Chương trình Sức khỏe và đời sống kỳ này sẽ giới thiệu đến quý vị những thông tin cơ bản về bệnh loãng xương.
Hội nghị Châu Âu về Loãng xương năm 1990 đã định nghĩa bệnh loãng xương, là một bệnh đặc trưng gây ra bởi một khối lượng xương thấp tới mức làm cho xương bị yếu, trở nên giòn và dẫn tới dễ bị gãy hơn bình thường. Chỉ cần một sự va chạm nhẹ hoặc bị té ngã cũng có thể khiến xương bị gãy.
Bệnh dịch thầm lặng
Loãng xương là một căn bệnh về rối loạn chuyển hoá của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương và tăng nguy cơ gãy xương đối với người bệnh. Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và thành phần các chất cấu tạo xương.
Trong cấu trúc xương, vỏ xương là phần xương cứng chiếm 80% toàn bộ khung xương. Thành phần hoá học của xương gồm hai yếu tố chính là protein và chất khoáng. Protein chiếm 1/3, trong đó 90% là các collagen, cấu trúc dạng mạng lưới, bắt chéo để giúp xương có sức chịu lực. Chất khoáng chiếm 2/3 với các thành phần chính là calcium, magne, kali, phospho…là những tinh thể ở dạng đĩa gắn vào mạng lưới collagen.
Quy trình chu chuyển xương gồm quá trình xây dựng xương ở trẻ em và quá trình tái tạo xương cho người lớn. Ở trẻ em quá trình tạo xương nhiều hơn huỷ xương, nhất là ở những vị trí gần đầu xương, làm thay đổi kích thước xương, nên giúp tăng trưởng chiều cao. Đối với người lớn, quá trình tạo xương và huỷ xương tương đương, thậm chí đối với người cao niên việc tạo xương ít hơn huỷ xương. Tạo xương ở những vị trí xương bị huỷ để lấp đầy các hốc xương bị huỷ. Do đó xương được sửa chữa nhưng không thay đổi kích thước và không tăng trưởng.
Xương đóng một vai trò quan trọng đối với cơ thể. Chức năng của bộ xương là cái giá đỡ cho toàn thân, bảo vệ các cơ quan nội tạng của cơ thể. Ngoài chức năng vận động, xương còn nắm chức năng điều hoà calcium và máu, đồng thời cũng là ngân hàng dự trữ calcium.
Hiện nay, bệnh loãng xương được xem như một “bệnh dịch thầm lặng” (Osteoporosis: The Silent Epidemic Disease) vì chứng loãng xương thường diễn biến âm thầm, quá trình loãng xương diễn ra từ từ nên lúc đầu ít thấy có triệu chứng gì. Chỉ tới khi bị loãng xương nặng, hay xương bị gãy hoặc bị xẹp thì mới thấy có biểu hiện.
Bệnh loãng xương là một bệnh có thể gây tàn phế và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Mức độ nặng nề của biến chứng gãy xương trong bệnh loãng xương được xếp tương đương với tai biến mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim, trong bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột qụy, trong bệnh cao huyết áp. Các thống kê y khoa cho thấy hiện nay tỉ lệ mắc bệnh này tương đương với các bệnh về tim mạch, cao huyết áp hay bệnh tiểu đường, và có xu hướng ngày càng gia tăng, lan rộng trên nhiều nước.
Tuy không gây chết người nhưng bệnh loãng xương có thể dẫn đến gù, còng, đau xương và cột sống. Người mắc bệnh loãng xương còn rất dễ bị gãy xương ở vùng cột sống, cổ xương đùi và cổ tay.
BS Vũ Thị Thanh Thủy, HN
Theo Phó Giáo sư-Bác sĩ Vũ Thị Thanh Thuỷ, Phó Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, "loãng xương là tình trạng xương mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy. Tuy không gây chết người nhưng bệnh loãng xương có thể dẫn đến gù, còng, đau xương và cột sống. Người mắc bệnh loãng xương còn rất dễ bị gãy xương ở vùng cột sống, cổ xương đùi và cổ tay."
Bệnh loãng xương thường gặp ở nhóm người cao niên, đặc biệt đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, loãng xương làm tăng mối nguy cơ đối với sức khoẻ. Vì sao chứng loãng xương thường xuất hiện ở người lớn tuổi, Bác sĩ Đỗ Vũ Mai Khanh hay còn được gọi là Bác sĩ Connie Đỗ, hiện phụ trách hai phòng khám các bệnh liên quan về Xương tại tiểu bang Virginia, nói về chứng loãng xương ở người cao niên và phụ nữ:
“Chứng loãng xương thường xảy ra ở những người lớn tuổi, tại vì theo thời gian thì xương bị lão hoá. Và phần lớn thấy ở người phụ nữ vì họ mang thai, mà khi có bầu thì những chất bổ trong người sẽ giúp cho bào thai. Thành ra, đối với những người không uống đủ vitamin thì khi già xương sẽ loãng nhanh hơn những người bình thường.”
Nguyên nhân

Có nhiều nguy cơ đưa đến loãng xương nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hụt calcium. Đối với những người thể chất kém phát triển từ khi còn nhỏ, đặc biệt là bị còi xương, suy dinh dưỡng do khẩu phần ăn thiếu protid, calcium, thiếu vitamin D hay cơ thể không hấp thụ được vitamin D. Do vậy khối lượng khoáng chất cần thiết để cấu tạo xương ở giai đoạn trưởng thành thấp. Đây là nguy cơ quan trọng của bệnh loãng xương.
Loãng xương ở phụ nữ thường xảy ra với những người trải qua quá trình sinh nở nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ mà không ăn uống đủ chất để bù đắp lại. Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt protid và calcium. Bên cạnh đó, hội chứng suy giảm hormone sinh dục, thường gặp ở phụ nữ vào tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân đưa đến loãng xương.
Ở người lớn tuổi, quá trình giảm xương tăng, ngược lại quá trình tạo xương giảm, do các tế bào sinh xương, gọi là Osteoblast, bị lão hoá, cộng thêm sự hấp thụ calci và vitamin D ở ruột bị hạn chế.
Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy một số yếu tố có thể đưa đến nguy cơ bị loãng xương như, những người mắc một trong các bệnh như: bệnh về tuyến thượng thận, suy thận mãn tính, bệnh cường giáp trạng, hay những người lạm dụng các loại thuốc có chứa chất corticoid trong thời gian dài. Vì hầu hết các bệnh này đều làm giảm hấp thu calcium ở ruột và tăng bài tiết calcium ở thận. Những người bị bệnh yếu liệt chi hoặc do bị chấn thương cột sống phải nằm bất động lâu ngày, quá trình huỷ xương sẽ tăng do các tế bào huỷ xương tăng hoạt tính.
Một yếu tố quan trọng là vitamin D cũng góp phần giúp cho việc hấp thu calcium của cơ thể. Nên đối với những người bị các bệnh mãn tính về đường tiêu hoá thì cũng hạn chế việc hấp thu calcium, protid, và vitamin D.
Loãng xương thường tiến triển trong một thời gian dài mà không thấy có triệu chứng gì biểu hiện ra bên ngoài. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi tình trạng loãng xương đã nặng, chúng thường xuất hiện đột ngột sau những sang chấn nhẹ hoặc có thể xuất hiện từ từ tăng dần. Thông thường loãng xương gây đau xương và đó là triệu chứng chính. Đau tăng khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu, giảm khi nghỉ ngơi. Trong bệnh loãng xương không có biểu hiện đau các khớp, bởi vậy khi có các biểu hiện đau khớp thì cần nghĩ tới bệnh khác, đặc biệt là bệnh thoái hoá khớp là bệnh cũng rất thường gặp ở người già.
Biểu hiện
Bác sĩ Connie Đỗ giải thích sự phân biệt giữa bệnh loãng xương với bệnh thấp khớp như sau:
“Khi bệnh nhân vô đến văn phòng thì họ chỉ nói là bị đau thôi. Bác sĩ phải chẩn đoán xem là họ bị thấp khớp (Rheumatoid) hay loãng xương (Osteoporosis). Bệnh nhân bị thấp khớp thì khớp xương của họ bị sưng lên nên họ cảm thấy bị đau, còn bị loãng xương thì những khớp xương bị mòn đi, cho nên họ cũng cảm thấy đau. Khi biết bệnh nhân bị bệnh gì thì mình sẽ theo phương pháp mà trị liệu.”

Những biểu hiện khác của loãng xương như: giảm chiều cao của cơ thể, hay biến dạng cột sống do các đốt sống bị xẹp. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là gãy xương. Đây là hậu quả nặng nề nhất do loãng xương gây ra. Người bệnh có thể bị gãy xương ở mọi vị trí. Tuy nhiên trường hợp gãy cổ xương đùi thường hay gặp ở nam giới trên 70 tuổi. Trong khi thường thấy ở phụ nữ sau mãn kinh từ 10 – 20 năm là các trường hợp gãy đầu dưới xương cẳng tay và gãy các đốt sống. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra sau một sang chấn rất nhẹ, có thể chỉ do sự thay đổi tư thế đột ngột, có những trường hợp do ho hoặc hắt hơi mạnh.
Tuy vậy các triệu chứng này chỉ có tính chất gợi ý cho việc chẩn đoán bệnh loãng xương vì chúng không hoàn toàn đặc hiệu cho bệnh loãng xương, chúng cũng có thể biểu hiện trong một số bệnh khác. Cho nên muốn khẳng định chẩn đoán loãng xương người bệnh cần phải được kiểm tra bằng những phương pháp đo để biết mật độ của xương.
Loãng xương là một diễn biến âm thầm, nên không thể đợi đến khi bị gãy xương rồi mới chữa, vì chi phí điều trị rất tốn kém, nhưng hiệu quả lại không cao. Vậy làm thế nào để biết mình có bị loãng xương hay không? Bác sĩ Connie Đỗ khuyên những người cao niên và phụ nữ trung niên nên đi khám thường xuyên:
“Chúng ta có thể đi đến các trung tâm để khám, hay như trong cộng đồng người Việt tại đây, mỗi năm đều có tổ chức ngày khám bệnh miễn phí (Health Fair). Mọi người có thể đến khám xem mình có bị loãng xương, cao máu, hay đường trong máu cao hay không. Ở đây có những chương trình như vậy, mỗi năm tổ chức một lần, và hoàn toàn miễn phí, nên có thể tư vấn cho các cụ đến khám. Thành ra mình có thể tới đó khám hay đến những văn phòng bác sĩ và hỏi ở những trung tâm nào có máy đo loãng xương để tới đó thử.”
Khi bệnh nhân vô đến văn phòng thì họ chỉ nói là bị đau thôi. Bác sĩ phải chẩn đoán xem là họ bị thấp khớp (Rheumatoid) hay loãng xương (Osteoporosis)để mà trị liệu.
Bác sĩ Connie Đỗ
Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán loãng xương. Bác sĩ Connie Đỗ nói:
“Bây giờ thì có máy móc tối tân. Người ta sẽ thử bằng máy móc. Ở bên Mỹ bác sĩ vẫn dùng máy này để thử cho bệnh nhân, rất dễ. Máy rất nhỏ, khoảng bằng 16x16 inch và bệnh nhân đặt bàn chân họ lên. Máy đó sẽ chụp X-ray xương bàn chân, và sẽ đo theo xương bàn chân với tỉ lệ của xương ở mức bình thường, thì sẽ biết với độ tuổi và tỉ lệ xương như vậy thì người đó có bị loãng xương hay không.”
Ở Việt Nam, trước kia, khi chưa có phương pháp đo mật độ xương, người ta chẩn đoán bệnh loãng xương dựa vào kết quả chụp X-quang xương bàn tay và cột sống hoặc dựa vào một số xét nghiệm khác. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, chi phí thấp, có thể thực hiện được cả ở những cơ sở y tế địa phương. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là chẩn đoán loãng xương muộn. Khi chất lượng khoáng trong xương đã giảm từ 30 – 50% thì trên X-quang mới rõ.
Hiện nay một số bệnh viện ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác đã được trang bị loại máy đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương.