Nỗ lực bảo tồn cây thủy tùng
2008.10.15
Những khám phá gần đây cho thấy rừng Việt Nam phong phú các loài động vật, thực vật và côn trùng, và có nhiều loài độc đáo của riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, do khai thác quá mức để lấy gỗ và phá rừng để phát triển nông nghiệp, cũng như bị nạn cháy rừng tàn phá, sách đỏ Việt Nam ghi nhận có tất cả 22 loài cây đang trong tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng, trong số đó có cây thông nước, hay thường được gọi là thủy tùng.
Trong chuyên mục Sáng Kiến và Đời Sống tuần này, Trường Văn xin mời quý vị theo dõi những nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam để nhân giống cây thủy tùng hầu giúp bảo tồn loài cây cổ đại này.
Theo ông Nguyễn ĐứcTố Lưu, trong một cuốn sách cùng viết với ông Philip Ian Thomas vào năm 2004 về các loài cây lá kim tại Việt Nam, cây thông nước tên khoa học là Glyptostrobus Pensilis, là một trong những cây lá kim cổ nhất với lịch sử hơn 100 triệu năm, và hiện chỉ còn vào khoảng 250 cây tại hai khu bảo tồn ở vùng hồ Ea Ran thuộc huyện Ea H'leo và Trấp K’sor thuộc tỉnh Đắc Lắc.
Tuy đã được bảo vệ tại hai khu bảo tồn nhỏ này nhưng các nhà khoa học lo ngại loài này có nguy cơ tuyệt chủng vì hầu hết những cây thủy tùng đã quá già cỗi, thoái hoá nghiêm trọng, cây vẫn ra hoa và đậu trái có hạt nhưng hạt lép. Do đó trong thiên nhiên lâu nay không thấy những cây non phát sinh mà chỉ có một vài cây tái sinh từ chồi.
Tình trạng thoái hoá
Có làm rồi nhưng mà thành công rất là thấp, tức là hàng trăm hom bây giờ chỉ được có khoảng 7 cây thôi. Cái tỷ lệ ra rể rất là kém, rất là thấp. Nhân giống vô tính thì bằng hom thì rất là khó, chưa ra được rể, rể là cái khó nhất, chưa phải thành công đồng loạt, còn ít lắm.
TS Nguyền Hồ Nghĩa
Tiến Sĩ Nguyễn Văn Kết, Trưởng Khoa Nông Lâm (Trường Đại Học Đà Lạt) mô tả về tình trạng thoái hoá của cây thủy tùng tại khu vực bảo tồn của tỉnh Đắc-Lắc:
Ngoài thiên nhiên hiện nay thì hạt không bao giờ lên rồi. Hạt nó không lên nhưng mà nói chung là cái gỗ nó rất là quý, thành ra dân họ cứ thu hoạch như vậy thì dần dần đâu còn nữa đâu!
Còn một số cây giống là trong những điều kiện sinh thái mà bây giờ càng ngày nó không có phù hợp nữa thì nhiều khi nó không thụ phấn, có quả nhưng hạt nó lại bất thụ tức là nó không có hạt ở trong ấy, do đó mình gieo không được. Lấy quả về là không có phôi, hay là phôi nó tự tiêu huỷ.
Có một số loài cây nó tiến hoá hoặc là qua quá trình sinh thái thay đổi thì có những trường hợp nó không khả năng, thì phải chuyển qua là phải nhân giống vô tính hết. Ở trên đó điều kiện sinh thái bây giờ đã thay đổi hẳn, thay đổi nhiều rồi. Và cây này nói chung tuổi thọ của nó quá dài rồi, tức là có thể khả năng tái sinh của nó không còn nữa, mà hy vọng là có thể duy trì một thời gian nữa thôi. Do đó nếu mình muốn duy trì lại cái chỗ đó thì mình phải trồng lại, trồng mới lại.
Sự thay đổi sinh thái, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Kết đề cập ở đây là nạn phá rừng quanh khu vực bảo tồn để trồng cà phê cũng như người dân đào rảnh thoát nước làm cho khu vực này không còn là đầm lầy thích hợp cho cây thủy tùng sinh sống và phát triển. Một số cây khô rồi chết dần.
Tiến sĩ Nguyễn Hồ Nghĩa, Viện Phó Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam, cũng xác nhận sự già cỗi của những cây thủy tùng tại Đắc Lắc:
Cây này người ta nói gần như là hoá thạch cổ mà, tức là bản thân cái loài đó đã tuổi rất là cao, cho nên cái việc duy trì nó rất là khó khăn.
Nổ lực nhân giống cây thủy tùng
Do đó tại Đà Lạt có hai cơ quan đang nghiên cứu các phương pháp nhân giống cây thủy tùng để mang đi trồng tại những vùng sinh thái thích hợp với cây thủy tùng là những nơi đầm lầy ngập nước.
Hiện nay Trung Tâm Nghiên Cứu Thực Nghiệm Lâm Sinh Đà Lạt (Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam) đang cố công nhân giống thủy tùng bằng phương pháp dâm cành. Cán bộ của Trung Tâm đã lấy vào khoảng 35 ngàn cành non về nghiên cứu dâm cấy nhưng chỉ có 5 cành ra rể được trồng thành cây.
Giám Đốc Trung Tâm cho biết vắn tắt:
Ngay cơ quan cũng có trồng ra đó, tại vì nó khó là nó khó ở cái giai đoạn đầu từ cái cây già mà mình chuyển về thôi, chứ khi nó đã về và nhân được rồi, nó non ra rồi thì là mình nhân nó dễ thôi. Dùng trong cái hệ thống nhà kính để kiểm soát ẩm độ, với lại dùng thuốc kích thích để tạo cho nó ra rể.
Tiến Sĩ Nguyền Hồ Nghĩa, Viện Phó Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam, cũng nêu lên những khó khăn trong việc nhân giống cây thủy tùng mà các nhà khoa học gặp phải:
Có làm rồi nhưng mà thành công rất là thấp, tức là hàng trăm hom bây giờ chỉ được có khoảng 7 cây thôi. Cái tỷ lệ ra rể rất là kém, rất là thấp. Nhân giống vô tính thì bằng hom thì rất là khó, chưa ra được rể, rể là cái khó nhất, chưa phải thành công đồng loạt, còn ít lắm.
Trong khi đó, Khoa Lâm Nghiệp (Trường Đại Học Đà Lạt) có đề tài Nghiên Cứu Bảo Tồn Giống Thủy Tùng Bằng Kỹ thuật Nhân Giống “In Vitro” do Thạc Sĩ Nguyễn Thành Xuân chủ trì, dưới sự hướng dẫn của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Kết - Trưởng Khoa.
Những chồi của cây mẹ tại cầu Krong Năng, thuộc tỉnh Đắc Lắc, được nuôi cấy trong 4 loại môi trường, sau đó rút ra một môi trường thích hợp nhất và bổ sung các chất điều hoà sinh trưởng khác để tạo rể từ các chồi non.
Tiến Sĩ Nguyễn Văn Kết cho biết kết quả các cuộc nhân giống “in vitro” (trong ống nghiệm):
Tôi cũng chưa gặp cây nào khó như cây này đó. Tôi chưa gặp cây nào mà nó khó ra rể như cây này, nhưng mà vừa rồi thì là anh Sum cũng là vì gia đình phải chuyển đi công tác thành ra là gián đoạn một thời gian, thì hiện nay có người khác kế tục làm chuyện đấy.
Cây thì bây giờ nói chung hệ số nhân tương đối cao đó anh, tức là cứ một chồi ban đầu có thể lên 10, rồi từ 10 đó lên 100, muốn nhân bao nhiêu đó thì nhân. Nhưng mà còn vấn đề là làm sao để đưa ra ngoài mới là quan trọng, anh ạ. Cái khó khăn hiện nay chúng tôi đang bế tắc là cái khâu chuyển cây con ra ngoài.
Còn cái số lượng chồi nó phát triển lên rất là tốt rồi, tức là chúng tôi sử dụng để nhân nhanh thì được rồi, nhưng bây giờ còn một khâu nữa là làm thế nào để nó ra rể tốt hơn để mà đưa ra ngoài đó anh. Thì cái khâu đó hiện nay đang còn trục trặc, tức là nó ra không đồng đều và nó ra mình chưa nắm được quy luật.
Còn ở ngoài thì tôi cũng đã đem ra dâm ngoài thì nó mới tạo chồi rồi là lên được tốt rồi. Chỉ còn một khâu nữa là chuyển từ “in vitro” ra bên ngoài mình ươm đấy là còn kẹt khâu đó, anh. Tức là đương còn tiếp tục.
Cái khó khăn hiện nay chúng tôi đang bế tắc là cái khâu chuyển cây con ra ngoài. Còn cái số lượng chồi nó phát triển lên rất là tốt rồi, tức là chúng tôi sử dụng để nhân nhanh thì được rồi, nhưng bây giờ còn một khâu nữa là làm thế nào để nó ra rể tốt hơn để mà đưa ra ngoài đó anh.
TS Nguyễn Văn Kết
Đề cập đến vấn đề mang trồng cây thủy tùng từ vườn ươm ra ngoài thiên nhiên, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Kết cho biết là đầu tiên phải mang cây thủy tùng lên trồng tại hai khu bảo tồn nguyên thủy của nó thuộc tỉnh Đắc Lắc, sau đó mới tính đến chuyện trồng cây thủy tùng tại những nơi khác:
Tôi nghĩ là phải đưa lên bản địa bởi vì tôi biết cây thủy tùng rất là khó. Tại sao nó chỉ sống ở vùng đó mà không sống ở vùng khác, cũng giống như sâm Ngọc Linh vậy đó, thành ra tôi nghĩ sau này có làm dự án thì chúng tôi cũng chuyển về trên quê hương của nó.
Ngoài hai phương pháp ươm giống từ những cành non và nhân giống vô tính trong ống nghiệm do Trung Tâm Sinh Học Thực Nghiệm Đà Lạt và Khoa Nông Lâm (Trường Đại Học Đà Lạt) đưa ra, Tiến Sĩ Nguyễn Hồ Nghĩa, Viện Phó Viện:
Có thể có phương pháp lai giống, tức là tìm cách thụ phấn nhân tạo cho nó, nhưng cái này thì chắc phải có tiền lớn lắm, nhưng mà chúng ta chưa có tiền cho nên là cũng mới chỉ biết thế thôi.
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, trong sách viết về các loài cây lá kim Việt Nam được xuất bản vào năm 2004, đề nghị thêm là ngoài việc bảo tồn tại chỗ và nhân giống cây thủy tùng bằng các phương pháp sinh học, còn cần tới những chương trình về giáo dục, thu hái và bảo quản hạt giống.
Ngoài ra còn có việc trồng phục hồi và làm giàu rừng trong và chung quanh khu bảo tồn, vì ông cho rằng các loài cây dẫn nhập này có thể có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các cây thủy tùng hiện có.
Chuyên mục Sáng Kiến và Đời Sống tuần này xin tạm ngừng tại đây, hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình kỳ tới, cũng vào giờ này trên làn sóng của Đài Á Châu Tự Do.
Trường Văn chào tạm biệt quý vị.