
400 người nhiễm bệnh và 55 trường hợp tử vong mỗi ngày vì bệnh lao. Đó là con số thống kê được giới chức y tế Việt Nam báo cáo gần đây. Gánh nặng lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là tình trạng lao kháng thuốc. Chi phí thuốc men đắt đỏ, thời gian chữa trị kéo dài, các chương trình hỗ trợ miễn phí của nhà nước không đủ sức lo cho bệnh nhân lao khi họ đến giai đoạn kháng thuốc là những yếu tố khiến Việt Nam bị xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có bệnh nhân lao phổi nhiều nhất trên thế giới.
Để mang đến quý vị những kiến thức cần biết về bệnh lao kháng thuốc, chương trình Sức Khỏe và Đời Sống hôm nay có cuộc trao đổi với Bác sĩ Tường Oanh, chuyên khoa lao phổi, từ Trung Tâm Lao và Bệnh Phổi Phạm Ngọc Thạch tại TP.HCM.
Nguyên nhân
Định nghĩa về lao kháng thuốc, Bác sĩ Tường Oanh cho biết:
Lao kháng thuốc là nhiễm vi trùng lao mà nó kháng lại một trong những loại thuốc kháng lao đang dùng.
BS Tường Oanh
BS Tường Oanh: Lao kháng thuốc là nhiễm vi trùng lao mà nó kháng lại một trong những loại thuốc kháng lao đang dùng.
Trà Mi: Dạ. Xin được hỏi thăm Bác Sĩ nguyên nhân gây nên lao kháng thuốc là gì?
BS Tường Oanh: Tức là người bệnh nhiễm phải một chủng vi trùng nào đó mà nó đã bị kháng từ đầu, hoặc là do người bệnh trong quá trình điều trị uống thuốc điều trị lao mà không tuân thủ điều trị đúng, dẫn đến lao kháng thuốc. Nói tóm lại là có hai loại lao kháng thuốc:
1. Lao kháng thuốc thứ phát là do người bệnh mà ra, tức là đầu tiên lúc bị nhiễm thì con vi khuẩn đó là một con vi khuẩn lao bình thường nhưng mà do uống thuốc không đến nơi đến chốn dẫn đến là làm cho nó kháng thuốc.
2. Lao kháng thuốc nguyên phát, có nghĩa rằng người bệnh ngay từ đầu đã bị nhiễm phải con vi trùng lao mà nó đã kháng thuốc sẵn rồi, bị nhiễm từ một người khác mà kháng thuốc qua.
Quá trình tiến triển
Trà Mi: Nói về nguyên nhân kháng thuốc như Bác Sĩ vừa nói thì bệnh lao tiến triển thành lao kháng thuốc và lao đa kháng thuốc thì nó tiến triển như thế nào, trong thời gian bao lâu?
BS Tường Oanh: Người bệnh không tuân thủ điều trị thì dần dần nó sẽ chuyển thành lao kháng thuốc, thay đổi tùy theo từng chủng vi trùng chứ còn không có ai khẳng định biết được là trong bao lâu thì sẽ trở thành lao kháng thuốc. Cứ người nào tuân thủ điều trị đúng thì khả năng kháng thuốc rất là thấp, nhưng mà cứ uống thuốc không đến nơi đến chốn - bữa uống bữa không - hoặc tự ý bỏ thuốc thì rất dễ dẫn đến kháng thuốc.
Triệu chứng
Trà Mi: Làm thế nào có thể nhận biết sớm lao kháng thuốc, thưa Bác Sĩ?
BS Tường Oanh: Bệnh lao mà điều trị không hiệu quả, mặc dù vẫn đang uống thuốc lao mà vẫn mệt, vẫn ho nhiều, vẫn sốt, hoặc là vừa ngưng thuốc chừng một vài tháng lại thấy xuất hiện bệnh lao trở lại liền, thì khả năng tái phát sớm như vậy cũng nghĩ đến lao kháng thuốc.
Trà Mi: Nói một cách tổng quát, những triệu chứng của bệnh lao cần để ý là như thế nào?
BS Tường Oanh: Bệnh lao diễn tiến khá chậm, nó âm thầm nên người ta không để ý đến. Có thể là ho, rồi sốt nhẹ về chiều, rồi sụt cân, có những người không hề có triệu chứng luôn, và đôi khi tình cờ phát hiện qua chụp X-quang kiểm tra.
Trà Mi: Như vậy để tầm soát được bệnh thì giới chuyên môn có lời khuyên nào không?
BS Tường Oanh: Nếu ở trong nhóm có nguy cơ cao trong gia đình hay trong người xung quanh mình thường xuyên tiếp xúc có người bị lao thì mình nên kiểm tra thường xuyên, khoảng 6 tháng hoặc 1 năm một lần. Biết là người có nguồn lây thì mình tránh rồi, mà có nhiều trường hợp mình không biết được nguồn lây bên cạnh mình thì chỉ kiểm tra định kỳ hoặc là nên chủ động đi khám bệnh nếu có ho kéo dài, hoặc là có sốt nhẹ buổi chiều.
Tuân thủ điều trị là hàng đầu, uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ cho đến khi nào hoàn tất quá trình điều trị lao và có khẳng định vi trùng lao đã hết. Người ta gọi là uống thuốc lao "đúng, đủ, đều", tức là đúng giờ, đúng quy định, đủ thuốc và đều đặn mỗi ngày.
BS Tường Oanh
Trà Mi: Thưa Bác Sĩ, vì sao công tác chữa lao kháng thuốc mất nhiều thời gian, gặp nhiều trở ngại mà cũng dễ thất bại?
BS Tường Oanh: Ngày xưa cách đây khoảng 70 năm thì lao còn là bệnh nan y, sau này dần dần người ta tìm ra một số thuốc điều trị. Có 5 loại thuốc hiện hành được gọi là thuốc kháng lao hàng thứ nhất và với 5 loại thuốc đó thì một người điều trị có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Thường thường là phối hợp ít nhất 4 trong 5 thứ đó. Nhưng mà nếu không tuân thủ điều trị đúng thì nó dẫn đến lao kháng thuốc. Khi đã bị kháng rồi thì người ta sẽ loại bỏ những loại thuốc mà nó đã kháng và thay thế bằng những thuốc khác gọi là thuốc kháng lao hàng thứ hai. Mà thuốc kháng lao hàng thứ hai như thế thì hiệu quả điều trị kém hơn, giá thành mắc hơn, thời gian điều trị cũng phải kéo dài hơn so với nhóm thuốc kháng lao hàng thứ nhất.
VN chưa có chương trình chống lao kháng thuốc
Trà Mi: Năm loại thuốc mà Bác Sĩ vừa cho biết ở Việt nam có đầy đủ không và có mắc không so với thu nhập của người dân?
BS Tường Oanh: Năm loại thuốc đó thì hiện giờ được cung cấp miễn phí cho người dân theo Chương Trình Chống Lao Quốc Gia.
Trà Mi: Tại Việt Nam có các chương trình miễn phí cho bệnh nhân lao, thế còn bệnh nhân lao kháng thuốc thì sao?
BS Tường Oanh: Năm loại thuốc cấp miễn phí là để điều trị lao bình thường, không phải là lao kháng thuốc. Nếu đã kháng thuốc rồi thì phải dùng những loại thuốc khác mắc tiền lắm, không được miễn phí, vì thế cho nên nếu đã mắc lao kháng thuốc rồi thì chi phí điều trị là kinh khủng lắm. Nó mắc và nó kéo dài nữa. Trên thế giới họ cũng đang hỗ trợ cho chương trình chống lao Việt Nam là miễn phí thêm cả những loại thuốc kháng lao hàng hai, tức là những người bị lao kháng thuốc sẽ được miễn phí trong một số trường hợp. Nhưng mà chương trình này vẫn còn đang nằm trên giấy tờ. Họ dự định đến tháng 7 này sẽ triển khai chương trình đó, nhưng mà thực tế có thực sự được vào tháng 7 hay không thì vẫn chưa biết chắc. Nghe nói đợt khởi động đầu tiên sẽ miễn phí cho 100 trường hợp đầu tiên, sau đó mới mở rộng ra.
Trà Mi: Thưa, trong kinh nghiệm của Bác Sĩ thì Bác Sĩ có gặp nhiều bệnh nhân trong trường hợp lao kháng thuốc mà không đủ tiền chạy chữa đành buông xuôi nửa chừng không?
BS Tường Oanh: Có. Có.
Trà Mi: Với những trường hợp đó thì ngay bệnh viện hay là các cơ quan hữu trách có giúp đỡ gì được không?
BS Tường Oanh: Cơ quan hữu trách thì không giúp đỡ được. Hiện tại thì lao kháng thuốc đó cũng chưa có cách nào giúp được hết. Giỏi lắm thì có sự hỗ trợ của Hội Chữ Thập Đỏ, những nhà từ thiện hỗ trợ, chứ nhà nước thì không thể nào bao gồm hết được.
Cách điều trị
Trà Mi: Người bệnh lao kháng thuốc họ có cần phải nằm lại điều trị trong bệnh viện không?
BS Tường Oanh: Tùy trường hợp. Một số trường hợp tổn thương phổi mà không quá lắm thì họ vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn có thể đi lại được. Dĩ nhiên là phải cách ly để tránh lây lan cho người khác. Một số trường hợp nặng thì phải nằm viện.
Trà Mi: Xin hỏi Bác Sĩ trung bình điều trị lao kháng thuốc kéo dài bao lâu? Có những điều kiện như thế nào mà so với lao thông thường thì thời gian điều trị có khác biệt lắm không?
BS Tường Oanh: Với lao bình thường thì khoảng 8 tháng, với lao kháng thuốc thì điều trị từ 18 tới 24 tháng. Những thuốc điều trị lao kháng thuốc có nhiều tác dụng phụ hơn so với những thuốc thông thường cho nên người bệnh uống rất khó khăn.
Trà Mi: Thế khi mà đã điều trị rồi thì bệnh nhân lao kháng thuốc có khả năng tái phát không, thưa Bác Sĩ?
BS Tường Oanh: Vẫn có khả năng bị tái phát nếu tiến trình điều trị không bảo đảm. Có thể là do họ uống thuốc không bảo đảm, có thể là do tổn thương lao quá nhiều dẫn đến thất bại, thuốc không điều trị được. Chúng tôi cũng có gặp trường hợp kháng tất cả các loại thuốc chống lao. Truờng hợp đó là bó tay luôn.
Trên thế giới họ cũng đang hỗ trợ cho chương trình chống lao Việt Nam là miễn phí thêm cả những loại thuốc kháng lao hàng hai, tức là những người bị lao kháng thuốc sẽ được miễn phí trong một số trường hợp. Nhưng mà chương trình này vẫn còn đang nằm trên giấy tờ.
BS Tường Oanh
Trà Mi: Với lao kháng thuốc mà không điều trị tới nơi tới chốn, xin Bác Sĩ cho biết những tác hại của nó.
BS Tường Oanh: Là không điều trị được luôn. Đã là lao thì có nguy cơ lây cho cộng đồng. Bị lây lao bình thường thì dễ chịu hơn là bị lây phải lao kháng thuốc, nhưng mà cách lây truyền thì giống nhau.
Phương pháp phòng ngừa
Trà Mi: Bác Sĩ có thể cho biết bệnh lao kháng thuốc có thể đề phòng bằng cách nào?
BS Tường Oanh: Tuân thủ điều trị là hàng đầu, uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ cho đến khi nào hoàn tất quá trình điều trị lao và có khẳng định vi trùng lao đã hết. Người ta gọi là uống thuốc lao "đúng, đủ, đều", tức là đúng giờ, đúng quy định, đủ thuốc và đều đặn mỗi ngày.
Trà Mi: Bác Sĩ cũng vừa nói là nếu như lao kháng thuốc mà lây cho người khác thì tầm nguy hiểm lớn hơn gấp nhiều lần lao thường, thì làm cách nào để người bị lao kháng thuốc tránh lây nhiễm cho người lành và những người thân xung quanh. Họ có cần phải uống thuốc phòng ngừa gì không?
BS Tường Oanh: Thực tế ở Việt Nam không có quan niệm thuốc phòng bởi vì nguồn dịch tễ lây ở Việt Nam rất là lớn thành ra phòng như thế nó không có lợi. Ở nước ngoài thì họ hay có thuốc phòng điều trị lao, ở Việt Nam thì không có. Lý do là ở Việt Nam dịch tễ lao rất là mạnh nên phòng cũng không có hiệu quả gì mấy. Nếu mà phòng như vậy thì cũng lấy một trong năm loại thuốc đầu tiên để mà phòng thôi. Và phòng như vậy thì nó có nguy cơ làm cho thuốc đó bị kháng luôn. Thành ra chỉ có một cách duy nhất là cách ly thôi.
Trà Mi: Với con mắt của một người chuyên môn, Bác Sĩ có đề nghị nào cho việc phòng lao mà không thể phòng được trong khi dịch tễ lao lại quá lớn?
BS Tường Oanh: Chúng tôi là nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh lao và những người bệnh lao kháng thuốc thì chúng tôi cũng không thể phòng được luôn. Chỉ có cách là cách ly thôi. Tuy vậy, cũng không phải dễ lây lắm đâu. Mình cách ly một cách nghiêm túc thì tỷ lệ lây ngay cả đối với nhân viên y tế chúng tôi cũng thấp, không có cao.
Vi trùng lao lây chủ yếu qua đường hô hấp thế thì mọi trường hợp mà ho, khạc đàm, hắt hơi, hay nói lớn tiếng về phía người khác thì nên mang khẩu trang. Đàm và các chất tiết ở đường hô hấp thì phải khạc vào có nơi có chỗ, không có khạc bừa bãi, cho vào thùng rác hay cho vào hủ dậy nắp. Luôn luôn hủ phải đậy nắp và cho vào thùng rác. Không được khạc bừa bãi.
Trà Mi: Thế còn người thân của bệnh nhân, ví dụ như tiếp xúc chung, ăn chung chén đũa, ly, dùng chung khăn thì có nguy cơ lây lan không?
BS Tường Oanh: Có nhưng mà thấp, vì thực ra vi trùng lao không lây qua đường tiêu hóa. Những chén đũa nên dùng riêng rồi. Thường sợ là sợ lây qua đường tiêu hóa nhưng mà thực ra vi trùng lao đâu có lây qua đường tiêu hóa mà nó lây qua đường hô hấp, cho nên nếu mà dùng chén đũa riêng nhưng mà lại ho vào mặt người ta thì cũng lây thôi.
Trà Mi: Nước nhầy của mũi cũng là nguồn lây phải không, thưa Bác Sĩ?
BS Tường Oanh: Đúng rồi. Nói chung là mọi thứ hô hấp đều có thể lây. Những đồ dùng khác thì không sợ, không có lây lan, chủ yếu là lây qua đường hô hấp.
Trà Mi: Rất cảm ơn Bác Sĩ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
Chương trình Sức Khỏe và Đời Sống tuần này xin dừng lại tại đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn sáng Thứ Năm tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào.