Làm sao để chiến thắng bệnh tật?

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống kỳ này nói về một chứng bệnh khá xa lạ với nhiều người, đó là bệnh Đa Xơ cứng, tiếng Anh là Multiple Sclerosis.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.11.04
001_GR199876-305.jpg Bệnh đa xơ cứng tấn công hệ thần kinh trung ương
AFP

Triệu chứng mệt mỏi

Một phụ nữ Mỹ có tên Shelley Peterman Schwarz mắc phải chứng bệnh Đa Xơ cứng khi bà mới 32 tuổi. Lúc ấy bà đã có hai con và đi dạy tại một trường trung học. Bà kể lại cảm nhận của bà lúc ấy:

“Tôi không thấy đau đớn gì cả nhưng có điều tôi không thể cử động gì được cả. Có nhiều người thì thấy đau. Mỗi trường hợp mỗi khác nhau, bạn không thể lường được. Nói chung những người mắc bệnh này đều cảm thấy rất mệt mỏi, gần như cả cơ thể rũ liệt, không còn sinh lực để cử động nữa. Giống như người ốm liệt giường, phải có người đỡ dậy, thậm chí không thể tự đi vệ sinh.

Mệt đến mức như vậy đó, không phải lúc nào cũng mệt như vậy, nhưng thường xuyên ở trạng thái đó. Tùy theo sự tiến triển của bệnh trạng. Đôi khi bệnh tiến triển chậm, người bệnh không cảm thấy có gì khác trong vòng cả năm, thậm chí đến hai, ba năm, nhưng rồi đột nhiên bệnh nhân cảm thấy vô cùng mệt mỏi"

Bà Schwarz nói thêm:

"Khi thời tiết bên ngoài nóng, nếu người bệnh ra ngoài, cơ thể họ sẽ nóng lên và họ cảm thấy rất mệt và yếu. Điều này làm tôi nghĩ đến khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam. Nếu như những người lớn tuổi mệt mỏi thì điều đó cũng tự nhiên thôi. Nhưng nếu đối với người còn trẻ, tuổi chỉ khoảng 30 mà họ cảm thấy mệt đến mức không đi nổi, và phải có người giúp khi trời nóng thì có thể nghĩ đó là triệu chứng của bệnh Đa xơ cứng.”

Nói chung những người mắc bệnh này đều cảm thấy rất mệt mỏi, gần như cả cơ thể rũ liệt, không còn sinh lực để cử động nữa.

Bà Schwarz

Căn bệnh hiểm nghèo Đa xơ cứng còn được gọi là Xơ cứng lan toả, là một căn bệnh có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, nó tấn công não bộ và tủy sống, kết hợp với việc hình thành sẹo trên lớp phủ ngoàii của các tế bào thần kinh. Tình trạng này dẫn đến việc làm chậm hoặc tắc đường truyền xung nhịp thần kinh ở vùng bị ảnh hưởng.

Thế nhưng đâu là nguyên nhân của căn bệnh quái ác này. Cho đến nay khoa học vẫn chưa thể xác định một cách chính xác đâu là nguyên nhân gây ra căn bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định cho rằng: căn bệnh này được gây ra bởi sự viêm nhiễm thâm nhập vào cơ thể từ chất Myelin được tìm thấy quanh các tế bào trong hệ thần kinh. Chất này có trách nhiệm truyền dẫn tín hiệu trên các tế bào thần kinh trung ương.

Căn bệnh này hiện nay ảnh hưởng tới khoảng 2 triệu rưỡi người trên thế giới. Bệnh thường xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 50 và cơ hội mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 3 lần so với nam giới. Tỷ lệ mắc phải căn bệnh này ở khu vực Bắc Âu, Bắc Mỹ, Australia, và New Zealand cao hơn so với các vùng khác trên thế giới.

shelley-peterman-schwarz.jpg
Bà Shelley Peterman Schwarz. Hình do bà cung cấp
Bà Shelley Peterman Schwarz. Hình do bà cung cấp
Nói về các triệu chứng của bệnh Đa xơ cứng, bao gồm suy yếu, liệt, hoặc run rẩy ở một hoặc nhiều chi, co thắt cơ, cử động khác thường, tê liệt, tê buốt, đau đớn, mất thị lực, mất khả năng phối hợp động tác và cân bằng tư thế, mất trí nhớ hoặc không có khả năng phán đoán và thường hay mệt mỏi. Người bệnh có thể lên cơn sốt. Bệnh trở nên trầm trọng hơn khi tắm nước nóng, ra ngoài ánh nắng hoặc bị căng thẳng.

Khi mắc căn bệnh này, hầu hết các bệnh nhân không phải nằm liệt một chỗ, nhưng chắc chắn rằng cuộc sống hằng ngày của người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều vì các bắp thịt của họ như bị kéo căng ra, tay chân trở nên co cứng lại. Thật không dễ để có thể chẩn đoán căn bệnh này ngay trong giai đoạn đầu vì các triệu chứng của nó có thể không nghiêm trọng hay rõ ràng, và cũng dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của đột quỵ hay những căn bệnh về rối loạn cảm xúc.

Trường hợp của bà Shelly Schwarz, thoạt đầu bà hay đột ngột cảm thấy mệt lả người, sau đó bà phát hiện mình không thể sử dụng cái thìa, cái nĩa bình thường trên bàn ăn. Mặc dù mang căn bệnh hiểm nghèo này, bà không đầu hàng số phận. Bà vẫn làm nhiệm vụ của một người mẹ, người nội trợ. Đồng thời bà viết sách để chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những lời khuyên cho những người vướng phải các căn bệnh hiểm nghèo như: bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson (bệnh liệt rung), bệnh thấp khớp, bệnh mất trí nhớ, hoặc những người tàn tật.

Vấn đề tâm lý rất quan trọng

Ngoài ra bà cũng tổ chức một công ty làm tư vấn cho những người không may mắc bệnh tật. Bà nói về mục đích của công việc đó như sau:

“Chúng tôi muốn cho những người có bệnh tật biết các nguồn thông tin, và những nơi có thể giúp họ, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự đồng cảm. Đúng là tình trạng bệnh tật rất khó khăn vất vả và dễ chán nản. Nhưng bệnh nhân có thể làm cho tinh thần được phấn chấn hơn, để có thể vui vẻ yêu đời trở lại. Và chúng tôi nói cho họ biết những điều mà họ có thể làm được để cuộc sống trở nên tốt hơn, mặc dù vẫn mang bệnh tật hiểm nghèo.”

Bà Shelley Schwarz kể lại kinh nghiệm của bà khi phát hiện là mang chứng bệnh Đa Xơ cứng, không còn khả năng làm việc như lúc bình thường trước đây :

“Tôi phải tìm ra những phương cách mới để giữ cho mọi sinh hoạt gia đình được bình thường vì tôi còn là mẹ của hai cháu bé, lúc ấy con gái tôi mới lên 5 vàcon trai thì chỉ mới 3 tuổi. Tôi muốn được chăm sóc con cái và quán xuyến việc nội trợ. Và tôi đã tìm ra những phương cách phù hợp mới. Thế là tôi bắt đầu viết lại những kinh nghiệm này và chẳng bao lâu những điều này được tổng hợp lại, không chỉ là những ý kiến rời rạc.

Không lâu sau đó tôi bắt đầu viết cho các báo và tạp chí, nói về những kinh nghiệm đã giúp tôi vượt qua những khó khăn để giữ được những sinh hoạt trong gia đình. Sau đó thì những bài viết của tôi được tập họp lại và in thành sách. Hiện nay thì tất cả mọi người trên thế giới đều có thể tìm đọc được, nếu họ biết tiếng Anh.”      

Hiện vẫn chưa có phương thức chữa trị bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, có những liệu pháp mới mang đến nhiều hứa hẹn cho người bệnh vì nó có thể giảm mức độ trầm trọng và làm chậm diễn tiến của bệnh.

sen-250.jpg
Hoa sen. RFA photo
Hoa sen. RFA photo
Ngoài ra, những liệu pháp vật lý, tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng vì có thể giúp làm giảm tâm lý chán nản, cải thiện quan điểm của người bệnh. Bên cạnh đó việc tối đa hóa chức năng và nâng cao những kỹ năng đối phó cũng vô cùng hữu ích. Do vậy, một chương trình tập luyện được lên kế hoạch cụ thể ngay từ khi mắc bệnh Đa Xơ cứng sẽ giúp duy trì được sự trương lực cơ. Đồng thời người bệnh cần cố gắng tránh tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm về thể chất, và những cực đoan về nhiệt độ, để giảm bớt những yếu tố làm xuất hiện các đợt Đa Xơ cứng.

Cũng theo bà Schwarz, điều quan trọng là các bệnh nhân mắc những căn bệnh hiểm nghèo kinh niên như bệnh Đa Xơ cứng này hay những người tàn tật vĩnh viễn cần phải nhận thức rằng, cho dù đã làm theo những lời khuyên của bác sĩ, họ vẫn không thể hoàn toàn có thể kiểm soát được mọi hoạt động của họ như trước. Đây là vấn đề khó khăn nhất về mặt tâm lý họ cần phải vượt qua trứơc tiên với sự cảm thông và giúp đỡ của gia đình, người thân và bạn bè.

Bà Schwarz đưa ra lời khuyên:

“Nếu tình cảnh bệnh tật không thể thay đổi được. Các bạn vẫn có thể tìm thấy một cuộc sống hạnh phúc, nếu bạn thử áp dụng một số điều mà tôi đã thực hiện. Trước tiên là nên yêu cầu được giúp đỡ khi thấy cần thiết để giữ cho sinh hoạt của bạn được bình thường, đừng mặc cảm về điều đó. Kế đến là hay đừng quan trọng hóa vấn đề, không nên cầu toàn, chọn những việc đơn giản.

Đúng là tình trạng bệnh tật rất khó khăn vất vả và dễ chán nản. Nhưng bệnh nhân có thể làm cho tinh thần được phấn chấn hơn, để có thể vui vẻ yêu đời trở lại.

Bà Schwarz

Không ngừng nghe ngóng để xem có phương cách chữa trị mới tốt hơn, hoặc tìm hiểu trao đổi với những người mang bệnh như mình, để xem việc gì đã giúp họ giữ được trạng thái tinh thần, sức khoẻ tốt. Tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm với những bệnh nhân Đa Xơ cứng, tôi sử dụng thuốc Prevagen, là loại thuốc giúp chống sự lão hoá thần kinh, hoặc các bạn có thể truy cập vào trang Web của tôi www.MakingLifeEasier.com hoặc www.MSHopeTrials.com sẽ có những thông tin cho bạn.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là hãy sống với một niềm hy vọng. Mỗi sáng khi tôi thức dậy, tôi quyết định hôm đó sẽ là một ngày vui tươi, tốt đẹp hay như thế nào đó, và nếu như không được như vậy thì tôi nghĩ rằng ngày mai chắc sẽ tốt đẹp hơn.”  

Trong cuộc sống hàng ngày, chung quanh ta không ít những tấm gương về ý chí và nghị lực của những người chống chọi với bệnh tật. Họ tuy “tàn” nhưng không “phế” vì mang đến cho đời những cống hiến đáng trân trọng như trường hợp của bà Shelly Schwarz.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.