Khoảng cách giàu nghèo: kiến thức
2018.11.06
Việc một trí thức của Việt Nam như giáo sư Chu Hảo vừa bị kỷ luật và quyết định ra khỏi đảng Cộng sản mà một giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh là ông Trương Duy Nghinh lại công khai phê phán cái gọi là “mô thức Trung Quốc” của lãnh đạo Bắc Kinh khiến chúng ta cần nhìn xa hơn thời sự: Vì sao có các nước giàu và nghèo và tại sao trong một quốc gia lại có người nghèo và người giàu? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này….
Nguồn gốc của nạn bất công
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế làm tư vấn cho đài từ năm 1997 tới nay. Thưa ông, trong chương trình kỳ trước, ông nói đến sự kiện một giáo sư kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh đã nêu vấn đề về “mô thức Trung Quốc” khi giáo sư Chu Hảo tại Việt Nam lại bị đảng Cộng sản kỷ luật vì quảng bá những kiến thức mà chế độ không chấp nhận. Vì vậy, kỳ này, Nguyên Lam xin mở rộng đề tài và hỏi ông vì sao có quốc gia phát triển và trở thành thịnh vượng trong khi có nước vẫn còn nghèo, và tại sao trong một nước lại có một thiểu số giàu có mà đa số người dân vẫn lầm than?
Nạn bất công khởi đầu từ bất công về kiến thức và học thuật.
-Nguyễn XuânNghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi đó thật ra cũng là vấn đề cơ bản của bộ môn kinh tế chính trị học và kỳ này, chúng ta sẽ cố gắng trình bày được vài ý chính là vì sao có khác biệt về trình độ thịnh vượng giữa các quốc gia hay các thành phần xã hội trong một quốc gia.
- Trước hết, tôi kính trọng ông Chu Hảo khi là Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà Xuất bản Tri thức vì đã cho phiên dịch sang Việt ngữ nhiều cuốn sách cơ bản của kiến thức nhân loại. Về chuyện này, tôi nhớ đến một công trình nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc từ đã lâu, theo đó, hơn hai chục nước Á Rập Hồi Giáo có mấy trăm triệu dân - xưa kia từng có nền văn hóa chói lọi trước Âu Châu rất xa – sau này lại dị ứng với kiến thức mới và tụt hậu. Cụ thể là họ cho dịch quá ít sách ngoại quốc, bình quân thì chỉ dịch một cuốn cho một triệu dân. Nếu so với dân số của Tây Ban Nha, không hẳn là giàu nhất Âu Châu, thì một năm xứ này dịch sách ngoại quốc bằng khối Á Rập dịch trong ngàn năm! Bên trong khối Á Rập đó, một thiểu số biết ngoại ngữ thì khỏi cần đọc bản dịch, chứ đại đa cố còn lại thì sao? Vì vậy, thiểu số am hiểu của họ mới ngự trị trên đa số còn lại, nạn bất công khởi đầu từ bất công về kiến thức và học thuật.
Các yếu tố để một quốc gia thịnh vượng
Nguyên Lam: Ông nêu một vấn đề có thể làm thính giả của chúng ta giật mình. Không biết thì phải học và học nước ngoài qua sách dịch thì dịch thuật cũng có đóng góp cho học thuật của quốc gia. Như vậy, phải chăng hạn chế dịch thuật cũng có thể là thu hẹp học thuật, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy là vấn đề mà không là duy nhất, chúng ta sẽ xét sau.
- Về thời sự và nhìn qua Bắc Kinh thì ta thất kinh vì trường hợp của giáo sư Trương Duy Nghinh. Sinh năm 1959, ông ta học ở trong nước rồi được ra ngoài du học và hoàn tất bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Oxford vào năm 1994 dưới sự hướng dẫn của một giáo sư được giải Nobel Kinh tế năm 1996. Về nước, giáo sư Trương Duy Nghinh này lập ra một Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế trong Đại học Bắc Kinh và có cả trăm công trình biên khảo bằng Hoa ngữ lẫn Anh ngữ có nội dung đề cao quy luật tự do kinh tế đến độ được coi là truyền nhân của Giáo sư Friedrich Hayek, người cổ xúy cho quyền tự do cá nhân, ngược với chế độ tập trung quản lý của nhà nước phát xít lẫn cộng sản. Thế mà Bắc Kinh không trừng phạt giáo sư đó nhưng ông Chu Hảo lại bị kỷ luật vì Nhà Xuất bản Tri thức đã dịch loại sách chế độ gọi là “sai trái”, trong đó có cuốn cơ bản của Hayek xuất bản từ năm 1994, là “Đường Về Nô Lệ”. Nói vắn tắt thì trong cuộc tranh luận về học thuật, Việt Nam lại thua Trung Quốc nữa, và đấy là chuyện đáng lo!
