Virus HPV
Thuốc tiêm chủng này mang tên Gardasil. Gardasil được sử dụng cho phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Sự ra đời của vắc-xin HPV đánh dấu bước ngoặt rất quan trọng trong việc dự phòng bệnh ung thư cổ tử cung.
HPV là chữ viết tắt của Human Papilloma Virus. Đây là loại virus khá phổ biến, nhưng hầu hết những người nhiễm virus HPV lại không biết là mình bị nhiễm loại virus này. Những người có quan hệ tình dục với nhiều người có nguy cơ cao bị nhiễm loại virus này vào một thời điểm nào đó trong đời.
Bệnh giang mai, lậu hay HIV thì vẫn có thể lây, tiêm ngừa HPV thì tự bản thân, trong người sẽ có những chủng như vậy để tạo kháng thể chống lại để không bị lây nhiễm đối với HPV.
BS Huỳnh Thị Trong
Có hơn 100 loại virus HPV khác nhau. Một số loại có thể gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và khoảng 15 loại có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung, và không có cách điều trị khi đã bị nhiễm HPV.
Tuy nhiên, ở người khỏe mạnh, hầu hết các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự biến mất trong vòng 6 đến 24 tháng.
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung đựơc thực hiện bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung, còn gọi là xét nghiệm PAP Smear. Các xét nghiệm PAP Smear và HPV có thể giúp tìm ra các tế bào bất thường do virus HPV gây ra, và chúng có thể được loại bỏ trước khi trở thành các tế bào ung thư.
Có hai loại thuốc chích ngừa virus HPV, là Gardasil và Cervarix. Các nghiên cứu y khoa cho thấy, cả hai loại thuốc vừa kể đều an toàn và hiệu quả trong việc phòng ngừa phần lớn các bịnh ung thư cổ tử cung. Gardasil còn có thể phòng ngừa được phần lớn các bệnh mụn sinh dục.
Tại Hoa kỳ, Gardasil được Trung tâm phòng ngừa bệnh (Center for Disease Control and Prevention, CDC) khuyến cáo nên tiêm chủng, nhưng không bắt buộc phải chích ngừa vắc-xin này.
Ở Việt Nam, tại các bệnh viện phụ sản ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và một số nơi khác đã có tổ chức tiêm ngừa vắc-xin HPV cho các em gái và phụ nữ trẻ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Trong, Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa An Sinh cho biết:
"Mũi tiêm ngừa virus HPV đã bắt đầu được sử dụng từ hai năm nay rồi. Trong các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ có những thông tin hướng dẫn chích ngừa virus HPV, và tư vấn khi mẹ đến khám, nếu các chị có con gái tuổi còn nhỏ thì khuyên các chị nên cho bé đi chích ngừa. Còn đối với các phụ nữ trẻ trên 18 tuổi khi họ đi khám phụ khoa thì Bác sĩ cũng tư vấn nếu họ đồng ý thì sẽ chích ngừa HPV cho họ."
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, viện đã triển khai dự án tiêm vắc-xin Gardasil miễn phí cho khoảng 9.200 bé gái trong độ tuổi 11 tại một số huyện, thành phố của tỉnh Thanh Hóa và Cần Thơ. Mỗi bé gái sẽ được tiêm đủ 3 liều vắc-xin phòng bệnh do Tổ chức phi lợi nhuận về y tế toàn cầu PATH tài trợ.
Lây truyền qua đường tình dục
Tại Mỹ, Hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm ngừa HPV cho bé gái trong khoảng từ 11-12 tuổi, tuy nhiên thuốc chủng có thể tiêm cho các em gái từ 9 đến 18 tuổi chưa có quan hệ tình dục.
Hồi xưa thì mình không có làm xét nghiệm HPV, nhưng bây giờ nói chung khi bệnh nhân vô bệnh viện nếu thấy cần thiết thì mình vẫn làm test HPV cho người ta.
BS Huỳnh Thị Trong
Còn Tổ chức Y tế thế giới thì khuyên rằng: thời điểm hiệu quả nhất để tiêm ngừa HPV cho bé gái và phụ nữ trẻ là trước khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục.
Vì virus HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, do vậy, để việc phòng ngừa có hiệu quả cao thì nên tiêm ngừa trên những người chưa quan hệ tình dục.
Lịch tiêm ngừa HPV là ba mũi, mũi thứ hai nhắc lại, cách mũi thứ nhất sau hai tháng, mũi thứ ba nhắc lại sau sáu tháng. Đối với các phụ nữ trẻ trong thời gian mang thai không tiêm ngừa.
Tuy nhiên, thuốc chủng ngừa HPV cũng không ngăn ngừa một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác. Bác sĩ Trong nhấn mạnh:
“Vì ví dụ như bệnh giang mai, lậu hay HIV thì vẫn có thể lây, tiêm ngừa HPV thì tự bản thân, trong người sẽ có những chủng như vậy để tạo kháng thể chống lại để không bị lây nhiễm đối với HPV.”
Đó là lý do vì sao muốn cho hoạt động tình dục an toàn, cần phải sử dụng bao cao su với tất cả các bạn tình. Bao cao su là lựa chọn tốt nhất. Vì thậm chí sau khi tiêm ngừa vắc-xin HPV, vẫn có thể bị mắc các loại HPV khác.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng đặc biệt lưu ý phụ nữ: Cho dù có tiêm ngừa HPV hay không thì vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung, còn gọi là xét nghiệm PAP Smear, vì có nhiều nguyên nhân khác gây ung thư cổ tử cung, chứ không phải chỉ vì do lây nhiễm virus HPV.
Theo đề nghị của Hội Ung Thư Hoa Kỳ, các phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên được phết tế bào cổ tử cung mỗi năm một lần. Sau 3 lần liên tiếp với kết quả bình thường thì khoảng thời gian làm lại có thể thưa ra tùy theo đánh giá của bác sĩ. Thời gian này có thể là mỗi 3 năm, cho đến lúc 60 tuổi. Nếu trên tuổi này mà kết quả vẫn bình thường thì có thể loại khỏi chương trình tầm soát.
Cần làm nhiều xét nghiệm
Một số chị em phụ nữ có nêu thắc mắc khi làm xét nghiệm PAP smear thấy có kết quả không bình thường, thì như vậy có phải các chị đã bị nhiễm virus HPV hay không? Bác sĩ Trong giải thích tiếp như sau:
Cách đây khoảng 10 năm, ở Việt Nam, bệnh ung thư cổ tử cung đứng hàng đầu, sau đó là ung thư vú, nhưng bây giờ số ca bệnh ung thư vú lên cao hơn hơn so với ung thư cổ tử cung.
BS Huỳnh Thị Trong
“Thì mình phải làm tiếp các xét nghiệm khác. Hồi xưa thì mình không có làm xét nghiệm HPV, nhưng bây giờ nói chung khi bệnh nhân vô bệnh viện nếu thấy cần thiết thì mình vẫn làm test HPV cho người ta. Sau đó nếu phát hiện thấy người ta bị dương tính với một số chủng HPV chẳng hạn, thì mình sẽ làm tiếp thêm một số các xét nghiệm nữa.
Còn nói về xét nghiệm PAP smear, thì để xem trong cổ tử cung hoặc trên bề mặt của cổ tử cung có những tế bào bất thường hay không – có nghĩa là những tế bào bị nhân hóa, phân chia, hay rối loạn gì đó, thì đó là những cái bất thường thôi, còn nếu nghi ngờ bị ung thư thì phải bấm ở chổ soi cổ tử cung để làm sinh thiết để xem có bị ung thư hay không. Vì có nhiều khi là có một sự rối loạn chẳng hạn, thì đâu phải là ung thư, hoặc cũng chưa chắc là ung thư.”
Cũng cần nhắc qua về tình hình bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam.
"Cách đây khoảng 10 năm, tình hình về ung thư trong các Hội nghị về bệnh ung thư ở Việt Nam, đối với phụ nữ thì bệnh ung thư cổ tử cung đứng hàng đầu, sau đó là ung thư vú, nhưng bây giờ lại chuyển sang số ca bệnh ung thư vú lên cao hơn hơn so với ung thư cổ tử cung. Và nói về độ tuổi của các bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung, thì ở độ tuổi còn trẻ tỉ lệ mắc bệnh rất thấp, thí dụ như phụ nữ khoảng hai mươi mấy, dưới ba mươi tuổi cũng có trường hợp mắc bệnh nhưng tỉ lệ rất thấp. Thường là vào khoảng từ 35 cho đến 50 tuổi, khoảng độ như vậy."
Fact box | |
|
Không chỉ riêng ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến thứ hai và gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ trên thế giới. Hàng năm có khoảng gần nửa triệu phụ nữ mắc bệnh này, trong đó hơn 50% bị tử vong. Bệnh này đã trở thành nỗi ám ảnh của riêng phái nữ, và là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.
Ung thư cổ tử cung là ung thư phần dưới của tử cung hay còn gọi là dạ con. Khi các tế bào ở cổ tử cung biến đổi bất thường và phát triển quá mức thì sẽ nhanh chóng biến đổi thành ung thư. Đây không phải là một bệnh di truyền như một số người thường nghĩ, mà do virus HPV, một loại virus sinh u nhú ở người gây ra. Khi phân tích gần một nghìn mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân ung thư cổ tử cung tại 22 quốc gia, các nhà khoa học nhận thấy rằng, có DNA của HPV trong hơn 99% các trường hợp bênh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: phụ nữ bắt đầu có quan hệ tình dục sẽ có nguy cơ lây nhiễm virus HPV, loại virus nguy hiểm là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung. Loại bệnh ung thư này nếu phát hiện ở giai đoạn muộn sẽ rất khó chữa trị và có nguy cơ tử vong rất cao. Do đó các bà mẹ nên cho con gái đi tiêm ngừa vắc-xin HPV để phòng chống căn bệnh tai quái này.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Phụ nữ và giải phẫu thẩm mỹ
- Ung thư da
- Tìm hiểu bệnh ung thư da
- Tình dục qua cái nhìn của phụ nữ Việt Nam
- Xu hướng hẹn hò qua mạng của phụ nữ
- Giáo dục giới tính trong trường học
- Phụ nữ và HIV/AIDS
- Quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam
- Cách mạng tình dục ở Việt nam?
- Chuyện các ông "ăn chả"
- Ghen để giữ hạnh phúc gia đình