Võ khí Năng lượng

Vừa bước vào năm mới, năng lượng bỗng thành vấn đề kinh tế đầy sôi động. Phản ứng của khối OPEC về lượng dầu thô sẽ cung cấp, xung đột trên dải Gaza và tranh chấp về khí đốt của Nga tại Âu Châu khiến người ta nói đến năng lượng như một võ khí.
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
2009.01.07
Russia-Ukraina-gas-305.jpg Nhiều người Bulgaria phải chạy mua máy sưởi chạy bằng điện để chống chọi với thời tiết giá lạnh, sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho nhiều nước Âu Châu.
AFP PHOTO/Dimitar Dilkoff

Trong bối cảnh suy trầm kinh tế toàn cầu Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về trận chiến năng lượng đó qua cuộc trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

Diễn biến phức tạp

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thế giới vừa bước vào năm 2009 thì tình hình năng lượng, gồm có dầu thô và khí đốt, bỗng căng thẳng cùng lúc ở nhiều nơi và sẽ chi phối giá năng lượng thế giới. Vì vậy, chương trình tuần này đề nghị sẽ tìm hiểu về hồ sơ đầy phức tạp ấy. Trước hết, xin nhờ ông vui lòng tổng hợp lại tin tức toàn cầu có ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, để quý thính giả tiên theo dõi đề tài.

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Thưa về bối cảnh thì sau khi lên giá tới 147 đồng vào tháng Bảy năm ngoái, dầu thô đã sụt giá tới ba phần tư - chủ yếu là giá quá đắt và kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm. Vì dầu tuột giá, các Quốc gia Xuất khẩu Dầu thô trong OPEC liên tục quyết định tiết giảm số cung, lần đầu là vào tháng Chín, lần cuối là hôm 17 tháng trước. Hôm Thứ Hai mùng năm, họ còn quyết định triệu tập một hội nghị bất thường vào tháng Hai, có thể để đề ra một hạn ngạch khác cho các hội viên.

Trong bối cảnh đó, xung đột lại bùng nổ tại Trung Đông với việc Israel oanh tạc rồi đưa quân vào dải Gaza từ mùng ba khiến yếu tố an ninh làm dầu thô lên giá. Cũng vì vụ Gaza, hôm mùng bốn, viên tướng chỉ huy lực lượng ưu binh của Iran, gọi là Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, kêu gọi các nước Hồi giáo hạn chế nguồn cung cấp để gây áp lực với Tây phương và phản đối vụ tấn công của Israel. Nói cách khác, người ta đã muốn sử dụng dầu khí như võ khí.

Quyết định ngưng cung cấp khí đốt của Nga đã gây chấn động cho hàng loạt quốc gia, từ Đức đến Ý đến Ba Lan hay Cộng hoà Tiệp, Slovekia...

Nguyễn Xuân Nghĩa

Việt Long:  Nói đến chuyện võ khí thì việc Liên bang Nga dùng khí đốt để gây sức ép với Ukraine có nằm trong chiều hướng đó không?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Thực tế thì Liên bang Nga đã dùng khí đốt trong tinh thần đó từ đầu năm 2006 khi Tổng công ty Gasprom nêu vấn đề về việc cung cấp khí đốt cho Ukraine và tác động đến lượng khí đốt tiêu thụ tại Âu Châu. Lần này, quyết định ấy đã gây chấn động cho hàng loạt quốc gia, từ Đức đến Ý đến Ba Lan hay Cộng hoà Tiệp. Hôm Thứ Ba mùng sáu, Slovekia thông báo là sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp vì sự sút giảm của lượng khí đốt đến từ Liên bang Nga.

Quả thật là ta đang chứng kiến một trận chiến về năng lượng. Trong khung cảnh đó, Venezuela lại vừa quyết định sẽ ngưng chương trình cung cấp dầu sưởi cho các hộ nghèo tại Mỹ. Dù Iran hay Venezuela đang khốn đốn về kinh tế và rất cần bán dầu nên sự hăm dọa của họ không đáng kể, nhưng phản ứng của Nga lại có hậu quả khác. Vì vậy, ta nên theo dõi chuyện này để cân nhắc ảnh hưởng và dự báo về giá cả năng lượng trong năm nay.

Ván cờ của Nga?

Việt Long: Qua phần tóm lược vừa rồi ta thấy ra hai loại vấn đề ở hai thị trường là dầu thô và khí đốt. Về dầu thô thì an ninh tại Trung Đông, phản ứng của OPEC và chủ trương dùng dầu làm võ khí là một hồ sơ cần theo dõi. Về khí đốt thì trận chiến cân não giữa Liên bang Nga và các nước châu Ầu qua trung gian Ukraine lại là một hồ sơ khác. Vậy xin đề nghị ông trình bày về chuyện Nga trước chuyện dầu. Vì sao trận chiến năng lượng lại bùng nổ vào lúc này ở châu Âu?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Thật ra, tháng trước, chính Liên bang Nga đã gợi ý các nước xuất khẩu khí đốt nên lập ra liên minh, hay "các ten" về giá cả, để phối hợp về lượng cung cấp hầu giữ giá cho cao. Cho nên cả dầu thô lẫn khí đốt đều có thể được các nước cung cấp dùng làm đòn bẩy kinh tế nhằm đạt mục tiêu chính trị. Chuyện ấy, ta nên chú ý vì hậu quả trên giá năng lượng trong tương lai.

Riêng về vụ khí đốt của Nga thì ta không quên là ngay từ đầu năm 2006, Liên bang Nga đã dùng khí đốt cung cấp cho Âu châu qua trung gian của Cộng hoà Ukraine làm sức ép. Lần này vẫn là đòn cũ với mục tiêu là bắt bí Ukraine sau khi đã tấn công Georgia vào tháng Tám.

Về bối cảnh thì 70% lượng khí đốt tiêu thụ tại Ukraine là do Nga cung cấp. Nhưng, lãnh thổ Ukraine còn có mạng lưới dẫn 80% lượng khí đốt của Nga bán cho Âu Châu, tương đương với 25% lượng khí đốt của Âu Châu. Khi Ukraine tiến hành dân chủ hóa và ngả theo Tây phương thì Nga gây sức ép ở hai mặt.

Sức ép thứ nhất là tăng giá khí đốt bán cho Ukraine, nếu không thỏa thuận là họ cúp ống dẫn khí. Thứ hai là khi nguồn khí đốt bán cho Âu Châu qua lãnh thổ Ukraine bị hạn chế, các nước Âu Châu sẽ phải thỏa hiệp với Nga và bớt ủng hộ Ukraine.

Việt Long:  Việc gây  sức ép kinh tế để tạo ảnh hưởng chính trị thì ngay tại Đông Nam Á Trung Quốc cũng đã làm với nhiều nước, nhưng đó dường như không phải là điều khó đối phó? 

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Vấn đề trở thành phức tạp vì nội tình của Cộng hoà Ukraine, với dân miền Đông thì thiên về Nga và dân miền Tây thỉ muốn theo Âu Châu và với ba đảng thường xuyên ở vào thế liên minh tay đôi để tranh đoạt quyền lực và đu dây giữa hai ngả Đông và Tây.

Đây là cuộc chiến cân não rắc rối, nhất là khi bị Nga phong toả, Ukraine đã hút khí đốt của Nga cung cấp cho Âu Châu và gây khó khăn cho các nước khác.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Thời điểm hiện nay lại căng thẳng vì sau Georgia đến lượt Ukraine bị Nga bắt bí khi kinh tế Ukraine mấp mé khủng hoảng và vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMFcấp cứu với ngân khoản là trên 16 tỷ Mỹ kim. Vì vậy, đây là cuộc chiến cân não rắc rối, nhất là khi bị Nga phong toả, Ukraine đã hút khí đốt của Nga cung cấp cho Âu Châu và gây khó khăn cho các nước khác.

Trong khi ấy, kinh tế Âu Châu từ Đông về Tây đều bị suy trầm, thậm chí suy thoái. Ngược lại, tình hình Liên bang Nga cũng không mấy sáng sủa khi dầu thô tuột giá và xứ này có thể bị khủng hoảng về ngoại hối hay ngân sách như chúng ta đã có dịp trình bày từ năm ngoái.

Để tạm kết luận về chuyện này thì từ năm 2006 rồi, Âu Châu có nhìn ra mối nguy sẽ bị bắt bí về năng lượng nên đã thảo luận về kế hoạch tiết giảm tiêu thụ và đa dạng hoá nguồn cung cấp để khỏi lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Kế hoạch đòi hỏi thời gian nhiều năm nên ách tắc hiện vẫn còn. Tuy nhiên, ta không quên quy luật "già néo đứt dây" đã thấy với dầu thô, Liên bang Nga mà sử dụng võ khí năng lượng sẽ có ngày bị phản ứng ngược, là chuyện sẽ xảy ra sau này.

Viễn cảnh năng lượng

Việt Long: Câu chuyện khí đốt Âu Châu quả thật ly kỳ nhưng vì thời giờ có hạn, ta phải mở sang hồ sơ dầu thô và khả năng điều tiết để làm giá của OPEC. Từ đó, giá dầu sẽ tăng hay giảm?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Hôm Thứ Ba, giá dầu thô giao vào tháng tới đã lại mấp mé 50 đô la một thùng sau khi sụt dưới bốn chục, tức là tăng 10% trong có 10 ngày. Nhưng, tình hình lại rắc rối hơn vì nhiều lý do. Trước hết về khả năng điều tiết của OPEC, một hiệp hội có 13 nước hội viên, chỉ kiểm soát được có 40% sản lượng dầu toàn cầu. OPEC biết sợ quy luật "già néo đứt dây" tức là dầu quá đắt sẽ đánh sụt số cầu và làm giá sụt mạnh hơn mức sút giảm của cố cầu.

Cho nên, khi thấy dầu tăng giá mạnh, nhiều nước hội viên đã ngại chứ không lạc quan nghĩ là dầu sẽ mãi mãi cao giá. Thế rồi, khủng hoảng tài chính bùng nổ vào tháng Chín dẫn tới nạn suy trầm kinh tế khiến OPEC sợ dầu mất giá vì số cầu sụt mạnh.

Rút kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997-98 khiến số cầu về dầu thô giảm 10% vào năm sau mà làm giá sụt mất 75%, chỉ còn tám đô la một thùng, lần này, các nước trong OPEC đều muốn tiết giảm số cung để giá dầu khỏi sụt và ba lần thông báo việc hạn chế sản lượng, mà không có kết quả. Hôm 17 tháng trước, OPEC vừa loan báo giảm nhật lượng, là sản lượng một ngày, thêm hai triệu 200 ngàn thùng một ngày thì dầu thô còn sụt giá nặng!

Việt Long: Vì sao OPEC vừa đòi giảm mức cung mà giá lại sụt và vì sao ông nói là tình hình có thể còn rắc rối hơn?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Dù ai cũng mong kiếm lời khi hàng của mình lên giá nhưng giữa ước mong và khả năng hành động để đạt mục tiêu, ta còn một khoảng cách rất xa. Thị trường dầu khí biết đánh giá khoảng cách ấy nên không e sợ hành động của OPEC. Tôi thiển nghĩ là mình thấy ra nhiều lý do vì sao:

Thứ nhất, trong thành phần các hội viên, có nhiều quốc gia có chế độ quản lý kinh tế vĩ mô quá tệ nên đang cần tiền cho ngân sách. Vì vậy, họ không chịu nổi hậu quả của việc giảm sản lượng và cắt dầu xuất khẩu, nhất là khi giá dầu hiện vẫn quá thấp. Vì vậy, dù nói là sẽ giảm sản lượng, xứ nào cũng trì hoãn mong đợi hội viên khác trong OPEC sẽ làm chuyện đó. Ta chưa nói đến trường hợp đã từng xày ra là có nước sẽ bơm lén bán lậu ngoài hạn ngạch của OPEC!

Thứ hai, ngoài hai hội viên có khả năng tài chính cao nhất nên có thể cắt dầu làm gương, là xứ Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Á Rập thống nhất tức là United Arab Emirates, nhiều xứ khác như Angola, Libya, Qatar, Iran hay Venezuela chỉ có khả năng tiết giảm gần như tượng trưng. Trong khi ấy một đại gia về dầu khí nay đang quay trở lại là Iraq lại được đặc miễn không phải tôn trọng hạn ngạch của OPEC.

Sản lượng gia tăng của Iraq sẽ bù đắp mức tiết giảm của các nước kia nên kết cuộc thì số cung từ OPEC sẽ không sụt nhiều như các hội viên mơ ước. Vai trò chủ chốt trong vụ này là Saudi Arabia, nhưng chưa chắc Hoàng gia Saudi đã muốn gây thêm vấn đề kinh tế phụ trội cho các nước tiêu thụ bằng cách giảm hẳn số cung của thế giới khi mà họ đã có một dự trữ ngoại tệ rất cao.

Trong vụ này, bài học cho Việt Nam sẽ là quản lý vĩ mô và tổ chức kỹ nghệ dầu khí thế nào để khỏi bị như Iran hay Venezuela ngày nay mà cứ tưởng rằng mình khôn, rồi đòi bắt bí xứ khác.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Thứ ba, nhiều quốc gia sản xuất và bán dầu mà không nằm trong khối OPEC thì chưa có dấu hiệu gì là sẽ giảm số cung, như trường hợp của Canada, Mexico và cả Na Uy tại Bắc Âu. Liên bang Nga và xứ Azerbaijan cũng lên tiếng ủng hộ quyết định giảm cung của OPEC nhưng vẫn chưa làm gì và có lẽ cũng chẳng làm gì ngoài lời hứa hẹn. Cho nên, yếu tố tác động mạnh nhất có khi vẫn là chuyện khủng hoảng Gaza hơn là một đòn khoá ống dẫn dầu của OPEC.

Việt Long: Nói đến chuyện xung đột tại Gaza và võ khí năng lượng để gây khó cho Israel, liệu việc Iran kêu gọi cấm vận sẽ có ảnh hưởng hay không đối với giá dầu?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Vì quyền lợi riêng, các nước Hồi giáo - trong hay ngoài OPEC - đã thấy khó tiết giảm số cung như ta vừa trình bày nên chẳng có lý do gì hưởng hướng lời kêu gọi "Thánh chiến bằng dầu khí" của Tehran. Thứ nữa, bản thân Iran vốn dĩ mấp mé khủng hoảng kinh tế nên không thể tự thân cắt dầu để trừng phạt Tây phương như họ kêu gọi.

Sau cùng, các nước Á Rập bán dầu còn thầm mong vụ Gaza sẽ êm và lực lượng Hamas không còn khả năng gây ra khủng hoảng cho khu vực Trung Đông. Cho nên, võ khí năng lượng lần này sẽ không có hiệu quả. Trong vụ này, bài học cho Việt Nam sẽ là quản lý vĩ mô và tổ chức kỹ nghệ dầu khí thế nào để khỏi bị như Iran hay Venezuela ngày nay mà cứ tưởng rằng mình khôn, rồi đòi bắt bí xứ khác!


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.