Bác sĩ Viên cũng đưa ra các cách điều trị bệnh này, cùng những lời khuyên từ giới chuyên môn liên quan đến việc tăng cường sữa và chất béo cho trẻ để phòng chống căn bệnh làm đau đầu các bậc phụ huynh, nhất là tại những nước đang phát triển như Việt Nam.
Bây giờ, mời quý vị cùng tái ngộ với Bác sĩ Viên, chuyên khoa nhi, hiện đang hành nghề tại Sài Gòn.
Trà Mi: Xin chào Bác Sĩ. Trước tiên xin cảm ơn Bác Sĩ đã dành thời gian trở lại với chương trình Sức Khỏe và Đời Sống với phần tiếp theo nói về bệnh suy sinh dưỡng. Vâng. Thưa Bác Sĩ, có nhiều lời khuyên là nếu như trẻ ốm, trẻ bị suy dinh dưỡng thì nên uống sữa, như vậy không biết sữa có phải là thành phần giúp trẻ chống suy dinh dưỡng hay không? Và nếu như cần uống sữa thì phải uống bao nhiêu là vừa đủ và hiệu quả ạ?
Tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc chung của một thế hệ. Ngoài ra thì tình trạng suy dinh dưỡng thiếu những vi chất như thiếu chất iodine hay là thiếu những chất đạm trong các khẩu phần ăn và thức uống, thiếu chất béo cần thiết, thì cũng ảnh hưởng một phần nào đến sự phát triển về trí tuệ.
BS Công Viên
BS Công Viên: Sữa là chất lỏng an sinh rất là tốt cho các cháu cũng như là khi các cháu ở độ tuổi lớn hơn, bắt đầu ăn những thức ăn đặc, thì sữa được xem như là một bổ sung thôi.
Chẳng hạn các cháu khoảng 2-3 tuổi thì mỗi ngày cần phải uống vài ly sữa, hai ba ly sữa, ngoài cái việc phải ăn uống bình thường.
Còn đặc biệt các cháu trong 6 tháng đầu đời thì sữa nên là thức ăn chính và duy nhất. Đặc biệt các cháu cần phải đuợc bú sữa mẹ là thức ăn tối ưu nhất cho trẻ nhỏ.
Hậu quả của suy dinh dưỡng
Trà Mi: Thưa Bác Sĩ, trước khi hỏi thăm về cách điều trị đối với bệnh suy dinh dưỡng thì cũng muốn được hỏi Bác Sĩ là các hậu quả do tình trạng suy dinh dưỡng có thể đem lại cho trẻ em là gì ạ?
BS Công Viên: Tình trạng suy dinh dưỡng của một cộng đồng thì đó là một mối nguy của một xã hội, một đất nước, bởi vì chúng ta sẽ có một thế hệ không được khỏe. Cái tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc chung của một thế hệ.
Ngoài ra thì tình trạng suy dinh dưỡng thiếu những vi chất như thiếu chất iodine hay là thiếu những chất đạm trong các khẩu phần ăn và thức uống, thiếu chất béo cần thiết, thì cũng ảnh hưởng một phần nào đến sự phát triển về trí tuệ.
Trà Mi: Nhưng mà về lâu về dài nếu trẻ cứ suy dinh dưỡng mà lâu ngày đó Bác Sĩ thì có gây ra những biến chứng nào khác, các bệnh lý khác trong cơ thể của trẻ hay không?
BS Công Viên: Chủ yếu là cái tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài nó sẽ ảnh hưởng trước nhất là đến tầm vóc. Theo phân loại hiện nay thì dựa trên cân nặng và chiều cao, rồi từ đó các nhà lâm sàng người ta mới vẽ tính ra những chỉ số dinh dưỡng, thì những chuyện này đối với lại phụ huynh thì cũng không cần phải quan tâm.
Đối với phụ huynh chỉ cần biết là các cháu đạt chuẩn so với biểu đồ cân nặng và biểu đồ chiều cao của nó hay không. Nhưng mà chúng ta thấy rằng là cái việc một cháu bị suy dinh dưỡng lâu thì nó sẽ ảnh hưởng tới chiều cao của cháu, và cái chiều cao này về lâu về dài khi nó đến tuổi trưởng thành thì nó sẽ không có thay đổi nữa.
Như vậy tầm vóc của các cháu là cái ảnh hưởng trước tiên dễ thấy nhất, còn các bệnh lý khác thì thông thuờng cái mức độ suy dinh dưỡng ở mức độ vừa và nhẹ thì nó cũng không có ảnh hưởng trực tiếp có thể gây nên các bệnh lý khác ngoài tự bản thân cái chứng suy dinh dưỡng.
Phương pháp điều trị
Trà Mi: Và bây giờ xin được hỏi thăm Bác Sĩ về cách điều trị bệnh suy dinh dưỡng có khó khăn lắm không ạ?
BS Công Viên: Điều trị suy dinh dưỡng thì cũng có thể nói là cũng khó khăn. Khó khăn đó là từ cái suy nghĩ của chúng ta không có thay đổi chịu ảnh hưởng của những quan niệm rất là xưa, chẳng hạn như nhiều phụ huynh cho rằng nước thịt nước cá là bổ, nước xương hầm là bổ, thành ra cố công cố sức để cho cháu ăn nước xương hầm, nhưng mà thực ra chất đạm nó hoà tan trong nước rất là ít, do đó cái chính là phải cho các cháu ăn xác thịt xác cá là có chứa nhiều chất đạm.
Ngược lại, chúng ta lại cho ăn một cách không đúng, tức là cho ăn nước nhiều mà không ăn cái. Cái khó khăn nhứt, lớn nhứt tức là từ cái nhận thức của phụ huynh trong cái việc nuôi dưỡng các cháu, thành ra theo tôi thì cái chuyện này cũng không phải dễ dàng nếu mà chúng ta không làm tốt cái việc tuyên truyền phổ biến về cách nuôi dưởng trẻ em.
Trà Mi: Nhân đây cũng xin được hỏi thăm Bác Sĩ là cái tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở trong nước được biết là đáng quan ngại nhưng mà không biết là chỗ Bác Sĩ có con số thống kê chính thức hay không ạ?
BS Công Viên: Tôi cũng chưa cập nhật được số này. Khoảng mấy năm về trước thì nó khoảng 45% dân số thuộc trẻ em dưới 5 tuổi đều là bị suy dưỡng. Con số này là tính chung của các vùng ở trong nước, đặc biệt các cháu ở miền núi hay những vùng xa xôi. Cái dinh dưỡng vừa thiếu, vừa người dân thiếu ý thức, vừa thiếu nguồn lực để dinh dưỡng các cháu.
Nhưng mà ở thành thị thì tình trạng nó đi theo chiều hướng nghịch lại, nghĩa là kinh tế thành thị phát triển tốt hơn, từ cái việc kiến thức cũng đến với người dân thành thị dễ dàng hơn so với lại ở nông thôn, từ cái tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp hơn, tuy nhiên nó sẽ gây ra một bệnh lý dinh dưỡng khác ở cái hướng đối nghịch lại, đó là tình trạng béo phì càng lúc càng tăng ở trong các cộng đồng dân cư có điều kiện sống khá giả ở trong thành thị.
Trà Mi: Vâng. Như vậy thì phía nhà nước có những biện pháp nào giúp cho những phụ huynh ở các vùng sâu vùng xa có thể cập nhựt kiến thức hoặc là có thể mở rộng thêm sự hiểu biết trong việc nuôi dưỡng con cái hay không, thưa Bác Sĩ?
BS Công Viên: Hiện nay thì ở các trung tâm y tế dự phòng, các trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở các tỉnh thì cũng có mạng lưới như vậy, nhưng mà theo tôi biết thì cái nguồn lực cũng còn hạn chế, thành ra thực tế là thỉnh thoảng các bệnh viện ở tuyến trên tổ chức những đoàn bác sĩ đi đến khám ở các nơi xa, gọi là chúng ta làm công tác "chỉ đạo tuyến" tức là hướng dẫn cho cán bộ y tế địa phương. Khi đến thì cũng thấy các cháu ở dưới quê, ở trên miền núi cũng còn bị suy dinh dưỡng khá nhiều.
Phương pháp phòng ngừa
Trà Mi: Trước tình trạng còn nhiều hạn chế như Bác Sĩ vừa nói thì Bác Sĩ có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh, chẳng hạn như cách phòng bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ chẳng hạn thì cần phải lưu ý những gì?
Hiểu biết về cách dinh dưỡng cho các cháu, cách nhận biết suy dinh dưỡng, cách theo dõi sự phát triển về cân nặng và chiều cao bằng cách dựa vào các biểu đồ tăng trưởng. Phải cho các cháu ăn một cách hài hoà các nhóm thực phẩm, trong đó có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất đường, rồi rau củ để cung cấp vitamin và muối khoáng. Cách cho ăn cũng phải cung cấp sự hiểu biết cho phụ huynh, từ cái cách để cho các cháu được ăn đúng.
BS Công Viên
BS Công Viên: Dạ. Thứ nhứt là sự hiểu biết về cách dinh dưỡng cho các cháu, cách nhận biết suy dinh dưỡng, cách theo dõi sự phát triển về cân nặng và chiều cao bằng cách dựa vào các biểu đồ tăng trưởng.
Thứ hai là phải cho các cháu ăn một cách hài hoà các nhóm thực phẩm, trong đó có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất đường, rồi rau củ để cung cấp vitamin và muối khoáng.
Một điểm nữa là cách cho ăn cũng phải cung cấp sự hiểu biết cho phụ huynh, từ cái cách để cho các cháu được ăn đúng.
Trà Mi: Dạ. Thế còn ngoài ra đối với những quan niệm là cứ thấy trẻ mà ốm thì cứ cho tăng cường chất béo như là cho dầu ăn nhiều vào trong khẩu phần ăn, thì quan niệm này có đúng không ạ?
BS Công Viên: Thật ra các cháu suy dinh dưỡng cần chất béo, tại vì 1 gr chất béo cho đến 9 calori, trong khi 1 gr của chất đường hoặc là chất đạm chỉ cho 4 đến 5 calori thôi. Ngoài ra chất béo cần thiết trong cấu tạo của não bộ thành ra các cháu bị suy dinh dưỡng thì ngoài việc cho ăn thúc để lấy lại sự bình thường của một trẻ bình thường thì các cháu cần phải được uống sữa nhiều hơn, rồi sữa đó cũng cần phải tăng cường chất béo hơn nữa.
Trước đây thì Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng có hướng dẫn cách cho ăn, cách pha một cái sữa gọi là đậm đặc, nhiều năng lượng để cho các cháu bị suy dinh dưỡng nặng được phục hồi nhanh chóng. Trong cách pha đó người ta cho thêm chất béo vào trong sữa, cho thêm dầu ăn vào trong sữa. Đó là những cách đơn giản và rẻ tiền.
Ngoài ra thì chúng ta biết là nguồn lực của người dân ở các nơi xa xôi thiếu nhưng mà thực ra cũng có thể ăn những thức ăn bổ nhưng mà cũng không phải là quá đắt tiền, chẳng hạn như trứng gà trứng vịt thì chứa hàm lượng dinh dưỡng rất là cao. Nhiều người cũng vẫn cho là ăn trứng sẽ bị đau gan thì đó là một quan điểm sai lầm. Chính vì những quan niệm sai như vậy là những cản trở lớn.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn thời gian cũng như những kiến thức rất là bổ ích mà Bác Sĩ đã dành cho chương trình này.
BS Công Viên: Dạ, xin cảm ơn Đài.
Chương trình "Sức Khỏe và Đời Sống" kỳ này xin dừng lại tại đây và hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, sáng Thứ Năm tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào.