Bất chấp đe dọa của Taliban hàng triệu cử tri Afghanistan đã đi bầu

Cuộc bầu cử ở Afghanistan đã kết thúc. Trong lúc chờ đợi kết quả của cuộc bầu chọn tổng thống và 420 đại biểu nhân dân, Nguyễn Khanh ghi nhận những điểm đáng chú ý trong cuộc bầu cử lần này.

Cử tri Afghanistan đi bầu trong cuộc bầu cử trước đây. (ảnh minh họa).
Cử tri Afghanistan đi bầu trong cuộc bầu cử trước đây. (ảnh minh họa). (AFP Photo/Pedro Ugarte)

0:00 / 0:00

Hàng triệu cử tri Afghanistan đã đi bầu, dùng chính lá phiếu của họ để đặt những viên gạch xây dựng dân chủ, cho dù con đường từ nhà đến phòng phiếu có thể là con đường đầy cam go, vì những xáo trộn do quân Taliban gây nên.

Giữa lúc người dân quốc gia này bầu chọn tổng thống và đại biểu quốc hội, tiếng súng và tiếng bom vẫn nổ ở nhiều nơi, báo hiệu cho thấy cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Hình ảnh của chiến tranh có thể là cuộc giao tranh diễn ra ở ngay thủ đô Kabul giữa quân chính phủ và lực lượng khủng bố do Taliban cầm đầu, hay là những quả đạn pháo kích bắn vào các thành phố, làng mạc ở khu vực phía Nam và phía Đông.

Taliban gia tăng phá hoại

Điều này, phần nào, đã cản trở ước mong tham gia bầu cử của người dân Afghanistan. Ngay Thiếu Tướng Eric Tremblay, phát ngôn viên của lực lượng NATO đang giữ an ninh cho Afghanistan cũng bảo với tình hình đầy khó khăn như vậy, chuyện tỷ lệ người đi bầu không được đông là điều không ngạc nhiên:

Không có gì ngạc nhiên khi có những người dân Afghanistan lo âu không muốn đi bầu. Với tình hình như thế này, đương nhiên vấn đề an ninh ảnh hưởng đến số người đi bỏ phiếu.

Thiếu Tướng NATO Eric Tremblay

"Không có gì ngạc nhiên khi có những người dân Afghanistan lo âu không muốn đi bầu. Với tình hình như thế này, đương nhiên vấn đề an ninh ảnh hưởng đến số người đi bỏ phiếu."

Trước ngày cuộc bầu cử diễn ra, quân Taliban đã lên tiếng cảnh báo sẽ gia tăng hoạt động đánh phá. Không chỉ đe dọa sẽ trả thù những ai đến phòng phiếu, ngay từ mờ sáng chúng đã mở các cuộc tấn công nhắm thẳng vào các địa điểm bỏ phiếu.

Mặc dù đã sống hơn 30 năm trong thảm họa của chiến tranh, nhưng chính người dân Afghanistan cũng bảo là họ chưa bao giờ thấy mức độ phá hoại cao như vậy. Báo cáo của Ủy Ban Quan Sát Bầu Cử cho thấy nhiều địa điểm đầu phiếu đã phải tạm đóng cửa cho đến khoảng giữa trưa, khi an ninh được tăng cường mới mở cửa trở lại.

Nói với báo chí khi đến phòng phiếu đặt ở một trường học trong lòng thủ đô Kabul, Tổng Thống Hamid Karzai cho rằng hành động phá hoại của quân Taliban có thể khiến cho người dân lo âu lúc đầu nhưng sau đó, chính cử tri Afghanistan biết tương lai của quốc gia tùy thuộc vào lá phiếu mà họ đang nắm giữ trong tay:

"Cũng như mọi người khác, tôi kêu gọi cử tri hãy đi bầu. Lá phiếu của họ sẽ biến quốc gia này trở nên an ninh hơn, biến đất nước trở nên thanh bình và thịnh vượng hơn. Vận mạng của Afghanistan nằm trong tay của người dân Afghanistan."

Hy vọng tương lai

Ngay Cựu Ngoại Trưởng Abdullah Abdullah, ứng viên đối lập sáng giá nhất của cuộc bầu chọn tổng thống lần này cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông nhìn nhận có lo âu, nhưng không vì thế mà trở thành bi quan. Ông Abdullah bảo thêm:

"Trước những bất ổn xảy ra suốt ngày hôm nay, đương nhiên tôi phải lo âu. Nhưng nhìn chung thì tôi vẫn thấy hy vọng. Người dân Afghanistan hiểu chỉ có một con đường, một cách duy nhất để thay đổi cục diện quốc gia, đó là phải tham gia bầu cử. Đương nhiên ai cũng lo âu, nhưng nếu bảo là chúng tôi âu lo đến mức không dám đi bầu thì hoàn toàn không đúng. Cuối cùng, cử tri đã lũ lượt rủ nhau cùng đến phòng phiếu vì tương lai của quốc gia, của chính gia đình và tương lai của con cháu họ."

Cũng chính vì tương lai mà cử tri Afghanistan đến phòng phiếu. Không thể chối cãi là buổi sang số người đi bầu rất thưa thớt, nhưng từ khoảng giữa trưa trở đi con số đông dần lên, buộc Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử Trung Ương Afghanistan phải quyết định gia hạn giờ mở cửa thêm 1 tiếng đồng hồ nữa để mọi người có thể bỏ phiếu cho tương lai quốc gia của họ.

Quyết tâm vẫn thắng

Trước thành quả được xem là khá bất ngờ này, đại diện của Liên Hiêp Quốc là ông Kai Eide nói rằng chỉ trong vài tiếng đồng hồ, tình hình đã thay đổi thật rõ. Ông giải thích rằng cuối cùng, quyết tâm của người dân đã thắng:

Lá phiếu của họ sẽ biến quốc gia này trở nên an ninh hơn, biến đất nước trở nên thanh bình và thịnh vượng hơn. Vận mạng của Afghanistan nằm trong tay của người dân Afghanistan.

Tổng Thống Hamid Karzai

"Chúng ta đều nhìn thấy cuộc bầu cử đã diễn ra như mọi người mong muốn. Điều này tạo thuận lợi cho Afghanistan và cho người dân. Mọi chuyện đều diễn tiến tốt đẹp."

Tốt đẹp không chỉ được thể hiện qua các quan chức chính phủ hay những viên chức đang điều hành các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở thủ đô Kabul. Trong số cử tri đứng xếp hàng chờ đến phiên bỏ phiếu có cả những người mới từ nước ngoài về sinh sống ở quê nhà của họ.

Ông Abdakaar, một trong những người từ xa về quê hương sinh sống cho biết: "Lần bầu cử trước tôi không có dịp tham gia. Hôm nay có mặt ở phòng phiếu, tôi rất vui mừng bỏ lá phiếu đầu tiên."

Những trở ngại khác

Trở ngại cho cuộc bầu cử 2009 của Afghanistan không phải chỉ đến từ các hoạt động phá hoại của quân Taliban, mà còn xảy ra từ chính các hoạt động chính trị trong nước. Chỉ trong 10 tuần lễ vận động tranh cử, các quan sát viên quốc tế ghi nhận được rất nhiều lời cáo buộc gian lận đến từ phía chính quyền cũng như phía đối lập.

Bằng chứng được đưa ra là hàng ngàn thẻ cử tri giả mạo, đi kèm với những trường hợp mua bán phiếu, và những guồng máy hoạt động rất chặt chẽ ở nhiều địa phương để đảm bảo Tổng Thống Karzai hay ứng viên đối lập Abdullah phải chiếm được đa số trong khu vực.

Tin tức phát xuất từ Kabul cũng nói với cương vị của nhà lãnh đạo đương quyền, ông Karzai được sự ủng hộ của nhiều vị chỉ huy các lực lượng dân quân địa phương và lãnh đạo của những bộ tộc. Hai tập thể này sẽ đem về cho ông một số phiếu đáng kể, đánh đổi lấy cam kết sẽ được chia sẻ quyền hành nếu ông chiến thắng. Đây cũng là thành phần có cả người lẫn súng, và theo cáo buộc của các ứng viên đối lập thì hành động của ông Karzai sẽ đẩy Afghanistan trở lại thời chưa có tư tưởng dân chủ, lúc quyền cai trị được chia sẻ bởi một nhóm người.

Chính phủ Kazai

Ông Hamis Karzai, 51 tuổi, được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush chọn điều khiển Afghanistan ngay sau khi quân đội Mỹ và đồng minh đánh bật quân Taliban ra khỏi thủ đô Kabul. Năm 2004 ông đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên và từng được xem là nhân vật sẽ thay đổi được cục diện quốc gia. Nhưng trong 5 năm vừa qua, chính phủ do ông lãnh đạo bị dân chúng chỉ trích vì không bảo vệ được an ninh cho người dân, không giúp giải quyết được tình trạng kinh tế và còn là một chính phủ tham nhũng. Ông Karzai cũng không được sự ủng hộ của các thành phần chính trị khác, cho dù một trong những mục tiêu ông cam kết sẽ thực hiện là xây dựng đoàn kết quốc gia.

Người dân Afghanistan hiểu chỉ có một con đường, một cách duy nhất để thay đổi cục diện quốc gia, đó là phải tham gia bầu cử.

Ứng viên Abdullah Abdullah

Những thất bại của ông Karzai không chỉ khiến các quốc gia đồng minh và những nước viện trợ đòi hỏi ông phải chấn chỉnh, mà ngay các ứng viên đối lập ra tranh cử với ông cũng đưa ra những lời chỉ trích rất nặng nề. Theo ứng viên Abdullah, ông Karzai đã có một cơ hội bằng vàng để kiến tạo đất nước "nhưng chỉ ông ta mới có đủ khả năng để đưa Afghanistan đến chỗ tan hoang"; ứng viên Ashraf Ghani thì gọi ông Karzai là người "đã đẩy quốc gia đến bờ vực thẳm, phải lệ thuộc quá nặng vào viện trợ thay vì có thể tự túc kinh tế". Một ứng viên khác là ông Ramazan Bashardost thì cho rằng chính sách sai lầm của ông Karzai "đã khiến tình hình an ninh trở nên khó khăn hơn, gây cản trở cho tất cả những ai muốn góp phần xây dựng đất nước".

Ngay chính các cố vấn cao cấp của Tổng Thống Barack Obama cũng từng bày tỏ thái độ không hài lòng với người được xem là có triển vọng sẽ tiếp tục điều khiển chính phủ Kabul. Đầu mùa hè năm nay ở Hội Nghị Quốc Tế Giúp Phát Triển Afghanistan tổ chức tại Đức, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng một chính phủ được lòng dân "bao giờ cũng là chính phủ không tham nhũng" và đòi hỏi ông Karzai phải có chính sách bài trừ tham nhũng hiệu quả hơn, nếu muốn tiếp tục được thế giới yểm trợ.

Bà Nora Bensahel, một chuyên gia về Trung Đông của Trung Tâm Nghiên Cứu RAND COPR. nói tất cả những lời chỉ trích nhắm thẳng vào ông Karzai đều không sai: "Chính phủ của ông Karzai được xem là một chính quyền tham nhũng, không thực hiện được những gì đã cam kết với dân chúng."

Nhưng bà cũng không ngạc nhiên nếu thấy ông Karzai tái đắc cử vì người dân Afghanistan "biết ông vẫn được sự hậu thuẫn của quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ". Cũng theo bà Bensahel, chính phủ Mỹ có thể không hài lòng với ông Karzai, "nhưng không có ai sáng giá hơn ông ta để Washington có thể làm việc chung".

Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử Afghanistan cho hay cuối tuần này sẽ có kết quả sơ khởi, nhưng 2 tuần sau đó mới có kết quả chính thức. Theo luật bầu cử Afghanistan, nếu không ứng viên nào có được trên 50% số phiếu ở vòng đầu, hai ứng viên có nhiều phiếu nhất sẽ tranh cử với nhau ở vòng thứ nhì vào tháng Mười tới đây.