Nguyên Lam: Ông vừa nói về học thuật và bảo đấy không là vấn đề duy nhất. Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển từng bước cho thính giả của chúng ta…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng sự thịnh vượng hay giàu có của một tập thể hay cộng đồng dân tộc tùy thuộc trước tiên vào địa dư hình thể, thí dụ như thổ ngơi hay sông ngòi tiêu tưới và lưu thông. Chẳng hạn như lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc và các bến cảng đã góp phần hình thành một nền văn hóa tiên tiến. Bên kia đại dương, Nhật Bản không có lợi thế thiên nhiên ấy vì là quần đảo bị chia cắt bởi vực sâu với những con sông rất ngắn đổ ngay ra biển. Vì vậy, so với Trung Quốc thì Nhật Bản nghèo nàn và lạc hậu hơn trong nhiều ngàn năm, tới giữa thế kỷ 19 thì nước Nhật lại học kiến thức mới từ Âu Châu và Hoa Kỳ và trở thành cường quốc đã khuất phục Trung Quốc.
- Chính là vì không có ưu thế thiên nhiên nhưng có ý thức sinh tồn rất cao, Nhật Bản học văn hóa Trung Hoa một cách chọn lọc chứ không “tự Hán hóa”, sau đó họ thuần thục kỹ thuật Tây phương để đuổi kịp Tây phương và vượt Trung Quốc.
Nguyên Lam: Như vậy, phải chăng yếu tố thịnh vượng của các nước cũng tùy thuộc vào nền văn hóa, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một cách lãng mạn thì thời Trung Cổ, văn hóa Nhật với tinh thần “võ sĩ đạo” đầy dũng khí mà khắc khổ cũng hơi giống tinh thần “an bần lạc đạo” của văn hóa Trung Hoa. Nhưng Nhật Bản có thay đổi, Trung Quốc thì không. Khi dám thay đổi thì người ta tìm ra chân lý và kỹ thuật khác để khắc phục các nhược điểm của thiên nhiên. Canh nông của Nhật là một điển hình ban đầu, công nghiệp của họ là chuyện về sau.
- Trung Quốc ngày nay cứ oán các nước đã xâm lăng và chinh phục họ mà không tự hỏi vì sao họ bị các dị tộc Liêu, Kim, Mông, Mãn mà họ khinh miệt khuất phục nhiều lần trong lịch sử, từ thời Đại Tống cho tới Đại Thanh? Sau đó, chính là sự lụn bại của họ vào thời Mãn Thanh mới khiến liệt cường sâu xé. Yếu tố văn hóa có chi phối cách họ nhìn về học thuật của thiên hạ. Mặc cảm tự tôn về văn hóa lại vừa tự ti về kỹ thuật là vấn đề của Trung Quốc trong ngàn năm qua là một tâm lý nghèo nàn. Người Nhật không bị mặc cảm đó nên trở thành giàu có hơn.
Nguyên Lam: Bước qua thời hiện đại và ngày nay thì ông thấy là người ta nên tiếp thu những kinh nghiệm gì khác của các nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nửa thế kỷ trước, khi chúng tôi còn đi học tại Âu Châu thì học thuyết của kinh tế gia John Maynard Keynes được giới ưu tú coi là “chân lý kinh tế”, chỉ có thể bị chế độ tập trung quản lý bằng kế hoạch của Liên Xô đào thải mà thôi! Nghĩ lại cũng thấy buồn cười về kiến thức lạc hậu. Nhưng chính là nhà kinh tế kiêm triết gia Friedrich Hayek đã chỉ ra hướng khác, rồi các học thuyết khoa học hơn sau đấy càng cho thấy là chúng ta phải thường xuyên cập nhật và phổ biến kiến thức về kinh tế, xã hội và văn hóa để người dân có quyền tự do chọn lựa.
Kiến thức là yếu tố thăng tiến cho mọi quốc gia và nạn độc quyền chân lý của một chế độ độc tài là sự bần cùng về tư tưởng và nghèo nàn về kinh tế.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Bây giờ khi thấy lý luận của Hayek từ hơn 70 năm trước, vốn đã được các trí thức của nước ta phiên dịch, mà lại bị cấm đoán thì tôi phải nghĩ đến sự tụt hậu về kiến thức và chính trị. Dưới bóng rợp của Bắc Kinh mà tụt hậu như vậy thì có lẽ chế độ muốn diệt trí thức để tự sát tập thể, chứ đừng nói gì đến thịnh vượng, trừ phi cho một thiểu số có quyền nên dễ có tiền!
Khai thông dân trí
Nguyên Lam: Ông vừa nói đến việc cập nhật và phổ biến kiến thức về nhiều mặt để người dân có quyền tự do chọn lựa. Ông có thấy rằng điều đó là khó chăng? Nguyên Lam nêu câu hỏi này vì nghĩ đến trình độ dân trí.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra chúng ta mới chỉ nói đến khác biệt về thịnh vượng giữa các nước chứ chưa nói đến giữa các thành phần xã hội trong cùng một nước. Khác biệt nội bộ ấy là một vấn đề mà dân trí có thể giải thích được phần nào, và việc phổ biến kiến thức cũng là một giải pháp. Nói vắn tắt thì ta hiểu được hai quy luật, thứ nhất về kinh tế thì xây dễ hơn xóa và về văn hóa thì chính sách ngu dân dễ tiến hành hơn việc khai thông dân trí, cho nên bất công xã hội càng dễ xảy ra trong một chế độ độc tài.
- Nhìn trong dài hạn về thời gian và mở ra không gian cho mọi quốc gia, tôi trộm nghĩ rằng nền văn hóa nào mà phát huy pháp quyền bình đẳng cho mọi người dân hơn là những quyết định tiện thiện của giới cầm quyền thì sẽ dễ phát triển kinh tế và đem lại thịnh vượng. Thứ hai, cũng thuộc lĩnh vực văn hóa mà lại cực kỳ quan trọng cho kinh tế là khi sự lương thiện được đề cao như một giá trị tinh thần và được áp dụng trong thực tế của đời sống thì quốc gia và xã hội càng dễ phát triển. Các quốc gia bị nạn tham nhũng đục khoét thường không có sự thịnh vượng mà chỉ có nạn bất công xã hội. Khi pháp quyền được phát huy và sự lương thiện là chân lý phổ cập thì quốc gia dễ có phú cường và người dân dễ được hạnh phúc.
Nguyên Lam: Nhìn trên tổng thể thì ông kết luận thế nào về sự thịnh vượng của các quốc gia và của người dân trong một quốc gia?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kiến thức là yếu tố thăng tiến cho mọi quốc gia và nạn độc quyền chân lý của một chế độ độc tài là sự bần cùng về tư tưởng và nghèo nàn về kinh tế. Địa dư hình thể hay điều kiện thiên nhiên có thể đưa tới hoàn cảnh bất lợi hay thuận tiện, nhưng kiến thức có thể khắc phục được những bất lợi và khuếch trương sự ưu đãi của thiên nhiên nếu chúng ta hiểu rằng kiến thức đó làm giàu cho một loại vốn liếng hay tư bản quan trọng nhất của xã hội, là con người.
- Con người ta mới làm thay đổi thiên nhiên và tìm ra giải pháp sản xuất có lợi nhất. Con người ta mới hàn gắn nổi sự tàn phá của chiến tranh để tái thiết xứ sở. Mọi loại kỹ thuật đều có thể bị vượt qua, mọi thứ đất đai bị xoi mòn, và máy móc bị hư hao, chứ con người ta vẫn là loại tư bản có khả năng canh tân và cải tiến liên tục. Tất cả tùy thuộc vào một yếu tố, là con người đó có khả năng học hỏi và có quyền phát huy hay không mà thôi.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả tuần sau.