Bệnh cúm A-H1N1

Thưa quý thính giả, báo chí trong nước đưa tin số ca bệnh cúm A-H1N1 tại Việt Nam tính đến cuối tuần qua đã vượt khỏi ngưỡng 10.000 ca, với trên 20 trường hợp bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên đã có hơn 9.000 người được chữa khỏi và đã ra viện.

0:00 / 0:00
antiflu-vaccine-200.jpg
Một y tá đang chuẩn bị chích thuốc ngừa chống cúm tại Pháp hôm 14.09.2009. AFP Photo/Thierry Zoccolan.

Khách mời của Chương Trình Sức Khỏe và Đời Sống hôm nay là Bác sĩ Văn Sơn Trường. Bác sĩ Trường sẽ trình bày với quý vị những thông tin cần biết về chứng bệnh này cùng những lời khuyên hữu ích của một chuyên gia y tế.

Bác sĩ Văn Sơn Trường tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Saigon vào năm 1969 và hiện đang hành nghề chuyên môn về bệnh nội khoa, với bằng cấp chuyên môn của Hoa Kỳ, gọi là "American Board of Internal Medicine". Bác sĩ Trường mở phòng mạch tư tại Alexandria, thuộc tiểu bang Virginia, từ năm 1982, nhưng đồng thời ông cũng là bác sĩ điều trị của bệnh viện đa khoa Inova Alexandria, cũng tại tiểu bang Virginia.

Quỳnh Như mời quý vị cùng theo dõi sau đây.

Sơ lược cúm A-H1N1

Quỳnh Như: Xin chào Bác Sĩ đến tham gia với Chương Trình Sức Khỏe và Đời Sống của Đài Á Châu Tự Do hôm nay.

Xin Bác sĩ giới thiệu sơ lược về chứng bệnh này. Trên thế giới người ta gọi bệnh cúm này là Swine Flu, còn ở Việt Nam thì gọi là bệnh cúm A-H1N1.

Thưa Bác Sĩ, tại sao bệnh này lại được gọi là bệnh cúm heo hay là cúm A-H1N1 ạ?

BS Văn Sơn Trường: Trước hết tôi xin chào cô Quỳnh Như và cũng xin kính chào toàn thể quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Như cô Quỳnh Như và quý thính giả cũng đã được biết, thì hiện nay có một chứng bệnh cúm rất mới lạ trên thế giới, gọi là cúm heo. Cúm heo này bắt đầu xuất hiện khoảng tháng 4 năm 2009. Sở dĩ gọi là cúm heo là bởi vì những con vi khuẩn gây ra bệnh cúm mới này cũng giống như những con vi khuẩn gây ra bệnh cúm của loài heo, mà Miền Bắc của Việt Nam thì gọi là lợn, thành ra các nhà khoa học vẫn gọi là cúm heo. Còn có nhiều khi người ta gọi là cúm A-H1N1 nữa. Tôi giải thích thì cũng hơi dài dòng, không biết cô Quỳnh Như có muốn tôi giải thích thêm không?

Quỳnh Như: Dạ thưa, xin Bác Sĩ cho quý thính giả được biết ạ.

BS Văn Sơn Trường: Thường thường có hai loại vi khuẩn là A và B gây ra những chứng bệnh cúm, nhưng mà chủ yếu vẫn là vi khuẩn loại A. Rồi trong mỗi vi khuẩn nó có hai chất đạm (protein) nó bắt đầu bằng chữ H, gọi tiếng khoa học là Hemagglutinin, và chữ N gọi là Neuraminidase. Rồi mỗi vi khuẩn gây ra bệnh lại có nhiều chất đạm khác nhau thành ra các nhà khoa học mới phân loại thêm và đặt tên là H1, H2, H3, H4, H5, hoặc là N1, N2, N3, vân vân. Vì vậy cái loại vi khuẩn cúm heo này còn được đặt tên thêm là A-H1N1, trong khi loại cúm gà thì gọi là H5N1.

Triệu chứng nhiễm bệnh

Quỳnh Như: Thưa, làm thế nào bệnh nhân biết là đã mắc chứng bệnh này? Bệnh có các triệu chứng biểu hiện nào ạ?

BS Văn Sơn Trường: Thường thường thì bệnh nhân bắt đầu cảm thấy nóng lạnh, nhức mỏi, nhức đầu, đau cổ họng, bị sốt rất cao, rồi ho, nhảy mũi (hắt hơi), ra nước mũi. Lại có nhiều người bị đi tiêu chảy, hoặc là bị ói mửa, giống như trường hợp bị trúng độc thực phẩm vậy.

Thường thường thì bệnh nhân bắt đầu cảm thấy nóng lạnh, nhức mỏi, nhức đầu, đau cổ họng, bị sốt rất cao, rồi ho, nhảy mũi (hắt hơi), ra nước mũi. Lại có nhiều người bị đi tiêu chảy, hoặc là bị ói mửa, giống như trường hợp bị trúng độc thực phẩm vậy.

BS Văn Sơn Trường

Quỳnh Như: Làm thế nào để chẩn đoán là bệnh nhân bị mắc bệnh này vì các triệu chứng cũng tương tự như cúm gà hoặc cúm thông thường ở người, thưa Bác Sĩ?

BS Văn Sơn Trường: Đúng rồi. Cô Quỳnh Như đặt câu hỏi rất đúng. Những cái triệu chứng của cúm heo, cúm gà, hoặc là cúm thông thường tức là cúm trong Mùa Đông đó, nó cũng giống nhau như vậy, thì muốn chẩn đoán rõ ràng bệnh này thì thường thường người bác sĩ phải lấy nước mũi, hoặc những chất đàm, hoặc là mình phải cạo phía trong cổ họng của mình rồi gửi đến phòng thí nghiệm, mà phải là phòng thí nghiệm đặc biệt cao cấp thì họ mới thử ra được vi khuẩn của bệnh cúm heo này.

Nguyên nhân gây bệnh

Quỳnh Như: Thưa, những nguyên nhân gây ra chứng bệnh này là những nguyên nhân nào ạ?

BS Văn Sơn Trường: Thật sự ra nó cũng không có một nguyên nhân nào rõ ràng gì cả, chủ yếu là khi mà mình tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm heo rồi từ người này lây qua người khác, rồi cứ như thế mãi, thành ra nhiều khi cả làng, cả xóm, cả tỉnh đều mắc bệnh cúm heo này. Cái chính là lây bệnh khi mình ra ở những nơi công cộng đã có người bệnh, họ ở nơi đó rồi, thí dụ như ở chợ, ở tiệm ăn, ở phi trường, ở trường học, hoặc là các hý viện.

Quỳnh Như: Cơ chế lây lan của bệnh như thế nào, thưa Bác Sĩ? Khi bệnh chưa bộc phát thì virus đã có thể lây từ người có mang mầm bệnh sang cho người khác hay không?

BS Văn Sơn Trường: Thường thường khi mà chưa có triệu chứng gì thì không có lây sang người khác, nhưng mà thí dụ như thường thường thì là một ngày trước khi bệnh nhân bắt đầu bị sốt là người bệnh đó có thể lây sang người khác rồi, sau đó kéo dài khoảng chừng 7 ngày thì trong 7 ngày đó là người bệnh đó sẽ lây sang cho những người khác.

Quỳnh Như: Khi bệnh tiến triển nặng thì các cơ quan nào trong cơ thể dễ bị tổn thương nhất? Bệnh có đưa đến những hậu quả như suy hô hấp hay suy nội tạng hay không ạ?

BS Văn Sơn Trường: Bệnh cúm heo này thì nó có hai trường hợp tiến triển, mà thường thường cũng là nhẹ thôi, rồi bệnh nhân cũng khỏi trong vòng 5 đến 7 ngày, sau khi đã bị sốt, bị ho, bị sổ mũi, nhức mỏi, nhức đầu. Nhưng mà có một số những trường hợp bệnh tiến triển rất là nặng, người bệnh sẽ bị sưng phổi rất là nặng, rồi không có đủ dưỡng khí để thở, bệnh nhân sẽ bị tức ngực, khó thở, rồi nhiều khi áp huyết xuống rất là thấp, bệnh nhân có thể bị sốc, rồi bị hư gan, hư thận và nhiều khi có thể đi đến trường hợp tử vong nữa.

Bệnh này thường thường nếu những người nào đã có những chứng bệnh khác rồi thì những bệnh nhân này sẽ bị bệnh cúm heo tiến triển rất là nặng.

BS Văn Sơn Trường

Quỳnh Như: Thưa, bệnh này có liên quan đến những bệnh nào khác không, thưa Bác Sĩ?

BS Văn Sơn Trường: Có. Bệnh này thường thường nếu những người nào đã có những chứng bệnh khác rồi thì những bệnh nhân này sẽ bị bệnh cúm heo tiến triển rất là nặng.

Quỳnh Như: Hầu hết những bệnh nhân khi kịp thời phát hiện bệnh đều có thể được chữa trị khỏi, nhưng cũng có những trường hợp lại đưa đến tử vong. Theo Bác Sĩ thì đối với những đối tượng nào bệnh dễ phát triển nặng?

BS Văn Sơn Trường: Thí dụ như là bệnh suyễn, bệnh lao phổi, bệnh tiểu đường, hay là bị bệnh AIDS, hoặc là bị bệnh về gan, về thận, về tim, thì những bệnh nhân này sẽ bị bệnh cúm heo tiến triển rất là nặng.

Điều trị và đề phòng

Quỳnh Như: Và đến phần quan trọng nhất mà Quỳnh Như nghĩ rằng tất cả quý vị thính giả đều muốn biết là cách điều trị bệnh này, thưa Bác Sĩ?

BS Văn Sơn Trường: Cách điều trị bệnh này thì thường thường là mình điều trị triệu chứng, tức là nếu mà bị sốt, nóng lạnh, nhức mỏi thì mình uống thuốc gọi là Acetamenophene dưới nhãn hiệu Tylenol, sau đó mình uống thuốc ho có chất Codein để cho bớt ho. Thường thường thì bệnh nhân trong vòng khoảng 4-5 ngày sẽ thấy bớt đi và đến ngày thứ 7-thứ 8 là sẽ hết bệnh, nhưng mà nhiều khi bệnh nhân sẽ bị nặng hơn nữa. Nếu mà bị bệnh nặng thì có thể uống thuốc Tamiflu. Thuốc Tamiflu cũng có công hiệu trong điều trị bệnh cúm này nhưng mà điều kiện quan trọng nhất là phải uống trong vòng 48 tiếng đồng hồ đầu tiên khi mới bắt đầu bị bệnh.

Quỳnh Như: Thưa, như vậy chắc là phải dùng Tamiflu với liều cao, phải không ạ?

BS Văn Sơn Trường: Uống Tamiflu thì 1 viên thuốc Tamiflu có 75 milligram thì uống một ngày 2 viên và uống trong 5 ngày đó cô Quỳnh Như.

Thường thường khi bệnh nhân mà ho, hoặc là sổ mũi, hoặc là hắt hơi, thì bệnh nhân nên lấy tay hoặc lấy giấy để bịt mũi hay bịt miệng mình để cho con vi khuẩn không bay ra trong không khí rồi chuyền sang những người khác, sau đó vứt giấy vào thùng rác, rồi sau đó phải rửa tay bằng xà bông.

BS Văn Sơn Trường

Quỳnh Như: Hiện nay bệnh cúm A-H1N1 đang phát triển nhanh ở Việt Nam, báo chí đưa tin số bệnh nhân bị nhiễm virus H1N1 tăng lên mỗi ngày. Bác sĩ có lời khuyên nào gởi đến quý thính giả để đề phòng sự lây nhiễm của virus này ạ?

BS Văn Sơn Trường: Vâng. Thường thường khi bệnh nhân mà ho, hoặc là sổ mũi, hoặc là hắt hơi, thì bệnh nhân nên lấy tay hoặc lấy giấy để bịt mũi hay bịt miệng mình để cho con vi khuẩn không bay ra trong không khí rồi chuyền sang những người khác, sau đó vứt giấy vào thùng rác, rồi sau đó phải rửa tay bằng xà bông. Đặc biệt nữa là những người khỏe mạnh thì không nên tiếp xúc với những người đang bị bệnh. Và đặc biệt là mình không nên sờ tay lên những đồ vật, thí dụ như bàn ghế mà có thể bệnh nhân đã ho, đã sổ mũi khiến cho vi khuẩn có thể bám trên bàn ghế này. Khi mà mình lỡ sờ lên rồi thì mình cũng nên nhớ là mình không nên để ngón tay của mình lên mặt, lên mũi, lên miệng của mình, bởi vì vi khuẩn cúm heo có thể lây bằng cách như vậy. Những bệnh nhân nào đã bị cúm heo thì cũng nên đeo khẩu trang, thì đây cũng là phương cách rất là tốt để phòng ngừa lây sang những người khỏe mạnh khác.

Quỳnh Như: Quỳnh Như xin chân thành cảm ơn Bác sĩ Văn Sơn Trường đã dành thời gian tham gia với chuyên mục Sức Khỏe và Đời Sống hôm nay. Xin hẹn gặp lại Bác Sĩ trong những chương trình khác.

BS Văn Sơn Trường: Vâng. Xin chào cô Quỳnh Như. Và xin kính chào toàn thể quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Chương trình Sức Khỏe và Đời Sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã lắng nghe và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.