Phương tiện diệt vi khuẩn tả

Tính đến ngày 17 tháng 4 vừa qua, trong đợt bùng phát lần ba, khắp cả nước có 1900 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong số đó có 331 người dương tính với phẩy khuẩn tả.
Gia Minh, phóng viên đài RFA
2008.04.23
food_hangRau_305.jpg Hàng rau bán ở chợ địa phương.
AFP Photo

Tính đến ngày 17 tháng 4 vừa qua, trong đợt bùng phát lần ba, khắp cả nước có 1900 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong số đó có 331 người dương tính với phẩy khuẩn tả.

Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cũng như giới chuyên môn tiếp tục đề ra nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Trong chuyên mục Sáng Kiến & Đời Sống kỳ này mời quí thính giả nghe một số thông tin liên quan các biện pháp được đưa ra.

Một biện pháp khử khuẩn tả vừa được đưa ra hồi tuần qua trên báo Tuổi Trẻ qua bài viết của tác giả Bùi Trọng Chiến, viên chức của Viện Pasteur Nha Trang. Theo đó thì tác giả cho rằng dùng tia cực tím chiếu từ trên xuống và dưới lên từng lớp rau sau khi đã rửa sạch và dàn mỏng trong khỏan thời gian 30 phút thì sẽ tiêu diệt được 99% lượng vi khuẩn. Theo tác giả Bùi Trọng Chiến thì công việc này nên thực hiện trong một tủ kính và trước khi lấy rau ra thì nên tắt đèn để tránh tia cực tím làm hại mắt.

Sử dụng đèn tia cực tím

Trước biện pháp sử dụng đèn tia cực tím mà ông Bùi Trọng Chiến đưa ra, thì tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người từng được nhiều người ở Việt Nam nhắc đến như ông già 'ôzôn' do những ứng dụng dùng hóa chất giúp bà con nông dân chống bệnh lở mồm long móng trong thời gian qua, có ý kiến:

“Trước hết, về nguyên lý là tia tử ngoại do bóng đèn cực tím là khử khuẩn, nhưng khử như thế nào? Bởi vì trong mớ rau lá nọ đè lên lá kia, và cái thứ hai là dân không có dùng. Nếu như mật độ năng lượng của tia tử ngoại quá lớn thì hại mắt. Nói chung là nếu như chúng ta ăn sạch uống sạch thì chúng ta không măc bệnh gì, nhưng làm thế nào thì đấy mới là điều quan trọng.

Thí dụ anh cầm một mớ rau thì rõ ràng tia tử ngoại chỉ chiếu được một mặt ở trên thôi còn cái lá nó chồng lên nhau thì làm sao biết được. Thí dụ bây giờ vợ anh đi về và cầm mớ rau thì vợ anh không thể dàn mỏng ra đợi nửa tiếng sau đó để đảo lại. Còn chuyện thế này là khi rau đó ướt hay khô, hay rửa sạch hay không.

Thì rõ ràng cái đèn thì ở chỗ gần còn chết ở chỗ xa thì có chết đâu, và phải để bao lâu? Để độ cao bao nhiều? Cái bóng đèn công suất bao nhiêu watt? Năng lượng nó là bao nhiêu? Thực ra muốn diệt khuẩn rất dễ. Thí dụ như dịch tả chẳng hạn, nước muối mặn là xong hết chứ có gì đâu, việc gì phải dùng thuốc tím pha loảng, việc gì phải đi mua cái đèn như thế cho hại mắt!"

Một người phụ trách bếp ăn của Trường Trung Học Du Lịch tại Hà Nội nói về khả năng sử dụng đèn tia cực tím để diệt khuẩn cũng như một số công tác bảo đảm an toàn vệ sinh mà nhà hàng này thực hiện lâu nay:

"Em biết cái đèn tia cực tím khi rọi vào để nó diệt cái dịch bên trong, cái đấy thì là nó tốt bởi vì cái đèn đó là tiêu chuẩn quốc tế rồi. Khi mà nó quét cái đèn đấy thì là nó tốt vì nó có thể diệt được khuẩn bên trong. Nhưng mà để áp dụng được thì không phải đơn giản mà các nhà hàng có thể áp dụng được bởi vì giá thành của nó rất là đắt vì cái hệ thống đèn rất là đắt. Nhà em thì có rất là nhiều quy trình, cái thứ nhất là các nhà cung cấp đưa vào nhà hàng thì các nhà cung cấp họ đều có tiêu chuẩn của bên vệ sinh. 

Đấy là đầu vào. Còn cái thứ hai là bên trong nhà hàng thì nhà em cũng phải thường xuyên phải vệ sinh vì bên an toàn vệ sinh họ về họ kiểm tra và họ thường xuyên kiểm tra. Họ phải có giấy đảm bảo an toàn thực phẩm. Cái thứ ba là quy trình chế biến thì khi chế biến bọn em phân chia ra khu vực chế biến đồ sạch, khu vực chế biến đồ đã chín, khu sơ chế và khu chế biến đồ ăn sống. Đối với các loại rau thì nhà em làm theo quy trình như vậy.

Và khi ở đoạn cuối cùng đối với loại rau xà lách sống thì chúng em ngâm qua cái chất mua ở bên vệ sinh an toàn thực phẩm họ đưa cho. Cái thứ hai là đối với đồ rau chín thì tụi em thường phải nấu chín trước khi xuất. Và trong cái mùa dịch tả thì tụi em cũng một phần làm theo quy trình, phần thứ hai là những sản phẩm nào mà anh em cảm thấy không bán thì nhà em không đưa vào thực đơn.

Có một cách mới đây người ta mới đưa ra là khi mua một cái máy, trong máy có hoá chất có sẵn ở trong máy, dùng rửa rau cũ quả ăn sạch, thì cái máy này nhà em có nhưng mà thực ra nó không được ưa chuộng một trăm phần trăm mà nó chỉ tương đối thôi, thì cái phần đấy nhà em vẫn chưa được kỹ lắm."

Chiến lược toàn diện

Một bạn gái ở Hà Nội cũng cho biết về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phòng ngừa dịch tiêu chảy cấp trong thời điểm hiện nay:

"Thì đồ mình phải nấu chín mới ăn được chứ không ăn đồ sống. Rau sống bây giờ không dùng nữa. Thường chỉ rửa qua máy nước, sau đó ngâm nước muối, thế thôi ạ."

Bác sĩ Phan Xuân Trung, chuyên gia phụ trách mạng Y khoa.net ở Việt Nam cũng có ý kiến về việc dùng đèn tia cực tím để khử khuẩn tả:

"Khử khuẩn bằng đèn cực tím cũng là một cách nhưng mà chuyện đó nó không có gần gữi, nó không có bình dân, nó không đi vô người lao động bình thường, tại vì những người bị bệnh tả vừa qua thì người ta thấy là những người nghèo khổ hay là những người lao động chân tay hoặc làm thuê làm mướn hoặc ở những nơi khác người ta trôi giạt về người ta làm, người ta sống trong những điều kiện thiếu thốn, cho nên những người đó bị bệnh rất là nhiều.

Cho nên đồ ăn thức uống của họ thì họ cũng phải tuỳ thuộc vô nhà cung cấp. Cơm đường cháo chợ mà! Rau nó không được sạch, thành ra cái chuyện nói dùng đèn cực tím thì là những nhà giàu, khá giả, vệ sinh kỹ lắm thì người ta mới nghĩ đến chuyện trang bị cái đó. Đó không phải là phương pháp phổ thông."

Vừa qua, bác sĩ Phạm Duy Tường, Trưởng Bộ Môn Dinh Dưỡng & Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm (Đại Học Y Dược Hà Nội) có bài viết trên Tiền Phong Online cho rằng để có thể dập dịch tả một cách hiệu quả, ngành y tế cần phải thực hiện một chiến lược toàn diện và cơ bản với phong trào vệ sinh của toàn dân.

Trước hết đó là vệ sinh môi trường, bảo quản tốt các chất thải bỏ, rồi phân người, thứ đến bảo đảm nguồn nước sạch, xây dựng ý thức thực hành ăn uống sạch, hợp vệ sinh qua việc ăn chín- uống sôi.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn từ Australia cũng nhiều lần lên tiếng về tình hình dịch tả tại Việt Nam và đề ra bốn chiến lược cho việc phòng ngừa dịch tả tại Việt Nam. Bốn chiến lược đó là vệ sinh an toàn thực phẩm, làm sạch nguồn nước, vệ sinh cá nhân, và thứ tư là vắc xin.

Bác sĩ Phan Xuân Trung từ thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với những điều mà nguời đồng nghiệp của ông từ Australia đưa ra: "Tôi nhớ Giáo sư Tuấn có viết trong báo Người Lao Động về 4 biện pháp đó."

Tiêu chảy cấp nguy hiểm

Food-Comhangchaocho_200.jpg
Bán hàng rong trên đường phố.
Photo AFP
Là người hành nghề y tại Việt Nam, bác sĩ Phan Xuân Trung cũng có một số ý kiến liên quan tình hình dịch tả, mà nhà nước gọi là tiêu chảy cấp nguy hiểm, đang xảy ra ở Việt Nam:

"Thực ra E.Coli tự bản thân nó không gây ra cái bệnh gì cả. Nó tồn tại ký sinh bình thường. Ví dụ như trên bàn tay, trên da tay, trên mặt, trên tóc, trên giường ngủ của mình cũng có những vi khuẩn như vậy. Nó ở rất là thông thường. Vấn đề là nó nhiều hay là nó ít hay không. Với lại tuỳ theo cái chủng nào gây bệnh nữa, tức là một số chủng nó gây bệnh khi người ta nuốt một lượng nhiều thì nó mới gây ra độc tố.

Còn ngoài ra hầu hết nó tồn tại một cách tự nhiên. Dĩ nhiên là chúng ta mong muốn một môi trường tinh khiết trong sạch, tuy nhiên xung quanh chúng ta lúc nào cũng bụi, gió, không khí, nước, tất cả mọi thứ trong đó chúng ta cộng sinh, ở chung với lại những vi sinh vật, và tuỳ theo sức đề kháng của mình mạnh hay yếu mà nó có thể trở thành bệnh hay không.

Tôi nghĩ rằng cũng không nên làm cho lớn chuyện cái chuyện này. Có một số phát biểu lạc hướng. Chúng tôi cũng không đồng tình với cách lý giải như vậy, ví dụ như là khi chúng ta nói bệnh tả thì điều đó có nghĩa đó là bệnh tả và chúng ta lo sợ tả, lý do là nó lây lan nhanh và đồng thời nó gây chết người, vì vậy cho nên chúng ta tập trung vô nó mặc dù nó cũng là tiêu chảy như là những bệnh tiêu chảy khác, nhưng mà nó tiêu chảy mạnh hơn, nguy hiểm hơn, độc lực cao hơn và lan tràn theo nguồn nước.

Cho nên chúng ta phải định danh nó mà dập tắt nó, chớ còn bình thường thì mỗi ngày cũng có nhiều người bệnh tiêu chảy.

Chúng tôi cũng có nói chuyện với nhau trong giới chuyên môn rằng là không nên có sự nhầm lẫn giữa bệnh tiêu chảy thông thường do vi khuẩn thông thường với lại cái tiêu chảy do tả. Một khi đã xác định có một ca tả thì chúng ta phải nhanh chóng dập tắt nó đi. Và chính vì theo tôi nghĩ rằng do không có định danh ngay từ đầu trong những đợt trước dẫn tới một sự chủ quan trong dân chúng và người ta không có đề phòng.

Nếu như là một người bình thường mà người ta nghe bệnh tả thì người ta sẽ rất là sợ bởi vì người ta biết đó là dịch tả và người ta biết đó là tiêu chảy nguy hiểm và người ta biết là cần phải ăn chín uống chín. Nhưng mà nếu người ta chỉ nghe rằng tiêu chảy cấp hay là nguy hiểm gì đó thì người ta cũng thấy đó là tiêu chảy bình thường, chẳng có cái gì để phải quan tâm và từ đó nó dẫn tới sự chủ quan của người dân.

Và từ đợt dịch trước cho tới đợt dịch về sau này thì chúng tôi vẫn có những góp ý và lên tiếng rằng nên định danh cho nó đúng. Định bệnh đúng thì chữa trị mới đúng, có phương pháp dập dịch đúng. Còn mà nói bâng quơ, nói không đúng cách thì dẫn tới hậu quả rất là lớn. Bác sĩ chẩn đoán sai một người thì hại một người mà nếu quạn chức mà nói sai thì nó dẫn tới tai hại cho cả một cộng đồng to lớn.

Mà thực tế chính danh nó là tả, đã có hàng trăm ca xét nghiệm ra chính nó là tả, trong khi TỔ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì khuyến cáo rằng là chỉ cần phát hiện một ca thôi thì cũng phải định danh nó là một dịch tả, và chính ngay trong những văn bản của Bộ Y Tế mới ban hành tháng 11-2007 đây thì cũng đã nói rõ rằng chỉ cần một ca phát hiện tả thì cũng phải định danh như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng đó là nó có một phần nào gọi là bệnh "sĩ" ở trong đó, tức là khi nói bệnh tả thì người ta nói tới  nơi dơ bẩn, hay là nghèo, hay là lạc hậu, v.v.

Người ta né tránh, người ta không muốn đụng tới cái chữ "tả" đó, né qua bằng cái chữ "tiêu chảy cấp" rồi sau đó thì là "nguy hiểm". Thật sự ra cái đó là danh xưng để đối phó với bên ngoài, nhưng  mà tôi cho đó là cái cách rất là phản tuyên truyền. Tức là khi đã tuyên truyền tới người dân thì phải nói cho nó gần gũi đi, dễ hiểu, và làm sao cho nó trọn vẹn, đúng ý nghĩa của nó để cho người ta phòng tránh.

Còn mà né qua né lại để mà đặt ra những từ này từ khác mà nó không sát với sự thật thì nó dẫn tới những tai hại. Và cái điều quan trọng nữa là tôi nghĩ ràng nhà nước tức là những người quản lý phải có kiến thức chuyên môn.

Một vài quan chức tham gia trong chuyện này thì tôi nhìn thấy rằng là dường như không có đọc sách về y văn hay là họ không am tường hẳn về chuyên môn của mình, cho nên khi phát biểu ra thì nói những điều mà tôi thực sự cho là nói lung tung, nó phân tán, nó đi xa vẫn đề và nó không giúp được cho cộng đồng, cho dân chúng đúng như là chức năng và quyền hạn của mình.

Vi khuẩn tả này nó không có gì là khó khăn. Ngày trước người ta điều trị bằng Tetracycline, sau này thì điều trị bằng erythromycin. Còn một cách tránh thông thường thì chúng ta đừng tiếp xúc với nó thì chúng ta sẽ không bị bệnh. Ví dụ như uống nước sạch, ăn đồ ăn nấu chín, tại vì con vi trùng này dễ chết lắm.

Nấu nước nóng lên chứng 70 độ C là nó chết rồi, hoặc là một chút xíu chanh hay là giấm mà tưới lên đó thì sẽ không còn có sự tồn tại của vi trùng tả nữa. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là bản thân cá nhân mỗi người phải biết tự giũ vệ sinh cho mình. Ở Việt Nam thì thói quen ăn lề đường hay là một số điều kiện vệ sinh kém ở một số nơi, nhất là khu vực Miền Bắc thì ao hồ nhiều và người ta thường sử dụng nước ao hồ cho mọi mặt của sinh hoạt.

Ví dụ đi cầu xuống ao đó, rồi giặt dồ cũng ao đó, tắm rửa cũng ao đó, lấy nước uống  nấu ăn cũng cái ao đó, hoặc là lấy nước để tưới rau cũng nó. Cho nên nó tạo thành vòng lẩn quẩn. Lúc ban đầu người ta né những chuyện như vậy, người ta không muốn nhìn vào sự thật."

Ông Nguyễn Huy Nga - Cục Trưởng Cục Y Tế Dự Phòng & Môi Trường (Bộ Y Tế Việt Nam) hồi tuần qua cho biết Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã thống nhất với Việt Nam để gọi tên dịch tiêu chảy cấp đang hoành hành là "dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả".

Mục Sáng Kến & Đời Sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.