Tác nhân gây bệnh
Các nhà khoa học đã bàn về những biện pháp nhằm kiểm soát và ngăn ngừa sự phát triển của năm bệnh mãn tính, không lây nhiễm, đang là gánh nặng cho các quốc gia, trong đó có bệnh ung thư.
Các số liệu do các tổ chức y tế thế giới công bố tại Hội nghị cao cấp y tế quốc tế của Liên Hiệp Quốc cho thấy, ung thư là một trong những bệnh mãn tính, không lây nhưng gánh nặng hậu quả của nó đối với sức khoẻ người dân và sự phát triển của cộng đồng là vô cùng to lớn. Thống kê của các tổ chức y tế thế giới đưa ra về số người tử vong do các bệnh mãn tính không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi lên đến hơn 36 triệu sinh mạng trên toàn thế giới hàng năm, trong đó 21% là các bệnh ung thư.
Tại các quốc gia phát triển như Hoa kỳ, các bệnh mãn tính không lây nhiễm chiếm đến 87% tất cả các trường hợp tử vong, với tỉ lệ dẫn đầu là tim mạch, và kế đến là ung thư với 23%. Nguyên nhân do tiêu thụ các thức ăn có nhiều chất béo, lối sống thiếu vận động, lại uống rượu, hút thuốc lá. Những yếu tố này đã trở thành một phần sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày đối với nhiều người.
Ung thư là gì? Các nhà nghiên cứu y khoa gọi ung thư là tên chung dùng để chỉ một nhóm bệnh trên 200 loại khác nhau liên quan đến nguồn gốc của tế bào. Mỗi chứng ung thư có căn nguyên, và cách thức điều trị khác nhau nhưng chúng cũng có những đặc điểm chung, đó là sự phân chia không kiểm soát được của tế bào, cũng như khả năng tồn tại và phát triển ở các cơ quan và tổ chức lạ trong cơ thể.
Tác nhân gây bệnh ung thư thường do tập quán ăn uống không khoa học, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá và lối sống thiếu vận động, ít tập thể dục thể thao thường xuyên. Do vậy muốn phòng tránh áp dụng các phương pháp điều trị ung thư với chi phí cao, các cơ quan quản lý y tế nên đề ra những biện pháp phòng tránh, và phổ biến kiến thức y tế bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.
WHO đưa ra khuyến cáo cho chính phủ của các quốc gia nên có những biện pháp hướng tới toàn dân, bao gồm việc đánh thuế những loại rượu bia, thuốc lá, ban hành lệnh cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng, vận động người dân áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học – giảm lượng muối và chất béo trong thức ăn, lượng đường trong đồ uống, và phát động các chương trình nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về tăng cường chế độ ăn kiêng và các hoạt động rèn luyện thể chất.

Ung thư là một căn bệnh hiểm nghèo và không phải tất cả các bệnh ung thư đều có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng với đà phát triển của y học hiện nay, bệnh ung thư không còn là một chứng bệnh nan y theo như quan niệm trước đây. Ung thư có thể được chữa khỏi, nếu được phát hiện kịp thời. Thậm chí trong những trường hợp ung thư không thể chữa khỏi được, thông thường cũng có thể điều trị và kiểm soát được căn bệnh với khoảng thời gian từ vài tháng, cho đến vài năm... Vì điều đó còn liên quan đến nhiều yếu tố như: thời gian ủ bệnh, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân.
Theo Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Thành phố Hồ Chí Minh, việc phát hiện các trường hợp bị ung thư sớm là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ví dụ như đối với ung thư ruột già nếu được chẩn đoán tìm ra bệnh sớm thì đến 90% trường hợp là có thể chữa khỏi. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cho biết:
“Khi bệnh được phát hiện sớm qua các triệu chứng, thì điều trị bằng phương pháp mổ bây giờ rất tốt. Cắt bỏ cục ung thư đó, cắt như thế nào đó cho an toàn, rồi người ta nối ruột lại, nhiếu khi nó nằm ở vị trí mà người ta phải cắt bỏ cả phân nửa cái ruột, và thường cũng nối lại được.Và sau đó tập cho ruột quen lại, rồi nó cũng tốt thôi. Mổ xong người ta còn thử mấy cái hạch đi theo nữa, nếu thấy có di căn thì bác sĩ sẽ cho thuốc đặc trị, còn gọi là dùng hoá trị. Hiện nay có những loại thuốc hỗ trợ cho việc mổ rất tốt.”
Phòng tránh
Thực phẩm, hoa quả cũng đóng một vai trò quan trọng, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong mới đây đã thực hiện một nghiên cứu trên chuột và phát hiện rằng hợp chất lupeol có trong các loại trái cây như nho, xoài, dâu, và một số loại rau quả khác có thể tiêu diệt và ngăn chặn sự lan rộng các tế bào ung thư ở đầu và cổ một cách hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu này đưa đến kết luận ban đầu rằng, hợp chất lupeol từ hoa quả có khả năng chống ung thư, đặc biệt lupeol cho thấy tác dụng hữu hiệu khi được áp dụng kèm theo phương pháp hóa trị, và hầu như nó không gây tác dụng phụ. Theo các nhà khoa học hợp chất này có tác dụng ngăn chặn protein NFkB, vốn giúp tế bào ung thư tăng trưởng. Bên cạnh đó lupeol giúp bệnh nhân không bị giảm cân trầm trọng khi sử dụng phương pháp hoá trị.
Theo nhận định lạc quan của chuyên gia nghiên cứu Anthony Yuen, ngoài tác dụng đối với ung thư ở đầu và cổ, hợp chất lupeol trong trái cây cũng có thể giúp điều trị các chứng ung thư khác hiệu quả như: ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú vì nó có tác dụng ngăn chặn protein NFkB.
Những bệnh ung thư liên quan đến đầu và cổ như: ung thư ở mũi, cổ họng, miệng, tuyến nước bọt, tuyến giáp, thanh quản, … là các chứng ung thư khó phát hiện ở giai đoạn đầu, và việc giải phẩu để chữa trị cũng rất khó khăn nên tỉ lệ tử vong ở các bệnh ung thư này thường cao. Người Châu Á thường mắc các bệnh ung thư ở đầu và cổ hơn người Châu Âu. Và nguy cơ gây bệnh thường là do tập quán sinh hoạt như việc uống rượu, thói quen hút thuốc lá, tục ăn trầu, hay sử dụng các loại thực phẩm ướp muối để lâu như khô, mắm.
Bên cạnh đó, vận động cũng là một yếu tố quan trọng để phòng tránh ung thư. Các chuyên gia sức khoẻ đều đồng ý rằng, những ai thường xuyên hoạt động, rèn luyện thân thể sẽ ít mắc bệnh ung thư hơn so với những người không vận động. Trong một cuộc khảo sát tại Nhật Bản, do các chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Quốc gia tiến hành, thăm dò khảo sát trên 80.000 nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 74 tại 9 quận. Những người này được chia thành 4 nhóm dựa trên tỷ lệ hoạt động, bao gồm thời gian vận động đi lại, tập thể dục, và nghỉ ngơi.

Tiến sĩ Manami Inoue cho biết, nghiên cứu này quan sát hoạt động thể chất tổng thể diễn ra hằng ngày, chứ không chỉ tập trung vào những lần tập thể dục trong thời gian rảnh rỗi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thuộc nhóm năng động nhất thì giảm 13% nguy cơ bị ung thư so với nhóm ít vận động chân tay nhất. Phụ nữ nhanh nhẹn cũng giảm được 16% khả năng mắc các bệnh ung thư so với những ai lười vận động.
Ngoài ra, một số bệnh ung thư đã có thể được phòng tránh bằng phương pháp chủng ngừa. Hiện nay đã có một số loại vắc-xin giúp phòng tránh ung thư dạ dầy, ung thư gan, ung thư cổ tử cung… như vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B mà trong những bài trước đã nhắc tới. Đặc biệt cho nữ giới có vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung, mang tên Gardasil dùng cho nữ giới từ 9 đến 26 tuổi, với ba liều tiêm trong sáu tháng. Vắc-xin này có chức năng bảo vệ cơ thể người được tiêm khỏi virus gây u nhú (HPV), là tác nhân gây ra 70% ca ung thư cổ tử cung.
Theo WHO, ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư thường gặp thứ hai ở phụ nữ. Nếu không kịp thời ngăn chặn và chữa trị hiệu quả thì trong vòng 20 năm tới, trên toàn cầu sẽ có khoảng hơn 10 triệu phụ nữ chết vì chứng ung thư cổ tử cung. Các chuyên gia y tế cũng nhận định, rằng việc phát hiện sớm và tiêm phòng vắc-xin HPV sẽ giúp giảm nguy cơ của chứng bệnh hiểm nghèo này một cách đáng kể. Hiện trên thế giới đã có hơn 48 nước lưu hành, sử dụng rộng rãi Gardasil trong công tác phòng ngừa.
Việt Nam cũng đã áp dụng chương trình tiêm chủng HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Bác sĩ Huỳnh Thị Trong, Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa An Sinh cho biết:
“Mũi tiêm ngừa virus HPV đã bắt đầu được sử dụng từ hai năm nay rồi. Trong các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ có những thông tin hướng dẫn chích ngừa virus HPV, và tư vấn khi mẹ đến khám, nếu các chị có con gái tuổi còn nhỏ thì khuyên các chị nên cho bé đi chích ngừa. Còn đối với các phụ nữ trẻ trên 18 tuổi khi họ đi khám phụ khoa thì Bác sĩ cũng tư vấn nếu họ đồng ý thì sẽ chích ngừa HPV cho họ.”
Tại một cuộc hội thảo khoa học tổ chức ở Hà Nội vào cuối năm ngoái, các báo cáo tại hội nghị cho thấy, bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam gia tăng hàng năm, với hơn 5.300 ca bệnh mới mỗi năm, và trong số này gần phân nữa phụ nữ tử vong. Số liệu của ngành y tế cho hay, trung bình trong 100.000 người dân thì có 15 phụ nữ mắc chứng bệnh ung thư cổ tử cung, trong số này đến 70% bệnh nhân khi được các cơ quan y tế chẩn đoán mắc bệnh thì đã quá muộn.