Siêu âm chẩn đoán trong y khoa

Siêu âm là một phương tiện chẩn đoán y khoa được áp dụng rộng rãi từ khoảng 40 năm trước, nó đã tạo nên một cuộc cách mạng trong y học và trở thành một công cụ không thể thiếu trong chẩn đoán y khoa ngày nay.

0:00 / 0:00

Tại Việt nam, siêu âm sản khoa được bắt đầu ứng dụng trên lâm sàng vào những năm đầu của thập niên 1990, và nhanh chóng trở nên thông dụng như một phương tiện hàng đầu để chẩn đoán các bệnh nội khoa nói chung và sản khoa nói riêng.

Trong Chương trình Sức khỏe & Đời sống hôm nay Quỳnh Như xin gởi đến quý vị những thông tin liên quan đến phương pháp siêu âm trong chẩn đoán y khoa.

Chi phí vừa phải

Thưa quý vị, siêu âm được tạo ra do sự rung cơ học những âm thanh với tần số rất cao, từ 1 đến 12 Mega Hertz (MHz), mà 1 MHz tương đương với một triệu xung động trong một giây. Tốc độ sóng siêu âm được lan truyền trong môi trường vật chất phụ thuộc vào sự đàn hồi của môi trường. Sóng siêu âm qua môi trường thuần nhất sẽ đi thẳng, nhưng khi qua tiếp giáp với hai môi trường có mật độ khác nhau thì sinh ra hiện tượng phản xạ, khúc xạ và hấp thu. Hiện tượng này được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh qua việc thể hiện trên màn ảnh hoặc chụp ghi hình.

Đối với một người bình thường không phải là một phụ nữ đang mang thai thì siêu âm nói chung là một phương tiện khá thoải mái, bởi vì nó rẻ tiền.

BS Phùng Ngọc Thư

Tùy theo sóng âm phản xạ trên màn hình nhiều hay ít mà cho các hình ảnh khác nhau. Ví dụ một khối u đặc thì cho sóng giàu âm, có hình sáng; khối u có chất dịch, kén hoặc hơi, hay tổ chức xương sẽ cho phản xạ trở lại ít thì cho hình ảnh nghèo âm, có hình tối. Dựa trên nguyên lý này, siêu âm được ứng dụng vào việc chẩn đoán thai sản và các bệnh nội khoa liên quan đến tim, dạ dầy, ruột, mật, thận-tiết niệu…

Bác sĩ Phùng Ngọc Thư, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh thuộc Bệnh viện Phụ sản quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định về việc siêu âm chẩn đoán trong Y khoa như sau:

“Đối với một người bình thường không phải là một phụ nữ đang mang thai thì siêu âm nói chung là một phương tiện khá thoải mái, bởi vì nó rẻ tiền. Ví dụ như đối với X-quang, bệnh nhân có thể bị nhiễm tia sau mỗi lần chụp, cho nên khi nào chỉ định thì bác sĩ mới cho bệnh nhân đi chụp X-quang. Còn với siêu âm thì khác bệnh nhân sẽ không bị ảnh hưởng bởi tia hay bởi thứ gì hết vì bản chất của nó là sóng cho nên khi vô người thì cho đến bây giờ khoa học vẫn chưa tìm thấy một tác hại nào của siêu âm trên cơ thể con người hết. Nếu có chỉ định siêu âm thì Bác sĩ cho đi nhưng nếu bệnh nhân tự cảm thấy có một cái gì đó bất thường, ví dụ như thấy đau bụng hay thấy có nổi một cái gì đó ở cổ hay ở đâu đó chẳng hạn, thì có thể đến một phòng siêu âm uy tín để được làm siêu âm.”

Theo Bác sĩ chuyên gia Chẩn đoán Hình ảnh này thì, siêu âm có thể giúp tìm ra các căn bệnh trong các bộ phận của cơ thể, kể cả việc phát hiện những bất thường đối với thai nhi. Tuy nhiên đối với từng loại bệnh lý sẽ có những phương cách khác nhau. Bác sĩ Phùng Ngọc Thư cho biết:

“Tùy theo loại bệnh, không thể nào có một mẫu số chung cho tất cả các loại bệnh được. Ví dụ như đối với một bệnh nhân đến khám tổng quát, thì siêu âm có tác dụng là nó có thể thấy được các khối u trong bụng, xem được hình thái của một số mạch máu chẳng hạn. Đương nhiên, về chức năng hoặc hoạt động của khối u thì siêu âm không hiển thị được. Nhưng nói chung có thể phát hiện được những bất thường về hình thái trong bụng. Hoặc đối với thai nhi thì phát hiện những bất thường về hình thái của thai nhi. Tỉ lệ phát hiện là trên 80%.”

DSC03277-250.jpg
Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn. RFA PHOTO.

Điểm qua một số bệnh mà siêu âm là phương tiện phổ biến và tối ưu giúp phát hiện bệnh, theo Tiến sĩ Y khoa Tạ Mạnh Cường, Viện Tim Mạch Việt Nam, siêu âm tim là một phương pháp được lựa chọn để đánh giá hầu hết các bệnh màng ngoài tim. Nó có thể cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng những thông tin quan trọng về khối lượng dịch, tác động của dịch màng ngoài tim đối với hệ thống tuần hoàn.

Một số bệnh khác liên quan đến túi mật như dày thành túi mật, lắng cặn trong túi mật, sỏi túi mật, tắt nghẽn ống túi mật, viêm túi mật mãn tính, viêm túi mật cấp tính, thủng túi mật, u túi mật, ung thư túi mật, hoặc những bất thường trong túi mật, siêu âm cũng là một trong những phương thức để chẩn đoán bệnh chính xác.

Siêu âm cũng có giá trị cao trong chẩn đoán các bệnh lý khu trú ở thận như: nang thận, sỏi thận, áp xe thận, thận ứ nước. Mặc dù siêu âm cho kết quả rất mơ hồ trong các bệnh lý thận lan toả như: hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn. Tuy nhiên, khi các bệnh này đã tiến triển tới giai đoạn suy thận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kích thước thận, thì siêu âm lại cho kết quả rõ ràng vì hình ảnh thận sẽ nhỏ hơn bình thường.

Tương tự, việc siêu âm trong chẩn đoán bệnh lý tiền liệt tuyến, hình ảnh tuyến tiền liệt qua siêu âm được trông rõ, nếu bất thường thì kích thước sẽ to hơn bình thường, hoặc có trường hợp bị vôi hóa, hoặc có nang.

Không gây hại

Khoa học vẫn chưa tìm thấy một tác hại nào của siêu âm trên cơ thể con người, đối với phụ nữ có thai cũng vậy, siêu âm cũng không có hại gì cho thai nhi cả.

BS Phùng Ngọc Thư

Nhiều người vẫn lo ngại việc siêu âm thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, Bác sĩ Ngọc Thư giải thích:

“Cho đến bây giờ khoa học vẫn chưa tìm thấy một tác hại nào của siêu âm trên cơ thể con người. Đối với phụ nữ có thai cũng vậy, đến bây giờ khoa học cũng nói siêu âm không có hại gì cho thai nhi cả. Tuy nhiên người ta nói bà bầu thì không nên đi siêu âm nhiều lý do là sức khỏe của bệnh nhân, và về vấn đề tài chính. Nếu không thấy có vấn đề gì mà siêu âm nhiều thì chỉ tốn tiền mà không mang lại lợi ích gì thêm. Còn nếu đã lỡ đi siêu âm nhiều lần rồi thì cứ yên tâm vẫn không có sao hết. Còn đối với một người bình thường, lịch khám sức khỏe tổng quát bình thường 6 tháng một lần, thì 6 tháng mình siêu âm một lần luôn. Nếu bác sĩ thấy có vấn đề gì nghi ngờ thì có thể hẹn một hoặc hai tuần sau siêu âm, thì cứ việc đi siêu âm không có hại gì hết.”

Có nhiều kiểu siêu âm được áp dụng trong chẩn đoán y khoa, trước tiên là siêu âm kiểu A. Đây là lối siêu âm cổ điển nhất, ngày nay phương pháp này chỉ còn sử dụng trong phạm vi hẹp, như trong chuyên khoa mắt với mục đích đo khoảng cách, vì nó rất chính xác trong chức năng này.

Siêu âm kiểu 2D, hay còn gọi là siêu âm hai chiều, là một cuộc cách mạng trong ngành siêu âm chẩn đoán, và hiện đang được sử dụng phổ biến nhất trong tất cả các chuyên khoa. Phương pháp này cho phép nhìn được các cấu trúc bên trong của cơ thể và sự vận động của chúng, chính vì vậy nó đã mở ra thời kỳ ứng dụng rộng rãi của siêu âm trên lâm sàng.

