Kinh tế suy trầm - Mỹ kim lên giá

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2014.10.15
000_Was8872067.jpg Buổi thảo luận về đạo đức, tài chánh tại văn phòng IMF tại Washington DC hôm 12/10/2014.
AFP photo

 

Tuần qua, các thị trường tài chính thế giới đều bị chấn động khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đánh sụt dự báo tình hình kinh tế toàn cầu theo hướng bi quan hơn trước. Cùng lúc đó, người ta còn thấy một nghịch lý là đồng đô la Mỹ tiếp tục lên giá và có thể góp phần cho nhiều biến động tài chính khác.

Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sự thể đó qua phần trao đổi của Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, gần như là cùng với thông tin là nền kinh tế của Trung Quốc vừa vượt qua Hoa Kỳ để đứng đầu thế giới, tuần qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF lại cập nhật dự báo về tình hình kinh tế toàn cầu theo hướng bi quan hơn so với những gì họ đưa ra hồi Tháng Tư vừa rồi. Dự báo đó của IMF đã khiến thế giới lo sợ một nạn suy trầm nữa sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009 và làm các thị trường tài chính quốc tế bị chấn động nặng.

Nhưng cũng qua những biến động này, người ta còn thấy một xu hướng khác là đồng Mỹ kim lặng lẽ tăng giá nếu so với các ngoại tệ khác. Trong hoàn cảnh có rất nhiều đổi thay đột ngột như vậy, liệu thính giả của chúng ta có thấy ra một vài quy luật giải thích chuyện ấy không? Câu hỏi trước tiên chúng tôi xin được nêu ra là về kinh tế Trung Quốc, vì sao lại được IMF đánh giá là vừa mới vượt Hoa Kỳ để dẫn đầu thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Về dự báo của Quỹ IMF liên hệ đến kinh tế Trung Quốc, tôi xin được nhắc lại vài chi tiết sau đây.

Từ đã lâu người ta quen lý luận rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hàng năm khoảng 10% và theo đà này thì sẽ có sản lượng cao hơn nước Mỹ. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế còn đề ra kỹ thuật đo lường tinh vi là tính lại sức mua của đồng Mỹ kim ở hai nền kinh tế khác nhau với hàm ý là tại Trung Quốc, một đồng đô la có mãi lực cao hơn nên sức nặng kinh tế của xứ này thật ra cao hơn các số liệu sản lượng tính bằng tỷ giá chính thức của đồng Mỹ kim. Áp dụng phương pháp đó thì Tháng Ba vừa qua, IMF ước tính rằng năm nay kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ. Qua Tháng Năm, Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một dự báo tương tự và tuần qua IMF cho biết rằng tính theo số liệu của Quý Ba vào cuối Tháng Chín thì kinh tế Trung Quốc vừa mới vượt Hoa Kỳ để có sản lượng thực tế là 17 ngàn 600 tỷ đô la so với 17 ngàn 400 tỷ đô la của Mỹ.

Vũ Hoàng: Ông nghĩ thế nào về cách ước tính đó khi thế giới cũng lại nói tới viễn ảnh không sáng sủa cho kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng khó vượt qua chỉ tiêu 7,8% mà lãnh đạo xứ này đã đề ra?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việc dự báo tương lai là điều cần thiết mà không hoàn toàn chính xác hay khả tín nên mới phải thường xuyên điều chỉnh. Trong tinh thần đó, Quỹ IMF đã có những dự báo thường xuyên lạc quan và cứ sáu tháng lại điều chỉnh một lần. Đó chuyện chung.

Riêng về Trung Quốc thì khi áp dụng phương pháp gọi là tỷ giá mãi lực PPP để ước tính là kinh tế xứ này vừa mới vượt Hoa Kỳ, Quỹ IMF dựa trên nhiều giả thuyết và những giả thuyết ấy chưa chắc đã là thực tế cho nên kết luận của định chế này chỉ có giá trị tương đối thôi. Sự thật thì mặc dù có dân số rất cao, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể vượt Hoa Kỳ và bên trong lại còn bị nhiều nhược điểm có thể dẫn tới khủng hoảng. Trong một kỳ sau ta sẽ nói về chuyện đó.

Vũ Hoàng: Trở lại chuyện thường xuyên điều chỉnh thì Quỹ IMF vừa điều chỉnh lại viễn ảnh kinh tế toàn cầu với đà tăng trưởng bình quân chỉ còn chừng 3% thay vì 3,4%, sự kiện ấy mới khiến các thị trường tài chính e ngại một sự sa sút chung. Ông đánh giá thế nào về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đặt vấn đề trong một bối cảnh dài là thế giới đang trải qua một giai đoạn khó khăn khởi sự từ năm sáu năm trước và thật ra vẫn chưa dứt. Một lý do chủ yếu là tình trạng vay mượn quá nhiều của khối kinh tế công nghiệp hoá như Âu-Mỹ-Nhật. Khi vay thì có ngày phải trả và trong giai đoạn trả nợ đó kinh tế khó tăng trưởng mạnh như trước.

Thứ hai, người ta còn lầm tưởng rằng trong khi khối kinh tế công nghiệp hóa bị sa sút thì các nền kinh tế gọi là đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil có thể là những sức kéo mới. Sự thật lại chẳng được như vậy và các nền kinh tế đang lên này chưa kịp lên đã xuống vì số phận lẫn đồng bạc vẫn bị giàng vào khối công nghiệp hóa.

Chuyện thứ ba là trong khối công nghiệp hóa đó, các nước Âu Châu chưa thoát khỏi vụ khủng hoảng của khối Euro nổi lên từ năm 2010 và bây giờ đầu máy kinh tế mạnh nhất là nước Đức lại có triệu chứng đình trệ đáng ngại. Vì vậy Quỹ IMF đã có dự báo bi quan hơn những gì họ nêu ra sáu tháng về trước. Ngẫm cho kỹ thì khi IMF ước đoán tình hình mỗi sáu tháng mà còn phải liên tục điều chỉnh, ta chẳng nên tin vào cách họ ước tính về sức nặng kinh tế của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Bây giờ ta mới chú ý đến đồng Mỹ kim. Thưa ông vì sao trong hoàn cảnh sa sút chung của thế giới, đồng Mỹ kim cứ tiếp tục lên giá và hậu quả sẽ là gì cho các nước khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nhớ lại rằng Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 giữa một chu kỳ suy trầm khởi sự từ đầu năm đó. Vì vậy kinh tế Mỹ bị chấn động nặng trong các năm 2009-2010 với bội chi ngân sách và gánh nợ của công quyền lên tới kỷ lục.

Trong tình trạng phải nói là khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị vì ách tắc trong Quốc hội về ngân sách, mức khả tín của trái phiếu Hoa Kỳ bị đánh sụt vào năm 2010 và mọi người đều cho là nước Mỹ bắt đầu lụn bại trước sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Đấy cũng là lúc người ta nói đến ngày tàn của đồng Mỹ kim như một ngoại tệ mạnh nhất và phổ biến nhất.

Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ sự thăng giáng lên xuống của đồng đô la Mỹ so với các ngoại tệ khác thì mình có thể thấy là đồng đô la đụng đáy vào năm 2010 và từ đó cứ lặng lẽ lên giá. Mà tiền Mỹ không chỉ lên giá nếu so với đồng Yen của Nhật khi Nhật chưa ra khỏi chu kỳ suy trầm từ hai chục năm trước. Tiền Mỹ còn lên giá so với các ngoại tệ khác, nhất là đồng Euro.

Vũ Hoàng: Người ta giải thích thế nào về hiện tượng bất ngờ ấy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, người ta sở dĩ coi đấy là chuyện bất ngờ vì tin rằng Mỹ kim đi vào chu kỳ tuột dốc sau khi ngân sách bội chi quá nặng vì biện pháp kích thích kinh tế của chính quyền. Kế đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ ghìm lãi suất gần số không và ào ạt bơm gần bốn ngàn tỷ vào nền kinh tế qua ba đợt QE, tức là "gia tăng mức lưu hoạt có định lượng".

Khi ấy, cả thế giới kết án là Hoa Kỳ có âm mưu gián tiếp phá giá đồng bạc với chính sách gọi là "đô la rẻ" để xuất khẩu cho dễ. Ta không quên rằng nhiều quốc gia đã nói đến "trận chiến ngoại hối" giữa các nước để xứ nào cũng có tiền rẻ và bán hàng cho mạnh.

Bây giờ người ta mới chưng hửng khi thấy Mỹ kim lại lặng lẽ lên giá. Lý do là trong hoàn cảnh u ám toàn cầu thì nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn có tiềm lực riêng và thật ra vẫn mạnh nhất khi so sánh với Âu Châu, Nhật Bản, và cả Trung Quốc, nhất là Trung Quốc.

