Chương trình Sức khỏe và Đời sống kỳ này xin giới thiệu đến quý thính giả một số vị cao niên, và những bí quyết sống lâu của các cụ.
Thọ là một trong ba điều mong ước của một gia đình theo quan niệm Á Đông – Phước Lộc Thọ. Từ lâu trong phong tục của ngày Tết cổ truyền Việt Nam có việc đầu năm con cháu chúc ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi.
Ngày nay, với những tiến bộ trong khoa học, việc chăm sóc sức khỏe được tốt hơn, cộng với việc một số bệnh truyền nhiễm đã bị đẩy lùi, bên cạnh đó vấn đề dinh dưỡng cũng được chú trọng, trên thế giới số người sống lâu ngày càng tăng, không ít các cụ ông, cụ bà thọ ngoài 100 tuổi.
Sống hơn 100 tuổi
Chúng ta hãy nghe mẫu đối thoại của cụ bà Charlotte Gibson, 110 tuổi với Daisy Asquith, người thực hiện bộ phim tài liệu về sức khỏe và tuổi thọ mang tên “The World’s Oldest People.”
Quỳnh Như:Cụ có nghe được cháu không ạ.
Cụ Charlotte: Ừ, tôi đang nghe đây.
Quỳnh Như:Thưa cụ nghĩ sao khi thấy mình sống đến 110 tuổi, cụ có khuyên bảo gì không?
<b> </b> <i>Chẳng có bí quyết gì cả. Tôi nghĩ quan niệm sống của mình sẽ quyết định lối sống. <br/> </i>
Cụ Gracie
Cụ Charlotte: Không (cười). Tôi nghĩ sống như vậy là hơi nhiều đấy. Bây giờ có những cái tôi không thể làm được một mình.
Cụ Gibson qua đời năm 2007 ở Anh quốc, lúc ấy cụ được 110 tuổi và là người thứ nhì sống lâu nhất tại Vương quốc Anh.
Cụ bà thứ nhì được phỏng vấn là cụ Gracie, cũng sống tại nước Anh năm ấy cụ đã 105 tuổi. Bà Gracie chưa hề lập gia đình, đến tuổi đó cụ vẫn còn minh mẫn và luôn mang theo chiếc điện thọai di động bên mình khi đi ra ngòai ăn trưa. Cụ Gracie nói "tôi không phải bận tâm về ông chồng, có lẽ nhờ thế nên tôi sống lâu."
Quỳnh Như:Thưa, cụ có thể cho biết bí quyết sống lâu của cụ được không ạ.
Cụ Gracie: Chẳng có bí quyết gì cả. Tôi nghĩ quan niệm sống của mình sẽ quyết định lối sống. Và mãi cho tới năm nay bác sĩ của tôi mới bảo rằng, tôi đã để cho đầu óc mình lú lẫn, tôi bảo với ông ấy, đầu óc tôi không hề lú lẫn.
Quỳnh Như:Thưa, cụ có nghĩ rằng cụ đã trải qua một cuộc đời sung sướng không ạ.
Cụ Gracie: Ồ không. Tôi đã phải làm lụng rất vất vả. Có thể nói phần tốt đẹp nhất trong đời tôi là cuộc sống bây giờ, lúc này đây.
Ở tuổi 105, cụ bà Gracie vẫn còn rất khỏe mạnh, bà vẫn còn đi lại ra ngoài thoải mái, cụ sống riêng một mình trong căn hộ, và tự làm mọi việc.
Quỳnh Như:Thưa, cụ muốn sống đến bao lâu ạ?
Cụ Gracie: Sống đến bao lâu hả? Ồ, với tôi, ngày mai ra đi cũng chẳng sao, tôi không bận tâm đến điều này. Người ta cũng không thể sống quá lâu, thỉnh thoảng thì mới có vài trường hợp sống lâu như tôi. Đối với tôi việc sống lâu trở thành một gánh nặng cho bản thân, và hầu hết những người lớn tuổi đều nghĩ như vậy, đặc biệt khi họ qua tuổi bách niên.
Tránh rượu, thuốc lá

Trong Chương trình “Những người sống thọ nhất trên thế giới” có giới thiệu bà Marge 102 tuổi sống ở Tiểu bang California của Hoa kỳ, mặc dù đã ở tuổi bách niên, cụ vẫn tập thể dục hằng ngày, bà Marge nói:
“Tôi ghét hút thuốc lá và nhậu nhẹt. Tôi nghĩ chuyện đó chẳng có gì là thú vị cả mà sao người ta thích hút thuốc và uống rượu. Tôi chọn cách sống có vận động, chứ chẳng lẽ ngồi không cả ngày không vận động gì cả ư. Bao nhiêu người ở vào tuổi của tôi mà vẫn còn đi đứng khỏe mạnh được như tôi?
Mỗi sáng khi thức dậy không biết đôi chân có mang mình đi nổi không hay cơ thể có chịu cử động theo ý mình muốn hay không, vì thế tôi quyết định phải tiếp tục việc luyện tập thể dục – đi bộ và đạp xe. Bạn phải tập luyện để giữ cho cơ thể mình còn cử động, thói quen của chính mình quyết định đến 90%, còn lại 10% là do điều kiện sống bên ngoài. Bạn có biết điều đó hay không. Còn nữa, phải đánh răng mỗi ngày 3 lần, hàm răng thật của tôi vẫn còn đấy nhé.”
Bác sĩ Thomas Peris, chuyên gia nghiên cứu về Lão khoa của Trung tâm Y tế Sức khỏe Boston (Boston Medical Center), kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Lão khoa vùng New England của Hoa kỳ (New England Centenarian Study) cho biết tuổi thọ con người dựa vào nhiều yếu tố, 30% là do gene di truyền, nhưng đến 70% là tùy thuộc vào lối sống và thói quen chăm sóc sức khỏe.
Hồi lúc nhỏ tôi không hút thuốc lá, không uống rượu. Tôi chơi thể thao dữ lắm, đánh tennis, đá banh, thì tôi thấy lúc nhỏ nhờ chơi thể thao nên giờ có thể nói rằng sức khỏe của mình cũng khá hơn.
Cụ Huỳnh Thanh Hưng, Hoa Kỳ
Người Việt Nam, rất nhiều cụ có tuổi thọ cao và đầu óc còn rất minh mẫn. Cụ Huỳnh Thanh Hưng, cựu Chủ tịch Hội Cao niên của Tiểu Bang Virginia, và cũng là một trong những vị cao niên của vùng này. Bác hiệnsống một mình ở Arlington, Virginia, vì các con của bác ở xa. Bác Hưng nói:
“Tôi là Huỳnh Thanh Hưng, năm nay 93 tuổi. Bác thôi không còn làm Chủ tịch Hội Cao niên lâu rồi, đến 7, 8 năm nay lận. Hồi đó Bác làm Hội Trưởng Hội Cao niên đến 2 nhiệm kỳ hết 5 năm, bây giờ chỉ làm cố vấn cho Hội mà thôi. Bây giờ tôi vẫn còn hoạt động, ngoài việc làm cố vấn cho Hội Cao niên, làm cố vấn cho cộng đồng Việt Nam, rồi cũng còn làm cố vấn cho Nghị hội toàn quốc nữa. Làm cố vấn thì có những cái gì mình biết thì mình truyền lại hay có kinh nghiệm gì mình phổ biến lại cho anh em hội viên trẻ.”
Bác Hưng kể qua về thời khóa biểu trong một ngày của ông như sau:
“Sáng sớm tôi thức dậy chừng khoảng 6giờ, tập thể dục chút ít, rồi coi TV. Lúc này đang có giải bóng tròn thế giới, thành ra ngày nào tôi cũng xem TV hết, rồi đọc báo. Ăn thì cũng tương đối thôi chứ không cảm thấy ngon miệng cho lắm, ăn ít lắm, chỉ khoảng một chén cơm thôi, không ăn nhiều.”
Khi được hỏi, có điều gì làm ông cảm thấy vui nhất, bác Hưng bảo, vui nhất là có con về thăm, hay nói chuyện với con qua điện thoại. Ngoài ra, bác cũng thích đọc sách báo, và thú giải trí của bác là xem thể thao trên TV, nhất là xem bóng đá, vì bác rất thích thể thao, và hồi trẻ cũng chơi thể thao nhiều. Khi hỏi đến bí quyết sống lâu, bác Hưng khiêm tốn bảo rằng, chẳng có bí quyết gì hết, nhưng bác vẫn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình. Bác Hưng nói:
“Hồi lúc nhỏ tôi không hút thuốc lá, không uống rượu. Tôi chơi thể thao dữ lắm, đánh tennis, đá banh, thì tôi thấy lúc nhỏ nhờ chơi thể thao nên giờ có thể nói rằng sức khỏe của mình cũng khá hơn. Nhất là phải làm sao để luôn cảm thấy vui, đừng để buồn, để bị quẫn trí, hay bị depressed, vì những cái đó có thể làm cho bị bệnh đó. Thành ra cần phải tránh chuyện buồn hay bị khủng hoảng tinh thần. Tôi cũng mong với chút ít hiểu biết, kinh nghiệm, cũng nói ra để anh em có thể làm theo như vậy, cũng tốt lắm.”
Một vị cao niên khác là bác Năm Trung đang sống ở Việt Nam cũng dành cho phóng viên của Đài một cuộc nói chuyệt thật lý thú. Bác tự giới thiệu: "Tên tôi là Nguyễn Hữu Trung, tự Năm Trung, ở Ấp Bờ sau, xã Tân Luông, Huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, tôi sinh năm 1920, năm nay đúng 90 tuổi. Trước đây, tôi làm nghề rừng, khai thác lâm sản ấy mà, cực khổ lắm mới gầy dựng được sự nghiệp. Bây giờ thì không có làm gì nữa hết, chỉ đi chơi ở láng giềng, hoặc khi có đám tiệc gì đó, đi gần quanh nhà thôi, lâu lâu thì mới đi thăm mấy thằng nhỏ ở trên tỉnh.
Bác Năm Trung kể về sinh hoạt trong ngày của ông như sau:
“Tôi thức dậy khoảng 6 giờ rưỡi, rồi đi qua uống cà phê bên quán, cách chừng 250 thước. Tất cả mọi việc tôi tự làm hết, khỏi phải nhờ con cháu. Chừng 5, 10 năm nữa sẽ như thế nào thì chưa biết. Buổi tối giải trí, coi truyền hình, chương trình thời sự, tin tức. Thường thường tôi hay bình luận về vấn đề thời thế. Tôi còn minh mẫn lắm. Bây giờ thử hỏi, kể lại về cái thời chiến từ ngày Pháp thuộc, rồi tới Mỹ, tới giờ này tôi còn nhớ hết mà, hỏng có quên đâu.”
Tránh stress

Một trong những kẻ thù số một đối với sức khỏe là stress, Bác sĩ Kelly Morton, chuyên gia nghiên cứu về Ảnh hưởng của Tôn giáo đối với Sức khỏe ở Anh quốc nhận định:
“Tác hại của stress tích tụ trong toàn bộ chiều dài cuộc đời của mỗi người, nên mỗi ảnh hưởng của stress có tác động lên toàn bộ các bộ phận trong cơ thể chúng ta, những tác động này thoạt đầu thì không thấy có biểu hiện gì nhưng các bộ phận của cơ thể sẽ chịu tác động xấu này tích tụ dần dần ngày một.”
Chương trình phim tài liệu về Người Cao Tuổi do BBC Horizon thực hiện, giới thiệu công trình nghiên cứu của hai anh em Bác sĩ Bradley Willcox về cuộc sống của các lão niên trên đảo Okinawa. Hòn đảo nhỏ này của Xứ Phù Tang được mệnh danh là nơi sinh sống của cộng đồng cao tuổi nhất thế giới. Bác sĩ Bradley Willcox giải thích lý do người dân ở đảo này sống lâu, sống khỏe. Ông nói:
“Có lẽ người dân trên đảo Okinawa này tiêu thụ một lượng đậu nành vào loại nhiều nhất so với các nơi khác trên thế giới, họ ăn đậu phụ và sử dụng nhiều thực phẩm làm từ đậu nành. Chúng tôi tin rằng điều này góp một phần không nhỏ trong việc hạ giảm tỉ lệ mắc các bệnh ung thư. Chúng tôi cũng ngạc nhiên về những số liệu nghiên cứu sức khỏe của các lão niên ở đây. Nếu dân ở các nứơc phương Tây cũng sống như những người dân của đảo này thì chắc có lẽ phải có đến 80% các bệnh viện chữa trị các chứng ung thư phải đóng cửa, vì tỉ lệ các bệnh ung thư giảm đến 1/3. Đơn giản là các cụ rất khỏe mạnh.”
Tác hại của stress tích tụ trong toàn bộ chiều dài cuộc đời của mỗi người, nên mỗi ảnh hưởng của stress có tác động lên toàn bộ các bộ phận trong cơ thể chúng ta và tích tụ dần dần từng ngày một.
Bác sĩ Kelly Morton
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tuổi thọ con người có xu hướng ngày càng tăng, 98% đối với nam giới và 96% đối với phụ nữ. Các nhà khoa học dự đoán rằng, tuổi thọ của con người sẽ đạt 100 tuổi trong vòng 60 năm tới, nếu xu hướng cứ tiếp tục như hiện nay, chủ yếu nhờ vào hoạt động chăm sóc sức khỏe được cải tiến khá nhiều.
Theo tổ chức nghiên cứu Lão khoa Thế giới, Trung quốc có khoảng 5 triệu người ở vào độ tuổi 80 trở lên. Tại Việt Nam tính đến cuối năm 2007 đã có khoảng 9,600 cụ thọ 100 tuổi trở lên. Điều đáng mừng là sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam được cải thiện rõ rệt, với khoảng 90% số người cao tuổi có sức khỏe từ trung bình trở lên.