Siêu âm kiểu TM (Time motion) được ứng dụng để đo đạc các thông số siêu âm về khoảng cách, biên độ vận động, thời gian vận động đối với những cấu trúc có chuyển động mà đôi khi trên siêu âm 2D gặp nhiều khó khăn. Phương pháp này được sử dụng nhiều trong siêu âm tim mạch.

Siêu âm Doppler cũng là một tiến bộ lớn trong siêu âm chẩn đoán vì nó cung cấp thêm những thông tin về huyết động, làm phong phú thêm giá trị của siêu âm trong thực hành lâm sàng, đặc biệt đối với siêu âm tim mạch.

Siêu âm kiểu 3D đã được đưa vào sử dụng trong những năm gần đây ở một số lĩnh vực, chủ yếu là sản khoa. Ngày nay một số máy siêu âm thế hệ mới đã có siêu âm 3 chiều cho cả tim mạch. Tuy nhiên việc ứng dụng còn hạn chế do kỹ thuật tương đối phức tạp và đặc biệt là giá thành cao.

000_HKG2004012882254-250.jpg
Các bác sĩ sử dụng siêu âm để kiểm tra phụ nữ mang thai tại Hà Nội. AFP PHOTO.

Đề cập đến những thời điểm cần thiết các sản phụ nên đi siêu âm, theo Thạc sĩ-Bác sĩ Hà Tố Nguyên, Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh – Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ phát hiện dị tật ở thai nhi trên siêu âm sản phụ là trên 80 đến 90%. Nhưng điều quan trọng nhất, sản phụ phải đi khám thai đều đặn và siêu âm đúng thời điểm, tuần thứ 12 và 22.

Sản phụ đi siêu âm lúc 12 tuần thai, các bác sĩ sẽ đo độ mờ da gáy để tầm soát hội chứng Down. Đây cũng là thời điểm có thể xác định tuổi thai chính xác nhất. Siêu âm cũng vô cùng quan trọng trong giai đoạn thứ 2, là lúc thai được 22 tuần. Các bác sĩ sẽ khảo sát hình thái học của em bé để phát hiện nếu có những bất thường trong cấu trúc cơ thể thai nhi hay các dị tật bẩm sinh.

Bác sĩ Phùng Ngọc Thư cũng đưa ra những lời khuyên về những vấn đề cần biết đối với siêu âm:

“Nếu như sức khỏe bình thường, không có vấn đề gì thì cứ đi khám tổng quát ở một bác sĩ lâm sàng. Khi đó nếu thấy có vấn đề gì, và cần chỉ định thêm xét nghiệm nào – làm siêu âm hay X-quang thì chính bác sĩ đó sẽ chỉ định. Còn nếu mình thấy không có vấn đề gì về sức khỏe thì đừng tự động đi siêu âm. Vì nếu siêu âm không có định hướng, thì chính người bác sĩ siêu âm cũng chỉ siêu âm tổng quát mà thôi. Nó sẽ không đem lại hiệu quả cao bằng có sự hợp tác của một bác sĩ lâm sàng để định hướng người siêu âm phải tìm cái gì trên mỗi bệnh nhân. Lấy ví dụ như, một người đi khám tổng quát, thì bác sĩ siêu âm sẽ siêu âm theo một cách khác. Còn đối với một người đã có viêm gan B từ trước, thì người bác sĩ lâm sàng theo dõi sức khỏe cho mình sẽ ghi chú những điều cần theo dõi và hướng người bác sĩ siêu âm phải tìm những biến chứng của viêm gan B. Ví dụ như xơ gan, hoặc tìm những nốt nhỏ trên gan có thể là biểu hiện của ung thư gan. Những cái đó nếu không có sự định hướng của bác sĩ lâm sàng ngay từ đầu thì bác sĩ siêu âm có thể làm sót, bỏ sót cho bệnh nhân. Tóm lại, nên siêu âm dưới sự chỉ định của một bác sĩ lâm sàng thì tốt hơn.”

Tuy nhiên tất cả những vấn đề về siêu âm chẩn đoán không chỉ đòi hỏi máy móc và trang thiết bị hiện đại, mà người làm siêu âm cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Các bác sĩ siêu âm phải nắm được kỹ thuật thì mới chẩn đoán đúng những vấn đề liên quan đến bệnh lý. Người ta càng ngày càng tìm ra được những ưu việt của siêu âm ba chiều – bốn chiều, nhưng đó là kỹ thuật cao mà không phải người nào cũng có thể lĩnh hội hết được. Ấy là chưa kể đến khả năng của người đọc siêu âm cũng góp phần quan trọng.

Chương trình Sức khỏe và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã theo dõi. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.

Theo dòng thời sự: