Những yếu tố sức khỏe cần lưu tâm với phụ nữ ở độ tuổi ngoài 50
2015.10.05
Phụ nữ khi bước vào độ tuổi 50 trở lên thường hay gặp một số những vấn đề về sức khỏe ban đầu, nếu không được chú ý kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả sau này. Những xét nghiệm sức khỏe nào phụ nữ ngoài 50 nên thực hiện thường xuyên và những thay đổi về cách sống nào những phụ nữ ngoài 50 nên theo đuổi để duy trì sức khỏe tốt? đó là chủ đề của tạp chí sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách.
Phụ nữ 50 và ngoài 50 thường bắt đầu có những dấu hiệu về sức khỏe bao gồm béo phì, tim mạch, tiểu đường, loãng xương, thậm chí ung thư, nhất là ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ những căn bệnh này hoàn toàn có thể được ngăn chặn hoặc được điều trị kịp thời nếu được phát hiện sớm.
Bệnh tim mạch và tiểu đường
Các bệnh tim mạch là những bệnh rất phổ biến ở người lớn tuổi nói chung, phụ nữ lớn tuổi nói riêng, với các dạng bệnh thường gặp là xơ vữa động mạch, động mạch vành và tai biến mạch máu não. Thậm chí những bệnh này còn phổ biến ở nữ giới nhiều hơn nam giới lớn tuổi. Nguyên nhân được các bác sĩ giải thích là do yếu tố hormone. Phụ nữ ở độ tuổi 50 và ngoài 50 đã bước vào giai đoạn mãn kinh. Giai đoạn này, mức hormone estrogen trong máu giảm dẫn đến những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Bác sĩ Cheryl Bushnell, Giám đốc Trung tâm tai biến mạch máu não Wake Forest Baptist ở North Carolina cho biết:
Bs. Cheryl Bushnell: tai biến mạch máu não thường ảnh hưởng phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Tiểu đường cũng phổ biến hơn ở phụ nữ, các vấn đề về tâm lý, trầm cảm cũng phổ biến hơn ở phụ nữ và có liên quan đến nguy cơ về tai biến mạch não và bệnh tim. Bệnh rung nhĩ (liên quan đến rối loạn nhịp tim) cũng phổ biến hơn ở phụ nữ và có liên quan đến tai biến mạch máu não.
Chỉ tính riêng ở nước Mỹ, số liệu thống kê của Hiệp hội tai biến mạch máo não Mỹ hồi năm 2014 cho thấy mỗi năm nước này có đến 425,000 phụ nữ bị tai biến mạch máu não, nhiều hơn 55,000 ca so với nam giới.
Theo Hiệp hội tai biến mạch máo não Mỹ, những phụ nữ có mỡ máu cao hơn mức 128 hoặc phụ nữ đã mãn kinh có vòng eo lớn hơn 89 cm (khoảng 35 inch), đều có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn bình thường đến 5 lần. Phụ nữ bị chứng đau nửa đầu có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn từ 3 đến 6 lần. Ngoài ra, phụ nữ có thai và đã từng bị chứng tiền sản giật cũng có nguy cơ bị tai biến mạch máu não gấp đôi so với những phụ nữ không có các chứng bệnh này.
Một số phụ nữ mãn kinh sử dụng liệu pháp hormone cũng có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn, theo một bản hướng dẫn mới của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ vào năm 2014. Bác sĩ Bushnell cho biết:
Bs. Cheryl Bushnell: đã nhiều năm chúng tôi không khuyến khích sử dụng liệu pháp hormone với phụ nữ có bệnh tim mạch. Chúng tôi không khuyến khích liệu pháp hormone cho việc ngăn chặn bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Các thử nghiệm cho thấy nó thậm chí làm tăng cơ bệnh. Với những phụ nữ không có nguy cơ bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não thì việc sử dụng hormone có thể là an toàn nhưng phải tùy từng trường hợp cụ thể và bác sĩ phải nói chuyện với bệnh nhân của mình.
Bác sĩ Paula Johnson, chuyên khoa tim mạch, Giám đốc Trung tâm sức khỏe phụ nữ và sinh học giới Conners, Hoa Kỳ, cho biết về các triệu chứng về bệnh tim mạch mà phụ nữ cần chú ý:
Bs. Paula Johnson: các triệu chứng điển hình của bệnh tim là tức ngực. Bạn cũng biết dấu hiệu đó giống như là có đó đang đấm vào ngực mình. Không phải là phụ nữ không bị triệu chứng đó. Rất nhiều phụ nữ có các triệu chứng đó. Nhưng so với đàn ông thì phụ nữ thường hay có các triệu chứng về tiêu hóa, khó thở, mệt mỏi quá mức hơn… Khi bạn bị chứng trào ngược thực quản nhưng uống thuốc chống axit dạ dày mà không hết thì bạn nên nghĩ là mình có thể bị bệnh tim.
Các bác sĩ thường khuyên phụ nữ ở độ tuổi 50 trở lên nên thường xuyên đi kiểm tra máu định kỳ hàng năm và kiểm tra huyết áp để biết được liệu mình có bị mỡ máu cao hay không, lượng đường trong máu ra sao và có bị huyết áp cao hay không. Những phụ nữ hút thuốc lá và bị bệnh béo phì hoặc có người cùng dòng máu bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 50 ở nam giới và trước 60 ở nữ giới, cần phải đặc biệt chú ý đến những khuyến cáo về xét nghiệm hàng năm dành cho mình.
Bệnh ung thư
Người lớn tuổi cũng phải cẩn trọng với những dấu hiệu của các bệnh ung thư. Đối với phụ nữ ngoài 50, những bệnh ung thư dễ gặp nhất là ung thư vú, buồng trứng và tử cung.
Theo Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, căn bệnh ung thư vú khiến khoảng 450,000 chết trên toàn thế giới mỗi năm. Xét nghiệm sớm phát hiện ung thư vú là mammogram hay còn gọi là chụp ngực. Đây là căn bệnh có khả năng điều trị cao nhất trong các loại ung thư. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi là 90%, ở giai đoạn hai, cơ hội là 60%. Tại Mỹ, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên bắt đầu đi chụp ngực mỗi năm một lần bắt đầu từ độ tuổi 40 trở lên. Tuy nhiên với những người có gene di truyền BRCA 1, một loại gene có thể dẫn đến ung thư vú, được khuyên nên đi chụp ngực và cộng hưởng từ bắt đầu từ độ tuổi 35.
Với bệnh ung thư cổ tử cung, số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy căn bệnh này khiến khoảng 500,000 người chết mỗi năm. Tại Việt nam, con số thống kê được đưa ra vào năm 2011 là khoảng 2,400 người. Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do virus papilloma ở người hay còn gọi là HPV. Việc xét nghiệm HPV và phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư do HPV gây ra ở phụ nữ giúp điều trị kịp thời bệnh này. Khi bị phát hiện có dấu hiệu tiền ung thư hay ung thư ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ. Sau đó có thể được điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị. Tại những nước khác nhau, quy định về việc đi kiểm tra papsmear định kỳ là khác nhau tùy theo nguồn lực mỗi nước. Quy định chung của WHO là từ độ tuổi 25 trở lên. Tại Mỹ quy định về độ tuổi là sớm hơn. Bác sĩ Mona Saraiya, thuộc phòng ngăn ngừa và kiểm soát ung thư của CDC Hoa Kỳ cho biết tất cả các hướng dẫn ở Mỹ đều thống nhất về quy định độ tuổi thử papsmear như sau:
BS. Mona Saraiya: tất cả các hướng dẫn đều thống nhất ở điểm là tất cả phụ nữ đều không phải làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung cho đến khi họ 21 tuổi. Bước tiếp theo là tư 21 đến 30 thì họ bắt đầu làm xét nghiệm cứ 3 năm một lần, tức là paptest, họ không cần làm đều đặn mỗi năm mà chỉ là 3 năm một lần. Đến tuổi 30 và lớn hơn, tức là 64 tuổi, họ có thể hoặc làm pap test đơn lẻ hoặc kết hợp cả hai test là pap test và HPV test. Nếu cô ấy làm pap test thì có thể làm 30 năm một lần và nếu cô ấy làm cả hai xét nghiệm kết hợp thì sẽ an toàn hơn thì có thể làm sau 5 năm.
Theo hướng dẫn tại Mỹ, những phụ nữ làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung đầy đủ và không phát hiện có dấu hiệu bất thường thì có thể ngừng xét nghiệm này ở độ tuổi 64. Những người đã cắt bỏ phần phụ không phải do nguyên nhân ác tính cũng không cần phải làm xét nghiệm papsmear.
Riêng với bệnh ung thư buồng trứng, việc phát hiện sớm bệnh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì những xét nghiệm hiện tại chưa đưa lại kết quả chẩn đoán có kết quả chính xác cao. Tiến sĩ Jennifer Loud thuộc viện Ung thư Hoa Kỳ cho biết về những xét nghiệm về ung thư buồng trứng với những phụ nữ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao như sau:
TS. Jennifer Loud: Khuyến cáo là bắt đầu làm các siêu âm đầu rò và thử máu CA 125 từ tuổi 30 hoặc 35 và làm cứ mỗi 6 tháng 1 lần. Chúng tôi không có số liệu cụ thể là việc này làm tăng khả năng sống sót của những người bị phát hiện ung thư buồng trứng hoặc phát hiện sớm ung thư buồng trứng. Nhưng lúc này chúng tôi vẫn khuyến cáo các phụ nữ theo cách này vì chúng tôi không còn lựa chọn nào khác để đưa cho họ, những phụ nữ có nhiều khả năng bị ung thư buồng trứng như mang trong người gene BRCA 1 và BRCA 2.
Cũng bởi tính hiệu quả chưa cao của những xét nghiệm này, Tiến sĩ Jennifer Loud khuyên những phụ nữ mang trong mình gene di truyền BRCA 1 và BRCA 2 và đã có con, nên xem xét việc cắt bỏ hoàn toàn phần phụ bao gồm buồng trứng, ống dẫn trứng.
Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi cũng có nguy cơ cao bị ung thư ruột già. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giúp làm giảm nguy cơ bệnh. Những người từ 50 tuổi trở lên đến 75 tuổi được khuyên nên được khám xét nghiệm ung thư ruột già. Các bác sĩ gia đình sẽ có những lời khuyên cụ thể về loại xét nghiệm nào là thích hợp nhất, bao gồm thử phân hoặc soi ruột.
Bên cạnh việc tuân thủ những khuyến cáo về xét nghiệm và kiểm tra bệnh định kỳ, phụ nữ từ độ tuổi 50 trở lên với nguy cơ tăng cân cao thường dễ dẫn đến những bệnh như tiểu đường, tim mạch và ung thư cũng được khuyên nên chú ý hơn tới chế độ ăn và thể dục. Chế độ ăn cụ thể bao gồm tăng chất xơ trong rau quả, giảm ăn cơm gạo trắng và các sản phẩm làm từ tinh bột. Ngoài ra phụ nữ lớn tuổi cũng được khuyên nên thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao hàng ngày, dù chỉ là đi bộ mỗi ngày cũng giúp làm giảm đáng kể những nguy cơ bệnh tật khi tuổi già.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.