Trung Quốc cải cách chế độ hộ khẩu
2015.10.29
Trong hàng loạt biện pháp nhằm cải cách cấu trúc và chuyển hướng kinh tế qua hình thái phát triển quân bình và bền vững hơn, Trung Quốc phải hoàn tất việc giải phóng chế độ “hộ khẩu”, một tàn dư của hệ thống cai trị lỗi thời. Nguyên Lam trao đổi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa của chương trình Diễn đàn Kinh tế về hồ sơ khá đặc biệt này.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Kỳ 5 của Khóa 18 với trọng tâm là cải cách kinh tế và thực hiện Kế hoạch Năm năm thứ 13 cho thời hạn 2016-2020 sắp tới. Biến cố này đang được các thị trường tìm hiểu để thấy ra chiều hướng lãnh đạo kinh tế Trung Quốc trong những năm tới. Theo dõi những tin tức và phát biểu cho tới nay thì ông thấy có những gì là đáng chú ý?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau bốn ngày họp thì đến Thứ Năm 29 Hội nghị Kỳ 5 mới xong và phải tới tháng sau thì những chiều hướng chính của mục tiêu và nhiệm vụ mới được thông báo. Qua Tháng Ba năm tới thì nội dung chi tiết của Kế hoạch Năm năm mới được Quốc hội kỳ 4 của Khóa 12 thông qua. Những gì được tiết lộ đây đó cho ta thấy tham vọng lớn của Tiểu tổ Lãnh đạo Kinh tế Tài chính do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo, đây mới là cơ chế soạn thảo nội dung Kế hoạch Năm năm đưa ra cho 205 Trung ương Ủy viên thảo luận tuần này.
Tham vọng lớn đến độ mâu thuẫn là vì về lượng họ vẫn cố giữ đà tăng trưởng khoảng 7% một năm trong khi về phẩm thì phải cải sửa rất nhiều, mà đã cải sửa thì khó tăng trưởng với nhịp độ 7%, cho dù con số 7% cũng chẳng là con số thật. Tuy nhiên, chúng ta sẽ còn thời gian tìm hiểu thêm về những gì lãnh đạo Bắc Kinh muốn thực hiện cho tới năm 2020 là khi đảng phải chuẩn bị Đại hội Khóa 20 vào năm 2022. Khi đó ta có thể tổng kết về thành tích của thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, hai người duy nhất còn tại chức sau Đại hội Khóa 19 vào năm 2017 tới đây.
Sau thời mở cửa, lãnh đạo Bắc Kinh từ bỏ mô hình công nghiệp nặng thời Xô viết và ráo riết phát triển công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng cho xuất khẩu, tập trung vào các khu vực địa dư thuận lợi nhất là các tỉnh duyên hải ở miền Đông.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Ngoài ra, và tôi đề nghị là kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện đó, sau Hội nghị Kỳ 4 năm ngoái, với trọng tâm là cải cách cơ chế luật pháp thì tuần qua, Bắc Kinh đã hoàn tất chương trình cải cách chế độ “hộ khẩu” và sắp ban hành các văn kiện áp dụng. Từ các năm 2007 trở về trước, họ đã thấy ra yêu cầu cải cách và thử nghiệm tại nhiều thí điểm và nay mới tiến được một bước!
Nguyên Lam: Như vậy, kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hồ sơ “hộ khẩu”. Thưa ông, đấy là cái gì vậy vì với nhiều người Việt mình, nghe đến chữ hộ khẩu là ai cũng rùng mình….
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đã qua Thế kỷ 21, nhiều người quá quen thuộc với chế độ tự do di chuyển và cư trú có thể đã quên phạm trù hộ khẩu hay kiểm soát sinh hoạt của các hộ gia đình.
Trung Quốc là một trong vài nơi đầu tiên áp đặt chế độ này từ thời cổ đại, hơn 300 năm trước Tây lịch. Sau khi thống nhất xứ sở dưới chế độ Cộng sản vào năm 1949, Mao Trạch Đông thi hành chính sách hộ khẩu vì hai mục tiêu an ninh và kinh tế. Về an ninh, chế độ muốn kiểm soát từng hộ gia đình, bên trong có những ai và người này phải chịu trách nhiệm về người kia nên canh chừng lẫn nhau.
Về kinh tế thì mục tiêu của Mao lại còn lớn lao hơn. Khi ấy, ông đòi công nghiệp hóa một xã hội có hơn 540 triệu dân trong vòng có một thế hệ. Muốn như vậy, ông cần kiểm soát và vắt sức của 90% dân số đang sống chủ yếu về canh nông ở thôn quê để dồn phương tiện cho công nghiệp ở đô thị. Vì thế, chế độ hộ khẩu là công cụ pháp lý giúp đảng và nhà nước khai thác sức lao động của đa số người dân để đem lại cơm ăn áo mặc cho công nhân và thị dân đang lao vào công nghiệp hóa qua những bước nhảy vọt vĩ đại. Kết quả là vài chục triệu nông dân chết đói còn hệ thống công nghiệp nặng học theo mô thức Xô viết là một vụ phá sản vĩ đại.
Nguyên Lam: Thưa ông, đa số dân chúng ngày nay có thể đã quên hoặc thậm chí không hề biết về chuyện đó, nên một cách khái quát thì nội dung của chính sách hộ khẩu là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Mọi xã hội đều phải thay đổi, nhưng người cộng sản thì máy móc và duy ý chí nghĩ rằng họ sẽ chủ động tạo ra sự thay đổi cho xã hội tốt đẹp hơn và gọi đó là “cải tạo”. Họ quy định là từng người dân sinh ra ở nơi nào thì có nhiệm vụ cách mạng gắn liền với nơi sinh đó, và chia ra hai thành phần dân chúng căn cứ trên hai hình thái sản xuất là nông nghiệp và ngoài nông nghiệp. Nông dân hay cư dân ở nông thôn có cuộc sống và nhiệm vụ gắn liền với thôn quê và tạo sức bật cho thành thị đang tiến vào công nghiệp hóa. Vì vậy, sinh ra ở nơi nào là sẽ sống, lao động và phục vụ cách mạng ở nơi đó, phục vụ về cả an ninh lẫn sản xuất.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế rồi sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ đầu năm 1979 thì tình hình có khả quan hơn chưa mà vì sao ngày nay Bắc Kinh vẫn nói đến việc cải tổ chế độ hộ khẩu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Họ có thay đổi chút đỉnh vì mục tiêu phát triển mới nhưng vẫn đóng khung người dân qua hai ngăn. Thành phần có hộ khẩu ngoài nông nghiệp tại các thành phố thì được bảo đảm một số phúc lợi xã hội tối thiểu như y tế, gia cư, giáo dục và hưu liễm. Thành phần có hộ khẩu thuộc diện nông nghiệp thì không được hưởng những phúc lợi ấy mà phải tự chu cấp hoặc trông cậy vào gia đình thân tộc khi có nhu cầu. Đấy là một chế độ cực kỳ bất công của một hệ thống chính trị tự xưng là thực hiện công bằng xã hội. Nhưng khi kinh tế đổi thay thì hệ thống lạc hậu này bắt đầu rạn nứt.
Vì sao phải cải cách?
Nguyên Lam: Xin đề nghị ông đi từng bước và giải thích là kinh tế đổi thay thế nào và vì sao sự rạn nứt đã xảy ra khiến chế độ đang phải cải cách?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau thời mở cửa, lãnh đạo Bắc Kinh từ bỏ mô hình công nghiệp nặng thời Xô viết và ráo riết phát triển công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng cho xuất khẩu, tập trung vào các khu vực địa dư thuận lợi nhất là các tỉnh duyên hải ở miền Đông. Đấy là một thay đổi kinh tế, nó dẫn tới một thay đổi xã hội là bộ máy sản xuất vùng duyên hải thiếu nhân công nên cần lực lượng lao động dư dôi tại thôn quê, thí dụ như tại các tỉnh hay làng xã nghèo ở Tứ Xuyên, Hà Nam hoặc Giang Tây. Nhu cầu lao động ấy tạo ra sự chuyển dịch dân số hay hiện tượng “di dân nội địa” từ trong ra ngoài, từ các tỉnh nghèo khốn bên trong ra các tỉnh đã mở mang với thế giới bên ngoài.
Khi ấy, thực tế của đời sống bị đóng khung trong chế độ kiểm soát hộ khẩu đưa tới sự hình thành của hai thành phần xã hội là người có hộ khẩu ở tại chỗ và di dân không có hộ khẩu, mà họ cũng gọi là “dân công”. Phạm trù “dân công” này phản ảnh một tàn dư của thời chiến tranh trước đó, nó nói lên tư cách “công dân hạng nhì”, của hơn 300 triệu người xiêu dạt từ nơi chôn nhau cắt rốn tới vùng đất khác để kiếm sống mà không có điều kiện sinh hoạt tối thiểu, như y tế, gia cư, giáo dục hay hưu bổng.