Hậu quả cho nước khác

Vũ Hoàng: Nếu Mỹ kim lên giá như vậy thì hậu quả sẽ ra sao cho các nước khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước tiên là với Hoa Kỳ, việc đô la lên giá trở thành bài toán cho việc xuất khẩu vì bán hàng đắt hơn. Nhưng, ngược với sự suy luận của nhiều người, kinh tế Mỹ ít lệ thuộc vào xuất khẩu cho nên sự thể ấy không là vấn đề trầm trọng. Vấn đề nằm ở chỗ khác.

Từ năm ngoái rồi, Ngân hàng Trung ương Mỹ trù tính việc thu hẹp dần và chấm dứt biện pháp bơm tiền kích thích kinh tế rồi sẽ tăng lãi suất. Khi đó các thị trường tài chính bị biến động nặng. Bây giờ, việc Mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ khác, tức là so với đồng bạc của các bạn hàng của Hoa Kỳ, có nghĩa là Mỹ bán cho xứ khác nạn giảm phát hay thiểu phát cho nên Ngân hàng Trung ương Mỹ không sớm tăng lãi suất như đã dự trù, ít ra đến giữa năm tới.

Với các nước khác thì Mỹ kim lên giá có nghĩa là đồng bạc của họ giảm giá. Với Nhật hay khối Âu Châu thì điều ấy có lợi, là cơ hội mới để thoát khỏi nạn suy trầm nếu bán hàng rẻ hơn và xuất khẩu nhiều hơn.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, với các nước đang phát triển, thí dụ trước tiên là Trung Quốc, thì việc đô la lên giá sẽ có ảnh hưởng ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi lãi suất tại Mỹ bị ghìm thật thấp và tiền Mỹ quá rẻ thì nhiều nước đã vay tiền Mỹ về đầu tư ở nhà để hưởng sai biệt lãi suất theo phương pháp gọi là "carry trade". Trung Quốc là trường hợp đó với tư bản nóng tràn vào và góp phần thổi lên bong bóng đầu cơ. Bây giờ, đô la lên giá và có thể còn tăng trong nhiều năm liền thì tình hình sẽ đảo ngược và đấy là một thách đố cho các nước đang phát triển.

Vũ Hoàng: Xin đề nghị ông giải thích hiện tượng phức tạp này cho rõ ràng hơn vì hình như đấy cũng là chuyện ảnh hưởng tới Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta lấy thí dụ của doanh gia hay nhà nước Trung Quốc hoặc Việt Nam khi tham dự vào trò chơi tài chính này. Người ta có thể vay tiền Mỹ với giá rẻ để đem về kiếm lời ở nhà với lãi suất cao hơn và đinh ninh rằng nhờ triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, đồng bạc của họ còn lên giá so với tiền Mỹ cho nên nếu có trả nợ thì cũng trả rẻ hơn. Cái tiêu chuẩn định hướng việc tính toán đó là khoảng sai biệt của phân lời trái phiếu ở hai nơi.

Chúng ta nhớ lại rằng mới đây Việt Nam vừa phát hành trái phiếu để đi vay bằng đô la hầu trả lại các khoản nợ đã vay từ trước, tức là áp dụng kỹ thuật gọi là "đảo nợ". Bây giờ người ta mới chưng hửng khi Mỹ kim chẳng sụt giá mà còn tăng và cái hóa đơn trả nợ sẽ đắt hơn trước.

Hậu quả đầu tiên là việc vay tiền rẻ rất dễ gây ra lạm phát ở nhà. Thứ nhì là các khoản nợ đã vay bằng tiền Mỹ sẽ đắt hơn và dễ gây khủng hoảng về ngoại hối. Thứ ba, khi nhiều người phải trả nợ bằng đô la Mỹ thì càng cần đến tiền Mỹ làm hối suất Mỹ kim lại càng tăng. Và sau cùng, tổng hợp lại thì các nước đang phát triển tưởng là khôn ngoan kiếm lời nhờ tiền Mỹ rẻ sẽ gặp khó khăn về ngoại thương, nôm na là xuất nhập khẩu sẽ giảm và càng lệ thuộc vào ngoại thương lại càng dễ bị khủng hoảng!

Vũ Hoàng: Thưa ông, kết luận ở đây là hình như thế giới đang gặp nguy cơ chấn động lớn?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như vậy và vì thế kỳ này chúng ta không nói về cái việc ảo là kinh tế Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ mà nói đến chuyện thật là thế giới đang gặp nhiều biến động trái chiều so với những nhận thức sai lầm của mấy năm qua về vị trí của nước Mỹ hay của đồng tiền Mỹ. Chúng ta thật sự đang ở giữa một chu kỳ thay đổi khá lớn lao mà mình ít biết.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.