay đảng Cộng Hòa đã ba lần biểu quyết các đạo luật ngân sách trong tinh thần thứ nhất là giảm chi, thứ hai là có hạn ngạch cho mọi quyết định tăng chi và thứ ba là tiến tới quân bình ngân sách. Nhưng các đạo luật này đều bị Thượng viện trong tay đảng Dân Chủ bác bỏ. Vì vậy người ta mới nói đến tình trạng ách tắc khi hai viện lại thuộc quyền kiểm soát của hai đảng.
Thế rồi trong đạo luật kiểm soát ngân sách vừa được hai viện thông qua thì đảng Cộng Hoà đã đạt chiến thắng là đặt ra nguyên tắc theo đó Quốc hội chỉ nâng định mức đi vay khi có một khoản giảm chi tương đương. Nguyên tắc có thể gọi là quy luật đã được đôi bên cùng chấp thuận và đấy là một biến cố quan trọng để chấn chỉnh lại hệ thống tài chính công quyền.
Thứ hai, đảng Cộng Hoà còn đạt một mục tiêu khác là giảm chi mà không tăng thuế và trước mắt là không đụng vào các khoản miễn thuế đã do hai chính quyền của ông Bush và ông Obama ban hành trước đây. Các khoản đặc miễn này sẽ hết hạn vào năm 2013, nhưng nếu kinh tế chưa khởi sắc và thất nghiệp còn cao thì nhiều phần việc đặc miễn đó còn được tái tục nữa. Kế đó vì điều kiện tăng thuế được đưa ra rất khó trong đạo luật kiểm soát ngân sách vừa biểu quyết nên gánh nặng thuế khoá sẽ khó tăng sau này.
Tuy nhiên, chính là vì không có biện pháp tăng thuế khi nguồn thu về thuế khoá hiện chỉ ở khoảng 15% của Tổng sản lượng GDP, đảng Cộng Hoà có thể sẽ lại bị một số dư luận đả kích là bắt người dân hy sinh để khỏi tăng thuế nhà giàu.
Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, điều đả kích ấy không đúng hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sự thật nó không đơn giản như vậy nhưng đảng Cộng Hoà lại thường có truyền thống vụng về trong việc giải thích!
Thứ nhất, nguồn thu về thuế khóa không thể tăng khi kinh tế bị trì trệ và căn bản tính thuế là lợi tức hay lương bổng lại không tăng. Thứ hai, với chế độ lũy tiến hiện nay, 1% thành phần giàu nhất làm chủ khoảng 22% lợi tức của toản quốc thì đã trả tới 40% của tổng số các loại thuế, hoặc 5% giàu nhất thì trả tới 60% các loại thuế. Thứ ba, tỷ lệ thọ thuế của thành phần bình dân và trung lưu đã giảm nhiều hơn tỷ lệ thuế của thành phần giàu có và giảm đều từ 10 năm nay.
Tuy nhiên, vì quá chú trọng đến việc giảm chi hơn là tăng thuế, đảng Cộng Hoà có thể đã thắng mà lại gặp bất lợi chính trị, nhất là khi lực lượng gọi là Tea Party vẫn duy trì quan điểm bị coi là cực đoan của họ.
Giảm chi
Vũ Hoàng: Nói đến giảm chi, có một câu hỏi rất chuyên môn là người ta sẽ giảm những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả thật đây là điểm phức tạp khó hiểu nhất trong thoả thuận vừa qua.
Thứ nhất là sẽ giảm chi trong ngân sách quốc phòng với một giả thuyết là các mục chi cho hai chiến trường Afghanistan và Iraq sẽ giảm dần. Đề nghị của đảng Dân Chủ mặc nhiên coi như nhờ đó sẽ giảm chi được 1.000 tỷ trong 10 năm và coi đó là thiện chí quân bình ngân sách của họ và đảng Cộng Hoà đã thành công khi gạt giả thuyết ấy ra ngoài. Nhưng đôi bên đều đồng ý sẽ giảm chi về quốc phòng qua hai đợt là 546 tỷ rồi 492 tỷ. Quyết định ấy gây rủi ro cho cánh hữu của đảng Cộng Hoà vì có thể bị phê phán là giảm chi quân phí ngay trong thời chiến và nếu có đột biến về an ninh trên thế giới thì tranh luận sẽ lại bùng nổ.
Nhưng, thứ hai, việc đáng chú ý nhất là cả hai đảng đồng ý sẽ giảm một số mục chi ngoài quốc phòng, có thể vào khoảng 500 tỷ. Những mục giảm chi ấy gồm có một số chương trình trước đây bị coi là bắt buộc, một số trợ cấp cho nông gia trong đạo luật về nông sản và cả các khoản chi về Y tế cho người cao niên là Medicare, sẽ có thể cắt mất 2%. Những chi tiết rắc rối này sẽ lại được hai đảng đưa ra thành đề mục tranh cãi trong cuộc bầu cử năm tới.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, tình hình rồi đây sẽ ra sao? Hoa Kỳ có thể tiến dần đến việc chấn chỉnh công chi thu để sẽ quân bình ngân sách sau này hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng đây là một đòi hỏi khách quan cho một cường quốc đã quá phóng túng với tài nguyên quốc dân trong cả chục năm qua. Cuộc bầu cử năm ngoái đã là một hồi chuông cảnh báo, cuộc bầu cử năm tới sẽ là một nhắc nhở phụ trội. Giữa hai cuộc bầu cử, các chính trị gia có thể tranh luận và tranh thủ dư luận nhưng không thể tiếp tục dời cột mốc và tăng chi như trước. Sau lời cảnh báo của cử tri có thể sẽ là lời cảnh báo của thị trường và các công ty lượng cấp trái phiếu khi điểm tín nhiệm của Công khố phiếu Mỹ sẽ tụt khỏi hạng AAA xuống hạng AA như của Trung Quốc hay Nhật Bản hiện nay. Đấy là một cú điện giật cần thiết cho các đại diện dân cử. Tuy nhiên, nếu nhìn trong dài hạn thì người ta cũng thấy là từ gần bốn chục năm nay, xã hội Mỹ đang chuyển dịch rất chậm rãi và liên tục về xu hướng bảo thủ hơn về tài chính và tự do hơn về kinh tế.
Vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ giữa một cơn suy trầm sản xuất đã gây ra phản ứng hốt hoảng và tăng chi quá mạnh. Đấy là giọt nước tràn ly khiến chính trường Mỹ mới bị lâm bế tắc về việc công chi thu gần một năm nay. Trong tương lai, những tranh cãi như vậy sẽ còn tiếp tục nhưng cuối cùng thì quốc gia này lại đứng dậy trên đôi chân của mình, với một nền tảng chi thu lành mạnh hơn. Xét cho cùng thì việc tranh cãi tùm lum này chính là một thể hiện của sinh hoạt dân chủ trước sự chứng kiến của dân chúng, chứ không hẳn là một nhược điểm của dân chủ như người ta ở bên ngoài có thể lầm tưởng. Việc một Tổng thống phải nhiều lần xin phép Quốc hội là một điều hay chứ không là một điểm yếu. Kết luận ở đây là nước Mỹ thường xuyên tranh cãi công khai nhưng cái quyền tranh cãi ấy cũng tránh được nhưng sai lầm khó cải sửa của các chế độ độc tài và bưng bít thông tin.
Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.