Chế độ không đuổi lực lượng lao động cần thiết mà rẻ mạt ấy về chốn cũ vì nó có lợi cho sản xuất của doanh nghiệp nhà nước lẫn các chính quyền địa phương nên sau nhiều thập niên tạm bợ mà thành thường trực, thành phần di dân nội địa không có hộ khẩu đã lập gia thất, sinh con đẻ cái trong khung cảnh bất công và bất trắc ấy! Đấy là một hình thái bóc lột lao động đã phần nào đưa tới mức tăng trưởng làm thế giới khâm phục.
Nguyên Lam: Thưa ông, Nguyên Lam xin hỏi một câu có thể là lạnh lùng tàn ác. Nếu mà chế độ hộ khẩu có mang tính cách bất công nhưng có lợi cho kinh tế và đem lại một nguồn ngoại tệ lớn cho nhà nước thì tại sao lãnh đạo Bắc Kinh lại phải cải cách?
Đấy là một chế độ cực kỳ bất công của một hệ thống chính trị tự xưng là thực hiện công bằng xã hội. Nhưng khi kinh tế đổi thay thì hệ thống lạc hậu này bắt đầu rạn nứt.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cái chiến lược phát triển độc ác đó đã đi hết sự hữu dụng mà còn tạo ra hai nền kinh tế song hành là nông thôn nghèo khốn ở các tỉnh bị khóa trong lục địa và công nghiệp nhẹ ở các tỉnh duyên hải. Sự khác biệt như một định mệnh là địa dư hình thể trong/ngoài, trong thì héo mà ngoài lại tươi, trở thành mối đe dọa chính trị cho một chế độ thành hình từ đám nông dân nghèo khổ từ trong tiến ra ngoài với cuộc Vạn lý Trường chinh của Mao Trạch Đông.
Từ mấy chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh có nhiều kế hoạch phát triển nội địa, nôm na là đô thị hóa nông thôn lạc hậu, để tìm sự cân bằng giữa các tỉnh mà không nổi trong khi ấy động loạn xã hội đã xảy ra ngày nhiều hơn, nhất là từ vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009 khiến cả trăm triệu dân công mất việc ngoài tỉnh và trở về quê cũ thì chẳng còn đất sống.
Lý do là nông dân tại các tỉnh nghèo phải bán quyền sử dụng đất cho chính quyền địa phương làm giàu rồi họ tha phương cầu thực ở nơi khác mà lại không được bảo vệ. Rồi vì dân số đang lão hóa dần, các doanh nghiệp bắt đầu thiếu người nên thành phần dân công cũng không chấp nhận lương rẻ nữa.
Nguyên Lam: Khi nhớ lại các kế hoạch quy mô mà lãnh đạo Bắc Kinh muốn thực hiện thì có lẽ nhu cầu đô thị hóa nông thôn và phát triển các khu vực nghèo khổ lạc hậu là động lực chính của việc cải cách chế độ hộ khẩu để họ khỏi bị khủng hoảng chính trị bên trong. Thưa ông sự thể có phải là như vậy không và họ sẽ cải cách như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng mục tiêu của lãnh đạo là phát triển và đô thị hóa các tỉnh bên trong và vì không có thể dùng biện pháp cưỡng bách như trước nên phải làm sao cải tiến đời sống tại thôn quê, với yêu cầu chu cấp phúc lợi xã hội tối thiểu để có chiều hướng di dân ngược vào trong. Việc cải tổ chế độ hộ khẩu phải tiến hành song song với yêu cầu này. Cho nên, họ sẽ tiến dần tới việc xóa bỏ sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành phần có hộ khẩu và không có hộ khẩu.
Chuyện thứ hai còn rắc rối hơn là ngay tại các tỉnh bị khóa trong nội địa cũng đã bị những thất quân bình giữa nông thôn và thành thị cho nên việc cải cách chế độ hộ khẩu còn có hai đòi hỏi khác là thứ nhất giải quyết nhu cầu công chi thu của các địa phương để chấm dứt tình trạng cướp đất của dân và thứ hai là lập ra mạng lưới phúc lợi xã hội tại địa phương để cư dân có được bảo hiểm y tế, có nhà ở và con cái được giáo dục miễn phí ở những cấp sơ đẳng trong chín mười năm.
Kết luận ở đây là trong hơn hai chục năm qua, lãnh đạo Trung Quốc đã có bước tăng trưởng mạnh nhưng lại xây dựng lên một hệ thống kinh tế chính trị quá phức tạp bên trong có nhiều sự chòng chéo khó gỡ. Việc họ đã mất cả chục năm thử nghiệm và nay bắt đầu cải cách một trở lực quan trọng nhất là chế độ hộ khẩu là một điều đáng mừng. Nhưng thực hiện được hay không thì có lẽ năm năm tới mình mới biết được.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.