Các bệnh thường gặp hơn cả là tiêu chảy cấp, sốt phát ban, sốt do nhiễm virus, sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi. Cũng có những bệnh nặng như viêm não.
Chương trình Sức khỏe và Đời sống kỳ này xin cung cấp một số thông tin về vài bệnh mà trẻ em thường mắc trong mùa nóng, để các bậc cha mẹ có thể tham khảo mà biết cách phòng tránh và chăm sóc con em khi cần.
Thận trọng khi trẻ sốt
Ở các xứ nhiệt đới như Việt Nam, mùa nóng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn sinh sôi nẩy nở một cách nhanh chóng. Trẻ em dễ bị các loại virus, vi khuẩn xâm nhập, tấn công vì khả năng đề kháng của cơ thể còn yếu. Biểu hiện đầu tiên khi trẻ bệnh là nhiệt độ cơ thể tăng.
Khi trẻ mới bị sốt chưa có biểu hiện bệnh nào rõ ràng thì cần theo dõi kỹ để phân biệt với các bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, hay sốt do bệnh Tay-Chân-Miệng gây ra.
Thật ra, sốt tự nó không phải là một bệnh, mà chỉ là phản ứng đề kháng của cơ thể đối với sự tấn công từ bên ngoài. Vào mùa hè, phản ứng sốt của trẻ còn có thể do thời tiết gây nên. Vì vậy cha mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ thông qua cặp nhiệt độ, để có những xử trí đúng và kịp thời, đặc biệt khi thân nhiệt trẻ trên 40 độ C là sốt ác tính.
Cách xử trí đầu tiên đối với trẻ bị sốt là nên cho trẻ nằm nơi thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo, cho trẻ uống thêm nhiều nước, nếu trẻ sơ sinh thì cho bú mẹ tăng lên, đặc biệt về ban đêm. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trẻ trên 38 độ C, và phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Khi tiết trời nóng bức, trẻ bị sốt cha mẹ cần đặc biệt lưu ý vì sốt là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, trong đó sốt do nhiễm virut và sốt phát ban là những biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ. Mặc dầu sốt virut không có biến chứng, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ nhưng cần quan tâm chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, và tránh để trẻ sốt cao dẫn đến co giật có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nhiễm virut có thể khiến trẻ sốt cao trên 39 độ C.
Bé biếng ăn, nằm li bì, có khi co giật. Để hạ nhiệt cho trẻ, trước hết nên lau người cho bé với khăn thấm nước ấm, thấp hơn thân nhiệt của trẻ chừng 2 độ C, nếu không bớt thì dùng viên giảm sốt để hạ nhiệt. Điều đáng lưu ý là không nên cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh trong những trường hợp này.
Đối với bệnh Sốt phát ban, khi trẻ mắc bệnh này, dấu hiệu đầu tiên là bé sốt, ho, sổ mũi và xuất hiện ban đỏ lúc đầu ở mặt, sau lan dần xuống bụng, rồi chân tay. Cần lưu ý là các chấm đỏ nổi lên do sốt phát ban mịn như cám, màu đỏ, tuyệt đối không có các chấm ban màu trắng trong niêm mạc miệng. Ban đỏ thường lặn sau 3 ngày, nhưng có khả năng mọc lại đến vài lần nữa. Nếu do phát ban, thường trẻ không sốt cao, không co giật. Tuy nhiên, cũng chính vì những dấu hiệu “nhẹ nhàng” như thế, nên các bậc cha mẹ dễ chủ quan và thường nhận biết muộn, khiến dễ dẫn tới biến chứng.
Khi trẻ mới bị sốt chưa có biểu hiện bệnh nào rõ ràng thì cần theo dõi kỹ để phân biệt với các bệnh nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, hay sốt do bệnh Tay-Chân-Miệng gây ra. Những bệnh này đã được giới thiệu trong những chương trình kỳ trước.
Thạc sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Chi, tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nói về một số bệnh hay gặp ở trẻ em trong mùa nóng như sau:
"Mùa nóng trẻ thường hay uống nước đá, hay ăn quà vặt ngoài đường, nên trẻ dễ mắc bệnh đường ruột nhất. thứ hai là bệnh sốt xuất huyết, bệnh này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Hay lúc thời tiết trời chuyển mùa thì có thể là bệnh viêm đường hô hấp. Những thay đổi của cơ thể khiến sức đề kháng giảm thì các loại vi khuẩn hay siêu vi môi trường xâm nhập làm các bé bị viêm mũi họng."

Thật vậy, bệnh Tiêu chảy cấp vẫn còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ do cơ thể mất nước và điện giải. Ngoài ra, tiêu chảy cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng. Khi trẻ đi tiêu phân lỏng trên 3 lần trong ngày là xem như trẻ đã bị bệnh tiêu chảy. Vào mùa nắng nóng, trẻ thường bị tiêu chảy do vi khuẩn (như E.Coli) hoặc do virus. Hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở một số địa phương khác đang có dịch tiêu chảy cấp với phẩy khuẩn tả ở người lớn, nên lại càng cần phải đề phòng cho trẻ không bị nhiễm bệnh.
Khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là cho con uống nước Oresol, không nên bắt trẻ phải nhịn ăn, nếu trẻ đang trong thời kỳ bú nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Khi trẻ khỏi nên cho trẻ ăn tăng bữa để trẻ lấy lại được sự cân bằng nhanh chóng. Không được cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào nếu như không được bác sĩ chỉ định.
Để phòng bệnh tiêu chảy đối với trẻ sơ sinh, nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu để trẻ hấp thu các kháng thể, các loại vitamin, và các loại nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, đồng, acid folic...
Điểm quan trọng hơn cả là khi chế biến thức ăn cho trẻ, phải bảo đảm vệ sinh.
Các bệnh truyền nhiễm
Các bệnh liên quan đến hô hấp cũng thường gặp ở trẻ em trong mùa nóng. Bệnh Viêm phế quản cấp cũng có dấu hiệu sốt nhẹ, nhưng ho là triệu chứng chủ yếu thường gặp; lúc đầu trẻ bị ho khan, ho từng cơn và thường ho vào ban đêm. Ở các trẻ lớn có thể cảm thấy đau ngực. Bệnh viêm phế quản cấp là bệnh nhẹ nhưng trẻ em hay mắc phải. Đa số bệnh này khỏi sau một tuần, nhưng bệnh có thể tái phát nhiều lần, và có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa.
Đối với trẻ nhỏ mắc bệnh viêm phế quản cấp vẫn tiếp tục cho bú mẹ, bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn trớ do trẻ ho, bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn, tốt nhất là cho uống Oresol. Để bảo đảm chế độ dinh dưỡng, các bà mẹ duy trì chế độ ăn có nhiều vitamin, muối khoáng, ăn nhiều hoa quả, cho trẻ ăn tăng cường nếu trẻ trong thời kỳ ăn dặm, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát...
Những thay đổi của cơ thể khiến sức đề kháng giảm thì các loại vi khuẩn hay siêu vi môi trường xâm nhập làm các bé bị viêm mũi họng.
TS-BS Nguyễn Thị Mỹ Chi
Trong khi trẻ bị viêm phế quản cấp, không nên có người hút thuốc lá trong nhà, và cũng tránh cho trẻ ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác khiến bệnh sẽ nặng hơn. Bên cạnh đó vệ sinh mũi hằng ngày cho trẻ là việc làm cần thiết nếu trẻ bị viêm đường hô hấp trên.
Nguy hiểm hơn cả là bệnh Viêm não do virus. Đây là tình trạng viêm cấp tính ở não và tủy sống. Bệnh này có thể do nhiều loại virus gây ra, và sự tiến triển cũng như về mức độ nặng nhẹ cũng khác nhau. Có trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh Viêm não do virus mà không thấy có triệu chứng gì rõ rệt. Ở mức độ trung bình, bệnh nhân bị sốt, cảm thấy đau đầu; trường hợp nặng thì ngòai đau đầu, còn bị sốt cao, hôn mê và có thể dẫn tới liệt. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với người mắc bệnh này, nên biện pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tích cực cho người bệnh.
Bệnh ngoài da
Ngoài những bệnh truyền nhiễm, các bệnh ngoài da ở trẻ như rôm sảy cũng thường gặp trong mùa nóng. Đây chỉ là bệnh ngoài da không gây nguy hiểm, nhưng dễ xảy ra và làm trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Rôm sảy là các mụn nước màu hồng nổi trên lưng, đầu, trán, ngực. Nếu trẻ gãi thì vùng nổi rôm thường bị nhiễm trùng gây chốc lở hay nổi nhọt.
Khi trẻ bị rôm sảy nên cho uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi. Theo dân gian, một số bà mẹ nấu nước với trái khổ qua để tắm cho bé. Cắt ngắn móng tay của trẻ để ngăn ngừa bé gãi gây nhiễm trùng da. Chổ da bị trầy thì bôi thuốc sát trùng. Nên tắm rửa, giữ vệ sinh thân thể bé sạch sẽ để phòng tránh rôm sảy. Cho trẻ mặc quần áo thóang mát và xoa phấn rôm lên da.

Một số gia đình hay dùng các loại thảo dược để chữa trị chứng ho và hạ sốt cho trẻ. Lương Y-Bác sĩ Phó Đức Thảo, nguyên cán bộ Viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, không phải mọi loại thảo dược đều lành tính và muốn dùng chúng như thế nào cũng được. Thảo dược nếu dùng không đúng loại, hay không đúng cách sẽ có những tác dụng không tốt đối với cơ thể, và nhất là đối với trẻ em.
Ngoài ra, vấn đề phòng bệnh hơn chữa bệnh, đối với một số bệnh đã có vắc-xin phòng ngừa thì các vị phụ huynh nên lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng. Tiến sĩ-Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên chung cho các bà mẹ để đề phòng các bệnh trong mùa nắng; nên cho trẻ uống nhiều nước, mặc thóang mát, không để trẻ phơi nắng nhiều, ra nắng lâu nên cho trẻ đội mũ.
Các bà mẹ hằng ngày làm vệ sinh thân thể các cháu sạch sẽ. Nguồn thực phẩm dinh dưỡng cần được chú ý đặc biệt đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, rửa tay chân thật sạch trước và sau khi ăn. Để ngăn ngừa muỗi đốt, thường xuyên ngủ mùng cả ngày lẫn đêm. Không để có nước đọng trong nhà, và nếu có nhiều muỗi quanh nhà nên dùng thêm nhang xua muỗi.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.